Vào mùa nước lớn, khi các chủ lồng bè thu hoạch cá nuôi xong, cũng là lúc những người làm nghề chài lưới bắt đầu vào mùa làm ăn.
Vào mùa nước lớn, khi các chủ lồng bè thu hoạch cá nuôi xong, cũng là lúc những người làm nghề chài lưới bắt đầu vào mùa làm ăn. Lấy công sinh lời, với chiếc xuồng ba lá nhỏ, tấm lưới rộng vài chục mét, mỗi mẻ lưới họ có thể thu về 2-3kg cá cơm, linh, rô phi… Nếu may mắn, những con cá lăng, trắm, mè, basa… cũng dính lưới.
Những tháng mùa mưa, cá nhiều, những người “mót” cá có thể thu về 200-300 ngàn đồng/ngày, đủ để họ trang trải cuộc sống hàng ngày.
* “Mót” cá mưu sinh
Sáng sớm, gia đình anh Nguyễn Văn Mộc (46 tuổi, ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán) đã buông mẻ lưới đầu tiên trên sông La Ngà. Mặt nước lúc này bình yên, trên sông không một bóng thuyền, chỉ có những lồng bè xếp sát vào nhau lẫn trong đám sương mù dày đặc. Như thường lệ, anh Mộc đóng chiếc cọc sâu độ 30-50cm vào phía trong mé đất bờ sông để buộc một đầu tấm lưới vào đó, phần lưới còn lại cuộn thành bó để trên xuồng.
Cách “tiếp thị” cá của những người bán thật lạ, họ cầm cá lên rồi vẫy vẫy thu hút khách qua đường. |
Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, anh Mộc nhảy lên xuồng, vừa chèo xuồng vừa thả lưới theo sau. Cứ như thế, khoảng 30 phút, anh đã quây tròn một mặt sông rộng chừng 500m2. Đoán chừng lưới câu gần hết, anh Mộc lại chèo xuồng quay về mé bờ sông nơi đã buộc một đầu lưới cố định. Lúc này, vợ và con gái anh đang đứng đợi sẵn trên bờ. Nhìn thấy xuồng anh Mộc tiến gần, họ nhanh chóng xuống kéo tấm lưới gọn vào một chỗ.
“Mỗi mẻ lưới, từ khi buông ra đến lúc bắt cá kéo dài gần một giờ. Cứ áng chừng độ dài, rộng của lưới mà người thả lưới đo diện tích mặt sông cho phù hợp. Chờ cho mặt sông lặng nước, tôi lại chèo xuồng về phía kia, cách đây khoảng cây số để tiếp tục công việc. Trung bình, mỗi ngày tôi có thể kéo 7-9 mẻ lưới. Ở đây nhiều nhà nuôi cá, dù có bảo vệ bằng cách nào thì chúng vẫn xổng ra ngoài. Chúng tôi dựa vào đó để đi “mót” lại. Hôm nào may mắn, cũng có cá lớn để bán” - anh Mộc nói.
Phía cầu đối diện thuộc địa phận xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), anh Võ Xuân Phúc (39 tuổi) cùng với người bạn tên Vinh (39 tuổi) bắt đầu cuộc mưu sinh. Thấy anh Phúc loay hoay, anh Vinh cùng xúm lại, đẩy phụ chiếc xuồng nặng trịch xuống mé nước. “Bữa nay đi hướng nào?” - anh Vinh cất tiếng hỏi lớn. Xếp xong đống lưới lên xuồng, anh Phúc trả lời nhanh: “Ra đồi cát. Cách bờ chút xíu…”.
Xong hết công việc chuẩn bị, anh Phúc ôm tấm lưới bỏ lên xuồng. Hai người bắt đầu chèo xuồng ra giữa lòng sông. Đi được một đoạn, họ quyết định chuyển hướng quay lại bờ. “Hôm nay nhiều xuồng quá, làm gần trong này cho chắc, ra xa dễ đụng với xuồng khác. Với lại, trời mưa gió lớn, không có chỗ cắm cọc dễ bị bung lưới ra lắm. Làm gần bờ, nơi neo cọc chắc chắn, di chuyển cũng dễ dàng” - anh Phúc lên tiếng.
Sau gần 30 phút vào ra, nhóm anh Phúc và Vinh bắt đầu buông mẻ lưới đầu tiên. Nhẹ nhàng nhưng rất lanh lẹ, 2 anh nhanh chóng dùng lưới quây thành một vòng tròn giữa lòng sông. Thả lưới xong, anh Vinh rít hơi thuốc thật lâu rồi mới tiến hành kéo lưới. Mẻ lưới đầu, cả hai thu về gần 3kg cá cơm; 5 con cá basa và cá lăng nằm gọn ở dưới đáy lưới.
“Chuyến này ngon ăn rồi, mỗi ngày trúng vài ký cá lăng như thế này thì may. Quanh đây, người ta nuôi nhiều cá lăng, chuyện lọt khỏi bè là bình thường. Mùa này nước lớn, cá xổng khỏi lồng bè cũng nhiều, mình tranh thủ đi “mót” lại kiếm chút đỉnh” - tiếng anh Vinh sang sảng giữa không gian mênh mông.
* “Chợ” cá trên quốc lộ
Những con cá cơm vướng vào lưới nảy lên liên tục, những chú cá linh, cá bống to nằm gọn trong mẻ lưới. Bằng những động tác thành thục, chị Hồ Thị Thiết (41 tuổi, vợ anh Mộc) cầm cái rổ lớn vung tay xúc gọn đám cá vào trong. “Trời đang còn sớm, cá con nào con nấy tươi rói, khách đi đường thấy vậy ghé vào mua. Những ngày làng bè thu hoạch, chúng tôi cũng kiếm được kha khá, nhưng chủ yếu vẫn là cá cơm. Vì mùa mưa, cá cơm sinh trưởng rất nhiều, chúng chỉ có mấy tháng này thôi” - chị Thiết cho hay.
Mẻ đầu tiên, chị Thiết bưng rổ cá lên ven đường lớn bán, còn con gái quay về phía mạn sông cùng cha thả mẻ lưới tiếp theo. Chị cho biết thêm, cá cơm giá 20 ngàn đồng/kg, cá lăng khoảng 80 ngàn đồng/kg… Mỗi ngày gia đình chị bán gần 10kg cá các loại, thu về từ 200-300 ngàn đồng. Nhưng nếu may mắn, số tiền ấy có thể nhiều hơn và đủ cho họ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Vì chỉ bắt trong mấy tháng mùa mưa nên sau khi sông cạn, gia đình chị lại chuyển sang làm nghề khác.
Mùa nước lớn, nghề “mót” cá trở thành công việc mưu sinh của nhiều người. |
Chỉ tại khu vực cầu La Ngà, mỗi ngày cũng có 5-7 người bán cá. Dọc 2 bên cầu, những rổ cá được bày ra, mỗi lần có khách chạy xe ngang, nhóm người bán lại đưa những con cá vừa bắt được vẫy vẫy mời chào. Những con cá basa, cá lăng to bằng bắp tay còn tươi rói, vùng vẫy mạnh khi được người bán đưa lên. Chị Đặng Thị Liễu, bán cá ở cầu La Ngà, tâm sự: “Cá sông mùa này béo và thịt ngon. Sang mùa nước cạn, cá bắt ít hẳn, chẳng còn những ngày bán cá rôm rả như mấy hôm nay đâu. Cứ vào các tháng mưa, họ lại hẹn nhau quay về đây”.
Vừa bán cho khách ký cá cơm xong, chị Liễu đã chạy xuống bến lấy thêm cá của những người vừa đi thả lưới về. Dù trong nhà không có người làm nghề chài lưới, nhưng chị Liễu vẫn đến đây mua lại cá của các thợ chài rồi đem lên bờ bán cho khách đường xa. Chừng 3-4 giờ chiều, người qua cầu rất đông, nhiều người ghé vào mua cá tươi. Cá ở đây giá cả rẻ, lại tươi ngon vì vừa bắt ở dưới sông lên.
Buổi họp “chợ” diễn ra suốt ngày, từ sáng sớm đến khi những người làm nghề chài lưới ngưng “mót” cá dưới dòng sông. Đến lúc này, những người bán cá trên cầu cũng ngưng việc buôn bán. Với khoảng 10 người, chợ cá tự phát này chỉ “mọc” lên trong mấy tháng mùa mưa, khi nước sông dâng cao.
Thanh Hải