Báo Đồng Nai điện tử
En

Mẹ con cùng vượt khó

10:09, 15/09/2013

Từ ngày chồng mất, chị Nguyễn Thị Hà (ngụ tổ 8, ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) phải cật lực lao động để có tiền lo cho các con ăn học. Như hiểu được tấm lòng của chị, các em: Nguyễn Thị Hồng Vân (học lớp 12), Nguyễn Thị Tiên (học lớp 8) luôn nỗ lực học tập để là con ngoan, trò giỏi.

Từ ngày chồng mất, chị Nguyễn Thị Hà (ngụ tổ 8, ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) phải cật lực lao động để có tiền lo cho các con ăn học. Như hiểu được tấm lòng của chị, các em: Nguyễn Thị Hồng Vân (học lớp 12), Nguyễn Thị Tiên (học lớp 8) luôn nỗ lực học tập để là con ngoan, trò giỏi.

Từ ngày anh Hải (chồng chị Hà) mất, chị Hà phải lao ra đồng làm thuê làm mướn cho người dân trong vùng để nuôi 3 con ăn học.

* Bao bọc đàn con

Chị Hà rơm rớm nước mắt kể, từ ngày anh Hải phát bệnh tâm thần và bị tai nạn giao thông làm chấn thương sọ não, chị phải túc trực tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc chồng. Lúc anh Hải xuất viện, chị mới rảnh rang dăm bữa để đi làm kiếm tiền. Một hôm, do chị mải đi làm thuê, các con bận đến trường, anh Hải ra sau nhà và sẩy chân chết đuối. “Nhìn các con đang tuổi ăn học, tui không thể ngồi than thân trách phận mà để các con thiếu ăn, thiếu học, để cho các cậu của con gánh vác mọi thứ giùm mình mãi. Nghĩ vậy tui làm việc không thấy mệt, chỉ tiếc mình không nghề nghiệp, phải làm việc gấp đôi người thường để có nhiều tiền lo cho các con” - chị Hà ôm chặt bé Thiện (5 tuổi) vào lòng và nói.

Lớp trưởng Nguyễn Thị Tiên (thứ 2, từ trái sang) luôn được cô giáo chủ nhiệm và bạn bè động viên, giúp đỡ.
Lớp trưởng Nguyễn Thị Tiên (thứ 2, từ trái sang) luôn được cô giáo chủ nhiệm và bạn bè động viên, giúp đỡ.

Nựng nịu bé Thiện một lúc cho thỏa tình mẫu tử (vì đi làm từ sáng đến chiều về mới được ở bên con), chị Hà đặt con vào giường ngủ để tiện bề tiếp chuyện chúng tôi. Chị nói, 4 giờ sáng chị và bé Tiên phải dậy lo cơm nước để mang theo ra đồng. “Công việc hàng ngày của tui là làm thuê mướn, ai kêu gì tui làm đó. Nhờ làm nhóm nên có việc làm quanh năm, một ngày tui cũng kiếm được 120-150 ngàn đồng, tùy công việc, như: làm cỏ mì, chặt mía, bóc vỏ bạch đàn, phụ hồ… Số tiền kiếm được, mấy mẹ con tiện tặn ăn uống, để dành phần lớn chi phí cho việc học nội trú của bé Vân ở thị trấn Vĩnh An, bé Thiện học mẫu giáo và bé Tiên học lớp 8 trường gần nhà” - chị Hà thổ lộ.

Rồi chị đứng dậy trong cái dáng của người suốt ngày khom cúi làm việc nặng. Tất tả đi lấy tờ giấy khen gia đình hiếu học mà Hội Khuyến học xã Trị An trao tặng, chị Hà khoe với chúng tôi, dù công việc làm thuê mướn cực nhọc, thu nhập không cao, nhưng chị luôn hãnh diện với bà con trong xóm và bạn làm thuê về sự ngoan hiền, học giỏi của 2 cô con gái lớn. “Người ta thưởng thêm cho tui vài chục ngàn đồng vì làm tốt công việc trong ngày không bằng giấy khen của hội khuyến học tặng. Tui còn thấy mình an ủi hơn khi việc học của các con luôn được nhà trường, địa phương… quan tâm, động viên và kiên quyết nhắn nhủ tui không được để các cháu thất học” - chỉ tay vào bao gạo nơi góc nhà mà địa phương hỗ trợ hàng tháng cho gia đình, chị Hà tâm sự.

* Lớp trưởng giỏi giang

Đáp lại sự quan tâm của mẹ, các cậu ruột, thầy cô và chính quyền xã Trị An, 8 năm học liền, bé Tiên luôn là cô lớp trưởng học giỏi, ngoan hiền. Trò chuyện với chúng tôi, bé Tiên chia sẻ, do mẹ ngày nào cũng làm đồng xa nhà, chị Vân lại học nội trú trường huyện nên công việc nhà do một tay Tiên quán xuyến. “Trưa đi học về, ăn vội chén cơm, con tranh thủ giặt áo quần cho cả nhà. Chiều đi học về, con lo cơm nước và chăm sóc em nhỏ. Những ngày hè và chủ nhật, con và chị Vân mới có thời gian giúp cậu công việc vườn rẫy, hoặc làm thuê kiếm tiền phụ lo chi phí việc học” - bé Tiên nói.

Chị Nguyễn Thị Hà cùng con trong căn nhà nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Hà cùng con trong căn nhà nhỏ.

Có mặt tại nhà cô trò nhỏ chăm học nhất lớp, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Giang (chủ nhiệm lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Du, xã Trị An) thổ lộ, học sinh của lớp cô đa phần là con em lao động nghèo, mỗi em có nghị lực sống và học tập khác nhau. Riêng với lớp trưởng Tiên, cô luôn quý nghị lực ham học, vượt khó của cô học sinh mà cô làm chủ nhiệm. Với tay vuốt nhẹ mái tóc cô học trò nhỏ, cô giáo Giang nói: “Ngoài những suất học bổng do xã, huyện phân bổ về khuyến khích cho các học sinh vượt khó học giỏi, nhà trường và Hội đồng Đội còn vận động các lớp nuôi heo đất hỗ trợ học sinh nghèo. Cuối học kỳ, số tiền đập heo chỉ được gần 150 ngàn đồng/lớp, nhưng đó là nguồn động viên đối với những học sinh nghèo như em Tiên”.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu), thầy Nguyễn Thái Hà cho hay, phụ huynh học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, nên trường không xây dựng được quỹ khuyến học riêng. Tuy vậy, thầy cũng vận động giáo viên, nhân viên trong trường mỗi tháng đóng góp một ngày lương để làm quỹ hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Chúng tôi làm hết sức mình cùng với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục huyện và chính quyền địa phương để giúp bước chân đến trường của các em học trò nhỏ bớt nhọc nhằn”- thầy Hà chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Hồng Vân tỏ bày, chủ nhật cuối tuần Vân mới về nhà thăm em, giúp mẹ. Mỗi lần về, mẹ cho em 200 ngàn đồng để lo chuyện ăn ở tại trường nội trú. Đồng thời, em còn được cậu Sơn cho thêm vài chục ngàn đồng để mua thêm những thứ cần thiết khác.

Bên khu nhà trọ ríu rít tiếng học trò xa nhà, Vân tỏ bày, đã đôi lần, mẹ Hà muốn em nghỉ học để làm phụ mẹ nuôi 2 em. Những lúc đó, Vân khóc rất nhiều và cầu cứu cậu Sơn nói với mẹ để em tiếp tục được cắp sách đến trường. “Em biết mẹ rất thương con, vì nhà khó quá và mẹ không đủ sức nên mới có ý định cho em nghỉ học. Để giảm bớt gánh lo cho mẹ, em luôn chi tiêu tiết kiệm. Cuối tuần, em còn dư tiền mua quà tặng em nữa đó” - Vân cho hay.

Đón em từ nhà cậu Sơn về, bé Tiên mải lo tắm gội cho em mà quên chúng tôi cùng cô giáo Giang đang có mặt tại nhà. Một lúc sau, Tiên mới lên nhà trên xin lỗi với vẻ rất trẻ con: “Đi học về con cứ làm việc nhà theo thói quen, không cần mẹ nhắc nhở. Xong việc, con ngồi vào bàn học đến 10 giờ tối mới ngủ. Hôm nay, do cô và chú đến đột xuất, mẹ lại không có ở nhà nên con không biết sắp xếp ra sao. Cô và chú thông cảm cho con nghen”.

Trong lúc chờ chị Hà đi làm đồng về, cô giáo Giang hàn huyên với chúng tôi rằng, bao năm gắn bó với Trường THCS Nguyễn Du, điều đọng lại trong cô là hình ảnh các trò nghèo cộc cạch xe đạp, mồ hôi nhễ nhại đến trường. “Mấy ai biết được, trong bộ đồng phục trắng - xanh tươm tất ấy, vẫn có nhiều cảnh đời bất hạnh, như: mồ côi cha (hay mẹ); cha mẹ ly hôn, phải ở với ông bà…, nhưng các em vẫn đầy nghị lực đến trường và mơ ước làm kỹ sư, bác sĩ khi các em còn học ở bậc THCS, mà không biết mình sẽ đứt đoạn việc học lúc nào bởi những biến cố gia đình”- cô Giang đầy cảm xúc tỏ bày.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều