Báo Đồng Nai điện tử
En

Lặng thầm... thợ đường dây 110kV

10:09, 25/09/2013

Với nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa, khắc phục sự cố mạng lưới 110kV trải dài trên 400km, các thành viên trong Đội Quản lý đường dây cao thế (Xí nghiệp điện cao thế, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai) sẵn sàng treo mình trên đường dây cao thế, thách thức hiểm nguy để dòng điện được thông suốt.

Với nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa, khắc phục sự cố mạng lưới 110kV trải dài trên 400km, các thành viên trong Đội Quản lý đường dây cao thế (Xí nghiệp điện cao thế, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai) sẵn sàng treo mình trên đường dây cao thế, thách thức hiểm nguy để dòng điện được thông suốt.

Người thợ đường dây cao thế đu mình trên dây như diễn xiếc.
Người thợ đường dây cao thế đu mình trên dây như diễn xiếc.

5 giờ sáng chủ nhật, trời vẫn rả rích mưa, anh Hoàng Anh Toàn, Phó đội trưởng Đội Quản lý đường dây cao thế đã có mặt tại đơn vị, cùng đồng nghiệp triển khai công tác.

* An toàn tuyệt đối

Anh Toàn cho biết, từ 6-9 giờ, các anh sẽ tiến hành mở 3 “lèo” (đoạn dây kết nối giữa 2 đầu dây để liên thông mạch) đường dây tạm trụ 12 nhánh rẽ Gò Dầu, tại trụ 22 nhánh rẽ Vedan. Từ 9-12 giờ, thì đấu 3 “lèo” tại trụ số 1 nhánh rẽ Gò Dầu mạch 1 và kiểm tra, siết lại các kẹp, song song với tăng cường 3 “lèo” tại trụ 35. Từ 12-15 giờ thì đấu 3 “lèo” tại trụ 35 để thông mạch Phú Mỹ - Long Thành và chuyển 3 “lèo” Vedan về hướng Phú Mỹ. “Hôm nay, đơn vị chỉ triển khai thực hiện các công việc giản đơn như đóng và nối các “lèo” để đảm bảo cho đơn vị đường dây 500kV thi công khi qua các nhánh rẽ: Đồng Tiến, Vedan của đường dây 110kV mà đơn vị quản lý. Nhân dịp cúp điện này, các đơn vị điện lực khác cũng đồng loạt ra quân để bảo trì lưới điện, móc kéo mới…” - anh Toàn giải thích thêm.

Qua nhiều năm vận hành, quản lý trên 400km đường dây cao thế 110kV, các thành viên trong Đội Quản lý đường dây cao thế của anh Toàn đã có nhiều cải tiến, như: thang leo 3m (giá chỉ bằng 10% giá thang chuyên dụng), mâm xoay cuộn cáp khi vòng gỗ mục nát, đấu nối đường dây siêu tải AC150 không phải đợi 12 giờ cho phần nhôm tái tạo tự động…, đã rút ngắn thời gian thao tác và đảm bảm đóng điện nhanh khi tình huống sự cố xảy ra.

Để triển khai công tác cách nối các “lèo” tại những vị trí đã được lãnh đạo phê duyệt, Đội Quản lý đường dây cao thế của anh Toàn chia làm 3 nhóm nhỏ thực thi nhiệm vụ tại các vị trí khác nhau. Nhóm trưởng nhóm 1 Đặng Hồng Thán tỏ bày, công việc của người thợ đường dây cao thế 110kV, ngoài việc leo cao, đu mình trên các đường dây, thanh đỡ để sửa chữa, bảo trì các thiết bị hỏng hóc, các anh còn phải băng đồng, lội suối, leo dốc để khuân vác các vật tư thiết bị điện mà xe không thể vận chuyển đến từng địa điểm được vì địa hình lầy lội, đèo dốc. “Có chuyến đi, chúng tôi phải giăng bạt cắm trại tại hiện trường cả tuần lễ. Dù vất vả, thiếu thốn đủ bề nhưng anh em vẫn quyết tâm thực hiện công việc đúng tiến độ như phương án đã được lãnh đạo phê duyệt. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là ảnh hưởng đến tính mạng người thợ và dòng điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên diện rộng bị ngưng trệ” - anh Thán nói và cùng đồng nghiệp lên xe đến hiện trường.

Chỉ tay về phía những người thợ đang đu mình trên các thanh sắt, anh Toàn chia sẻ, ngoài sức khỏe, sự dẻo dai và không ngại độ cao, người thợ phải nắm chắc các kỹ năng, kỹ thuật trong thao tác cùng đồng đội. Chỉ tay vào mớ đồ nghề nào kẹp, đội, kềm…, cái nào cũng nặng trình trịch, anh Toàn nói: “Một nửa bên kia trụ điện, dòng điện vẫn đang tải, nên khi vận chuyển đồ nghề lên cho đồng nghiệp thao tác, anh em rất thận trọng, tỉ mỉ từng thao tác. Riêng công tác sửa chữa, như: kẹp tăng cường mối nối, thay sứ, nối dây, ép cốt lèo…, người thợ cần sự khéo léo trong lựa thế trụ trên dây, xà, từ đó bắt đầu thao tác chính xác từng động tác không làm mất nhiều sức. Nhờ đơn vị tăng cường thêm nhiều dụng cụ chuyên dụng hiện đại nên công việc của anh em hiện đỡ mất sức hơn so với trước đây và rút ngắn được rất nhiều thời gian làm việc” - anh Toàn cho hay.

* Công việc “tiều phu”

Ngồi bên vệ cỏ khi trời lất phất mưa, anh Toàn thỉnh thoảng bấm điện thoại hỏi tiến độ công việc từ đồng nghiệp. Bên kia đầu dây, tiếng nhóm trưởng nhóm 6 Dương Bá Hùng báo cáo: “Tụi em đã hoàn thành công việc mở 3 “lèo” đường dây tạm tại trụ 22 nhánh rẽ Vedan và đã hoàn tất công việc cuốn ngược lèo lên đường dây tạm. Các nhóm khác thế nào rồi anh?”. “Tất cả đều tốt” - anh Toàn trả lời. Rồi anh bắt đầu giới thiệu cụ thể công việc của đội: “Đội Quản lý đường dây cao thế 110kV của mình có 36 người. Ngoài việc sửa chữa, bảo trì, khắc phục sự cố đường dây, anh em trong đội còn phải gánh vác thêm các nhiệm vụ, như: phát quang hành lang lưới điện, kiểm tra nhằm phát hiện các hỏng hóc trên suốt chiều dài lưới điện trên 400km mà đường dây đi qua các huyện trên địa bàn tỉnh. Những công việc này được anh em trong đội gọi vui là công việc tiều phu đó”- anh Toàn nói.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa hiểu, anh Toàn giải thích, mỗi thành viên trong đội được giao quản lý từ 30-40km đường dây. Ngoài công việc tập trung lực lượng cho công tác sửa chữa, bảo trì theo định kỳ và đột xuất, các thành viên trong đội phải triển khai công tác phát quang hành lang lưới điện. Với công việc này, họ phải mang dao, rựa, máy phát cỏ khi tổ chức ra quân. “Anh em tuy không được đào tạo, huấn luyện sử dụng máy phát cỏ, hoặc cưa máy, chặt cây…, nhưng khi lao vào công việc, tự dưng ai cũng thành thạo. Công việc tuy không hiểm nguy, nhưng đòi hỏi anh em phải lao tâm khổ tứ, phải biết đôi chút về công tác vận động quần chúng mới hoàn thành nhiệm vụ” - anh Toàn điềm đạm cho hay.

Nhìn đồng nghiệp của anh Hoàng Anh Toàn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, rời vị trí làm việc để tìm cho mình góc nghỉ ngơi nơi hàng cây, bờ ruộng thưởng thức ly cà phê trong hộp nhựa pha sẵn trong lất phất mưa, lòng chúng tôi đan xen nhiều cảm xúc.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cắt, nối “lèo” trên đường dây, nhóm trưởng Hùng cùng đồng đội lần lượt rời trụ tìm chỗ nghỉ ngơi. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Hùng bộc bạch, với người thợ đường dây cao thế 110kV, chuyện ăn trên dây, ngủ ngoài đồng, ngoài rừng là chuyện bình thường. Đôi lúc các anh còn phải bỏ tiền túi hỗ trợ người dân khi xin phép đốn hạ những cây có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của lưới điện. “Tuy tiền túi anh em góp lại không lớn, nhưng điều đó làm bà con hài lòng với công việc của mình. Còn hạ cây ra sao phải thận trọng, chứ hạ quá trớn coi chừng bị bà con bắt đền và nếu do lỗi của mình thì bị đơn vị phê bình như chơi” - anh Hùng thổ lộ.

Với 36 con người trong Đội Quản lý đường dây cao thế 110kV, được chia làm 6 đội và mỗi người có trách nhiệm theo dõi những sự cố xảy ra bất cứ lúc nào trong chiều dài từ 30-40km, quả thật là chuyện khó làm. Vậy mà, các anh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kể từ năm 2001, khi Điện lực Đồng Nai được giao quản lý vận hành khối tài sản này.

Việc tiếp xúc với người thợ đang thao tác cách xa hàng chục mét bằng mắt nên thật khó lột tả hết điều họ đang làm. Chính vì vậy, giữa chúng tôi và những người thợ đường dây 110kV, vẫn là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi như kẻ “cưỡi ngựa xem hoa” và lời hẹn tái ngộ vẫn phải để dành...

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều