Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiếm tiền từ trứng kiến

11:09, 08/09/2013

Lấy trứng kiến phải thường xuyên thay đổi địa bàn, nay lấy chỗ này, mai lấy chỗ khác, phải duy trì sự sống cho kiến thì mới có nguồn trứng thu lâu dài.

Lấy trứng kiến phải thường xuyên thay đổi địa bàn, nay lấy chỗ này, mai lấy chỗ khác, phải duy trì sự sống cho kiến thì mới có nguồn trứng thu lâu dài. Khi thấy tổ kiến, người ta chỉ rung nhẹ cành cây cho đến khi lũ kiến chịu bỏ đi để lấy trứng.

Có màu trắng đục, kích cỡ như hạt gạo nếp, giàu chất dinh dưỡng, trứng kiến thường được người nuôi chim, cá cảnh tìm mua làm thức ăn cho chim, cá.

* Đi lùng trứng kiến

Mùa mưa là thời điểm loài kiến rủ nhau kéo đàn xây tổ trên khắp cành cây, ngọn lá. Những người săn trứng kiến phải phá lớp vỏ lá cây, hoặc mùn khô bên ngoài mới lấy được những hạt trứng kiến trắng, tròn như hạt gạo nếp. Công việc săn lùng trứng kiến khá thú vị, khiến chúng tôi cũng bị cuốn theo bước chân của những người săn trứng kiến vào những vạt rừng sâu.

Người lấy trứng kiến phải dùng vợt đưa vào dưới tổ rồi lay nhẹ cành cây để trứng rơi vào bên trong.
Người lấy trứng kiến phải dùng vợt đưa vào dưới tổ rồi lay nhẹ cành cây để trứng rơi vào bên trong.

Dường như nơi nào cây cối rậm rạp, ít có sự tác động của con người, thì nơi ấy loài kiến càng sinh sôi mạnh mẽ. Cây có tán lá rộng 7-8m có thể chứa đến hơn 10 tổ kiến, đeo lủng lẳng khắp các cành cây. Những “pháo đài” bất khả xâm phạm của loài kiến khiến không con vật nào dám bén mảng, phá đám.

“Thú nuôi chim, cá cảnh rầm rộ đã sinh ra cái nghề lạ lẫm này. Kiến có nhiều loại lắm, nhưng tôi thường gọi chung là kiến vàng và đen. Loại kiến vàng thường làm tổ trên cây, còn kiến đen làm tổ và sống dưới đất, gốc cây, nhưng hễ trời có mưa lớn, đất ủ nước lâu thì chúng sẽ “di cư” lên trên. Tổ kiến đen làm chắc lắm, thường bằng mùn và lá cây khô, nên lấy trứng hơi khó” - anh Phạm Ngọc Tuấn (28 tuổi, ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho hay.

Chui vào khu vực Soklu đất đá lởm chởm có những vườn chuối xanh tốt che hết tầm mắt người, chúng tôi bày tỏ băn khoăn với anh Tuấn: “Toàn chuối thế này thì kiếm đâu ra tổ kiến?”. Đôi chân vẫn thoăn thoắt bước nhanh qua những bậc đá, anh Tuấn lên tiếng: “Ở mé ngoài không có cây lớn, phải đi sâu vài cây số nữa mới đến “thủ phủ” của loài kiến”.

Cuốc bộ chừng hơn 1km nữa, thấy một tổ kiến vàng khá to đang treo lủng lẳng trên cành cây, anh Tuấn dùng cây vợt bằng vải (hoặc lưới) miệng rộng khoảng 20-30cm đưa từ từ lên vị trí lũ kiến đang ở. Thủng thẳng đứng dưới đất, anh Tuấn chỉ cần lắc nhẹ cây vợt vào tổ là kiến kéo nhau bỏ đi hết. Sau khi dụ chúng ra khỏi tổ, anh Tuấn chọc một khe nhỏ bằng nắm tay rồi lắc thật mạnh. Cứ thế, chỉ khoảng vài phút, trứng kiến bắt đầu rụng khỏi tổ, rơi hết vào cây vợt anh Tuấn đang hứng sẵn ở phía dưới.

Nếu như chỉ nghe kể lại thì công việc này giản đơn, ai cũng có thể làm được, nhưng các thợ săn kiến phải rất vất vả, chuyện bị kiến đốt bỏng rát, leo cây không may bị ngã thường như cơm bữa. Kiến cũng như ong, rất hung dữ, mỗi khi có kẻ lạ xâm phạm đến tổ, chúng túa ra tấn công.

“Lấy trứng xong, công đoạn làm sạch là quan trọng nhất. Trong vợt, kiến thợ còn nhiều lắm, dùng tay nhặt thì chúng cắn, mà lắc mạnh chúng chẳng đi, có khi trứng lại giập nát. Phải cầm lá cây cho kiến bám vào và đưa ra xa, rũ sạch để kiến không ở lại với trứng nữa. Nhưng như vậy chưa đủ, khi mang về, trứng kiến được đổ vào trong chậu nước to. Lúc đó, trứng kiến sẽ chìm xuống đáy, rồi gạn nước. Bằng cách này, ta sẽ có một mẻ trứng sạch, mà trứng không bị giập” - anh Tuấn cho biết.

* Để kiến nhanh hồi sinh

Không chọn những vạt rừng có cây lớn và rậm rạp, anh Lê Văn Lâm (ngụ xã Long Đức, huyện Long Thành) thường vào những vườn nhãn, chôm chôm bỏ hoang để săn trứng kiến. Các vườn cây bị bỏ hoang lâu ngày, không có hơi người và mùi thuốc trừ sâu, nên loài kiến vàng ở đây đẻ trứng to hơn nơi khác. Trứng nào cũng bóng nhẫy và mập mạp, trên một thân cây có đến 2-3 tổ trứng kiến to bằng cái nón lá.

Anh Lâm chia sẻ: “Hễ thấy bầy kiến tha lá khô, tha rác lên cây làm tổ ở vị trí nào thì theo dõi, đợi đến khi thấy chắc ăn là thu hoạch. Chúng tôi chỉ bắt lấy trứng, chứ không hề bắt những con kiến trưởng thành. Làm nghề này, phải biết duy trì sự sống cho kiến thì mới có nguồn trứng thu hoạch lâu dài. Chứ bắt theo kiểu tận diệt, chẳng bao lâu nguồn kiến sẽ bị tuyệt chủng. Nhiều người lấy trứng kiến chặt luôn đoạn cây có tổ kiến, nhưng tôi chỉ cần chọc dưới tổ là có thể lấy trứng mà không sợ phá nơi cư trú của kiến”.

Dùng lá cây để dụ kiến ra khỏi trứng vừa thu hoạch.
Dùng lá cây để dụ kiến ra khỏi trứng vừa thu hoạch.

Anh Võ Anh Tuấn (ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, làm nghề này chỉ có vài người theo, dù thu nhập đem lại khá cao. Mỗi ngày, chỉ cần bỏ ra 5-6 tiếng đồng hồ, chịu khó cuốc bộ là anh có thể bỏ túi số tiền 200 - 300 ngàn đồng. “Trứng kiến đem bỏ cho các cửa tiệm bán cá, chim cảnh ở Biên Hòa. Vì ít ai làm nghề này, nên tôi cứ thủng thẳng mà làm. Hết vườn này, tôi chuyển qua nơi khác mà không lo hết trứng kiến, loài này sinh sôi nhanh lắm. Khi thu hoạch, mình chỉ đừng phá tổ và để lại ít trứng để chúng nở cho mùa sau là được” - anh Tuấn nói.

Chìa cánh tay và bàn chân lấm tấm những nốt đỏ như muỗi đốt của mình do bị kiến cắn, chúng tôi hỏi anh Tuấn có cách nào để không bị kiến tấn công. Anh chậm chạp gạt lũ kiến khỏi người mình, rồi buông lời: “Cứ bình tĩnh và nhẹ nhàng xua chúng đi. Làm công việc này không thể vội vàng, mạnh bạo được, càng nhẹ nhàng thì kiến càng dễ bỏ đi. Với người khác thì không biết, chứ tôi không bao giờ dùng thuốc xịt để diệt kiến mà lấy trứng. Mình phải để kiến sinh sôi, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chất lượng trứng. Chim, cá ăn vào mà bị làm sao thì ai mua trứng kiến của mình nữa”.

Theo những người bắt kiến, phải mất cả tháng tổ kiến mới hồi sinh và tạo ra lứa trứng mới. Vậy nên, việc thu hoạch được một mẻ trứng kiến ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của người lấy. Họ phải nắm được quy luật này để canh thời gian quay lại tổ kiến. Nếu tổ còn non, thì không thu được trứng; còn nếu để tổ quá già, trứng nở gần hết thì chỉ lấy mỗi kiến con.

Võ Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều