Để lôi kéo sự chú ý của khách mua, người bán hàng có những cách mời gọi bằng lời rao độc đáo, theo những cách riêng của mình. Có những lời rao giống như một bài hát, có âm, có điệu, có vần… nghe thật hấp dẫn.
Để lôi kéo sự chú ý của khách mua, người bán hàng có những cách mời gọi bằng lời rao độc đáo, theo những cách riêng của mình. Có những lời rao giống như một bài hát, có âm, có điệu, có vần… nghe thật hấp dẫn.
Người đi mua tóc thì có lời rao: “Ai tóc dài bán không?”, người mua bán lạc xoong thì: “Mua ti vi, tủ lạnh, mua mô-tơ, máy bơm nước...”, hay tiếng hủ tiếu gõ lốc cốc thay lời rao của người bán. Tiếng rao càng lạ, càng “độc” và có phần hài hước giúp gây chú ý sẽ hy vọng bán được nhiều hàng hơn.
* Hút khách nhờ rao… hài
Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì dân bán hàng cũng nghĩ ra nhiều chiêu tiếp thị, quảng cáo để lôi kéo khách. Dùng lời rao “độc”, lạ, hài hước để thu hút khách hàng được các tiểu thương áp dụng khắp nơi, từ chợ huyện đến thành phố. Đó là những tiếng rao được phát ra từ chiếc máy được ghi âm sẵn; hay rao miệng bằng một chất giọng rất riêng, vừa có chút gì hài hước, dễ thương và gần gũi, khiến người nghe phải chú ý.
Lời rao hàng càng lạ càng thu hút người mua. |
Ở những khu chợ đêm, chợ tạm gần các khu công nghiệp (KCN), chuyện rao hàng kiểu hài hước khá phổ biến. Anh Nguyễn Văn Linh (35 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa), bán áo quần tại cổng KCN Biên Hòa 2, cho biết việc buôn bán trước đây chỉ dựa vào giá cả và chất lượng hàng hóa, còn bây giờ phụ thuộc vào cả tâm lý của người mua. “Những bộ áo quần đẹp, giá rẻ giờ khách hàng không để ý nữa, chúng tôi phải có chiêu “độc” để thu hút họ” - anh Linh vui vẻ cho biết.
Nói xong, anh Linh bật công tắc rồi cầm chiếc micro nói như hát: “Hàng mới về, quần áo thời trang nam nữ… đều có. Nhanh tay, nhanh tay lựa đồ đi bà con ơi!”. Tiếng rao của anh Linh vừa ngớt, thì tiếng rao bán trứng gà ung của anh Năm Tây ngồi kế bên đã vang lên: “Trứng gà ung đây, ông ăn bà khen, một người khỏe 2 người vui đây…”. Nhiều người nghe xong phì cười hồn nhiên, những khách hàng khó tính đi ngang qua cũng chẳng thể nào nín được cười.
Không ngại ngùng sau lời rao ấy, anh Năm Tây (quê tỉnh Bình Định) cho hay: “Bán hàng gì thì có cách rao của mặt hàng đó, để không nhầm của người khác. Bây giờ buôn bán khó khăn, cứ ngồi nhìn khách qua lại mà không nói câu mời chào gì thì chỉ có nước bỏ nghề”.
Theo anh Năm Tây, mỗi lời rao lại có một giọng điệu riêng, lúc trầm ấm, lúc thanh cao, có lúc lại biến âm, đặc sệt theo vùng miền họ sống, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào mặt hàng đang bán. Anh kể, quanh các quán nhậu dọc đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa), thỉnh thoảng có một người đàn ông bán chim cút và trứng gà nướng. Cứ mỗi lần rao lên, mấy khách nhậu trong quán lại cười rộ, chạy ra xem cho bằng được. Khi thấy chiếc xe và người bán đứng trước quán với những con chim nướng thơm phức, béo ngậy thì họ mới mua.
Nguyên văn người bán rao thế này: “Chị em cứ khoái con chim”. Nghỉ một hồi, anh mới nói đoạn tiếp: “…Cút đem nướng, mắt lim dim ngửi mùi…”. Lúc đầu, nghe hài không chịu được, có mấy chị em còn đỏ mặt ngượng ngùng nữa, nên người bán hàng đi tới đâu cũng có người mua. “Không biết làm sao mấy hôm nay không nghe anh ấy rao nữa, thấy nhớ tiếng rao vừa “độc” vừa hài này quá” - anh Năm Tây tếu táo kể lại.
* Rao hàng kiểu công nghệ
Ngày nay, khi máy móc được ứng dụng rộng rãi và phổ biến, người bán hàng cũng bắt đầu “tiết kiệm” tiếng rao của mình. Thay vào đó là những âm thanh rao giùm của máy móc. Những tiếng rao với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản nhạc sinh động, đã giúp người bán quảng cáo mặt hàng của mình đến được nhiều người một cách nhanh hơn.
Tiếng rao của người bán hàng dần trở nên quen thuộc với nhiều người. |
Từ chỗ dùng máy cassette với những cuốn băng dây, bây giờ anh Hoàng Văn Tuấn (27 tuổi, ở trọ tại phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) mua chiếc điện thoại di động về thu trực tiếp giọng rao hàng của mình để đưa vào máy phát. “Mặt hàng đang bán là áo quần nên thường có nhiều mẫu mới, nghe một giọng hoài cũng chán, mà lại tiếng của người khác nên không thích. Từ khi có điện thoại, tôi lấy cái chăn trùm thật kín, sau đó bật máy lên ghi âm lại. Đi bán thì lấy thẻ nhớ ra gắn vào chiếc máy mini để phát. Làm như vậy, mình thỏa sức sáng tạo nhiều cách rao hàng, nay kiểu này, mai kiểu khác, khách hàng nghe ai cũng thích” - anh Tuấn cho hay.
Anh Dương Văn Hoan (41 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc, bán bắp luộc dạo ở TP. Biên Hòa) cho biết: “Trời mưa nhiều nên những người bán hàng rong gặp rất nhiều khó khăn, cực nhất là vào ban đêm. Thay vì sử dụng những tiếng rao ầu ơ từ ngày xưa cũ, hay tiếng máy thu âm…, tôi dùng chiếc chuông lắc lắc để khách biết mà mua, không gây ồn ào để người dân còn ngủ”. |
Với nhiều người bán hàng rong, lời rao đôi khi đã ăn sâu vào tiềm thức của khách hàng, đủ sức làm tỉnh giấc, báo hiệu giờ giấc cho một ai đó. Người mua chỉ cần nghe tiếng rao quen thuộc cũng có thể biết mặt hàng người ta đang bán.
Chị Đào Thị Ngọc (ngụ KP.6, phường Long Bình, TP.Biên Hòa), làm nghề bán đậu hủ nước đường đã gần 8 năm nay, cho biết những ngày đầu chị dùng tiếng rao từ chiếc máy cassette, nhiều người không quen nên tiếng rao trên loa vẫn cứ rao, còn chị vẫn cứ rao bằng miệng. Nhưng được một thời gian, chị Ngọc buộc phải bỏ chiếc cassette bởi ngày trước rao bằng miệng, có khi đi cách người mua vài chục mét, họ gọi chị vẫn nghe. “Tiếng rao qua máy móc cũng có cái tiện, cái hay. Nhưng khi tiếng loa vang to, nhiều lúc người mua gọi mua hàng lại chẳng nghe, vì tiếng loa nó đã át hết, không thể quay lại bán. Khách hàng vẫn thích mình rao bằng miệng hơn” - chị Ngọc nói.
Sau mỗi tiếng rao là một cuộc đời, là cuộc vật lộn để mưu sinh của những người bán hàng rong. Với họ, bán hàng theo kiểu lề đường vốn ít người mua, nên ai cũng phải “sáng tạo” ra nhiều kiểu mời mọc riêng để thu hút khách hàng. Và cũng vì thế, những lời rao hàng “độc”, lạ đã góp phần làm nên thương hiệu của người bán.
Thanh Hải