Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện kể của “sát thủ rừng xanh”(*)

04:09, 21/09/2013

“Với tôi, một con thú cách xa 100m trong đêm mà nó chịu đèn thì chắc chắn nó không thoát khỏi tay tôi” - Bé Hai, một “sát thủ rừng xanh” thú nhận với tôi trong chiếc lán xung quanh trồng điều của anh nằm ở giữa cánh rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Bé Hai từng nổi danh “sát thủ rừng xanh” .
Bé Hai từng nổi danh “sát thủ rừng xanh” .

“Với tôi, một con thú cách xa 100m trong đêm mà nó chịu đèn thì chắc chắn nó không thoát khỏi tay tôi” - Bé Hai, một “sát thủ rừng xanh” thú nhận với tôi trong chiếc lán xung quanh trồng điều của anh nằm ở giữa cánh rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Người đàn ông với khả năng bắn súng bách phát bách trúng hơn 40 tuổi này thuộc đường rừng ở đây như lòng bàn tay.

Người ta còn nói nếu bịt mắt Bé Hai, anh ta vẫn đi đúng đường rừng. Đó chính là lý do mà mỗi lần về Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đi khảo sát, nghiên cứu, người tôi nghĩ đến đầu tiên là Bé Hai - cho dù hiện tại anh sống trong một căn nhà nhỏ nằm giữa đồi Mỹ với công việc chính là trồng màu và nuôi heo. Mỗi chuyến đi mà có Bé Hai dẫn đường, các thành viên trong đoàn khảo sát không chỉ tuyệt đối yên tâm mà còn được anh truyền cho rất nhiều bí kíp đi rừng thú vị.

* Cuộc mưu sinh tàn khốc

Sinh ra và lớn lên trong cánh rừng đầu nguồn, tuổi thơ của Bé Hai gắn bó với rừng xanh thăm thẳm, nơi những con suối tắm mát những ngày nóng nực trưa hè. Cha Bé Hai là một thợ săn nổi tiếng, cùng với cuộc mưu sinh đã dạy cho anh cách dùng súng săn, rìu và dao dễ hơn là cầm cây viết. Cứ thế, anh lớn lên cùng lá cây, ngọn cỏ, với những loài thú hoang trong rừng.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà những cánh rừng thuộc Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) còn hoang sơ và nhan nhản những loài gỗ quý hiếm cùng rất nhiều loài động vật hoang dã sinh sống thì cả gia đình Bé Hai sống khá nhờ vào nguồn tài nguyên trù phú này. Ngoài việc săn thú để cải thiện cho bữa ăn gia đình thì hầu hết những con thú lớn săn được, Bé Hai đều đem bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm. Guồng quay mưu sinh của gia đình Bé Hai cứ diễn ra đều đặn: ngày đi làm rẫy, đêm săn thú rừng.

“Năm 13 tuổi, khi bắt đầu vác nổi cây súng là tôi đã hạ được một con nai rừng gần 3 tạ. Mỗi đêm tôi bắn được 2 con nai hoặc vài con heo rừng là chuyện bình thường” - Bé Hai nói. Với các loài như cheo cheo, chồn... Bé Hai không bao giờ bắn chết mà chỉ bắn hù dọa rồi tìm cách bắt sống đem bán cho hàng đặc sản vì động vật chết bán không được giá. Hồi đó, thú rừng rất nhiều và có rất ít người đi săn nên anh chỉ bắn những con thú lớn đã trưởng thành và tuyệt đối không săn những con thú đang mang thai. Và thời “oanh liệt” của tay thiện xạ rừng xanh ngắn chẳng tày gang. Những lâm trường được lập ra, các chiến dịch khai thác lấy gỗ xuất khẩu và xây đập thủy điện Trị An đã khiến môi trường sinh sống của các loài động vật bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt. Hàng triệu cây gỗ bị đốn hạ, hàng chục ngàn hécta rừng bị chặt trắng và bầy thú rừng cũng theo đó bị tận diệt. Những cá thể còn lại hốt hoảng chạy lẩn trốn trong các khu rừng rất xa.

“Năm 13 tuổi, khi bắt đầu vác nổi cây súng là tôi đã hạ được một con nai rừng gần 3 tạ. Mỗi đêm tôi bắn được 2 con nai hoặc vài con heo rừng là chuyện bình thường”.

Ánh mắt Bé Hai chợt nhìn xa xăm về cánh trước mặt - vốn trước đây là đại ngàn nhưng giờ chỉ còn sót lại một số loài gỗ nhỏ còn rất ít giá trị, như: cầy, cám, chôm... Anh kể tiếp: “Tôi cũng phải đi rất xa mới có cơ hội săn được những con thú lớn. Sự kiểm soát của lực lượng kiểm lâm cũng chặt chẽ hơn để bảo vệ các loài động vật hoang dã - dù chúng đã bị tiêu diệt rất nhiều. Nhưng chính lúc này, giá của các loài động vật hoang dã lại tăng vọt nên dù phải lặn lội hàng chục cây số đường rừng để săn chồn hay cheo, đồng tiền vẫn thôi thúc tôi săn bắt được càng nhiều càng tốt...”

Trong các loài động vật Bé Hai thường săn bắn thì có lẽ loài khỉ đuôi dài là khôn ngoan và khó săn nhất, cho dù chúng thường đi thành bầy đàn rất đông. Quần thể khỉ đuôi dài sống theo tổ chức rất chặt chẽ, con khỉ đầu đàn luôn đứng ở cây cao nhất để canh chừng cho cả đàn. Khi có dấu hiệu nguy hiểm, nó liền hú lên một tiếng báo hiệu cả bầy rút chạy rất nhanh. Nắm được điều này, những tay săn sừng sỏ thường rình bắn con đầu đàn, vì như thế thì sẽ tiêu diệt được cả bầy, khi chúng bị náo loạn. Tuy vậy, bắn loài này khi chúng đang bám trên cây thì rất khó lấy được xác vì trước khi chết, chúng cố sức bám chặt lấy cành cây để không bị rớt xuống đất.

* Phút thức tỉnh trong đêm kinh hoàng

Trong đêm rừng mịt mùng và tiếng tí tách của những giọt mưa đọng trên lá, Bé Hai rít nốt điếu thuốc, từ từ nhả khói vào màn đêm rồi kể tiếp: “Một lần, sau một đêm dài luồn rừng, tôi đã đi rất xa mà không gặp bất kỳ con thú nào, chiếc đèn săn mờ đi khiến tôi biết mình đã đi lạc. Trong cơn mưa rừng tầm tã, tôi mệt mỏi và lạnh cóng tìm đường quay về. Trong lúc thân thể và trí óc gần như bị tê liệt, hình ảnh chiếc chum đựng gạo trống rỗng, những đứa con ở tuổi đến trường hiển hiện mồn một trong tâm trí tôi và ngày mai là ngày tựu trường. Ngẫm ra, cái nghề săn thú trộm quá chênh vênh và cực khổ, những đứa con của tôi không thể đi tiếp con đường này được”.

“Sát thủ rừng xanh” một thời nay là hướng dẫn viên đường rừng cho các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
“Sát thủ rừng xanh” một thời nay là hướng dẫn viên đường rừng cho các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Khoảng 3 giờ sáng, mưa đã tạnh, lúc đó Bé Hai tìm đường mòn trở về nhà, chợt anh phát hiện ra gia đình khỉ có một con rất lớn và hai con nhỏ hơn đang nằm ngủ trên một cây kơ-nia rất to và cao. Dồn hết sự minh mẫn vào con mắt và hai bàn tay, Bé Hai giương súng nhắm vào con khỉ to nhất và run run bóp cò. Đoàng, tiếng súng vang lên đanh lạnh xé toang sự yên tĩnh của rừng già lúc tinh mơ...

Hiện nay, cuộc mưu sinh của Bé Hai tuy còn nhiều vất vả nhưng những đứa con của anh đều có việc làm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa  Đồng Nai và cho  một công ty nước ngoài. Mỗi khi nghĩ lại quá khứ, Bé Hai lại rùng mình và thầm cảm ơn rừng xanh đã không bắt anh phải trả giá cho những lỗi lầm của mình. Riêng con khỉ nuôi sau mười mấy năm, nay đã được Bé Hai thả về rừng.

Bị trúng đạn bất ngờ, con khỉ rơi từ trên cây xuống, nhưng theo thói quen, nó vươn tay bám được một cành cây to. Hai con còn lại thấy động liền lao vào rừng sâu mất hút. Anh giương súng ngắm tiếp vào cánh tay còn bám trên cây của con khỉ bị thương. Nhưng lạ chưa, cánh tay còn lại của nó còn ôm vật gì khư khư trước ngực. Bé Hai nhìn kỹ một lần nữa thì phát hiện ra đó là một con khỉ còn rất nhỏ. Nó sợ hãi bám chặt vào ngực mẹ và kêu lên choe  chóe trong khi mẹ nó sắp lịm đi vì đau đớn. “Tôi lặng người. Hai tay buông thõng. Khỉ mẹ nén đau dùng tay dứt con mình ra khỏi ngực và đặt con vào cành cây gần nhất. Cánh tay đỏ thẫm máu của nó đẩy con ra và ra hiệu cho khỉ con rời khỏi nơi nguy hiểm. Bất giác, tôi nghĩ đến những đứa con của mình - lúc đó có lẽ đang ngủ ngon giấc trong vòng tay mẹ...” - Bé Hai tỏ ra xúc động.

Bé Hai kể tiếp: “Tôi ớn lạnh, toàn thân nổi gai ốc. Tôi đã đánh rơi súng và ngồi phịch xuống đám lá mục ẩm, lạnh. Tôi thất thần như vậy khoảng một tiếng đồng hồ như kẻ sát nhân vừa gây tội. Khi trời gần sáng rõ, đã trấn tĩnh lại, tôi leo lên cây cầy để kéo xác khỉ mẹ xuống đất. Con khỉ con tội nghiệp cứ bám chặt lấy cái xác không hồn của mẹ nó. Ánh mắt run rẩy của nó nhìn tôi vừa sợ hãi, vừa như thù hận. Tôi đưa cả hai mẹ con khỉ xuống đất, chôn khỉ mẹ và bọc khỉ con vào áo khoác mang nó về nhà”.

Dòng hồi tưởng của Bé Hai bị cắt ngang bởi một thanh niên cùng đi trong đoàn khảo sát bỗng tò mò: “Có phải nó là con khỉ già mà hồi chiều anh đã quát mấy đứa nhỏ chọc phá nó không?” - “ Đúng là nó”, Bé Hai trả lời. Kể từ cái đêm kinh hoàng đó, hơn 10 năm qua anh quyết định gác súng và tự hứa với lòng mình sẽ không giết hại bất cứ con thú rừng nào nữa cho dù cuộc sống có khó khăn đến mấy... Câu chuyện trắc ẩn về tình mẫu tử của khỉ mẹ khiến cả đoàn khảo sát lặng đi.

 Phùng Mỹ Trung

* Phóng sự này đã đoạt giải đặc biệt là một chuyến đi Nam Phi của cuộc thi viết do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ tư liệu (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã tổ chức.

 

Tin xem nhiều