Bão Utor vừa dứt, trả lại cho Xuân Đường nắng gắt, gió lộng. Trong vòm hoa lan khoe sắc, nữ kỹ sư Cẩm Ngọc (23 tuổi) nón lá kẹp tay, mải mê ghi chép các thông số kỹ thuật đánh giá sự sinh trưởng của cây, độ ẩm của đất, dịch bệnh... trong ngày
Bão Utor vừa dứt, trả lại cho Xuân Đường nắng gắt, gió lộng. Trong vòm hoa lan khoe sắc, nữ kỹ sư Cẩm Ngọc (23 tuổi) nón lá kẹp tay, mải mê ghi chép các thông số kỹ thuật đánh giá sự sinh trưởng của cây, độ ẩm của đất, dịch bệnh... trong ngày. “Hiện trung tâm của chúng tôi đang sản xuất thử nghiệm các giống lan Mokara Nhật Bản cắt cành và nghiên cứu các biện pháp nhân nhanh để bảo tồn 20 loài lan rừng Vườn quốc gia Cát Tiên để chuyển giao” - kỹ sư Cẩm Ngọc cho biết.
Mô hình ứng dụng thực nghiệm các giống mới của Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. |
Trên đồi cao, gió chực chờ kéo ngã chân người, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN), kiêm Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) Đồng Nai (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ), cho hay sau 3 năm đi vào hoạt động, nhiều giống mới được thực nghiệm để tiến hành chuyển giao công nghệ cho nông dân. “Đây là thành quả lao động của 29 kỹ sư, trong đó có 14 người có học vị thạc sĩ liên tục bám đồng thực nghiệm thực tế các giống mới tại vùng đất Xuân Đường”- bà Hoàng nói.
* Vọc đất, giỡn nắng
8 giờ sáng, văn phòng làm việc của Trung tâm ứng dụng CNSH đã vắng bóng người. Nhân viên bảo vệ Hưng cho hay, các kỹ sư đã ra đồng trước đó rất lâu rồi. Nói xong, anh nhấc bộ đàm gọi ThS.Nguyễn Văn Đa về tiếp chuyện chúng tôi như đã hẹn trước. “Các kỹ sư ở đây chẳng khác gì nhà nông. Trời vừa hửng sáng là họ tất tả ra vườn ươm, nhà vòm, chuồng trại nghiên cứu, đánh giá cây con của họ. Rồi hướng dẫn nhân công cách làm giàn cho cho cây, kỹ thuật trồng, thụ phấn... Cho nên, áo quần họ luôn lấm lem bùn đất. Người lạ nhìn thoáng qua rất khó phân biệt đâu là kỹ sư với người làm thuê” - anh Hưng tỏ bày.
Kỹ sư Cẩm Ngọc đang kiểm tra các thông số kỹ thuật trong quá trình nhân giống lan Mokara tại nhà màng. |
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó giám đốc Sở khoa học - công nghệ, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNSH Đồng Nai khẳng định, trung tâm sẽ là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. |
Đúng như lời anh Hưng nói, ThS. Đa cưỡi xe máy lấm lem đất đỏ về văn phòng làm việc chẳng khác nông dân đi vườn về. Sau khi bắt tay chào xã giao, ThS. Đa tỏ bày, hiện anh và 4 kỹ sư khác đang phụ trách các tiểu dự án nuôi chồn (cầy vòi hương), heo rừng, dúi. “Mục tiêu đặt ra là đánh giá khả năng thích nghi của chúng với điều kiện môi trường, khí hậu. Đồng thời, nghiên cứu hướng tăng đàn, tạo giống chuẩn, sản xuất cà phê chồn...” - ThS. Đa nói.
Xuất thân là giáo viên dạy sinh vật cấp 2, anh Đa được trường cử đi học sau đại học. Sau khi hoàn thành chương trình sau đại học về động vật, từ Thanh Hóa anh nộp đơn xin vào Trung tâm ứng dụng CNSH Đồng Nai để công tác. “Làm nghiên cứu thì không thể chỉn chu như thầy giáo được, mình có thể ngồi hàng giờ ngắm vật nuôi đang ăn, ngủ, đùa giỡn, vào chuồng dọn phân cho chúng cũng chẳng ngại” - ThS. Đa bộc bạch.
Rồi anh dẫn chúng tôi đến thăm các mô hình nuôi cấy nấm mèo, lan, rau, củ, quả... của nhóm ThS. Lê Quốc Vương và các đồng nghiệp. Tiếp chuyện chúng tôi, ThS. Vương cho hay, phòng chuyển giao công nghệ của anh có 2 thạc sĩ và 4 kỹ sư. Do công việc nghiên cứu vất vả, môi trường làm việc xa dân cư, tiếp xúc với bùn đất, nắng gió nên không ít kỹ sư trẻ bỏ cuộc vì nắng làm đen da, cháy tóc, sợ... ế chồng và nhớ nhà. ThS. Vương thổ lộ, anh có dáng người mập mạp, trắng trẻo, nay thì anh sút gần chục ký, da ngăm đen và suốt ngày mặc đồ bảo hộ lao động làm người thân nhìn không ra. “Các nữ đồng nghiệp ngày mới vào, ai cũng trắng trẻo xinh tươi. Sau vài tháng vọc đất, giỡn nắng, đùa gió thì da đen giòn” - ThS. Vương hài hước nói.
* Ươm mầm khoa học
Trung tâm ứng dụng CNSH Đồng Nai có trên 200 hécta. Trong thiết kế, trung tâm dành 3 hécta xây dựng không gian thực nghiệm các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực sinh học, 16 hécta xây dựng trung tâm nghiên cứu, 80 hécta dành cho các doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, nhà máy... Giai đoạn 2010-2015, trung tâm xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế hoạt động, thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng CNSH tạo giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh và ứng dụng các thành tựu CNSH tiên tiến trong công tác bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2015-2020, hoàn thành xây dựng tất cả các khu chức năng, đáp ứng yêu cầu Khu Công nghệ cao chuyên ngành CNSH. Triển khai ứng dụng rộng rãi CNSH vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y dược và môi trường...
Nông dân tham quan các mô hình thực nghiệm rau, củ, quả tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. |
PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh, cho biết, việc thu hút nhân lực đã được khởi động trước khi công bố xây dựng trung tâm. Sở KH-CN Đồng Nai đã có chương trình đào tạo sau đại học, gồm 4 lĩnh vực, trong đó có CNSH. 30 người đã tham gia vào chương trình đào tạo sau đại học nói trên và hiện có 20 nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động ban đầu của trung tâm. Đồng thời, tỉnh còn có kế hoạch thu hút nhân lực lâu dài hơn như động viên, hướng dẫn học sinh địa phương thi vào các trường đại học, các ngành liên quan đến CNSH. “Ngoài ra, trung tâm còn xây dựng những khu ký túc xá trong không gian rộng mở và song song đó là các dự án ứng dụng, đây sẽ là nơi giữ chân các sinh viên từ các trường đại học về đây thực tập, thực hành... tạo ra môi trường thu hút nhân lực. Còn với nguồn nhân lực cấp cao, vẫn chủ yếu là các giáo sư ở TP.Hồ Chí Minh, trung tâm thu hút nguồn nhân lực này thông qua các dự án” - ông Sáng nhấn mạnh
Trung tâm ứng dụng CNSH Đồng Nai hiện thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư các dự án chuyên ngành CNSH, gồm: Công ty TNHH phát triển Nông Nghiệp Xanh (20 hécta), Công ty TNHH Gen Việt Tất Thành (4 hécta), Công Thành (6 hécta), Công ty cổ phần dược liệu Thiên Địa Nhân (4,5 hécta) và Công ty Công ty TNHH Việt Nông (20 hécta). Với cách thức nghiên cứu đi thẳng vào ứng dụng thông qua kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các kết quả nghiên cứu của các viện, trường và trung tâm nghiên cứu; từ đó xây dựng mô hình thực nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu sản xuất. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, để hoạt động của Trung tâm ứng dụng CNSH Đồng Nai không “giẫm chân” với các khu CNSH khác, trung tâm ứng dụng các nghiên cứu được các nhà khoa học công bố bằng các chương trình thực nghiệm, thực tế tại đây. Với ưu việt của hướng đi này vì Trung tâm ứng dụng CNSH Đồng Nai có đủ đất để tiến hành thực nghiệm. Với hướng đi thẳng vào ứng dụng thông qua kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các kết quả nghiên cứu của các viện, trường và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước để xây dựng mô hình thực nghiệm, chuyển giao kết quả nghiên cứu sản xuất...
Đoàn Phú