Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàn lương bắt đầu từ đâu? (Bài 2)

10:08, 09/08/2013

Để phạm nhân có quyết tâm hoàn lương, theo lãnh đạo Trại giam Huy Khiêm, không phải đợi đến lúc họ chấp hành xong án, trở về đời thường mới bắt đầu làm lại cuộc đời, mà ngay trong quá trình thụ án, họ cần được hỗ trợ, tạo thêm những điều kiện cơ bản cho cuộc đổi đời.

Để phạm nhân có quyết tâm hoàn lương, theo lãnh đạo Trại giam Huy Khiêm, không phải đợi đến lúc họ chấp hành xong án, trở về đời thường mới bắt đầu làm lại cuộc đời, mà ngay trong quá trình thụ án, họ cần được hỗ trợ, tạo thêm những điều kiện cơ bản cho cuộc đổi đời.

Đã 3 tháng nay, cứ thứ ba và thứ năm hàng tuần, thay vì đi lao động như các phạm nhân khác trong Trại giam Huy Khiêm, anh K.N.T. (44 tuổi, ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) lại hớn hở ôm sách, vở đến lớp học, ê a tập đánh vần từng chữ cái.

* Lớp học sau song sắt

Lớp học bắt đầu từ lúc 7 giờ, nhưng 6 giờ 45, anh T. đã có mặt. Theo chân anh T., có hơn 40 phạm nhân khác cùng đến lớp. Sớm và đúng giờ là vậy, nhưng đôi khi đến lớp, các học viên đã thấy giáo viên, Trung úy Nguyễn Thị Hương đứng chờ sẵn, đón mọi người với nụ cười trên môi.

Cán bộ Trại giam Huy Khiêm hướng dẫn anh K.N.T. viết chữ.
Cán bộ Trại giam Huy Khiêm hướng dẫn anh K.N.T. viết chữ.

Đây là lớp học khá đặc biệt, vì trong cùng một phòng học lại có đến 5 cấp lớp khác nhau, từ lớp 1-5. Anh T. nằm trong nhóm lớp 1, cùng nhóm với anh có 4 phạm nhân khác. Đây là nhóm có sĩ số ít nhất trong lớp. Lớp cũng có bàn ghế, phấn trắng bảng đen; chỉ có điều, đứng lớp là những giáo viên mặc cảnh phục, còn học trò toàn một màu “đồng phục sọc”. Thế nhưng, không khí nghiêm túc, chăm chỉ học tập ở đây không thua gì các lớp học bình thường khác.

Hôm nay, anh T. và các bạn tập đọc và viết câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn”. Bàn tay to bè, chai sần vì chỉ quen khuân vác của anh run run nắn nót từng con chữ, miệng anh khi mím chặt, khi thì méo hẳn một bên theo nét bút. Cô giáo Hương đứng cạnh theo dõi anh viết từng chữ, gật đầu hài lòng vì nét chữ của anh đã khá đẹp, không còn loằng ngoằng như những ngày đầu vào lớp. Xung quanh anh, người cắm cúi giải toán, người thì lật nhanh quyển sách Tiếng Việt, lẩm nhẩm đọc để chuẩn bị cho bài chính tả sắp tới.

Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán vì quá tập trung viết, anh T. bẽn lẽn kể, lúc anh còn nhỏ, phần vì nhà nghèo và đông anh em, phần do lười học nên anh chưa bao giờ cắp sách đến trường. Mù chữ, anh chưa bao giờ đọc và viết được cái tên của mình. Mỗi khi có giấy tờ gì, anh phải nhờ người khác đọc giùm, còn ký tên thì chỉ biết gạch dấu chữ thập nguệch ngoạc. Không có trình độ học vấn, anh không thể xin vào làm công nhân ở các công ty, phải chấp nhận công việc khuân vác nặng nhọc ở một cơ sở gốm sứ. “Cũng vì sự dốt nát, thiếu hiểu biết mà tôi đã phạm tội, chở người khác đi mua ma túy, bị công an bắt và lãnh án 3 năm tù. Vô đây, tôi được Ban giám thị trại giam cho đi học xóa mù chữ. Hồi đầu, nghe đi học tôi cũng ngại lắm, vì mình già rồi, học hành gì vô nữa. Nhưng cô giáo Hương rất tận tình, kiên nhẫn dạy tôi nhận mặt từng chữ cái, ráp vần, rồi dạy tôi viết từng nét một. Giờ tôi đã viết được tên mình rồi đó” - anh T. tự hào khoe.

Để chứng minh, anh nắn nót viết tên mình. Một cán bộ quản giáo đi ngang đã dừng lại chỉ cho anh lỗi chính tả, anh đưa tay gãi đầu, cười hề hề rồi viết lại một lần nữa cho đúng.

* Thêm cơ hội hòa nhập

Thượng tá Thái Văn Thân, Phó giám thị Trại giam Huy Khiêm, cho biết số phạm nhân ở trại phần lớn là đối tượng phạm tội hình sự, như: cướp giật, cố ý gây thương tích, cờ bạc, mua bán ma túy... Đặc điểm của đối tượng này thường có trình độ văn hóa thấp, trong đó có không ít phạm nhân mù chữ, nên hiểu biết pháp luật rất hạn chế, dễ phạm tội. Vì vậy, một trong những công tác quan trọng hàng đầu được Ban giám thị trại đặt ra là xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức pháp luật cho phạm nhân. “Có trình độ và hiểu biết, phạm nhân mới nâng cao ý thức để tránh điều xấu, hạn chế nguy cơ tái phạm khi hòa nhập cộng đồng” - Thượng tá Thân nhận định.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu giáo viên đứng lớp, nhưng lãnh đạo trại quyết tâm vượt qua khó khăn. Năm 2009, trại có được giáo viên chính quy đầu tiên, đó là cô giáo Nguyễn Thị Hương, tốt nghiệp đại học sư phạm. Cô Hương kể, nhiều phạm nhân rất có ý thức học tập, mà trường hợp anh T. là điển hình. Trong giờ dạy chữ, cô thường lồng ghép những tình huống, câu chuyện thú vị về pháp luật để phạm nhân nhận biết, lấy đó làm bài học cho bản thân. Ngoài ra, tình thầy trò trong trại giam còn giải tỏa phần nào tâm lý ức chế của những phạm nhân thường mang tâm trạng bị bỏ rơi, phản kháng, bất cần đời.

Bên cạnh lớp học nâng cao trình độ học vấn, trại giam còn thường xuyên nâng cao kiến thức pháp luật cho phạm nhân. Theo Thượng tá Thân, 6 tháng đầu năm 2013, trại đã mở 25 lớp giáo dục công dân và pháp luật cho 1.314 phạm nhân, trong đó có 336 phạm nhân chuẩn bị hết hạn tù. Hàng ngày, phạm nhân còn được xem ti vi, đọc báo để nâng cao nhận thức về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội…

* Kết nối những vòng tay

Thượng tá Nguyễn Ngọc Cương, Giám thị phân trại 2 Trại giam Huy Khiêm, cho biết lãnh đạo trại thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, giao lưu giữa phạm nhân với các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị lẫn xã hội, nhằm giúp phạm nhân không bị mặc cảm cộng đồng bỏ rơi, góp phần khơi gợi lòng hướng thiện. Trong đó, buổi sinh hoạt do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức ngày 21-7 đã gây nhiều ấn tượng và tác động mạnh mẽ đối với các phạm nhân.

Thượng tá Thái Văn Thân cho biết, lãnh đạo trại giam rất trăn trở về việc dạy nghề cho phạm nhân, vì phần lớn họ khi vào trại đều không có nghề nghiệp, khiến cơ hội hoàn lương của họ trở nên khó khăn. Nhưng do cơ sở vật chất của trại còn thiếu thốn, hiện phạm nhân mới chỉ được làm công việc tách hạt điều, mà đó chưa phải là nghề thật sự…

Tại buổi giao lưu, khi Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới phân tích: “Phải mất nhiều năm mới tạo được lòng tin nơi người khác, nhưng lại có thể đánh mất nó chỉ trong một giây”, phạm nhân Đ.Q.Q. (26 tuổi, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã tỏ ra suy tư, thấm thía.

Trước đây, tuy chỉ là phụ hồ, nhưng Q. cũng có người yêu, chờ ngày làm đám cưới. Chỉ vì hám lợi, Q. đã mua ma túy mang về phân lẻ ra để bán, rồi bị bắt. Người vợ sắp cưới vì quá thất vọng đã lẳng lặng cắt đứt tình cảm với Q. Chỉ có người mẹ già hơn 60 tuổi vẫn lặn lội đường xa thăm nuôi, lần nào cũng dặn dò Q. nhớ cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Nghe câu hát của NSƯT Quế Anh trong bài Vu lan tình mẹ: “Ly hương mấy nẻo sơn khê/ Nhớ da diết nhớ lối về quê xưa/ Mẹ ơi con trẻ tha phương/ Xây tình viễn xứ phong sương tuổi đời”, Q. cúi mặt giấu đôi dòng nước mắt…

Sau khi chụp hình chung với nghệ sĩ Thu Huyền, người mà mình rất mến mộ lúc ở “ngoài đời”, anh N.V.L. (ngụ xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) phấn khởi cho biết, cuộc giao lưu sẽ là động lực để anh phấn đấu, sớm được về với cộng đồng.

“Buổi sinh hoạt như thế rất bổ ích đối với các phạm nhân, không chỉ giúp nâng cao nhận thức, mà còn khơi gợi được tính thiện lương, niềm tin vào điều tốt đẹp cuộc sống” - Thượng tá Thân nhận xét.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều