Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tỷ phú của thôn (Bài 2)

11:08, 28/08/2013

Ở vùng đất Sa Huỳnh (thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), Thạnh Đức 2 được biết đến là thôn có nhiều tỷ phú ngư dân. Bởi ở đây chỉ có khoảng 700 hộ dân, mà có gần 250 tỷ phú, sở hữu trên 300 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn hành nghề ngang dọc biển Đông.

Ở vùng đất Sa Huỳnh (thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), Thạnh Đức 2 được biết đến là thôn có nhiều tỷ phú ngư dân. Bởi ở đây chỉ có khoảng 700 hộ dân, mà có gần 250 tỷ phú, sở hữu trên 300 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn hành nghề ngang dọc biển Đông. Biển đã góp phần đổi đời cho một làng chài vốn nghèo khó trước đây.

>>> Bài 1: Ấn tượng Sa Huỳnh

Ngư dân Thạnh Đức 2 tiếp tục đóng mới phương tiện để vươn khơi.
Ngư dân Thạnh Đức 2 tiếp tục đóng mới phương tiện để vươn khơi.

[links(left)]Đứng bên cầu Thạnh Đức bắc ngang qua eo biển Sa Huỳnh, nhìn ra hướng biển Đông, trước mắt chúng tôi, thôn Thạnh Đức 2 hiện ra với nhiều căn biệt thự, nhà cao tầng xinh đẹp ẩn mình dưới chân núi Hóc Mó như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên hòa quyện giữa biển, núi, mây trời.

Vượt ao làng ra biển lớn

Theo chân cán bộ thủy sản xã Phổ Thạnh Phạm Minh Hải, chúng tôi đến thăm thôn Thạnh Đức 2 giữa lúc cơn bão số 7 Utor đang hoành hành trên biển Đông, gây ra những cơn mưa nặng hạt, kéo dài trên vùng đất liền miền Trung. Mưa như muốn cản bước chân chúng tôi đến thăm cái làng chài nhỏ bé đang trên đà ăn nên làm ra, nhưng vì muốn khám phá những điều thú vị trong câu chuyện làm ăn của bà con ngư dân ở đây, nên mặc cho sự khắc nghiệt của thời tiết, chúng tôi vẫn quàng vội chiếc áo mưa “tốc hành” lên người và lên xe lao nhanh qua cầu Thạnh Đức trong cơn mưa rát mặt.

“Vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam rất giàu tôm, cá, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, có thể phục vụ cho xuất khẩu, như: cá mú, mực nang, cá thu, cá ngừ đại dương… Do vậy, ngư dân Phổ Thạnh xem đây là ngư trường truyền thống từ lâu đời và luôn hướng đến mỗi khi đưa phương tiện ra biển khơi đánh bắt” - ông Võ Thu nói.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây khang trang nằm cạnh con đường đầu thôn, ông Võ Ngọc Duyên, Trưởng thôn Thạnh Đức 2, người được mệnh danh là “kình ngư của biển cả”, biểu lộ sự vui mừng. Ông Duyên nói: “Nếu trời không mưa, tui đã xuống biển rồi”.

Sau khi mời chúng tôi vào nhà và pha trà mời khách, nghe hỏi chuyện làm giàu của ngư dân trong thôn, giọng ông Duyên trở nên sôi nổi. Ông cho biết, trước đây ngư dân Thạnh Đức 2 nghèo lắm, mang tiếng làng chài nằm sát biển Đông nhưng qua bao đời, người dân Phổ Thạnh nói chung và thôn Thạnh Đức 2 nói riêng đều không giàu lên được. Cả thôn chỉ có vài chục chiếc thuyền câu nhỏ bé, chỉ quanh quẩn đánh bắt ven bờ kiếm con cá, con tôm sống qua ngày, may nhờ rủi chịu, chứ có ai dám nghĩ đến chuyện vươn khơi ra biển lớn. Đáng mừng là hơn chục năm qua, đặc biệt là từ khi Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, nắm lấy cơ hội này, nhiều người đã vay mượn vốn liếng để đầu tư cải hoán, đóng mới nhiều phương tiện có công suất lớn để vươn ra khơi xa, nhờ đó mà trở nên khấm khá.

Để chứng minh cho công việc làm ăn hiệu quả của ngư dân trong thôn, cán bộ thủy sản xã Phổ Thạnh Phạm Minh Hải nói chen vào:  “Ngư dân lúc này năng động lắm, họ biết tính toán làm ăn để đồng vốn bỏ ra mang lại hiệu quả thiết thực. Không ai dại dột bỏ ra cả tỷ đồng để sắm tàu cá nếu không biết trước chuyện làm ăn của mình đi đến đâu”.

Quả thật như thế, lướt qua danh sách những tỷ phú của thôn do ông Võ Ngọc Duyên cung cấp, chúng tôi mới thấy rằng, những ngư dân tỷ phú của thôn đều xuất thân từ tầng lớp nghèo khó. 15-16 tuổi, họ đã xuống biển đi bạn cho các chủ tàu ở địa phương. Theo thời gian, họ đã nhận ra, chỉ có thể làm giàu nếu biết vươn ra biển lớn.

Không còn là... “biển giả”

 Ngồi trong ngôi nhà 2 tấm khang trang của tỷ phú ngư dân Trần Thanh Nga, thành viên Ban Chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Thạnh, bên ly rượu đế nhâm nhi với các loại tôm, cá đặc sản địa phương do chủ nhà dọn lên đãi khách, câu chuyện về biển cả, chuyện làm ăn, làm giàu giữa chúng tôi với các tỷ phú ngư dân càng thêm rôm rả.

53 tuổi, ngư dân Trần Thanh Nga đã có trên 30 năm lăn lộn với biển khơi. Lúc mới khởi nghiệp, ông chỉ hùn vốn và đi bạn với các chủ tàu trong làng. Sau thời gian hành nghề ngang dọc nơi biển Đông, đến nay ông Nga đã có trong tay 4 chiếc tàu với tổng công suất 1.600CV trị giá gần chục tỷ đồng.

Ngồi bên cạnh ông Nga là ngư dân Võ Thu, cũng là tỷ phú của làng. 15 tuổi, ông Thu đã  theo cha đi biển. Sau hơn 33 năm vật lộn với sóng gió đại dương, ông Thu đã dành dụm, tích lũy và tạo cho riêng mình 3 đôi tàu cá (6 chiếc) có công suất từ 300-500CV, trị giá hàng chục tỷ đồng, chuyên bám biển Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt thủy sản.

“Vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam rất giàu tôm, cá, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, có thể phục vụ cho xuất khẩu, như: cá mú, mực nang, cá thu, cá ngừ đại dương… Do vậy, ngư dân Phổ Thạnh xem đây là ngư trường truyền thống từ lâu đời và luôn hướng đến mỗi khi đưa phương tiện ra biển khơi đánh bắt” - ông Võ Thu nói.

Các tỷ phú ngư dân ở thôn Thạnh Đức 2
Các tỷ phú ngư dân ở thôn Thạnh Đức 2

Bên chén rượu cùng các tỷ phú ngư dân Thạnh Đức 2, chúng tôi còn được nghe giới thiệu nhiều về các tỷ phú khác trong thôn, từ 2 bàn tay trắng nhờ bám biển mà làm nên cơ nghiệp. Như anh Phan Cam, 38 tuổi mà đã có trong tay đôi tàu công suất lớn và ngôi nhà đúc 2 tấm đồ sộ. Ông Phan Bên, Trung đội trưởng dân quân, dù bận nhiều việc cho công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh trật tự địa phương, cũng đã dành dụm để sắm được đôi tàu trị giá gần 2 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, có ông Phan Văn Cúc, Bí thư chi bộ thôn Thạnh Đức 2, người có thâm niên 38 năm gắn liền cuộc đời với biển, đến nay ông đã có trong tay đôi tàu khai thác xa bờ và ngôi nhà đúc khang trang trị giá hơn 5 tỷ đồng. Hoặc như các tỷ phú khác trong thôn, như: Trần Đức Minh, Nguyễn Tấn Láng, Huỳnh Quân, Trần Châu Thịnh, Trần Minh Dữ...

Nghe chúng tôi nhắc lại câu nói “biển giả như bọt nước” như nhiều đời ngư dân lớp trước thường quan niệm, nhưng vì sao các ông lại thành đạt trong nghề, nhấp ngụm rượu đánh khà, ông Nga cùng các “chiến hữu” cho rằng, ở giai đoạn trước, điều ấy thật đúng. Nhưng trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, ngư dân nắm lấy cơ hội đó để áp dụng vào việc khai thác, đánh bắt thì sẽ được nhiều cá, tôm hơn, rủi ro cũng giảm bớt. Vì khi đi đánh bắt trên biển, tất cả các phương tiện đều được trang bị máy Icom liên lạc với đất liền, máy tầm ngư, máy bộ đàm để các tàu chia sẻ thông tin cùng nhau đánh bắt khi gặp đàn cá lớn, hoặc thông báo, ứng cứu cho nhau khi gặp thiên tai, rủi ro. Do vậy, chuyện may rủi trong khi ra khơi đánh bắt sẽ được hạn chế rất nhiều.

Trải lòng cùng các tỷ phú ngư dân ở thôn Thạnh Đức 2 trong buổi trưa mưa lạnh, tôi nghĩ những điều mà các “kình ngư biển cả” chia sẻ thật có lý. Đối với họ, nghề đi biển, phát triển kinh tế biển để làm giàu cho gia đình và xã hội là rất thật, chứ không như ngày xưa, theo quan niệm bao đời của cha ông: “biển giả mà!”.

Đức Việt

Bài cuối: Để nghề cá Sa Huỳnh phát triển bền vững

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều