Những ngày giữa tháng 8, các triền lúa trên cánh đồng mẫu lớn ấp Thọ Chánh đến kỳ thu hoạch luôn thừa nước sau những cơn mưa dầm. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Phan Thanh Xứng, cho hay dù những ngày trời mưa như trút nước, nông dân Xuân Thọ chỉ lấm bùn đôi chân khi lội đồng...
Những ngày giữa tháng 8, các triền lúa trên cánh đồng mẫu lớn ấp Thọ Chánh đến kỳ thu hoạch luôn thừa nước sau những cơn mưa dầm. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Phan Thanh Xứng, cho hay dù những ngày trời mưa như trút nước, nông dân Xuân Thọ chỉ lấm bùn đôi chân khi lội đồng. Còn khi bước lên bờ, đôi chân họ sạch bởi đường làng, ngõ xóm nơi đây đã được bê tông và nhựa hóa từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Lúa trĩu hạt. Ảnh: Đ.Phú |
Sau gần 3 năm triển khai chương trình nông thôn mới (2011-2013), xã Xuân Thọ - xã anh hùng lực lượng vũ trang duy nhất của huyện Xuân Lộc, đã hoàn thành 19/19 tiêu chí (đạt 56/56 tiêu chí nông thôn mới của tỉnh). Những tiêu chí này thật sự đã làm thay đổi diện mạo Xuân Thọ từ một xã thuần nông, kinh tế luôn thua bạn, kém bè, nay sớm thành một xã có thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Vươn mình cùng cây tiêu
Xuân Thọ có diện tích tiêu tương đối lớn với 440 hécta/ 1.570 hécta cây lâu năm. Tiêu Xuân Thọ cho năng suất trung bình từ 2,5-3 tấn/hécta, nhiều diện tích vườn tiêu nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật đạt năng suất trên 8 tấn/hécta . Nhà vườn trồng tiêu Xuân Thọ luôn ngưỡng mộ tài nghệ trồng tiêu của nông dân Trần Hữu Thắng (ấp Phước Lộc) đạt danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam” (do Hiệp hội Hồ tiêu thế giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Bộ Công thương vinh danh). “Nhiều người giàu nhanh nhờ tiêu và cây tiêu được chúng tôi xác định là cây trồng chủ lực trên đất Xuân Thọ trong những năm gần đây” - ông Phạm Đình Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, cho biết. Rồi ông dẫn chúng tôi đi gặp ông Trần Hữu Thắng để tìm hiểu sự sinh trưởng của loài dây leo có hạt cay nồng này trên đất Xuân Thọ.
Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam Trần Hữu Thắng. |
Ông Phan Thanh Xứng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), cho rằng tập thể lãnh đạo Xuân Thọ cùng lái một chiếc xe trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã. Thành công của Xuân Thọ là tất cả đều đồng lòng, chứ không phải lái xe theo kiểu “Một người đạp ga, ba người đạp thắng” - ông Xứng nhấn mạnh. |
Thấy chúng tôi đến, nông dân Thắng đưa bàn tay chai sạn mở cổng ngôi biệt thự được xây dựng bằng những vụ tiêu trúng mùa đón vào nhà. Sau vài câu xã giao không quen miệng, ông Thắng chủ động dẫn chúng tôi ra vườn tiêu để vừa tham quan, vừa chuyện trò theo nếp nhà nông. Chỉ tay vào gốc tiêu 16 năm tuổi, được tưới từ nguồn nước ở núi Gia Lào (xã Xuân Trường), ông Thắng kể, ông đầu tư máy và đường ống hết 3 cây vàng. “Ban ngày, vợ chồng làm thuê mướn hoặc trồng đậu, bắp, mì để lo cái ăn hàng ngày. Từ 5 giờ chiều cho đến sáng sớm sau, vợ chồng tôi chỉ dám chợp mắt một tí để khỏi thèm ngủ, thời gian còn lại phải tưới, làm cỏ, cột tiêu. Do ăn uống kham khổ, thức khuya dậy sớm tôi mệt bã cả người. Tuy vậy, khi nhìn thấy dây tiêu xanh mơn mởn vươn mình thì lòng vui sướng tột cùng và hy vọng đổi đời” - ông Thắng thổ lộ.
Để có tiền đầu tư và mở rộng diện tích vườn tiêu, khi tiêu được hai năm tuổi, ông Thắng phải bấm lòng cắt dây để bán giống, trang trải nợ nần, đầu tư cho vườn. Cần mẫn mãi đến năm 2006, ông Thắng đã là ông chủ của trên 2 hécta tiêu. Khi kinh tế dần phát triển, ông mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây tiêu. Sau 1 năm lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và áp dụng một số kỹ thuật mới trong khâu chăm sóc, năng suất tiêu đã đạt từ 6-8 tấn/hécta. Ông Thắng khẳng định, với cách làm này, dù giá tiêu xuống còn 40 ngàn đồng/kg, ông và các nông dân trồng tiêu khác vẫn lời 200 triệu đồng/hécta/năm. Hai năm nay, tiêu hạt có giá từ 140-170 ngàn đồng/kg, ông lãi từ 700-800 triệu đồng/hécta/năm.
Sức bật từ nông thôn mới
“Đất không nở thêm ra, nên người Xuân Thọ đã dồn rất nhiều tài lực, vật lực trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi vẫn tin rằng, người và đất Xuân Thọ vẫn không ngừng khát vọng vươn đến tầm cao hơn, xứng danh là vùng đất anh hùng trong kháng chiến” - Bí thư Đảng ủy Xuân Thọ Hồ Đăng Văn cho biết. |
Sau khi gặp người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam, cán bộ Nam tiếp tục dẫn chúng tôi bon bon xe máy trên các tuyến đường giao thông đã được bê tông và nhựa hóa. Ông Nam cho biết, trên địa bàn xã có 73 tuyến đường với hơn 57km, gồm có đường xã, đường khu ấp, đường ngõ xóm và đường nội đồng 2 đã được nhựa và bê tông hóa 100% từ chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn. “Giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân giao thương hàng hóa, thiết kế rẫy vườn theo cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch chiến lược của địa phương. Tiếp đó, nhân dân phấn khởi khi các công trình: trường học, nhà cộng đồng, chợ... bề thế xuất hiện dọc theo các tuyến đường” - ông Nam tự hào nói về sự thay đổi của quê hương Xuân Thọ.
Khi chúng tôi đến cánh đồng lúa Thọ Chánh, nông dân Nguyễn Văn Tư (78 tuổi) cho hay, vài năm về trước nông dân vẫn còn dửng dưng với cảnh ruộng đồng bỏ hoang sau khi sản xuất xong hai vụ lúa. Từ ngày địa phương kiên cố hóa hệ thống kênh mương, kéo điện, khoan giếng và vận động nông dân đưa máy móc, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì lúa bắp nối vụ xanh ngát. “Nay nông dân tụi tui đồng lòng sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, như: xuống giống cùng thời điểm, gieo sạ cùng một giống để tiết kiệm nguồn nước tưới, thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch. Trên 50 năm làm ruộng, nay tui nhận ra điều thay đổi lớn tại cánh đồng Thọ Chánh là: sản xuất không phụ thuộc vào nước trời, đưa máy móc vào thay sức người và làm đâu chắc đó” - ông Tư nói.
Tuổi trẻ Xuân Thọ thi đua trồng hoa đậu hai bên đường để đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp. Ảnh: Đ.Phú |
Để chứng minh cho sự thay da đổi thịt của quê hương mình trước sinh khí nông thôn mới, ông Nam đưa chúng tôi thăm đồng, thăm các mô hình trồng tiêu, bắp, nuôi bò, dê, 3 cụm dịch vụ: Thọ Chánh, Thọ Bình, Thọ Lộc sầm uất và ghé biệt thự của các tỷ phú nông dân để uống trà, hỏi chuyện làm ăn, làm giàu. “Các anh phải gặp bí thư, chủ tịch trẻ, năng động của xã Xuân Thọ thì mới tận tường Xuân Thọ đổi thay từ đâu” - ông Nam nói và đưa chúng tôi về xã chờ Bí thư Đảng ủy Hồ Đăng Văn (38 tuổi), Chủ tịch UBND Phan Thanh Xứng (36 tuổi), trên đường dự hội nghị từ huyện về.
Kết thúc buổi làm việc sáng, trụ sở UBND xã Xuân Thọ vắng bóng người. Tuy vậy, phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã vẫn chưa đóng cửa vì các anh phải tranh thủ giải quyết công việc buổi sáng do bận họp. Tiếp chúng tôi khi đồng hồ điểm 12 giờ trưa, hai lãnh đạo trẻ Hồ Đăng Văn, Phan Thanh Xứng vẫn đầy chất lửa khi nói về nông thôn mới. “Để hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, chúng tôi phải tranh thủ tất cả những mối quan hệ, sự nhiệt huyết đồng lòng của tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để chạy đua với thời gian. Chỉ trong 3 năm, chúng tôi đón nhận nguồn vốn trên 70 tỷ đồng của huyện, tỉnh đầu tư và không một công trình nào bị điều tiếng khi đưa vào sử dụng” - Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Xứng cho hay.
Đoàn Phú