Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ biển, đảo là nhiệm vụ chiến lược (Bài cuối)

10:07, 01/07/2013

Chiến công rà phá thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ trên khắp các cửa biển, lạch, sông miền Bắc của những người lính Công binh Hải quân 40 năm trước đã đi vào lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc một mốc son chói lọi.

Chiến công rà phá thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ trên khắp các cửa biển, lạch, sông miền Bắc của những người lính Công binh Hải quân 40 năm trước đã đi vào lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc một mốc son chói lọi. Thắng lợi đó là sức mạnh nội lực vững chắc, để hôm nay những người lính hải quân vững vàng tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.
[links(right)]

Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo: “Tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo, bí mật bất ngờ”, trên tinh thần và quyết tâm: “Đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi”, các đơn vị hải quân luôn thể hiện ý chí kiên cường, bám sát liên tục hiện trường để rà phá thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ. Đêm đêm, dưới ánh sáng đèn dù và bom đạn của địch, các tàu rà phá thủy lôi, bom từ trường không ngừng hoạt động. Có bãi thủy lôi địch mới thả lúc sáng, tối đến các chiến sĩ đã bí mật đi rà phá, sớm ngày mai bãi thủy lôi được tháo gỡ hoàn toàn, luồng lạch thông suốt.

* Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi

Ông Nguyễn Xuân Trình, nguyên chiến sĩ tàu không số Lữ đoàn 125 Hải quân, cho biết: “Trước sự tấn công bằng bom từ trường và thủy lôi của đế quốc Mỹ, các lực lượng bộ đội hải quân, nhất là lính công binh, đã quyết tâm rà phá, dù thủy lôi hiện đại thế nào cũng phải tháo gỡ bằng mọi cách. Chỉ trong tháng 9-1972, Quân chủng Hải quân Việt Nam đã huy động 87 lượt tàu rà phá, với chiều dài bãi thủy lôi lên tới 3.721 hải lý, qua đó vận chuyển trên 10 ngàn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược an toàn. Cuối tháng 9-1972, toàn bộ luồng Bến Thủy (Nghệ An), Sông Gianh (Quảng Bình) và một số bến phà được khai thông lần thứ hai”.

Tuần tra bảo vệ đảo.
Tuần tra bảo vệ đảo.

Với thái độ ngoan cố và lật lọng của đế quốc Mỹ, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam bị bế tắc. Tiếp đó, Mỹ điên cuồng mở chiến dịch Linebacker 2, tập kích bằng đường không với quy mô lớn chưa từng có vào miền Bắc nước ta. Địch huy động một lượng lớn máy bay F111 đánh phá tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các trọng điểm giao thông ở miền Bắc. Chúng ném bom cả vào bệnh viện, trường học, nhà ga, khu phố, bến xe làm 2.368 người chết, hơn 3 ngàn người bị thương. Trên hướng biển, đế quốc Mỹ tiếp tục thả hàng ngàn quả thủy lôi xuống cửa Nam Triệu (Hải Phòng), Hòn Gai (Quảng Ninh)…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Quân ủy Trung ương, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam cùng quân dân miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích của Mỹ, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không. 81 máy bay Mỹ bị hạ gục, trong đó có 34 máy bay B52 (con át chủ bài của không lực Hoa Kỳ) và 5 máy bay F111 cánh cụp cánh xòe phải đền tội ác.

* Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Bảo tàng Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật, chứng tích của cuộc chiến chống phong tỏa thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ trên các sông, biển miền Bắc. Mỗi hiện vật lịch sử là một câu chuyện, một chiến tích oai hùng ghi dấu bao trí tuệ, máu xương của quân dân miền Bắc. Chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường là một trong những chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đó là chiến thắng của tư tưởng dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù hung hãn nhất thời đại; chiến thắng của sự kết hợp giữa kỹ thuật thô sơ và vũ khí hiện đại, giữa ý chí kiên cường, sáng tạo của bộ đội Hải quân Việt Nam với lòng yêu nước của quân dân miền Bắc.

Đánh bại cuộc phong tỏa thủy lôi và bom từ trường của Mỹ trên các sông, biển miền Bắc có ý nghĩa lớn về quân sự, chính trị, đặc biệt về khoa học nghệ thuật quân sự trên chiến trường sông, biển. Thắng lợi ấy đã góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược nào, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân cả nước, trong đó bộ đội hải quân đóng vai trò chủ lực. Giá trị lịch sử của chiến công 40 năm trước là ngọn cờ thực tiễn sinh động để Hải quân nhân dân Việt Nam hôm nay noi theo, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Xuân Trình, người đã nghiên cứu khá kỹ về chiến công chống phong tỏa thủy lôi và bom từ trường trên các sông, biển miền Bắc của đế quốc Mỹ, phân tích: “Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường trên các sông, biển miền Bắc là chiến công vang dội nhất, vừa khẳng định sức mạnh nội lực của bộ đội hải quân, vừa khẳng định tinh thần đoàn kết của quân dân miền Bắc quyết tâm đánh giặc. Chiến công ấy, lịch sử mãi mãi ghi ơn, dân tộc không quên công lao những chiến sĩ thầm lặng hy sinh đánh “giặc nước”; thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam ngày nay luôn tự hào về các chiến sĩ rà phá thủy lôi của địch 40 năm trước, coi đó là tấm gương cao đẹp để học tập noi gương và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới”.

Từ chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, bài học lớn nhất cho bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với mưu đồ thôn tính chủ quyền biển Đông của các thế lực; xác định bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng của toàn dân, mà chủ lực là của bộ đội hải quân. Bên cạnh nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn mài sắc ý chí chiến đấu, dù gian khổ khó khăn, dù phải hy sinh đến tính mạng cũng kiên quyết bảo vệ biển, đảo, đó là sứ mệnh cao đẹp nhất.

Mai Thắng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều