Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm nơi gửi con (Bài 2)

11:07, 03/07/2013

Với con em công chức hay công nhân lao động ở thành thị, mùa hè đến là lúc các em phải ép mình cho “học kỳ 3” tại nhà giáo viên, các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, hoặc thui thủi ở nhà với chiếc ti vi, máy vi tính. Bởi, mùa hè của các em không phải là kỳ nghỉ dài của cha mẹ.

Với con em công chức hay công nhân lao động ở thành thị, mùa hè đến là lúc các em phải ép mình cho “học kỳ 3” tại nhà giáo viên, các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, hoặc thui thủi ở nhà với chiếc ti vi, máy vi tính. Bởi, mùa hè của các em không phải là kỳ nghỉ dài của cha mẹ.

* Dịch vụ chăm hè

Không chờ năm học kết thúc, chị Hạnh (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) liên tục gọi điện thoại cho cô giáo của cu Nguyện (học lớp 4) xin được gửi con ở nhà cô như mọi khi. Trong thâm tâm chị Hạnh, được giao hẳn con cho cô giáo trông coi là tốt rồi, còn chuyện cô kèm cặp thêm kiến thức cho cu Nguyện nhiều hay ít không quan trọng lắm. “Vợ chồng mình là công chức nên không thể thay phiên nhau ở nhà trông cháu. Còn bỏ cháu ở nhà một mình, hay mang đến cơ quan trong suốt những ngày hè thì rất bất tiện. Được cô giáo nhận lời là mình mừng rồi” - chị Hạnh bộc bạch.

Chị Thu (ngụ KP6, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tranh thủ đưa con đến lớp học hè để về đi làm.
Chị Thu (ngụ KP6, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tranh thủ đưa con đến lớp học hè để về đi làm.

Còn chị Hà (ngụ phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) thì thấy lúng túng khi cô con gái chuẩn bị bước vào lớp 1. Chị Hà tâm tư, trường mầm non không thể nhận cháu, nên chị chỉ còn cách gửi con vào “lò luyện” lớp 1 tại nhà một người quen để rảnh tay đi làm. “Chồng bám việc ở công ty suốt ngày, còn mình thì vướng phải lớp học bồi dưỡng này nọ nên không có thời gian chăm sóc bé. Trong khi đó, ông bà hai bên thì ở ngoài quê, bị con cháu bám chặt, không nhờ được” - chị Hà nói.[links(right)]

Do làm mẹ đơn thân, chị Yến (ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) phải chạy vạy nhiều nơi, mãi mới tìm được chỗ nhận trông bé Hậu (8 tuổi) với giá rẻ. Chị Yến tủi thân nói: “Thu nhập từ đồng lương công nhân của mình không nhiều, mẹ con phải thuê nhà trọ để ở nên khó mà tìm nơi giữ trẻ có điều kiện tốt. Được người ta nhận trông con giúp là tốt rồi. Có hôm, người ta bận việc gia đình, trả lại con cho mình giữ. Những ngày ấy, mình phải nhờ hết người này đến người khác ở khu nhà trọ giữ con để đi làm”.

Cũng cảnh không may như chị Yến, chị Bích (ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) thì xót xa bày tỏ, chị không thể nghỉ hè theo con, hoặc xin phép nghỉ phép năm để chăm con những ngày hè. Để duy trì công việc và dành ngày phép khi gia đình và bản thân gặp lúc hữu sự, chị Bích chỉ còn cách: “Mình giao cháu cho bác xe ôm quen. Sáng bác đưa cháu đến điểm học hè, chiều rước về nhà bác, để khi tan ca mình đến đón. Chi phí đưa đón, ăn và học của con hết 1,5 triệu đồng, cao hơn nhiều mức mà mình cho cháu học nội trú tại trường”.

Tại một quán cóc dọc đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng), chị Ngọc Hiền đang ép con ăn thật nhanh để kịp đưa đến trường sinh hoạt hè. Chị Ngọc Hiền bày tỏ với chúng tôi, để con chị khỏi bị sức ép học hè quá lớn, chị chọn giải pháp: sáng thứ 2-4-6, cô giáo hợp đồng xe đưa con chị và các học sinh khác sinh hoạt hè ở trường. Kết thúc buổi sinh hoạt ở trường, cô giáo đưa các em về nhà chăm sóc như các ngày còn lại. “Tuy tốn kém đôi chút, nhưng con mình được cô quản lý và dạy thêm tại nhà; đồng thời con mình vẫn được tham gia sinh hoạt hè. Dịch vụ này chỉ đáp ứng cho nơi nhận trẻ số đông và là giáo viên của trường con mình đang học thôi” - chị Ngọc Hiền cho hay.

* Hồn nhiên chấp nhận

Hè này, bé Dạ Thảo không được mẹ gửi về nội chơi như các năm trước. Chính vì vậy, khi năm học cũ chấm dứt, Dạ Thảo ở mãi trong nhà, chờ mẹ đi làm về. Chị Cẩm Hồng (mẹ bé Dạ Thảo) tâm sự, dù chị biết làm như vậy bé Dạ Thảo rất đơn độc, không tốt cho sự phát triển của trẻ, nhưng thấy bé không phàn nàn gì nhiều, chị cũng yên tâm, đợi thầy cô mở lớp dạy hè thì chị đem con đi gửi. “Suốt ngày chốt cửa ở trong nhà buồn lắm chú à. Vì thương mẹ một mình khổ cực nên con phải ráng thôi” - bé Dạ Thảo núp sau lưng mẹ nói.

Khó tìm nơi gửi trẻ trong những ngày hè.
Khó tìm nơi gửi trẻ trong những ngày hè.

Thêm một mùa hè nữa, các em nhỏ ở bãi rác Tân Cang, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) lại cùng cha mẹ nhặt rác mưu sinh. Em Dũng (16 tuổi, con chị Thuận) cho hay, bao năm qua, các em đã quen “vui hè” với rác. Nhặt rác giúp cho Dũng và nhiều bạn nhỏ khác tiền sinh hoạt hàng ngày, mua tập vở, áo quần, xe đạp mới để đến trường. “Tuy vậy, nếu được cha mẹ cho đi chơi, hoặc về quê thăm ông bà thì em vẫn thích hơn việc nhặt rác và vui đùa cùng chúng bạn ở bãi rác này” - Dũng nói.

Đồng hành với Dũng nơi bãi rác Tân Cang những ngày hè qua, còn có các em nhỏ khác, như: Tú, Đoàn, Mừng, Tường Vi… Trò chuyện với chúng tôi, các em cho biết, những ngày hè được cùng nhau thỏa sức vui đùa, bới rác kiếm tiền để phụ giúp gia đình cũng “thú vị”. Như vậy, vừa có tiền xài và cũng đỡ buồn chán so với các bạn cùng trang lứa đang tự chơi một mình ở khu nhà trọ. “Các bạn đó chỉ biết quẩn quanh trong góc nhà khi cha mẹ đi làm ca. Ra đây, chúng cháu hết chơi ném lon, lại chơi trốn tìm. Trưa nắng thì chui vào lều ngủ, hoặc rủ nhau đi đâu đó chơi. Trời về chiều mới quay lại nhặt rác tiếp” - em Mừng (13 tuổi) thổ lộ.

 Chị T. (giáo viên một trường tiểu học ở phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, chưa nghỉ hè, phụ huynh đã gặp chị nhờ gửi con học hè. “Bắt các em học hoài mình cũng không nỡ, nhưng đã nhận thì phải dạy kiến thức, chứ nhà mình đâu phải trung tâm đâu mà dạy bơi, múa hát, ngoại ngữ cho các em” - chị T. nói

Chồng thất nghiệp nhiều tháng liền, lại phát sinh thêm tính nhậu nhẹt, cờ bạc, túng quẫn, chị Lâm (ngụ phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) phải nách con nhỏ đi bán vé số. Riêng bé Nga (học lớp 6, con chị Lâm) phải ra ngoài chợ phụ quán cơm cho một người quen. Bé Nga thổ lộ: “Đi làm, con thấy vui hơn ở nhà chú à. Ở đây, bà Tư thương con lắm. Bà Tư hứa sẽ mua áo quần, sách vở, giày dép và cho con tiền đóng học phí khi vào năm học mới”. Còn chị Lâm thì tỉ tê với chúng tôi rằng, do nhà túng thiếu nên chị không cho bé Nga đi học thêm, hoặc tham gia sinh hoạt hè như các bạn cùng lớp. “Nó đòi theo tui đi bán vé số, nhưng tui không cho. May sao, bà Tư nhận nó vào phụ quán, nên nó mừng lắm. Nó khoe với tui, khách ăn cơm thường khen nó giỏi và hay cho tiền nữa” - chị Lâm bày tỏ.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều