Khi cánh cổng trường khép lại, những tháng hè ngắn ngủi cũng là khoảng thời gian để nhiều phụ huynh lẫn học sinh bước vào điệp khúc quen thuộc: tìm nơi gửi trẻ và kiếm tiền trang trải cho con vào năm học mới...
Khi cánh cổng trường khép lại, những tháng hè ngắn ngủi cũng là khoảng thời gian để nhiều phụ huynh lẫn học sinh bước vào điệp khúc quen thuộc: tìm nơi gửi trẻ và kiếm tiền trang trải cho con vào năm học mới...
Với những trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa…, mùa hè luôn là những ngày “cày sâu, cuốc bẫm”, buồn tẻ bên em nhỏ, đàn gia súc cột, nhốt ngoài sân, trong chuồng…
Gà vừa cất tiếng gáy sáng, cu Thắng (13 tuổi, ngụ ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đã cầm tô cơm trên tay. Cu Thắng ráng ăn để theo cha mẹ đi tỉa bắp thuê cho gia đình ông Hai Tuấn ở cùng ấp.
* Tuổi nhỏ, việc nhẹ
Chỉ mới 20 ngày hè, nhưng cu Thắng đã làm thuê được 15 ngày công. Bỏ tô cơm vừa ăn xuống nền nhà để cho chị Hà (mẹ cu Thắng) dọn dẹp, cu Thắng hồn nhiên nói với chúng tôi: “Người lớn thì được chủ đất trả công 150 ngàn đồng/ngày. Tụi con nít như con thì tùy theo công việc mà chủ đất trả công từ 100-120 ngàn đồng/ngày. Tuy tiền công thua người lớn, nhưng con tỉa hạt còn nhanh hơn người lớn đó”.
Ngày hè, nhiều học sinh ở nông thôn giúp đỡ gia đình việc đồng áng. |
Tuy mới học lớp 7, nhà ở xa trường, nhưng cu Thắng vẫn buổi sáng đi học, chiều về phụ cha mẹ chăm sóc vườn xoài thuê, làm cỏ, trồng mì... “Tiền làm thuê ngày hè của nó dư mua sách vở, áo quần, giày dép. Thấy thằng nhỏ cực, tui cũng thương, nhưng vợ chồng tui vẫn cho nó đi theo để biết quý trọng đồng tiền kiếm được từ mồ hôi, công sức của mình” - chị Hà nói xong liền bưng cái thúng đựng bát đĩa ra sau nhà rửa. Xong việc, chị mới cùng chồng và cu Thắng lên xe máy đi tỉa bắp thuê.
Để tỉa xong 5 sào đất trong ngày, ông Hai Tuấn cần tới 10 công lao động. Ông Hai Tuấn cho biết, những việc như: tỉa hạt, hái thuốc lá…,thì trẻ em làm còn nhanh tay hơn người lớn. Tuy vậy, thuê các em nhỏ cũng gặp rất nhiều bất tiện, như: không được ép công, bọn trẻ hay đùa giỡn trong lúc làm việc, hay bỏ việc nửa chừng vì bỗng dưng nổi hứng “không thích làm nữa”... “Tôi chỉ thuê những đứa trẻ đi cùng cha mẹ làm thuê cho mình. Như vậy, vừa tạo việc làm cho con em họ, vừa để cha mẹ quản lý, đôn đốc các em làm việc cho tốt” - ông Hai Tuấn nói.
Sát rẫy của ông Hai Tuấn là đám mì được trồng hơn 2 tháng của chị Ngọc Liên. Tại đây, có gia đình em Ngoan (16 tuổi, học lớp 10, ngụ cùng ấp với gia đình cu Thắng) đang làm cỏ mì thuê.
Nghỉ tay cuốc, em Ngoan cho biết, những việc rẫy vườn, như: làm cỏ, gặt lúa, gọt vỏ bạch đàn, tỉa hạt, chặt mì…, em đều đã quen tay khi còn học THCS. “Con làm riết nên quen nắng, quen mưa và không thấy mệt. Bắt đầu từ hè năm nay, tiền công của con được chủ đất trả bằng với ngày công của cha mẹ. Tuy vậy, cha mẹ chỉ cho con đi làm những việc vừa sức, còn những việc nặng, như: dọn đất, vác cây, phun thuốc…, cha mẹ không cho làm, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe” - em Ngoan bộc bạch.
* Ngồi nhà buồn lắm
Đang chuyện trò với Ngoan, chúng tôi nhìn thấy nơi đám mì thấp thoáng cái cán cuốc thò lên thụp xuống, nhưng lại không thấy người. Em Ngoan cho hay, ngoài Ngoan, còn một em nhỏ tên Hải (14 tuổi, học lớp 8, con anh Ba Thắng) đang làm cỏ thuê. Chúng tôi tiến lại gần thì thấy Hải đang dùng sức nhổ gốc cây gai mắc cỡ dưới gốc mì. Thấy chúng tôi đến, Hải đứng bật dậy, nhưng vẫn bị bụi mì che khuất đầu. Hải nhoẻn miệng cười, nhìn chúng tôi thật lâu rồi mới gãi đầu trả lời gọn lỏn: “Ở nhà không biết chơi với ai nên con buồn lắm. Vì vậy, suốt những ngày hè, con thường theo cha mẹ ra rẫy để bẫy chim, sóc, hoặc làm công để kiếm tiền mua tập sách chuẩn bị cho năm học mới”.
Rời đám rẫy mì của chị Ngọc Liên, chúng tôi tiếp tục tà tà xe máy theo các nhánh đường vào rẫy, rừng trồng của người dân các xã: Trị An, Tân An (huyện Vĩnh Cửu) tìm hiểu.
Tranh thủ ngày hè, một số học sinh đi làm thuê để mua quần áo, sách vở chuẩn bị cho năm học mới. |
Tại rẫy mía bạt ngàn của ông Ba Sơn (xã Trị An), chúng tôi thấy vài chú nhóc đang cùng cha mẹ tỉa lá, làm cỏ. Bắt chuyện với em nhỏ tên Tuấn, chúng tôi được biết, Tuấn học lớp 8, con chị Bảy The, nhà ở hẻo lánh nơi đám đất của ông Ba Sơn để vừa tiện đi làm thuê, vừa canh chừng mía cho chủ. “Ở đây rất thưa nhà dân nên con không có bạn để chơi. Muốn đi chơi, con phải đi xe đạp vài cây số ra đầu ấp tìm bạn học chung lớp rủ đi tắm suối, bấm điện tử cho đã rồi mới về nhà” - Tuấn bộc bạch.
Trong lúc cùng mọi người nghỉ giải lao, bé Huyền (17 tuổi, con chị Cúc, ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) mở 2 lớp khẩu trang che mặt ra, chúng tôi mới nhận ra em còn ở tuổi học trò. Huyền cho hay, năm tới em học lớp 12. Hè nào cũng vậy, Huyền tự ôn tập ở nhà, chứ không đi học thêm như các bạn. “Ngày đi làm thuê, tối về con mới ôn tập cho khỏi quên kiến thức và khỏi buồn. Hè nào con cũng tranh thủ đi làm thêm, vì vào năm học mới có nhiều thứ phải mua sắm. Hơn nữa, con phải tranh thủ phụ mẹ làm kiếm tiền, vì suốt 9 tháng học con không giúp được gì cho mẹ” - Huyền tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Tuyền, giáo viên điểm lẻ Suối Tượng (Trường tiểu học và THCS Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), cho biết do mải theo cha mẹ đi làm thuê trong hè, nên nhiều em quên luôn chữ, bỏ lớp. Vì vậy, khi năm học mới bắt đầu, nhà trường và giáo viên phải phối hợp cùng ban ấp đến từng nhà học sinh vận động các em quay lại lớp. |
Chúng tôi đang chuyện trò với bé Huyền thì cu Phúc (12 tuổi, con anh Hải Đăng, ngụ xã Tân An) cầm cái lồng sắt đựng con chuột đồng nặng cả ký chạy tới khoe với cha: “Con nói sẽ bắt được nó mà mọi người không tin. Con chuột này con cho cha và chú Tư Bạch nhậu đã đời luôn”.
Nhìn con chuột đồng mập mạp bị nhốt trong chiếc lồng, anh Hải Đăng khoái chí nói với chúng tôi: “Bắt ở nhà thì nó than buồn, không có bạn để chơi. Vì vậy, mỗi khi đi làm, nó thường xin tui cho đi theo để được đặt bẫy chim, chuột đồng, bắt cá. Những thứ nó bắt được đem bán cho tụi tui nhậu đó”.
Nghe cha nói trúng tim đen, cu Phúc nhoẻn miệng cười rất hồn nhiên, rồi phân bua với chúng tôi: “Tiền bán được con đều dành dụm để mua sách vở, áo quần mới. Có hôm, cha không mua, con phải bán cho người khác, hoặc để làm thức ăn. Được theo cha ra đồng bẫy chim, bắt cá vui hơn nằm ở nhà chú à!”.
Đoàn Phú