Bên cạnh các học sinh có những ngày hè ý nghĩa, vẫn còn nhiều em lam lũ mưu sinh, ép mình trong góc học tập, “lò” luyện kiến thức để chuẩn bị thi vào các trường điểm…
Bên cạnh các học sinh có những ngày hè ý nghĩa, vẫn còn nhiều em lam lũ mưu sinh, ép mình trong góc học tập, “lò” luyện kiến thức để chuẩn bị thi vào các trường điểm…
Thêm một mùa hè nữa, em Thắng (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) phải ngồi nhà đan giỏ giúp mẹ mà không được về quê thăm ông bà. “Nếu được cha mẹ cho đi chơi, hoặc về quê thăm ông bà, con vẫn thích hơn là ngồi ở nhà buồn thiu. Về quê, con được ông bà cho đi đây đó, được chơi đùa thỏa thích với các anh em họ” - Thắng ngừng tay đan tâm sự.
* Phơi mình trong nắng, gió
Mưa vừa dứt, hai chị em Thơi và Hạnh (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) lại lang thang cùng mẹ bán vé số ven đường. Bé Thơi (16 tuổi) cho hay, quê em ở ngoài Bắc. Đến hè, hai chị em Thơi được cha mẹ cho vào miền Nam chơi, được mẹ dẫn đi bán vé số để kiếm tiền tàu xe về lại quê và chi phí cho năm học mới. Với Thơi, mùa hè là những ngày gia đình em đoàn tụ, làm ra tiền nhiều hơn (vì 4 người cùng làm việc). Nhờ vậy, Thơi và Hạnh vẫn tiếp tục được đến trường, vì mọi chi phí sinh hoạt của các em và ông bà nội ở quê đều phụ thuộc vào số tiền cha mẹ các em gửi về trong những ngày bôn ba mưu sinh tại TP.Biên Hòa.
Nhiều trẻ tranh thủ ngày hè để phụ việc gia đình. |
Mới 13 tuổi, nhưng ngày nào cậu bé Nam (ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) cũng theo canh giữ đàn vịt thả đồng của gia đình, vì sợ bị mất trộm. Mỗi sáng, khi đàn vịt đông đúc được thả ra đồng, Nam có nhiệm vụ cầm chiếc gậy chạy theo lũ vịt để chúng khỏi chạy vào ruộng lúa của người dân. Nam cho biết, có hôm mệt nhoài, em nằm dưới đám cỏ ngủ thiếp đi lúc nào không biết.[links(right)]
Năm nay lên lớp 7, Phan Minh Tú (ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành) cũng tranh thủ mùa hè phụ cha mẹ đi chăn bò. Suốt cả ngày vào rẫy với đàn bò 10 con, đôi lúc khiến em mệt nhoài vì nắng và đói. “Mùa hè của con năm nào cũng thế, không đi đâu chơi hết, vì còn phải phụ giúp cha mẹ. Thấy mấy bạn được cha mẹ cho đi đây đó, con cũng thích lắm” - Tú hồn nhiên kể về mình.
Ngày hè của các trẻ em nghèo mà chúng tôi đã gặp nơi những cánh đồng vắng vẻ, hay đô thị đông đúc là những ngày theo cha mẹ ra đồng đến tối mịt mới về, hay phơi nắng ngoài đường bán vé số, nhặt ve chai… Với các em, ngày hè được chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với cha mẹ, gia đình sum họp là hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa, khi ve sầu dứt tiếng, các em được quay lại mái trường với áo quần, tập sách mới và đóng góp đủ đầy các khoản tiền như bao bạn con nhà khá giả khác bằng sức lao động của mình trong những ngày hè.
* Vì trường điểm, lớp chọn
Năm học vừa khép lại, anh Bùi Tân (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã ráo riết tìm chỗ học hè cho con là cu Hải. Hải mới học xong lớp 5, nên được mẹ đăng ký cho học thêm chương trình lớp 6, với 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Ngoài ra, em còn học tin học và rèn chữ ở các trung tâm. Lịch học kín mít, cả thứ bảy và chủ nhật, không thua so với trong năm học là bao, khiến Hải mệt mỏi và căng thẳng. Hải cho biết, em chỉ muốn nghỉ ngơi và học vài môn năng khiếu trong mùa hè, nhưng cha mẹ sợ em vào năm học không theo kịp bài, không thi đậu vào trường điểm mà cha mẹ đã chọn sẵn.
Vào thư viện đọc sách, chơi cờ cũng là hình thức hấp dẫn các học sinh ở Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa). |
Riêng bé Ngọc Quỳnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), hết hè thì bước vào lớp 3. Chính vì vậy, chị Lan (mẹ Quỳnh) không cho bé về quê thăm ông bà, hay du lịch như mọi năm, mà bắt em ở nhà học Anh văn, luyện toán. Chị Lan cho biết, phải cho bé học trước chương trình may ra mới theo kịp bạn bè, được học tiếp lớp chọn và giữ được danh hiệu học sinh giỏi khi vào năm học mới.
Là nhà giáo về hưu, thầy Phúc (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) chia sẻ, cha mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, trước sức ép, sự cạnh tranh để con em được vào trường điểm, trường chuẩn quốc gia, trường chuyên, lớp chọn ngày càng trở nên gay gắt, nhiều phụ huynh đã bắt đầu tiếp cận, sử dụng kỳ nghỉ hè của trẻ theo ý mình. “Thay vì cho trẻ được vui chơi, giải trí trong hè, một số phụ huynh đã “tận dụng” khoảng thời gian này để “nhồi nhét”, bắt trẻ học thêm, học trước, chuẩn bị kiến thức cho năm học mới” - thầy Phúc nói.
Th.S tâm lý Lê Minh Công, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai, cho rằng ngày hè các em nhỏ phải tránh xa các trò chơi tiếp xúc quá nhiều với máy vi tính, hạn chế cho trẻ xem ti vi, cần khuyến khích trẻ hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” sử dụng trí tưởng tượng để trẻ có một mùa hè vui tươi và bổ ích. “Trẻ con cần được vui chơi, vận động để cân bằng giữa hoạt động trí óc và hoạt động thân thể. Các hoạt động giải trí, như: ca hát, nhảy múa, diễn kịch… làm giàu tâm hồn và cảm xúc của trẻ, giúp các em sớm bộc lộ năng khiếu, thể hiện sức sáng tạo và cảm xúc của mình” - Th.S Công nói. |
Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội tỉnh Lê Đình Hạnh bày tỏ, ngoài việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho các đội viên - học sinh, Hội đồng Đội tỉnh còn đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường giới thiệu những tấm gương tiêu biểu trong học tập, những phong trào và việc làm hay đến với đông đảo các em đội viên. “Tổ chức Đoàn các xã, phường trên địa bàn tỉnh liên tục phối hợp với các trường học, địa phương, đoàn thể… tạo sân chơi cho các em, như: văn nghệ - thể thao, tặng quà, sinh hoạt hè… Tuy nhiên, không phải hoạt động nào cũng thu hút các em vào sinh hoạt. Bởi tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình mà các em có được mùa hè trọn vẹn, thú vị, hay tiếp tục bôn ba cùng gia đình mưu sinh” - anh Hạnh nói.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Tỉnh đoàn Bùi Xuân Thống chia sẻ, mùa hè là khoảng thời gian có lợi và cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ học và chơi hợp lý sẽ phát triển tốt hơn hẳn những trẻ chỉ chăm chăm vào việc học, hoặc chơi. Anh Thống nhấn mạnh, duy trì một nếp sống năng động không chỉ giúp trẻ có thêm nhiều cơ hội học hỏi, mà còn giúp trẻ không cảm thấy ngại khi năm học mới bắt đầu. Thay vì để con ở nhà với ti vi, truyện tranh, phim hoạt hình…, hãy cho con tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, vui cùng bạn bè trong các trò chơi của tuổi học trò.
Đoàn Phú