Ở Trường tiểu học Chu Văn An (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc), em Nguyễn Thị Mỹ An (học sinh lớp 4/2) là tấm gương sáng về nghị lực học tập. Tuy thời gian nằm viện trị bệnh suy tủy nhiều hơn ở trường, nhưng năm nào An cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Ở Trường tiểu học Chu Văn An (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc), em Nguyễn Thị Mỹ An (học sinh lớp 4/2) là tấm gương sáng về nghị lực học tập. Tuy thời gian nằm viện trị bệnh suy tủy nhiều hơn ở trường, nhưng năm nào An cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Chị Trần Thị Kim Liếng, mẹ của An, kể đầu tháng 5-2013 An được bác sĩ cho xuất viện 2 ngày về dự thi cuối năm, sau đó trở lại nhập viện. Kết quả, An đã đạt 2 điểm 10 và 1 điểm 9, đồng thời em được nhận danh hiệu học sinh giỏi năm thứ 4 liên tiếp.
* Chỉ mong con sống
Ngày An lọt lòng mẹ đã mang đủ bệnh trong người. Lúc em chưa đầy 4 tháng tuổi cũng là lúc cha mẹ ly thân, An phải theo mẹ đi ở trọ nhiều năm sau đó. Lúc An bớt bệnh, mẹ em tranh thủ đi làm thuê kiếm tiền, lúc em phát bệnh thì mẹ lại ôm em đi bệnh viện.
Cô Huỳnh Thị Hòa tranh thủ đến nhà phụ đạo cho em An vào những ngày em không phải nằm viện. |
Chị Liếng nhớ lại, có lần vào nửa đêm, trời mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm, rung cả mái tôn nhà trọ, bỗng dưng con chị đổ bệnh, người tím tái, co giật, làm chị cuống cuồng cả lên. Lúc đó, chị phải một mình ẵm con ra Bệnh viên đa khoa huyện Xuân Lộc cấp cứu, rồi bé An được bác sĩ chuyển gấp lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Nhiều lần ẵm con đi cấp cứu mà trong túi chị Liếng không còn đến 50 ngàn đồng. Chị Liếng nói: “Lúc con nguy kịch, tôi chỉ biết trông nhờ vào các y, bác sĩ. Nhiều người thấy hoàn cảnh của mẹ con tôi đã động lòng mà móc tiền túi hỗ trợ cho hai mẹ con. Nhiều lúc, lên đến viện không có tiền, tôi phải gọi điện về nhà nhờ cậy cậu, dì vay mượn mang lên đóng viện phí cho bé An”.
Theo bác sĩ Nguyễn Sơn (Khoa ngoại Bệnh viện Chợ Rẫy), An mắc khá nhiều bệnh, nghiêm trọng nhất là suy tủy, khiến cơ thể em không thể tự sản sinh ra máu. Suy tủy còn bị xếp vào loại “bệnh nhà giàu”, chỉ con nhà giàu mới có cơ hội chữa trị, do chi phí tốn kém. Để An khỏi bệnh, cần phải có người hiến tủy, chi phí chữa trị có thể lên đến 1,5 tỷ đồng, nhưng còn tùy thuộc vào cơ địa của em có thích ứng với ghép tủy hay không. Bác sĩ Sơn cho biết thêm, nếu không đủ tiền, điều trị dạng “cầm cự” thì được đến đâu hay đến đó, khi không còn tiền nữa thì đành chấp nhận…
Trong khi đó, chị Liếng cho hay, chị một thân vừa đi làm kiếm sống, vừa lo chữa trị cho con, khi con bệnh nặng thì bỏ cả việc để vào viện chăm con. Đến nay, số tiền chị vay mượn trị bệnh cho con đã vượt quá 100 triệu đồng. Ngày nào An ở nhà cũng cần từ 120-150 ngàn đồng tiền mua thuốc, nhưng cũng chỉ mong sao em đừng bệnh nặng thêm để đỡ phải đi viện, vì đi viện sẽ tốn nhiều hơn thế nữa. “Nếu bé An kéo dài bệnh tật, chắc tôi không còn biết vay mượn vào đâu nữa, vì chỗ nào vay mượn được tôi đã vay mượn hết cả rồi” - chị Liếng nói trong nước mắt.
* Không thiếu tình người
Thương cho hoàn cảnh của mẹ con An, chị Trần Thị Thu Hoa (ngụ ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, chị ruột chị Liếng) đã rước mẹ con An về ở cùng, xây cho gian nhà rộng gần 15m2 sau vườn để ở, dù kinh tế vợ chồng chị vẫn còn khó khăn.
Chị Trần Thị Kim Liếng hàng ngày phải chạy vạy để có tiền thuốc thang trị bệnh cho con. |
Chị Hoa chia sẻ, thấy mẹ con An không chồng, không cha, không nhà cửa, vợ chồng chị không yên lòng. Cứ đi làm về, chị lại chạy xuống coi sức khỏe An ra sao, có gì ăn uống chưa. Nhiều lần vợ chồng chị như “vị cứu tinh”, khi chạy đôn chạy đáo mượn tiền mang đến bệnh viện đóng viện phí cho bé An. “Nhiều người thương hoàn cảnh mẹ con bé An lắm. Có người cho mượn tiền mà không tính lãi, người thì cho mượn lãi thấp, lúc mang trả thì chỉ lấy tiền gốc, còn tiền lãi cho bé An luôn. Nếu không có lòng tốt của mọi người, bé An chưa chắc còn sống đến hôm nay” - chị Hoa nói.
Là giáo viên chủ nhiệm của An, cô Huỳnh Thị Hòa đã thương và coi em như con mình vậy. Cô Hòa nói, hôm nào vào lớp mà thấy chỗ An vẫn trống là biết em đang phải đối mặt với bệnh tật ở bệnh viện. Có đợt An nghỉ học lâu quá, nóng ruột cô lật đật đón xe buýt lên bệnh viện thăm học trò. Khi An được về nhà điều trị, cô lại đến nhà dạy bù kiến thức cho em. Cô Hòa chia sẻ, dù thời gian nằm viện nhiều hơn ngồi trên lớp học, nhưng An vẫn có kết quả thi xếp loại cao nhất lớp, nhờ tính ham học. Mỗi lần giao bài tập cho An làm, cô Hòa chỉ giao vài bài, vì sợ em làm nhiều sẽ mệt; nhưng lần nào An cũng mày mò làm thêm cả những bài khó hơn các bài tập mà cô giáo giao. Cô Hòa cho biết thêm: “Thương trò An lắm, đã bệnh nặng mà ham học quá, mong em sẽ vượt qua căn bệnh đang hành hạ mình”.
Nguyễn Thị Mỹ An tâm sự: “Dù trong hoàn cảnh nào, con vẫn học và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó phải học thật tốt và luôn phải dũng cảm để vượt qua khó khăn. Con chỉ nghĩ rằng, mình sẽ phải cố gắng học thật giỏi để mẹ vui lòng”. |
Biết được hoàn cảnh của An, Liên đội Trường tiểu học Chu Văn An đã phát động phong trào nuôi heo đất giúp em. Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Chu Văn An Lê Bá Hoàng cho biết, nhiều em đội viên ở trường đã bớt tiền ăn sáng để giúp đỡ An, các thầy cô giáo cũng dành ra ngày lương để giúp em. Trong ngày hội khui heo đất mới đây, các em đội viên thu được 11 triệu đồng đều để dành tặng cho An trị bệnh. “Gương vượt lên bệnh tật để liên tục là học sinh giỏi 4 năm liền của em An thực sự là tấm gương sáng cho nhiều em đội viên noi theo học tập” - thầy Hoàng cho biết.
Mới đây, Ban Dân vận huyện Xuân Lộc đã tặng Nguyễn Thị Mỹ An 1 triệu đồng để động viên tinh thần, nghị lực vươn lên của em trong học tập. Tuy nhiên, điều mong mỏi to lớn nhất đối với mẹ con An, cùng bạn bè, thầy cô và những người thân thiết là em được có cơ hội chữa lành bệnh tật, sống cuộc một đời khỏe mạnh để học tập, vui chơi như bao bạn bè đồng trang lứa. “Tôi sợ một ngày nào đó tiền cạn kiệt. Giá như có ai đó giúp tôi nuôi và chữa bệnh cho cháu, thì dù có phải đánh đổi cuộc đời mình tôi cũng sẵn lòng” - chị Trần Thị Kim Liếng nói trong nước mắt.
Công Nghĩa