Cách đây 40 năm, Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc đã đập tan mưu đồ của đế quốc Mỹ dùng thủy lôi và bom từ trường phong tỏa, ngăn chặn sự chi viện vũ khí, đạn dược và lực lượng của ta cho chiến trường miền Nam tại các cửa biển miền Bắc với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử.
Cách đây 40 năm, Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc đã đập tan mưu đồ của đế quốc Mỹ dùng thủy lôi và bom từ trường phong tỏa, ngăn chặn sự chi viện vũ khí, đạn dược và lực lượng của ta cho chiến trường miền Nam tại các cửa biển miền Bắc với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với thao tài chiến lược trên biển, Hải quân Việt Nam cùng quân dân miền Bắc đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Trước nguy cơ thất bại ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường ở nhiều cửa biển, sông, lạch trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam với mục đích ngăn chặn chi viện vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam, hòng gây sức ép chính trị với ta trên bàn đàm phán Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; ngăn chặn các hoạt động của Hải quân nhân dân Việt Nam.
* Bảo vệ đường vận tải biển
Với ý đồ nham hiểm, bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, từ năm 1967, đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao. Tổng thống Mỹ Johnson cũng ra lệnh bí mật cho rải thủy lôi ở các cửa sông, bến cảng phía Bắc. Đợt đầu, chúng chọn các cửa sông Mã (Thanh Hóa), sông Gianh (Quảng Bình), cửa Hội (Nghệ An), Nhật Lệ (Quảng Bình)..., là những đầu mối giao thông quan trọng của ta lúc bấy giờ. Từ ngày 26-2-1967 đến 21-5-1967, Mỹ dùng máy bay A6A lén lút thả 160 quả thủy lôi.
Thủy lôi của Mỹ thả trên khắp cửa sông, biển miền Bắc Việt Nam. Ảnh T.L. |
Nắm bắt được mưu đồ của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã tổ chức một lực lượng bộ đội đặc công và công binh hải quân phối hợp với nhân dân và bộ đội địa phương các quân khu tiến hành rà phá, trục vớt, tháo gỡ thủy lôi, mở luồng cho tàu thuyền đi lại, vận chuyển hàng trăm chuyến vũ khí đạn dược vào miền Nam an toàn.
Trước những chuyến tàu chở vũ khí, đạn dược từ Bắc vào Nam cứ nối đuôi nhau hải trình an toàn hết ngày này qua ngày khác của quân ta, đế quốc Mỹ nhận định: “Kế hoạch thả thủy lôi chưa đủ sức mạnh tiêu diệt, cần phải thay đổi chiến lược ngay lập tức”. Tổng thống Johnson đã lệnh “hoán đổi” thủy lôi bằng bom từ trường DST36, một loại bom có sức công phá hủy diệt lớn, đồng thời Mỹ mở chiến dịch đánh phá phong tỏa cảng Hải Phòng bằng máy bay, kết hợp rải hàng ngàn tấn bom từ trường trên các luồng sông, cửa biển, bến phà... tạo thành vành đai ngăn chặn các phương tiện vận chuyển đường thủy của ta.
Trước tình thế ấy, bộ đội Hải quân Việt Nam một lần nữa bước vào cuộc chiến đấu mới. Bằng kinh nghiệm tìm mò, phát hiện, trục vớt, các phân đội đặc công và công binh Hải quân đã ngày đêm bám biển, bí mật tháo gỡ bom từ trường tại các cửa sông: Nhật Lệ, sông Gianh, sông Mã, rìa cảng Hải Phòng.
Nhận thấy bom từ trường cũng không làm lung lay ý chí của quân ta, đế quốc Mỹ bàn tính kế hoạch “cộng hưởng”, tức là vừa ném bom, vừa rải mìn. Với kế hoạch “cộng hưởng”, đầu năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon vội vã huy động không quân, hải quân mở chiến dịch ném bom, rải mìn ồ ạt xuống đồng loạt các cửa sông, biển, cảng quan trọng khắp miền Bắc từ lúc 7 giờ 30 ngày 9-5-1972.
Để đánh lừa các tàu thuyền đang bốc dỡ hàng tại cảng Hải Phòng, Nixon công bố: “Thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày”, với mục đích để thúc giục tàu nước ngoài đang bốc dỡ hàng tại Hải Phòng phải nhanh chóng rời cảng và sẽ bị phá hủy ngay sau đó khi vướng phải bom từ trường đã thả trước của Mỹ.
Ngày 11-5-1972, máy bay Mỹ tiếp tục rải mìn bịt luồng ra vào các cảng Hòn Gai, Cẩm Phả, các cửa sông và vùng ven biển miền Bắc nước ta. Từ ngày 9-5-1972 đến tháng 1-1973, địch đã thả ở 8 tỉnh, thành miền Bắc với 166 điểm, gồm hàng vạn quả bom từ trường, thủy lôi, mìn các loại; diện tích bị phong tỏa ở các khu vực trọng điểm gần 478km, suốt từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến cửa Tùng, cửa Việt (Quảng Trị)...
* Dùng từ trường phá bom từ trường
Ông Nguyễn Xuân Trình, nguyên chiến sĩ tàu không số Lữ đoàn 125 Hải quân, cho biết: “Mỹ thả bom từ trường rất nhiều loại, có loại nổ khi tiếp xúc với bóng tối, có loại nổ do cộng hưởng từ, có loại nổ do sức ép của nước. Để thông luồng sông cửa biển, bộ đội hải quân của ta tiến hành rà phá bằng nhiều cách rà theo dạng kéo lưới, hoặc phát từ trường nam châm; khi không còn cách nào phá hủy được thủy lôi và bom từ trường dưới nước, ta phải mò vớt lên và nghiên cứu tháo ngòi nổ bằng phương pháp thủ công. Ngày ấy, ta chưa có kỹ thuật tháo gỡ nhiều, chủ yếu tự mày mò tìm ra kinh nghiệm. Nhưng có thể khẳng định, bom từ trường của Mỹ dù hiện đại thế nào cũng không làm lung lay ý chí chiến đấu của quân dân miền Bắc lúc ấy. Các chiến sĩ hải quân vẫn đêm ngày trinh sát bám biển, quyết tâm rà phá bom mìn đến cùng. Trong cuộc chiến đấu này, không phải không có mất mát hy sinh”.
Ông Hoàng Chương (quê tỉnh Phú Yên), người đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật phá bom từ trường của Mỹ bằng từ trường, kể lại: “Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta ngày càng quyết liệt, việc chống phá các loại bom mìn, thủy lôi để giải phóng các bến cảng, cửa biển lúc bấy giờ là nhiệm vụ cấp bách. Được cấp trên giao nhiệm vụ phá bom từ trường, Cục Đường biển đã nhanh chóng thành lập tổ nghiên cứu và tìm giải pháp mở “mồm” các quả bom nằm sâu dưới lòng sông, bến cảng. Tổ nghiên cứu gồm 4 người, gồm các ông: Thái Phong, Lê Gia Chưởng, Hoàng Chương và Lê Văn Kỳ, do Cục trưởng Đường biển Lê Văn Kỳ trực tiếp chỉ huy”.
Làm cách nào để phá được bom từ trường có sức công phá lớn khi các kỹ sư chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi việc rà phá thủy lôi và bom từ trường của Mỹ tại các cửa sông, biển, bến cảng vô cùng nguy hiểm, là vấn đề đặt ra không chỉ cho riêng ông Chương lúc ấy (mới tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội). Xác định: “Tất cả vì chiến trường miền Nam, vì ngày thống nhất Tổ quốc”, cả tổ nghiên cứu bắt tay vào công việc chẳng quản đêm ngày. Sau khi nghiên cứu tính năng, cơ chế gây nổ của bom từ trường, nhóm nghiên cứu đã đưa ra phương án tối ưu: “Tạo ra từ trường mạnh để gây nổ các quả bom từ trường dưới cửa sông, biển trước khi tàu chở vũ khí của ta đi qua”.
Lần đầu tiên kỹ thuật “dùng từ trường phá bom từ trường” được áp dụng ở cảng Hải Phòng, do nhóm ông Hoàng Chương phụ trách đã thành công. “Kết quả thật bất ngờ, những quả bom từ trường có hạng và sức công phá đặc biệt của Mỹ đã được rà phá, tháo gỡ an toàn; nhiều chuyến tàu vận tải lương thực, vũ khí vào các bến cảng ở Quân khu 4 và miền Nam xuất phát tại cảng Hải Phòng vượt biển vào Nam vẫn an toàn, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà” - ông Chương tự hào kể lại.
Mai Thắng