Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở “mồm” thủy lôi (Bài 2)

10:06, 28/06/2013

Đã 40 năm trôi qua, nhưng Đại úy Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân vẫn không thể quên được những ngày cùng đồng đội rà phá thủy lôi trên nhiều lạch sông, cửa biển ở miền Bắc Việt Nam.

Đã 40 năm trôi qua, nhưng Đại úy Trương Thế Hùng, nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân vẫn không thể quên được những ngày cùng đồng đội rà phá thủy lôi trên nhiều lạch sông, cửa biển ở miền Bắc Việt Nam. Ông bảo: “Những ngày trầm mình dưới sông vớt thủy lôi, phá bom từ trường cùng đồng đội là những ngày đẹp nhất trong đời quân ngũ, để khi giã từ đời lính, tôi thấy mình luôn tự hào”.

* Có “duyên” với thủy lôi

Lịch sử Hải quân Việt Nam ghi lại, đêm 27 rạng sáng 28-2-1967, Mỹ đã sử dụng nhiều lần máy bay A6A, A3B, A4, A6, A7 để thả một số lượng lớn thủy lôi MK-50, MK-52 và bom từ trường DST-36 mang đầu nổ MK-42 xuống hầu hết các cửa sông ở Khu 4, mà trọng điểm là 4 cửa sông lớn: sông Mã (Thanh Hóa), cửa Hội (Nghệ An), sông Gianh và sông Nhật Lệ (Quảng Bình), cùng 20 cửa sông khác ở miền Bắc, nhằm bịt lấp việc vận chuyển vũ khí, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Trương Thế Hùng tháo gỡ quả thủy lôi MK-52 tại Nam Đàn (Nghệ An) vào tháng 3-1967.                                                 Ảnh: T.L
Ông Trương Thế Hùng tháo gỡ quả thủy lôi MK-52 tại Nam Đàn (Nghệ An) vào tháng 3-1967. Ảnh: T.L

Để hóa giải những quả thủy lôi, khơi thông luồng lạch, không còn cách nào khác là phải bắt chúng mở “mồm”. Lúc bấy giờ, ông Trương Thế Hùng là một trong những sĩ quan được đào tạo cơ bản về vũ khí dưới nước ở nước ngoài, nên Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định chọn ông và 2 cộng sự Trần Thanh Hoài và Đào Kỳ vào Khu 4 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chiến trường và làm nhiệm vụ tiền trạm chuẩn bị đưa đơn vị vào.

Nhận lệnh Quân chủng Hải quân giao, Đại úy Hùng và 2 cộng sự lên xe đạp vượt quãng đường hơn 400 cây số từ Hải Phòng vào Nghệ An. Tại đây, ông được tin bộ đội công binh tỉnh Quảng Bình mới vớt được 2 quả thủy lôi ở mép sông gần phà sông Gianh. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo được nghiên cứu tháo gỡ 2 quả bom, ngay hôm sau, ông cùng đồng đội vượt đèo Ngang vào Quảng Bình nắm tình hình. Đúng lúc ấy, ông gặp xe tải của tỉnh Quảng Bình chở 2 quả thủy lôi ra Nghệ An, với lý do bảo đảm an toàn cho sông Gianh và các trận địa pháo phòng không không quân ở đây.[links(right)]

Biết ý định của bộ đội công binh Quảng Bình, ông Hùng đề nghị: “Khi chở ra Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), các đồng chí nhớ để 2 quả thủy lôi cách xa nhau, kẻo tự chúng sinh từ trường và phát nổ”. Lúc đó, các cửa sông, biển khu vực gần sông Gianh đang là tâm điểm dội bom B52 của Mỹ, nhiều làng mạc phải sơ tán, nhiều trận địa pháo cao xạ phải bí mật dời đi an toàn, xây trận địa mới để chiến đấu, tránh Mỹ rải bom.

Tháo gỡ thủy lôi là công việc không nặng nhọc, nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi phải thận trọng, chỉ cần sơ suất là gây nổ, dĩ nhiên là hy sinh. Thế nhưng, bằng sự mày mò nghiên cứu và sáng tạo, cách phá thủy lôi của bộ đội ta thật đơn giản. Cựu binh Hùng cười khà khà kể lại: “Lúc ấy, ta phá thủy lôi bằng dụng cụ sửa xe đạp, chứ thực tình có máy móc hiện đại nào đâu. Trong điều kiện ấy, kể cả một cái đinh nhỏ cũng trở thành dụng cụ, dĩ nhiên việc tháo gỡ trên cơ sở khoa học và tính toán kỹ càng. Tôi xác định, 2 quả thủy lôi được vận chuyển đoạn đường khá xa, đã có sự xây xát vẫn không tự nổ được, thì sự va chạm từ bàn tay cũng khó làm cho nó nổ. Mặt khác, nó không nằm dưới nước nên không có sức ép của nước, nó ở trạng thái bình thường, đó là cơ sở để chúng tôi tháo gỡ”.

Sau khi xác định vị trí tháo gỡ ở từng con ốc, ông Hùng và 2 cộng sự bắt đầu dùng cà lê vặn ốc nhích từng ly một. Nín thở, hồi hộp, bình tĩnh. Phút giây căng thẳng ấy, trong tâm khảm các chiến sĩ nhủ thầm: “Nếu chẳng may thủy lôi nổ, mình hy sinh thì đó cũng là sự hy sinh vì Tổ quốc”. Chính điều ấy đã giúp ông Hùng và đồng đội có trạng thái cân bằng, không hề run sợ. Khi con ốc đầu tiên được tháo khỏi “mồm” thủy lôi, cả 3 chiến sĩ trào nước mắt. Đại úy Hùng nói: “Đầu xuôi đuôi lọt. Mày đã mở “mồm” thì nhất định sẽ cho mày há to”. Như lời động viên tinh thần, 3 chiến sĩ tiếp tục tháo những con ốc còn lại một cách thận trọng, an toàn.

Quả thủy lôi thứ nhất được tháo gỡ, quả thủy lôi thứ hai mang bí số MK-50 cũng được tiến hành tương tự. Hơn 2 giờ nín thở trôi qua, 2 quả thủy lôi được ông Hùng và đồng đội bắt phải mở “mồm”. “Đó là 2 quả thủy lôi đầu tiên được tháo gỡ. Nó không chỉ đánh dấu bước đầu làm chủ vũ khí, trang bị tối tân (kể cả vũ khí của Mỹ) của bộ đội ta, mà còn là cơ sở để nghiên cứu tính năng, tác dụng kỹ chiến thuật và nguyên lý hoạt động thủy lôi của địch” - ông Hùng chia sẻ.

* Sống chết cùng “giặc nước”

Ngày 9-5-1972, đế quốc Mỹ cho hàng loạt máy bay A6A, A7A, F4 từ Hạm đội 7 ở biển Đông ồ ạt bay vào thả hàng ngàn quả thủy lôi xuống luồng Nam Triệu (Hải Phòng), khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Cửa Hội, Sông Gianh, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, làm cho giao thông ra vào các cảng bị tê liệt, hàng chục ngàn tấn hàng hóa chưa kịp bốc dỡ.

Trước tình hình ấy, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân một lần nữa khẳng định, rà phá thủy lôi giải phóng luồng lạch bảo đảm an toàn giao thông là yêu cầu khẩn cấp bậc nhất có ý nghĩa chính trị, quân sự, kinh tế. Cần tập trung mở các luồng lạch ở khu vực trọng điểm ở Hải Phòng, Quảng Ninh, các cửa sông thuộc Quân khu 4, như: Cửa Hội, Sông Gianh, Nhật Lệ...

Tranh thủ thời gian địch tạm ngừng bắn phá, Quân chủng Hải quân đã huy động 13 tàu ca nô của các trung đoàn: 128, 171, 172 phối hợp với bộ đội của Trường sĩ quan Hải quân, bộ đội Không quân, dân công Cục Vận tải đường biển, dân quân các địa phương ngày đêm bám luồng lạch rà phá thủy lôi của địch.

Ngay ngày đầu tiên trong trận chiến rà phá thủy lôi của địch, các lực lượng của ta đã tháo gỡ được hàng chục quả, khơi thông luồng Nam Triệu, bảo đảm cho các tàu có trọng tải 400 tấn hàng ra vào cảng Hải Phòng an toàn. Trong khi đó, một lực lượng bộ đội thuộc Trung đoàn 126 Công binh Hải quân ở địa bàn Khu 4 vẫn kiên cường bám trụ, tháo gỡ nhiều quả thủy lôi ở Cửa Hội và sông Gianh, khơi thông luồng lạch cho tàu vào bến an toàn.

Phát hiện ta tập trung lực lượng rà phá thủy lôi trên các luồng vận chuyển, đế quốc Mỹ tìm mọi cách đối phó. Một mặt, chúng cho máy bay, tàu chiến đánh phá liên tục ở các khu vực trọng điểm nhằm ngăn chặn các lực lượng rà phá thủy lôi, bom mìn; một mặt chúng tăng cường cải tiến “tính năng độc hại” của thủy lôi, khiến ta không có cách rà phá, tháo gỡ. Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 7 đầu 8-1972, địch đã thả bổ sung hơn 1.400 quả thủy lôi và bom từ trường xuống các tuyến vận chuyển quan trọng, gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho quân ta.

Mai Thắng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích