Báo Đồng Nai điện tử
En

Rừng giá tỵ vẫn bị giết âm thầm

10:06, 30/06/2013

Không tổ chức khai thác rầm rộ, những kẻ phá rừng mỗi ngày “gặm nhấm” từng cây gỗ, khiến những cánh rừng giá tỵ chết dần mòn.

Không tổ chức khai thác rầm rộ, những kẻ phá rừng mỗi ngày “gặm nhấm” từng cây gỗ, khiến những cánh rừng giá tỵ chết dần mòn.

Sau khi bị đốn hạ, thân cây giá tỵ bị xẻ thành nhiều khúc với đường kính 40-60cm, chiều dài 80-120cm. Gỗ giá tỵ được kẻ phá rừng để trong cùng, xung quanh ngụy trang bằng những bó củi bình thường để vận chuyển thuận tiện và qua mắt lực lượng kiểm lâm và chủ rừng.

* Trót lọt qua 4 trạm gác

Tại khu vực ấp Hiệp Nghĩa (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), dọc hai bên đường, những lớp củi giá tỵ đã được chẻ nhỏ chất đống lên nhau cao hơn đầu người. Những thớ củi tươi có, khô có, nằm tràn lan như các điểm thu mua củi.

Cây giá tỵ được cưa xẻ chất đống làm củi ở ấp Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán.
Cây giá tỵ được cưa xẻ chất đống làm củi ở ấp Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán.

Con đường làng Thượng (ấp Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán) dẫn vào các khoảnh rừng giá tỵ ở ấp 8, xã Gia Canh, dù hai bên đường có nhà dân ở, nhưng khá thưa vắng. Từ đây, phải mất hơn nửa giờ vật lộn với con đường hiểm trở, chúng tôi mới đến được “điểm nóng” xẻ gỗ giá tỵ. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi phải dừng xe dắt bộ để vượt qua các đoạn đường “xương cá” rất nhỏ và lởm chởm đất, đá. Mỗi lần như thế, anh Nguyễn Văn T. (37 tuổi, người dẫn đường) lại chỉ cho chúng tôi xem những khúc gỗ bị “lâm tặc” đốn hạ, xẻ khúc nhưng chưa thể mang đi.

Đến nơi, chúng tôi thấy cả một khu rừng giá tỵ đứng sừng sững, vươn những chiếc lá to, xanh tươi khi mưa xuống. Tuy nhiên, không ít cây đã đổ sụm, có thân cây vừa bị vài nhát chém ngang nham nhở. Tất cả đều nằm trong vùng lõi của Phân trường 1, 2 do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Tân Phú quản lý. “Người dân và “lâm tặc” chỉ khai thác gỗ từ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau. Sau  đó, họ vận chuyển qua ấp 8, xã Gia Canh theo đường mòn vắt qua núi, bất chấp đường ra khỏi rừng có nhiều điểm chốt chặn của lực lượng kiểm lâm” - anh T. cho hay.

Theo chân anh T., chúng tôi lại rẽ sang một đoạn đường khác, vòng từ “vùng lõi” để về Trạm Kiểm lâm Cao Cang (thuộc BQLRPH Tân Phú). Đây là điểm chốt chặn đầu tiên dẫn vào ấp 9, xã Gia Canh, nơi trước đây vài tháng xảy ra tình trạng đốn hạ khoảng 150 cây giá tỵ.

Trên đường về, chúng tôi bắt gặp nhiều xe máy chở củi rầm rộ vượt rừng về xuôi. Điều đáng nói, ở đây có các trạm kiểm lâm phân bố rải rác trong rừng, canh gác 24/24 giờ, với hàng chục con người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời có lực lượng kiểm lâm cơ động tuần tra liên tục, nhưng “lâm tặc” vẫn tuồn gỗ ra khỏi rừng, giống như chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

Để chứng thực việc này, chúng tôi xuất phát từ ngã ba Thanh Tùng (đường Thác Mai), đi một đoạn khoảng 3km thì gặp Trạm Cao Cang. Trời chưa sáng hẳn nên cửa trạm đóng im ắng. Chạy xe thêm vài cây số, chúng tôi gặp gác chắn của BQLRPH Tân Phú. Cách đó khoảng 1km, lại có thêm trạm gác khác. Nếu đi hết đường nhựa, chúng tôi sẽ phải gặp thêm một trạm gác nữa.

“Các anh thấy đó, trên đường vào rừng có đến 4 trạm gác, nhưng hàng chục xe máy chở củi vẫn ra vào trót lọt. Người đi đường cũng có thể biết đây là những xe chở gỗ, huống hồ lực lượng kiểm lâm nằm dày đặc như vậy? Làm thế nào để đưa gỗ ra khỏi rừng dễ dàng mà không gặp bất cứ khó khăn nào? Người chở củi lấy gỗ từ đâu, nếu không có sự “cho phép” của cơ quan chức năng? Với kiểu này, rừng giá tỵ sẽ chết dần mòn mất thôi” - anh T. bức xúc nói.

* Có thỏa thuận “ngầm” của người chăm sóc?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ lấy cây giá tỵ làm củi, nhiều người còn xẻ cây thành nhiều khúc với đường kính 40-60cm, chiều dài 80-120cm, sau đó chất vào trong cùng, xung quanh ngụy trang bằng những bó củi bình thường.

Anh Lộc (41 tuổi, ngụ ấp Hiệp Thuận, thị trấn Định Quán), người làm nghề kiếm củi nhiều năm ở đây, cho biết: “Chúng tôi thường đi chở củi vào khoảng 3-4 giờ sáng, chứ đi ban ngày dễ bị bắt. Để qua được sự kiểm soát của lực lượng kiểm lâm, chúng tôi phải chứng minh đây là những cây tràm, củi gỗ bình thường (củi giá tỵ chất ở giữa)”.

Hơn 3 năm trước, những kẻ phá rừng đã dùng dao băm chặt vỏ dưới gốc cây (còn gọi là “ken” gốc), rồi đổ hóa chất diệt cỏ đậm đặc vào, lấp đất lên che giấu, khiến trên 20 ngàn cây giá tỵ cao 20-30m tại các tiểu khu 83, 84 (thuộc Phân trường 2, Lâm trường Tân Phú) chết.

Nhưng khi chúng tôi hỏi ai đứng ra bán gỗ thì anh Lộc trả lời không biết. Phải chăng, hàng loạt cây giá tỵ bị đốn hạ có sự giúp sức, thỏa thuận “ngầm” của những người nhận chăm sóc rừng giá tỵ?

Cách đây không lâu, khoảng đầu tháng 3-2013, Công an huyện Định Quán đã điều tra vụ khoảng 150 cây giá tỵ nằm trên đất rẫy của 3 hộ dân (gồm: Ngô Văn Thập, Ngô Văn Tuynh, Trần Sơn) bị băm gốc, đổ các loại hóa chất độc hại vào cho cây chết dần. Số cây giá tỵ chết xảy ra tại khoảnh 1 và 4 của Tiểu khu 81 (thuộc Phân trường 1, xã Gia Canh, huyện Định Quán, do BQLRPH Tân Phú quản lý).

 Ngay dưới mỗi gốc cây, những vết băm chặt để đổ hóa chất vẫn còn nguyên, thậm chí hàng chục gốc cây còn bị cưa máy hạ xuống. Xen lẫn những cây rừng chết khô đã lâu, thân cây tuột hết lớp vỏ bên ngoài là những cây giá tỵ tuy đã chết, nhưng thân còn nguyên vỏ, lá đang héo úa, rụng dần.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ kiểm lâm BQLRPH Tân Phú, cho biết việc người dân vào rừng lấy củi, trong đó có cây giá tỵ, chỉ mới diễn ra thời gian gần đây, họ chỉ lấy với số lượng ít. Hơn nữa, việc kiểm tra gặp khó do lực lượng kiểm lâm còn mỏng, có hàng chục con đường “xương cá” ra vào rừng(?!).

Việc người dân tự do vào rừng khai thác cây giá tỵ làm củi một cách vô tội vạ đang khiến những cánh rừng giá tỵ chết dần mòn. Dù khai thác âm ỉ, nhưng khi vận chuyển ra khỏi rừng, họ chạy xe máy chở củi rầm rộ, nối từng hàng dài mà lực lượng kiểm lâm và chủ rừng không hề có biện pháp ngăn chặn nào.

Nhóm PV

 

 

 

 

Tin xem nhiều