“Đây là Đài Truyền thanh huyện Tân Phú, phát trên tần số FM 90,6kHz…”. Ngồi trong phòng máy, cán bộ truyền thanh xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) Hoàng Thị Quyển nhẹ nhàng chỉnh tần số để tín hiệu được truyền tải đến toàn hệ thống loa không dây được lắp đặt nhiều nơi trong xã.
“Đây là Đài Truyền thanh huyện Tân Phú, phát trên tần số FM 90,6kHz…”. Ngồi trong phòng máy, cán bộ truyền thanh xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) Hoàng Thị Quyển nhẹ nhàng chỉnh tần số để tín hiệu được truyền tải đến toàn hệ thống loa không dây được lắp đặt nhiều nơi trong xã.
* Làm bạn với đài
Lâu nay, ông Hai Nghĩa (ấp 2, xã Trà Cổ) luôn kè kè chiếc radio bên mình để bầu bạn mỗi khi ra đồng. Ông Hai Nghĩa cho hay, 4 giờ 30 sáng, ông ngồi uống trà, nghe chương trình nông thôn của Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, ông nghe tiếp Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình thời sự trong huyện, ngoài tỉnh... “Hàng ngày, mỗi khi đi làm, tôi đều mang chiếc radio theo để bầu bạn. Cũng nhờ nó mà tôi nắm vững các kỹ thuật chăm sóc lúa, cà phê, tiêu… trong vườn” - ông Hai Nghĩa chỉ tay vào chiếc radio đang treo lủng lẳng trên nhánh cà phê nói.
Công việc của cán bộ truyền thanh cơ sở. |
Còn anh Lê Xuân (ấp 5, xã Tà Lài) thì “nghiện” tiếng cô phát thanh viên Bích Liên của Đài Truyền thanh - truyền hình (TTTH) huyện Tân Phú hơn là chương trình của đài. Anh Xuân thổ lộ, đã từng gặp mặt, chuyện trò với phát thanh viên Bích Liên nên anh luôn cảm thấy thích thú mỗi khi nghe tiếng cô phát trên đài. Với anh Xuân, được nghe tiếng cô phát thanh viên hàng ngày trên sóng thay cho cuộc gặp ngoài đời là hạnh phúc của riêng anh. “Yêu tiếng nói của người qua sóng, đó là hương vị cuộc sống những lúc cô đơn” - anh Lê Xuân lý lẽ.
Tình cảm của những thính giả vùng nông thôn chân chất như ông Hai Nghĩa, anh Lê Xuân là động lực để các “nhà báo” cơ sở gắn bó với nghề.
Vã mồ hôi với dàn tiếp âm cũ rích, chị Hoàng Thị Quyển vẫn nhoẻn miệng cười khi tiếng loa trong phòng máy phát ra âm thanh quen thuộc: “Đây là Đài Truyền thanh huyện Tân Phú, phát trên tần số FM 90,6kHz…”. “Ổn rồi. Mời các anh ra quán uống cà phê” - chị Quyển biểu hiện rõ niềm vui qua nét mặt, khi dàn máy trở chứng mấy hôm, giờ chịu phát.
Tốt nghiệp THPT năm 2005, chị Quyển được UBND xã Trà Cổ tuyển dụng phụ trách truyền thanh cơ sở ở xã. Ngoài tóm lược các văn bản về chủ trương của xã, huyện để phát lên hệ thống loa xã, chị Quyển còn là cộng tác viên tích cực của Đài TTTH huyện Tân Phú. “Ngày đầu phụ trách công tác truyền thanh xã, với em, mọi thứ đều rất mới. Làm thế nào để truyền tải một văn bản thành bản tin dễ hiểu, cách viết tin, bài ra sao…, nhờ các anh ở đài huyện hướng dẫn mãi em mới làm quen với công việc” - chị Quyển tâm sự.
Còn với anh Mai Văn Tuyên, với trên 10 năm phụ trách truyền thanh cơ sở ở xã Phú Thanh, đến nay anh đã có thể sửa được những chiếc loa, hay bộ phận nào đó của máy phát bị hư hỏng. Anh Tuyên cho biết: “Làm công tác truyền thanh cơ sở thì phải yêu nghề mới làm được. Vì trong công tác đài, nhất là về mặt kỹ thuật, khi máy móc hư hỏng mình phải tự mày mò sửa chữa. Mỗi sáng, sau khi mở máy và đi vòng hết 20 cụm loa trong xã, thấy chỗ nào hư hỏng thì tôi đánh dấu. Sau khi tháo xuống kiểm tra, cái nào sửa được tôi làm ngay, không sửa được thì nhờ cán bộ kỹ thuật đài huyện hỗ trợ”.
* Buồn vui nhà báo xã
Mỗi sáng sớm, người dân xã Phú An (huyện Tân Phú) lại nghe giọng nói trầm ấm quen thuộc của cán bộ truyền thanh xã Đinh Đình An vang trên hệ thống loa phát thanh xã. “Đài Truyền thanh” xã Phú An gần như là một phần không thể thiếu của người dân vùng nông thôn này. Anh An bắt đầu gắn bó với công tác truyền thanh xã từ trước năm 1991, khi hệ thống máy móc, loa đài ở xã còn thiếu thốn. Với lòng đam mê và nhiệt huyết với nghề, anh đã không ngừng học hỏi, mày mò làm hết tất cả mọi việc, từ viết tin, bài đến sửa chữa kỹ thuật và vận hành máy phát.
Các phóng viên - biên tập viên Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Tân Phú chuẩn bị tin bài cho Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. |
Còn tại xã Phú Trung (huyện Tân Phú), đúng 5 giờ 30 mỗi ngày, cán bộ truyền thanh cơ sở xã Nguyễn Văn Hiến đã có mặt tại “phòng máy” để khởi động máy, tiếp chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài TTTH huyện Tân Phú. Anh Hiến tâm sự, anh có mặt ở xã mỗi ngày 3 buổi để chờ tới giờ mở đài phát những tin tức, thông báo của xã, rồi phát thanh buổi trưa và chiều tối. Không chỉ mở đài đúng giờ để người dân nghe được các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh và Đài TTTH huyện, anh Hiến còn tự mình viết tin, bài phản ảnh các hoạt động của xã. Những thông báo, hoặc các bài viết trên các tờ báo chính thống đều được anh sưu tầm để đọc cho thính giả nghe, nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức sản xuất nông nghiệp; cách phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe; gương người tốt - việc tốt...
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thanh, nhận xét: “Hệ thống truyền thanh cấp xã có vai trò quan trọng, là người bạn không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư. Đó cũng là bộ phận tuyên truyền thông tin đến với người dân một cách nhanh nhất”. |
Với đồng lương ít ỏi khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, cán bộ truyền thanh cơ sở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) Nguyễn Tiến Sương vẫn đầy ắp lòng yêu nghề. Từ năm 1987 đến nay, chưa bao giờ anh để các cụm loa trên địa bàn xã ngưng tiếng. Anh Sương bộc bạch, giúp người dân nắm bắt các thông tin hàng ngày là niềm vui lớn nhất của anh. Tuy nhiên, anh cũng còn đó những băn khoăn khi gắn bó với nghề: “Chúng tôi chỉ là cán bộ bán chuyên trách cấp xã, không có chế độ bảo hiểm y tế - xã hội, làm mãi mấy chục năm vẫn không được tăng lương, nên cũng tủi thân lắm”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Hòa, Trưởng đài TTTH huyện Tân Phú, cho biết Tân Phú là huyện miền núi, là vùng lõm nên khó bắt được sóng phát thanh - truyền hình của tỉnh và Trung ương. Với công suất phát thanh 500W của truyền thanh và 300W của truyền hình, Đài TTTH huyện Tân Phú đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của mình trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề thông tin liên lạc hiện được người dân tiếp cận dễ dàng hơn, nhờ các hệ thống truyền hình cáp, chảo, internet… và điều đó cũng làm đài huyện mất đi một lượng bạn nghe, xem đài nhất định. “Ngoài chương trình sóng của đài tỉnh và Trung ương, chúng tôi luôn chọn những nội dung gần gũi, sát thực với người dân vùng nông thôn trong huyện để phát. Riêng với nhiệm vụ của mình, các bản tin, chuyên mục của Đài TTTH huyện Tân Phú phải nắm bắt được hơi thở cuộc sống huyện nhà để chương trình của đài hấp dẫn hơn” - ông Hòa chia sẻ.
Đoàn Phú