Báo Đồng Nai điện tử
En

Ý chí người lính (Bài 2)

07:05, 11/05/2013

Bên tách trà gửi tặng từ quê nhà, thương binh 2/4 Nguyễn Văn Nguyện (57 tuổi, ngụ tổ 3, KP7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, nghị lực vượt khó đã giúp ông tìm thấy hạnh phúc bên đồng đội và người thân khi rời quân ngũ.

Bên tách trà gửi tặng từ quê nhà, thương binh 2/4 Nguyễn Văn Nguyện (57 tuổi, ngụ tổ 3, KP7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) tâm sự, nghị lực vượt khó đã giúp ông tìm thấy hạnh phúc bên đồng đội và người thân khi rời quân ngũ.

* Rèn nghị lực

Khi chiến tranh biên giới Tây - Nam nổ ra, tuy đã có 2 mặt con, ông Nguyễn Văn Nguyện vẫn xung phong tòng quân.

Ông Nguyện nhớ lại, lúc ấy ông 22 tuổi. Sau 3 tháng quân trường, ông được điều về Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (đóng quân ở biên giới Tây - Nam). Tháng 4-1979, ông bị thương (mất tay phải, tay trái bị mảnh đạn làm đứt cơ), nên được đơn vị cho về quê nhà an dưỡng. Đến năm 1983, ông được xuất ngũ, với tỷ lệ thương tật 2/4.

Thương binh 2/4 Nguyễn Văn Nguyện trổ tài vác đá mà 20 năm trước ông vẫn quen làm.
Thương binh 2/4 Nguyễn Văn Nguyện trổ tài vác đá mà 20 năm trước ông vẫn quen làm.

“Quá trình điều dưỡng, vợ tôi sinh thêm đứa con thứ 3. Do đời sống ở quê nhà khó khăn, sau khi rời quân ngũ, tôi quyết định đưa vợ con vào thị trấn Vĩnh An sinh sống. Tại đây, với sự giúp đỡ của người anh bên vợ, vợ chồng tôi tậu được 8 sào đất” - ông Nguyện bộc bạch.

Để có tiền lo cho cuộc sống của cả gia đình, ông Nguyện phải đi khuân vác đá thuê cho các chủ mỏ đá trong vùng. Là thương binh, nhưng để được trả ngày công ngang bằng so với người lành lặn, ông phải dốc hết sức mình mới theo kịp. Gần cuối buổi làm việc thì sức kiệt, ông lại nghĩ đến cảnh vợ con khốn khó ở nhà mà tiếp tục gắng gượng.[links(right)]

“Người ta chỉ dùng đôi tay khỏe mạnh nâng đá một cách nhẹ nhàng. Còn mình thì chổng mông, kê viên đá sát vào cổ và dùng hết lực của cánh tay trái, ngực phải mới nâng được viên đá nặng lên vai mà vác đi. Làm mãi thì quen thế, quen sức, quen việc. Mệt thì nghĩ đến vợ con ở nhà cần tiền lại thấy khỏe ngay” - ông Nguyện mở cúc áo cho chúng tôi xem khúc tay phải ngắn ngủi còn lại và nói.

Tuy vậy, công việc vác đá thuê cho các chủ mỏ đá cũng chỉ làm trong mùa nắng. Mùa mưa đến, ông chuyển sang công việc phát dọn cỏ thuê cho những hộ nông dân nhiều rẫy. May sao, cánh tay trái còn lại của ông, nhờ tập luyện với việc nhà nông nên có thói quen cầm cuốc, rựa chẳng thua kém nông dân trong vùng. “Tôi làm việc sao không thấy mỏi. Đến khi về nhà tắm thì tay chân lóng cóng, không kỳ cọ sạch lớp đất cùng mồ hôi bám vào da thịt. Con gái lớn thấy vậy thương cha, mỗi lần cha tắm là xung phong kỳ lưng cho cha” - ông Nguyện kể lại.

Thời gian cứ vậy trôi qua, vợ chồng ông có thêm con trai, con gái thứ tư, thứ năm. Mỗi lần vợ sinh em bé, thì phần cổ, khúc tay và bên ngực phải của người thương binh ấy thêm xù xì, chai ráp vì hàng ngày tiếp xúc với đá. “Vất vả mãi đến năm 1997, tôi mới được một người quen giới thiệu làm nhân viên bán xăng. Đến năm 2005, tôi mới thôi không đi làm thuê nữa, mà ở nhà tham gia công tác xã hội khi các con dần khôn lớn” - ông Nguyện bồi hồi nhớ lại cảnh xưa.

* Tuổi 53 mới làm được nhà

Ở nhà cùng vợ tăng gia sản xuất được 2 tháng, ông Nguyện được lãnh đạo Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Vĩnh An đến động viên, giao nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội CCB KP6. Ông gật đầu nhận lời, nhưng lòng lại đắn đo khi nhìn lại mái nhà của 7 thành viên trong gia đình chỉ là tranh tre tạm bợ. Chính vì vậy, ông Nguyện động viên vợ và các con cùng đồng tâm hiệp lực đẩy mạnh công tác chăn nuôi gia đình. 2 năm sau, với sự giúp sức của đồng đội và người thân, gia đình ông xây dựng được ngôi nhà tươm tất trị giá 35 triệu đồng.

Vừa có được nhà mới, Chi hội CCB của ông Nguyện lại được công nhận từ vững mạnh lên trong sạch vững mạnh. Nhiệm kỳ tiếp theo, Chi hội CCB KP6 tiếp tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, riêng ông Nguyện được Chi bộ khu phố kết nạp vào Đảng.

Thương binh Nguyễn Văn Nguyện trao đổi công tác cùng đồng đội trong Chi hội Cựu chiến binh khu phố.
Thương binh Nguyễn Văn Nguyện trao đổi công tác cùng đồng đội trong Chi hội Cựu chiến binh khu phố.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng các gia đình hội viên còn khó khăn trong Chi hội KP6, ông Nguyện chậm rãi giải thích, toàn chi hội có 54 hội viên, trong đó còn 6 hội viên nghèo. Lý do nghèo của hội viên cũng giống  như ông trước đây, như: con đông, con bệnh, là người mới về thị trấn lập nghiệp, đất sản xuất không có… “Để giúp sức cho các hội viên nghèo, Chi hội CCB KP6 phát động phong trào hội viên giúp nhau, góp quỹ được trên 50 triệu đồng giúp hội viên nghèo vay vốn với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, mình thường xuyên gần gũi đồng chí, đồng đội để động viên, khích lệ để tìm cách thoát nghèo bằng nỗ lực của từng người” - ông Nguyện bộc bạch.

Ông Phan Công Phú, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Vĩnh An, bày tỏ: “Khi về với đời thường, không phải người lính nào cũng có cấp bậc nặng vai, thành tích chiến đấu được ghi vào sổ sách. Bù lại, tất cả đều hãnh diện khi được làm bộ đội Cụ Hồ, được cầm súng bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc sống đời thường thì thể hiện lối sống đẹp, luôn vì cộng đồng và đồng chí Nguyện là người như vậy”.

Trao đổi với chúng tôi, CCB Quỹ (hội viên Hội CCB KP 6) cho biết, từ ngày Huyện ủy Vĩnh Cửu chỉ đạo tổ chức Hội CCB có trách nhiệm đỡ đầu, trợ sức cho tổ chức Đoàn thanh niên ở cơ sở, thì Chi hội trưởng Nguyện có thêm việc. “Các cháu trong tổ chức Đoàn của khu phố cần giúp sức chuyện gì, đồng chí Nguyện cũng nhiệt tình hỗ trợ. Khi thì cùng Bí thư Đoàn thanh niên Mạnh đi đến từng nhà tập hợp thanh niên, có lúc đồng chí dẫn quân của Hội CCB phối hợp cùng với tổ chức Đoàn làm công tác dân vận. Chúng tôi quý đồng chí Nguyện ở tinh thần trách nhiệm với tập thể, tấm chân tình của người lính với các cháu, với đồng đội và xóm làng” - CCB Quỹ nói.

Bữa cơm gia đình tươm tất được bày ra đãi khách khi đồng hồ báo 12 giờ trưa. Trong lúc chúng tôi ngồi vào mâm cùng gia đình, ông Nguyện vẫn xin phép được làm nốt công việc hàng ngày, để sau bữa cơm ông tiếp tục cùng cán bộ Hội CCB thị trấn Vĩnh An đi khảo sát đời sống hội viên, triển khai các kế hoạch về xây dựng gia đình văn hóa... Ông nói như sợ vợ cản: “Tôi làm tí là xong, không lao động chân tay thì một cánh tay còn lại của tôi sẽ trở thành vô tích sự. Các đồng chí thông cảm nhé”.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều