Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoài niệm về đồng đội (Bài 1)

10:05, 08/05/2013

Trở về với đời thường, những người lính Cụ Hồ nhanh chóng bắt tay tạo lập cuộc sống riêng. Trong muôn vàn khó khăn thử thách, họ vẫn kiên định bản lĩnh, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và hoài niệm về đồng đội.

Trở về với đời thường, những người lính Cụ Hồ nhanh chóng bắt tay tạo lập cuộc sống riêng. Trong muôn vàn khó khăn thử thách, họ vẫn kiên định bản lĩnh, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và hoài niệm về đồng đội.

Trăn trở với nỗi đau đồng đội hy sinh nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt, ông Phạm Biên Giới (cựu chiến binh ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) liên tục ra Bắc, vào Nam, ngược lên cao nguyên… để tìm dấu tích những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.

* Tìm hài cốt đồng đội

Dưới bóng mát của khu vườn nhà ông Nguyễn Liên (tổ 49, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Giới cùng người thân của các liệt sĩ: Bùi Công Vấn (quê tỉnh Nam Định), Nguyễn Văn Nhẹ (quê tỉnh Long An), Tòng Văn Tri (quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang chỉ huy cánh thợ đào giếng phải cẩn thận từng nhát cuốc, gàu đất trong quá trình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Ông Giới cho hay, việc xác định vị trí hài cốt 3 liệt sĩ: Vấn, Nhẹ, Tri đã được ông cất công truy tìm 2 năm qua, nay mới có manh mối để khai quật.

Ông Phạm Biên Giới bên cuốn sổ tay ghi chép những địa điểm chôn cất đồng đội mà ông thu thập được qua nhiều lời kể của người còn sống, người dân.
Ông Phạm Biên Giới bên cuốn sổ tay ghi chép những địa điểm chôn cất đồng đội mà ông thu thập được qua nhiều lời kể của người còn sống, người dân.

Bên chiếc bàn dã chiến tại hiện trường, ông Giới chậm rãi kể, ngày 5-1-1974, các chiến sĩ: Vấn, Nhẹ, Tri cùng với 2 đồng đội: Bảy Huy, Chín Vũ nhận nhiệm vụ từ Khu về căn cứ. Khi cả 5 người vượt qua lộ 2 (nay thuộc xã Xà Bang), họ rơi vào ổ phục kích của địch. Sau khi giết hại 3 chiến sĩ: Vấn, Nhẹ, Tri, bọn địch đã ném xác 3 người xuống một cái giếng hoang gần đó. Cuộc chiến kết thúc, những người lính như ông Giới, ông Nguyễn Văn Quạy (chiến đấu cùng đơn vị và là em ruột của liệt sĩ Tri) bị gánh nặng cơm áo gạo tiền vây kín, nên không có thời gian quy tập, kiếm tìm đồng đội.

Năm 2000, ông Giới được thủ trưởng đơn vị cũ là ông Chín Lâm (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) gợi ý về lại chiến trường xưa truy tìm hài cốt đồng đội bị thất lạc tại các khu vực, như: Bàu Nứa, Tân Lâm, Đầm La, Trảng Dù, Mây Tàu.

“Lúc ấy, tôi đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), điều kiện kinh tế gia đình ổn định, nên tôi nhanh chóng nhận lời. Từ Đồng Nai tôi bôn ba ra Bắc, xuống miền Tây, ngược lên Tây Nguyên để tìm những người còn sống, người thân của đồng đội nhằm phối hợp với họ xác định vị trí và quy tập hài cốt” - ông Giới bày tỏ.

Đến nay, ông Giới đã tìm kiếm được 10 hài cốt đồng đội hy sinh tại chiến trường Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giao trả lại cho gia đình các liệt sĩ và cơ quan chức năng.

Nhìn những người thợ đang trầm mình dưới giếng sâu đào bới, đưa lên bờ những gàu đất sền sệt nước, ông Giới xúc động nói: “Đây là lần thứ hai tôi và thân nhân các liệt sĩ tổ chức tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ: Vấn, Tri, Nhẹ ở khu vực này. Lần đầu, do nước nhiều quá nên việc tìm kiếm phải tạm dừng. Lúc đó, chúng tôi thu nhặt được vài hiện vật, như: súng, dép, kíp mìn. Hôm nay, chúng tôi quay lại khai quật tiếp”.

* Nghĩa tình đồng đội

Năm 2002, ông Giới xin thôi công tác Hội CCB xã Bắc Sơn để có thời gian trở về chiến trường xưa, nơi mà đơn vị của ông đóng quân. Ông cũng bán lại cơ sở đóng giày dép cho người khác, giao lại việc kinh doanh tiệm giày dép cho vợ con quản lý.

Vừa cầm cây cuốc tán nhỏ những chỗ đất được cánh thợ mang lên từ giếng đào, ông Giới vừa nói: “Được vợ con ủng hộ về tinh thần và cung cấp kinh phí cho những chuyến đi xa, tôi càng có thêm động lực, sự kiên trì. Hơn nữa, nghĩa tình đồng đội là cao cả, tiền tài không thể so sánh. Nơi đồng đội hy sinh, mình biết mà không quy tập họ về sum họp cùng gia đình, tổ tiên là có tội với chính mình”.

Tựa lưng vào thân cây, ông Giới chậm rãi kể chuyện quá khứ. Năm 1969, khi bị thương trong trận đánh sân bay Bình Sơn (huyện Long Thành), ông được chuyển về căn cứ núi Mây Tàu để điều trị, sau đó ông được phiên vào đơn vị bảo vệ thương binh. Tại đây, ông đã tự tay chôn cất trên 20 đồng đội trong đơn vị và cùng với những người lính khác chôn cất trên 50 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường núi Mây Tàu.

Ông Giới xúc động bày tỏ, giá như sau ngày giải phóng, ông và các đồng đội còn sống được làm nhiệm vụ quy tập các liệt sĩ, thì các dấu tích nơi chôn cất đồng đội, nơi đồng đội bị địch sát hại, vùi xác đã nhanh chóng được xác định, tìm thấy. Giờ đây, mọi dấu tích chỉ còn lại trong ký ức, việc xác định vị trí chôn cất liệt sĩ tốn nhiều thời gian và khả năng chính xác cũng có giới hạn.

“Ngay như nơi chôn cất các liệt sĩ: Vấn, Nhẹ, Tri, chúng tôi khoanh vùng nhiều nơi và nay mới xác định được chỗ giếng hoang này. Tuy vậy, chúng tôi cũng chưa chắc chắn vào điều mình xác định, vì thời gian đã qua quá lâu, mọi thứ xung quanh đều đã thay đổi” - ông Giới khẽ nói.

Ông Phạm Biên Giới cho biết, việc ông làm xuất phát từ trái tim, theo lời kể của người trong cuộc và vì nghĩa tình với đồng đội, chứ không bao giờ dựa vào vật chất, hay cần tới phương pháp ngoại cảm kỳ bí để xác định. “Trở về với đời thường, tôi muốn làm thêm điều này khi đã hoàn thành trách nhiệm người cha, người chồng với vợ con và nghĩa vụ với xã hội”- ông Giới chia sẻ cảm xúc. Trong số 70 liệt sĩ mà ông Phạm Biên Giới đã cùng đồng đội chôn cất, hiện ông đã tìm được hài cốt được 10 người.

Có mặt tại điểm tìm kiếm các liệt sĩ, ông Quạy cho hay, khi hay tin anh trai hy sinh, ông đã đôi lần định ra lấy xác để mang về chôn cất tử tế, nhưng vì địch canh phòng quá nghiêm ngặt nên ông không vào được. Khi chiến tranh kết thúc, gia đình ông không có điều kiện để tìm người thân. Đến khi ông Giới tìm gặp ông và gia đình các liệt sĩ khác, mọi chuyện mới bắt đầu được xúc tiến.

“Tôi tin hài cốt của anh trai tôi và các liệt sĩ: Vấn, Nhẹ sẽ được tìm thấy trong nay mai ở khu vực này. Tuy bây giờ chưa thể, nhưng với tấm lòng của cả 3 gia đình và tình cảm của ông Giới, chúng tôi quyết tìm cho bằng được” - ông Quạy bộc bạch.

Không muốn nói nhiều về công việc trở lại chiến trường xưa tìm kiếm đồng đội với vô vàn khó khăn của mình, ông Giới chỉ từ tốn kể cho chúng tôi nghe những trận đánh bảo vệ thương binh, những phương thức chôn cất đồng đội hy sinh sau những trận càn giữa rừng của địch. “Người thì chúng tôi để lại tên tuổi trong những lọ penixilin, được quấn trong những tấm áo mưa và kèm theo kỷ vật. Có đồng đội khi mất, họ không có gì để lại, hoặc được chôn cất vội vã vì chiến tranh quá ác liệt…” - ông Giới cay xè mắt khi tâm sự điều này với chúng tôi.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều