Hàng tuần, em Thanh Thúy (lớp 4/3, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) có thói quen tự “cắt” phần ăn sáng của mình 2 ngàn đồng để cùng các bạn trong lớp chăm sóc 2 chú heo đất (một của trường, một của lớp) đang “nằm ngủ” trên bàn cô giáo chủ nhiệm. “Số tiền chúng em tiết kiệm sẽ được trường, lớp làm quỹ học bổng tặng cho các bạn nghèo”- em Thanh Thúy cho biết.
Hàng tuần, em Thanh Thúy (lớp 4/3, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) có thói quen tự “cắt” phần ăn sáng của mình 2 ngàn đồng để cùng các bạn trong lớp chăm sóc 2 chú heo đất (một của trường, một của lớp) đang “nằm ngủ” trên bàn cô giáo chủ nhiệm. “Số tiền chúng em tiết kiệm sẽ được trường, lớp làm quỹ học bổng tặng cho các bạn nghèo”- em Thanh Thúy cho biết.
* Chăm đúng cách
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Thu Thái, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, cho hay do là năm học đầu tiên của Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (một ngôi trường mới của năm học 2012-2013), nên cô chưa biết 2 chú heo đất cô quản lý “mập, ốm” thế nào. Tuy vậy, mỗi buổi học, khi đem 2 chú heo ra bàn “thả”, cô giáo Thái vẫn thường thấy học trò tự giác lên bàn giáo viên cho heo “ăn” trong những giờ ra chơi. “Tất cả cô trò trong lớp đều có trách nhiệm chăm sóc heo, vỗ béo chúng cho đến ngày “xuất chuồng” - cô giáo Thái bộc bạch.
Những chú heo đất được chăm sóc tốt tại Trường THCS Hùng Vương. |
Lý do lớp của cô giáo Thái nuôi tới 2 chú heo làm chúng tôi thắc mắc. Anh Trần Vĩnh Phúc, Tổng phụ trách Hội đồng Đội Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, giải thích, toàn trường nuôi tới 31 con heo đất. Trong đó, theo quy định, chỉ cần nuôi có 24 con/24 lớp và 1 con của chi đoàn thanh niên trường là đủ. Nhưng do ý nguyện của 6 lớp khác, mỗi lớp xin Ban Giám hiệu nhà trường cho phép được “tăng gia” thêm 6 con heo đất (nuôi song song với heo đất của trường) để gây quỹ khuyến học cho lớp, khen thưởng cho học sinh nghèo học giỏi của riêng lớp mình khi năm học kết thúc. “Để phong trào nuôi heo đất của trường, lớp đúng với ý nghĩa và mục tiêu mà trường, Thành đoàn TP.Biên Hòa, Hội Khuyến học đề ra, mình luôn nhắc nhở và hướng dẫn học trò, giáo viên chủ nhiệm các lớp cách thức cho heo “ăn” sao cho đúng, không để phụ huynh phản đối” - anh Phúc nói.
Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) hiện nuôi được 41 con heo đất. Thầy Trần Như Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, heo đất được nhà trường mua về và giao cho từng khối lớp. Vào ngày thứ 7 sinh hoạt chủ nhiệm các khối lớp, các lớp lên văn phòng nhận heo về “cho ăn”, sau đó đem về “chuồng” (tủ kính đặt tại văn phòng) bảo quản. Riêng con heo đất của tập thể giáo viên, thầy Long có trách nhiệm lo chuyện “nuôi giữ” sau những buổi sinh hoạt hội đồng trường, chi bộ, công đoàn.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Đồng, Tổng phụ trách Hội đồng Đội Trường tiểu học Lê Thị Vân (phường An Bình, TP.Biên Hòa), chia sẻ mỗi trường đều có hình thức nuôi và cho heo “ăn” khác nhau. “Riêng với Trường tiểu học Lê Thị Vân, các em học sinh luôn được giáo viên chủ nhiệm, Hội đồng Đội, Ban Giám hiệu nhà trường quán triệt rất kỹ và thường xuyên tại các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, tập thể rằng học sinh phải cho heo “ăn” bằng chính những đồng tiền tiết kiệm mà các em dành dụm được trong tuần, tháng” - anh Đồng thổ lộ.
* Ý nghĩa từ phong trào
Anh Nguyễn Minh Hiếu, Phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.Biên Hòa (Thành đoàn TP.Biên Hòa) cho hay, chương trình nuôi heo đất tại các trường học là một trong các mô hình của phong trào gây quỹ học bổng giúp học sinh nghèo bám trường, bám lớp, như: vì bạn nghèo, thiếu nhi nghèo vượt khó, nuôi heo đất vì bạn nghèo, ngôi nhà tình bạn, ngôi nhà khăn quàng đỏ, hũ gạo tình thương, tấm áo tặng bạn… Trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có 85 Liên đội tiểu học và THCS, 18 Đoàn cơ sở khối THPT. Trong năm học 2011-2012, phong trào nuôi heo đất tại các trường học đã huy động được 116 triệu đồng để giúp đỡ cho các học sinh nghèo, khó khăn.
Học sinh lớp 4/3, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh tiết kiệm tiền tiêu vặt để giúp bạn đến trường. |
Trao đổi với chúng tôi về ý nghĩa phong trào nuôi heo đất tại Trường THCS Hùng Vương, thầy Hiệu trưởng Trần Như Long cho biết thêm, mỗi năm học, Trường tiểu học Hùng Vương nuôi 2 “lứa” heo đất, mỗi “lứa” thu được khoảng 35 triệu đồng. “Lứa” thứ nhất “xuất chuồng” khi kết thúc học kỳ 1, “lứa” thứ hai “xuất chuồng” vào ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5). Số tiền trên được nhà trường kết hợp đồng thời với quỹ học bổng của Hội Khuyến học nhà trường, đóng góp của nhà hảo tâm để tiến hành trao học bổng cho học sinh nghèo trong trường và các trường trong, ngoài thành phố. Thầy Long nói: “Những năm trước, trường triển khai tặng học bổng cho học sinh nghèo các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Định Quán. Nay trường chuyển sang chia “lửa” cho các trường thuộc các xã mới sáp nhập từ huyện Long Thành về TP.Biên Hòa, như: Tam Phước, Phước Tân, Long Hưng, An Hòa”.
Học sinh nghèo vượt khó Trịnh Chí Tâm (học sinh lớp 9/3, Trường THCS Hùng Vương) bày tỏ, nhờ số tiền của các bạn trong lớp nuôi heo chia sẻ hàng năm nên em được tiếp tục cắp sách đến trường. “Em rất vui và quý trọng số tiền mà thầy cô, bạn bè chung sức giúp đỡ em trong suốt những năm học qua. Chính vì vậy, mỗi khi mẹ đi làm ăn xa về cho tiền tiêu vặt, em đều dành dụm vài ngàn đồng để bỏ vào heo đất của lớp” - Tâm thổ lộ. |
Có cách làm giống như Trường tiểu học Hùng Vương, chị Ngô Thị Ngọc Lan, Tổng phụ trách Hội đồng Đội Trường tiểu học Tân Mai 1 (phường Tân Mai) bày tỏ, trường của chị nuôi 2 “lứa” heo đất trong năm. Dịp Tết Nguyên đán khui heo làm cây mùa xuân, cuối năm học thì trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, chăm, ngoan. Chị Lan phân tích, việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh là việc nhà trường và gia đình học sinh đều muốn hướng tới. Trong khi đó, mô hình nuôi heo đất trong lớp học hướng tới 2 mục tiêu: giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh và sử dụng đồng tiền đó vào việc giúp bạn nghèo trong lớp, trường. “Nhìn các em hân hoan cho heo “ăn”. Sau đó, tự tay đập heo, thu xếp số tiền tích góp được trong mỗi học kỳ tại ngày hội khui heo đất của trường…, nhiều phụ huynh đã đồng cảm với trường, với phong trào trong suốt những năm qua” - chị Lan tâm sự.
Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm các “trang trại” nuôi heo đất của các trường trên địa bàn TP.Biên Hòa, anh Nguyễn Minh Hiếu xúc động nói với chúng tôi rằng: “Tuy các em chưa hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của phong trào nuôi heo đất giúp bạn nghèo bám trường, bám lớp, nhưng bằng việc làm đầy trách nhiệm của trường, giáo viên, các Tổng phụ trách Hội đồng Đội các trường khi trao số tiền các em góp được đến tận tay các bạn nghèo trong lớp, các em sẽ dần hiểu rõ thế nào là tấm áo tặng bạn, giúp bạn đến trường, vòng tay bè bạn… mà phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi”.
Đoàn Phú