Những năm củ mì rớt giá, cây mì để đống ủ ê mà không có mối lái nào đến hỏi mua. Năm nay, mì tăng giá, nhờ đó mà nhu cầu thu mua cũng tăng theo. Sau khi được thu hoạch, cây mì được dựng thành bó lớn (khoảng 20 cây) và để ngay trên rẫy, hoặc các trục lộ giao thông chờ bán.
Những năm củ mì rớt giá, cây mì để đống ủ ê mà không có mối lái nào đến hỏi mua. Năm nay, mì tăng giá, nhờ đó mà nhu cầu thu mua cũng tăng theo. Sau khi được thu hoạch, cây mì được dựng thành bó lớn (khoảng 20 cây) và để ngay trên rẫy, hoặc các trục lộ giao thông chờ bán.
Năm nay, nông dân không chỉ được giá củ mì mà còn thắng lợi ở cả việc bán thân cây. Còn một số thương lái, trước đây họ mua củ mì, giờ kiêm luôn “đầu mối” mua bán cây mì giống.
* Được giá cả hai
Với đặc tính dễ trồng, vốn đầu tư ít, phù hợp với thổ nhưỡng, nên cây mì đã trở thành một loại cây không thể thiếu trong mỗi vụ sản xuất của nông dân Đồng Nai. Dù vào cuối vụ, nhưng giá mì được các thương lái thu mua tại rẫy hơn 2 ngàn đồng/kg, người trồng đã có lời, không lo “mất trắng” như mọi năm. “Năng suất củ giảm, nhưng giá cao nên nông dân bớt lo âu. Mấy năm trở lại đây, giá cả bấp bênh khiến chúng tôi sống dở chết dở. Lúc đầu mùa, tôi còn tưởng sẽ bị mất trắng nữa chứ. Hy vọng, giá mì hiện nay sẽ vực lại diện tích đã trồng trước kia, nông dân sẽ không bỏ rẫy để chuyển qua trồng các loại cây khác nữa” - chị Lê Thị Năm (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) không giấu sự phấn khởi khi nói về vụ mì năm nay.
Anh Nguyễn Văn Chí (41 tuổi) thường “đánh” xe tải lớn đi thu mua giống cây mì. |
Không chỉ được giá mì củ, mà việc thu mua thân cây chuẩn bị giống cho vụ trồng sau cũng được giá cao. Với nhiều nông dân, chuyện bán cây mì giống chưa bao giờ là khoản thu nhập khá như năm nay. Mọi năm, khi củ mì rớt giá, cây mì để đống ủ ê mà không có mối lái nào đến hỏi mua. “Hiện mì chưa được thu hoạch xong hết, nhưng thương lái khắp nơi đã về hỏi mua thân cây làm giống, khiến không khí rôm rả hết cả lên. Bán tại vườn chỉ khoảng 200-300 đồng/cây, nhưng cả rẫy hơn một mẫu, tiền bán cây không phải ít. Nếu cây bán không hết, mình có thể chặt gốc và ngọn cho gọn rồi buộc thành bó lớn để sát lề đường, người từ vùng khác đến có thể mua ngay. Tuy nhiên, giá sẽ đắt hơn tại vườn, vì mình đã chọn giống cẩn thận, về nhà đợi khi thời tiết thuận lợi là có thể trồng ngay” - chị Mai Thị Thiết (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) nói.
Đang gom những cây mì giống vừa thu hoạch củ để chuẩn bị trồng lại đợt sau, chị Thiết cho biết thêm: “Bây giờ, đường sá hoàn chỉnh, thương lái có điều kiện vào tận rẫy thu mua. Tôi không còn lo như mấy năm trước, cứ thu hoạch xong lại đứng ngồi không yên vì phải chờ người mua... Năm nay, tôi chỉ để dành cây mì giống đủ cho vụ trồng sau, còn lại đem bán hết, tranh thủ khi giá cây mì còn cao” .
Nếu như những vụ trước, cây mì có giá từ vài ngàn đồng/bó (loại cây tốt), thì hiện cây mì giống có giá trên 20 ngàn đồng/bó, mà không có bán. “Một số thương lái trước đây mua bán củ mì, giờ kiêm luôn mua bán cây mì giống. Mọi năm, cây mì sau thu hoạch bỏ đầy đồng, thừa thãi. Còn năm nay, tôi phải ngủ ngoài đồng để giữ số cây mì mới thu hoạch, sợ bị mất trộm” - ông Nguyễn Văn Thi (ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) hồ hởi nói.
* Buôn cây mì giống
Bước vào những ngày cuối của vụ thu hoạch mì, cái nắng chang chang cuối mùa khô không làm giảm khí thế lao động của những nông dân chân chất. Sau bao năm “lận đận” với giá cả, năm nay cây mì đã đem về thắng lợi cho người trồng. Giá thu mua củ tại vườn hiện tại tăng mạnh, người trồng phấn khởi sau gần một năm nhọc nhằn chăm sóc. Không những thế, vào thời điểm này, “cơn sốt” thu mua cây mì để chuẩn bị giống cho vụ sau cũng là cơ hội để người trồng có thêm thu nhập.
Nhiều thương lái đã nhanh nhạy tìm đến các rẫy mì để đặt mua thân cây làm giống. Tuy nhiên, để có những cây mì đủ tiêu chuẩn làm giống không phải việc dễ. Đầu tiên, việc chọn cây phải thẳng, to, hom có càng nhiều đốt càng tốt. Hom khoai mì mua làm giống phải lấy từ 1/3 ở đoạn giữa thân, càng có nhiều đốt càng tốt. Cây phải khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh, loại bỏ những cây bị khô và trầy xước… Người mua cần phải nắm bắt được những lưu ý này để khi đến tay người trồng, chất lượng giống được đảm bảo.
“Vì thời gian bảo quản có thể kéo dài nhiều ngày nên khi mua về, nếu chưa bán ngay, chúng tôi sẽ để nơi khô ráo và có bóng mát. Sau đó, bó cây mì từng bó để đứng (hoặc nằm) trong bóng râm, hoặc cắm từng cây xuống đất (500-1.000 cây/cụm). Làm như vậy nhằm để ráo nước trong thân, kích thích cây đâm chồi. Khi ủ xuống đất, chừng 10-15 ngày sau là cây nảy chồi. Bằng cách này, người trồng hạn chế tỷ lệ hom bị chết” - thương lái buôn mì giống Nguyễn Văn Chí (41 tuổi, ngụ xã Phú Thanh, huyện Tân Phú) cho biết.
Hàng ngày, vợ chồng anh Chí “đánh” chiếc xe tải về các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom kết hợp mua cây giống trồng rừng với cây mì để mang về bán lại cho bà con nông dân các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk… Mỗi chuyến hàng, anh mua từ 5-10 ngàn cây mì giống.
Những cụm mì lớn để đứng hoặc cắm từng cây xuống đất đang chờ bán tại các rẫy mì. |
“Do thời tiết nắng hạn kéo dài, chuẩn bị bước vào mùa mưa nên ở các tỉnh Tây Nguyên thiếu mì giống trầm trọng. Trước nhu cầu lớn về giống mì, việc vận chuyển cây giống giá cao, khiến cây mì giống cũng tăng giá. Mỗi cây mì giống hiện nay mua 350-500 đồng, đến khi về tay người trồng ít nhất phải 1 ngàn đồng. Để trồng 1 hécta đất, cần từ 12-15 ngàn hom giống. Dù phải bỏ ra chi phí khá nhiều, nhưng nhiều nông dân vẫn phải mua, do đã bỏ chi phí ra cho thuê đất, cải tạo đất, chuẩn bị phân bón cho vụ tới” - chị Hồ Thị Lớn (35 tuổi), một người trồng mì lớn ở tỉnh Lâm Đồng, cho biết.
Theo chị Lớn, trước vụ mì hàng năm, chị và nhiều người trong xã thường thuê xe tải lớn về các huyện ở Đồng Nai tìm mua cây giống. Do khan hiếm cây giống, nên không ít đầu nậu hét giá bán cho những nông dân đang cần gấp để trồng cho kịp thời vụ. “Nhiều người phát hiện giống kém chất lượng vẫn chấp nhận mua, vì họ đã làm đất và đang có mưa xuống, nếu không trồng sẽ chậm thời vụ. Do đó, chúng tôi cố gắng đến tận nhà, tận rẫy mua mì để vừa được giá thấp, vừa có giống đạt chất lượng. Ngoài ra, tôi còn mua gấp 3-4 với số lượng mình cần trồng, để mang về bán lại cho bà con xung quanh kiếm chút lời” - chị Lớn tâm sự.
Nguyên nhân của tình trạng giống mì khan hiếm, mức giá cao như hiện nay là do nắng nóng kéo dài, người trồng không chủ động được nguồn giống. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, củ mì được sử dụng làm nguyên liệu chế biến cho nhiều mặt hàng, như: thức ăn chăn nuôi, bột ngọt, phụ gia… nên nhu cầu rất lớn, giá mua mì củ cũng tăng cao. Giá thu mua khoai mì tăng sẽ kích thích người dân quay lại với diện tích trồng trước đây.
Thanh Hải