Từ nhiều năm nay, nạn bơm hút cát trái phép vẫn hoạt động ở Đồng Nai, nhất là ở TP.Biên Hòa. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần truy bắt các đối tượng hút trộm cát, nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm được nạn khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản này.
Từ nhiều năm nay, nạn bơm hút cát trái phép vẫn hoạt động ở Đồng Nai, nhất là ở TP.Biên Hòa. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần truy bắt các đối tượng hút trộm cát, nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm được nạn khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản này.
* Thua gì khai thác vàng!?
Mặc dù tình hình bất động sản hiện đang đóng băng, kéo theo tốc độ xây dựng các công trình, nhà cửa chậm lại, nhưng cát xây dựng vẫn không hề giảm giá, nhất là cát sông Đồng Nai. Một số điểm bán vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, cát sông Đồng Nai chất lượng tốt, nên luôn có giá bán lẻ từ 300 ngàn đồng/m3 trở lên.
Một ghe bơm hút cát trộm trên sông Đồng Nai “rút quân” vào rạng sáng 30-3. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giá cát hút trộm được bơm lên bán tại bến, bãi với giá trên 150 ngàn đồng/m3. Thông thường, các ghe chở cát trộm có sức chở đến 30m3, nên mỗi lần bán cát bơm hút trộm, bọn “cát tặc” thường thu được trên 4 triệu đồng/ghe.
Người dân sống ven các đoạn sông bị “cát tặc” hoành hành cho biết, mỗi đêm bọn trộm hút cát thường bơm hút ít nhất 10 ghe cát. Nhẩm tính có thể thấy, bọn “cát tặc” có thể kiếm đến hàng chục triệu đồng/đêm hút trộm cát. Nếu so sánh với hoạt động đào đãi vàng, thì việc hút trộm cát thu được sản phẩm dễ dàng hơn, giá trị thu được trong một đêm có khi còn hơn cả ngày đào bới, sàng lọc tìm vàng trong lòng đất. Có lẽ vì vậy mà “cát tặc” vẫn tìm mọi cách duy trì hoạt động, ngay cả ở khu vực nội ô TP.Biên Hòa.
Anh N.V.T. (ngụ ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là người có “thâm niên” chống chọi với nạn “cát tặc” hoành hành ở bờ sông gần nhà mình (gần đình Long Quới). Anh đã từng bị bọn hút trộm cát “đổ bộ” lên bờ tấn công đến mức bị ngất xỉu. Nguyên nhân, chỉ vì anh quá quyết liệt chống lại bọn trộm cát khi các đối tượng này hoạt động quá gần bờ, làm sạt lở bờ sông ở phần đất của gia đình anh. Nhiều lần trao đổi với chúng tôi, anh T. đã lắc đầu tỏ vẻ chán nản khi nói đến việc kêu cứu lực lượng chức năng truy bắt bọn “cát tặc”. “Vào đợt cao điểm, “cát tặc” tạm ngưng hoạt động vì bị các lực lượng chức năng truy bắt ráo riết. Thế nhưng, qua đợt cao điểm, bọn hút trộm cát lại hoành hành như cũ” - anh T. cho biết thêm.
Anh T. phải chịu đựng tình trạng này trong nhiều năm, có lúc anh sợ bị bọn “cát tặc” trả thù và không dám công khai tên mình khi trao đổi với phóng viên.
Còn ở KP2, phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), từ sau Tết Nguyên đán 2013 trở lại đây, người dân rất bất bình trước sự lộng hành của các đối tượng hút trộm cát. Chị Hai L. (ngụ KP2, phường Quyết Thắng) bức xúc cho biết, chị đã tốn hàng trăm ngàn đồng tiền điện thoại di động báo tin cho lực lượng chức năng đến xử lý, nhưng bọn “cát tặc” vẫn hoạt động hàng đêm. Chỉ khi người phụ trách tổ dân phố mới được bầu lên hăng say, nhiệt tình với nhiệm vụ, chị L. và người dân mới nhờ người này liên tục báo tin cho Công an TP.Biên Hòa đến xử lý bọn “cát tặc”. Nhờ vậy, từ ngày 2-4 đến nay, bà con nơi đây được ngủ yên hàng đêm.
* Nạn trộm cát vẫn tái đi, tái lại
Tương tự trường hợp anh N.V.T. ở cù lao Hiệp Hòa, anh Đ.H.T. (ngụ KP2, phường Quyết Thắng) luôn lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán khi nói về việc truy bắt bọn “cát tặc” hoành hành tại đoạn sông gần nhà mình. Trong năm 2012, đã nhiều lần anh Đ.H.T. gọi điện thoại báo tin cho phóng viên phản ánh về nạn bơm hút trộm cát ở đây. Chúng tôi cũng đã cùng anh quan sát nhiều lần trong đêm về hoạt động của bọn “cát tặc”. Sau khi có thông tin phản ánh trên Báo Đồng Nai, bọn “cát tặc” tạm ngưng hoạt động dăm bảy hôm, nhưng sau đó lại hoạt động như cũ. “Nản lòng, tôi không gọi điện thoại cho ai nữa và đành “sống chung với nạn cát tặc” - anh Đ.H.T. cho biết thêm.
Ghe bơm cát (nhỏ, bên trái) đậu bên ghe chở cát (phải) vào sáng sớm 11-4 ở bãi đậu ghe, phường Bửu Hòa (đối diện bến tàu xe đường Nguyễn Văn Trị). |
Có điều đáng lưu ý là, những người dân, thậm chí có cả cán bộ, nhân viên Nhà nước, biết chuyện bọn “cát tặc” hoành hành trên sông, nhưng khi thông tin cho phóng viên đều đề nghị giấu tên. Chẳng hạn như một số người làm việc ở bến tàu, xe đường Nguyễn Văn Trị (đối diện chợ Biên Hòa) đều biết có bọn “đề lô” (tai mắt của bọn “cát tặc”) hàng đêm đến lảng vảng ở đây để cảnh giới cho bọn chúng (vì ca-nô của Công an TP.Biên Hòa gửi ở bến tàu này). Nếu ca-nô của công an xuất phát, bọn “đề lô” sẽ gọi điện thoại di động báo tin cho bọn “cát tặc” tìm cách đối phó. Nhưng khi phóng viên hỏi thêm thông tin về tai mắt của bọn “cát tặc” hoạt động ở đây, những người biết chuyện đều né tránh và bảo rằng, không dám liên can!
Còn một điều khó hiểu là, đối diện bến tàu, xe Nguyễn Văn Trị lại là nơi neo đậu thường xuyên của hàng chục ghe bơm hút và ghe chở cát. Đặc trưng của các ghe này là có những ống hút to, máy bơm hút tháo nước để trên cao (ghe chở cát). Còn ghe bơm cát có thân ghe nhỏ, nhưng máy ghe lại rất to, nằm giữa ghe. Máy này vừa sử dụng chạy ghe, vừa chạy máy bơm hút cát lên ghe chở cát. Nhiều lần tìm hiểu ở khu vực này vào lúc rạng sáng trong các ngày gần đây, chúng tôi thấy các ghe này đi đâu đó, rồi quay về neo đậu vào chỗ cũ. Có ghe còn chưa kịp cất giấu ống, máy bơm và cũng có ghe được dọn rửa kỹ càng.
Nhiều người thắc mắc, vì sao ca-nô công an cứ phải đậu đối diện khu đậu ghe bơm hút cát? Vì sao công tác nắm người, nắm hộ của lực lượng chức năng ở khu vực đậu ghe bơm hút cát (phường Bửu Hòa) không quản được các ghe này đi đâu, làm gì vào ban đêm? Bọn trộm cát ở nội ô TP.Biên Hòa lẽ nào lại đem phương tiện từ huyện Long Thành, hoặc miền Tây đến đây hoạt động hàng đêm (!?) Làm rõ những câu hỏi này, có lẽ lực lượng chức năng sẽ có biện pháp giải quyết dứt điểm nạn trộm cát lộng hành ở TP.Biên Hòa.
T.L.D.