Báo Đồng Nai điện tử
En

Để thụ hưởng công trình chất lượng (Bài 1)

10:03, 29/03/2013

Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Mục đích của giám sát đầu tư cộng đồng nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án…

Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Mục đích của giám sát đầu tư cộng đồng nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án…

Ngay từ khi các công trình được triển khai, những người làm nhiệm vụ giám sát đầu tư cộng đồng luôn bám sát công trường từ quá trình thi công cho đến khi hoàn thành. Ngoài ra, họ còn sử dụng “nghiệp vụ” nghe ngóng dư luận trong quá trình giám sát.

* “Nghiệp vụ” giám sát đầu tư cộng đồng

Ông Nguyễn Minh Thân, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Thọ Lâm 2, xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) cho biết, thời gian qua, ấp đã cùng Nhà nước xã hội hóa được 2,6km đường điện hạ thế, trên 5km đường giao thông bê tông. Để công trình có chất lượng, thực hiện đúng tiến độ và kinh phí đầu tư (của Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp) không bị xén chặn từ đơn vị thi công, ông và các thành viên trong tổ GSĐTCĐ luôn thay nhau có mặt tại hiện trường theo dõi quá trình nhà thầu thi công để kiểm tra xem họ có thực hiện đúng thiết kế hay không. Ông Thân nói: “Quá trình thi công, chỉ cần một thay đổi nhỏ so với thiết kế ban đầu, nhà thầu và đơn vị thi công không thông báo, trao đổi với nhà đầu tư và chúng tôi, thì công trình phải tạm dừng. Bởi chúng tôi đại diện cho vốn Nhà nước và dân đóng góp. Khi thay đổi thiết kế, để công trình được tiếp tục thi công thì phải có sự đồng thuận từ chính quyền và người dân”.

Giám sát đầu tư cộng đồng ấp Thọ Lâm 2, xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) luôn có mặt trong quá trình bê tông hóa giao thông đường ấp.
Giám sát đầu tư cộng đồng ấp Thọ Lâm 2, xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) luôn có mặt trong quá trình bê tông hóa giao thông đường ấp.

Có mặt tại tuyến đường dài 300m ở tổ dân cư 4, ấp Phú Thọ (kinh phí gần 1,5 tỷ đồng) đang quá trình thi công, ông Trần Xuân Chiến, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban GSĐTCĐ xã Phú Cường (huyện Định Quán) bày tỏ, từ năm 2011-2012, địa phương được huyện phê duyệt đầu tư 60 tuyến đường với tổng chiều dài trên 20km và đã triển khai được 25 tuyến với tổng chiều dài trên 7km, kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban GSĐTCĐ xã còn tổ chức giám sát các công trình khác, như: dự án cụm pano quy hoạch xã, dự án xây dựng chợ, sửa chữa trường mầm non và trường tiểu học, xây dựng 11 căn nhà tình thương cho hộ nghèo…

“Chúng tôi phân công các thành viên trong ban giám sát cùng các tổ giám sát của các ấp có công trình thi công trực tiếp giám sát. Ngoài việc giám sát, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu các ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng vật tư, kỹ thuật thi công của công trình. Qua đó, chúng tôi kiểm tra thấy đúng như dư luận phản ánh, thì lập tức kiến nghị đến chủ đầu tư, nhà thầu để họ khắc phục những sai sót. Sau đó, họ gửi văn bản trả lời để công khai sự việc cho dân biết” - ông Chiến chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Mười, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) cho hay, để hiểu được các thông số kỹ thuật nơi các bản vẽ, hồ sơ dự án…, các thành viên trong Ban GSĐTCĐ phải hỏi các kỹ sư đang thi công, hoặc con cháu mình; đồng thời bám sát dư luận để nghe ngóng thông tin. Ông Mười đưa ra nhiều tình huống: “Không phải công trình nào tiêu cực là do nhà thầu bắt tay với chủ đầu tư, đơn vị thi công, kỹ sư giám sát công trình để bòn rút, mà có cả chuyện người làm công cũng biết cách qua mặt tất cả để bớt xén vật tư. Chính vì vậy, nghe ngóng dư luận cũng là một cách giám sát hiệu quả”.

* Minh bạch vì mồ hôi, công sức của dân

Ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ, kiêm Trưởng ban GSĐTCĐ các dự án trên địa bàn xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ, các công trình đầu tư cho địa phương, dù chủ đầu tư là tỉnh hay huyện, xã đều là tiền của Nhà nước, là tiền thuế do dân đóng góp. Chính vì vậy, trách nhiệm của GSĐTCĐ là theo dõi chặt công trình có đạt chất lượng hay không rồi mới ký xác nhận khi nghiệm thu. “Mình làm việc không công tâm là có lỗi với bà con. Vì đó là công trình triển khai tại địa bàn, xây dựng cho bà con mình sử dụng” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, tuy chưa có mức hỗ trợ kinh phí giám sát cho các thành viên trong Ban GSĐTCĐ, nhưng các thành viên trong ban giám sát ai cũng nhiệt tình với trọng trách và thẳng thắn tham gia góp ý với nhà đầu tư xây dựng những hạng mục công trình trong thi công chưa đúng thiết kế, để nhà đầu tư có ý kiến nhắc nhở nhà thầu khắc phục lỗi.

Ông Bùi Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Cường (huyện Định Quán) cho rằng, để các công trình làm đúng tiến độ, chất lượng giám sát của dân luôn được tôn trọng và đề cao. Người dân và Ban GSĐTCĐ luôn thể hiện tốt trách nhiệm giám sát của mình trong quá trình triển khai các công trình. Tất cả các công trình mà địa phương làm chủ đầu tư, khi triển khai thi công luôn thực hiện đúng phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nên không để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.

Ông Đoàn Văn Mười, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ  thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) bày tỏ, trong quá trình theo dõi giám sát công trình lót gạch vỉa hè đường Nguyễn Đức Cảnh và Phan Đăng Lưu (thị trấn Trảng Bom), Tổ giám sát đầu tư cộng đồng phát hiện gạch lát vỉa hè không đúng loại như thiết kế và phải lót một lớp xi măng cho kết dính trước khi đặt gạch, nhưng họ gian dối chỉ lót một lớp cát mỏng. Qua phản ánh của các thành viên giám sát, đơn vị thi công đã khắc phục.

Ông Nam nói: “Khi cấp trên phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư công trình, chúng tôi ra quyết định thành lập Ban GSĐTCĐ đúng luật định; đồng thời luôn tôn trọng những kiến nghị của các thành viên trong ban giám sát. Vì là công trình đầu tư cho dân mình sử dụng, chất lượng công trình sau nghiệm thu là then chốt và là uy tín của chính quyền, niềm tin đối với cấp trên, nên chúng tôi phải công khai, minh bạch và không để một đồng đầu tư cho công trình bị tổn hại, rơi rụng” - ông Nam nói.

Là người được giao giám sát nhiều công trình đầu tư hạ tầng trên địa bàn thị trấn Trảng Bom, ông Đoàn Văn Mười chia sẻ, Ban GSĐTCĐ thực hiện quyền tạm dừng thi công qua kiến nghị, đề xuất với đơn vị có chức năng, thẩm quyền. Các thành viên trong Ban GSĐTCĐ đều là những người đại diện cho nhân dân thực hiện nhiệm vụ không thù lao và làm việc vì lợi ích cộng đồng, nên họ luôn lấy cái tâm, lòng nhiệt huyết ra mà làm. “Không có cái lợi riêng và trách nhiệm vật chất ràng buộc nên chúng tôi rất khách quan và công tâm” - ông Mười thổ lộ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Cấp Thẻ an toàn lao động phí thấp