Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm tự hào của lực lượng vũ trang Đồng Nai

08:03, 26/03/2013

Ngày 27-3-1948, Đại đội Lam Sơn, thuộc Tiểu đoàn Quang Trung, Trung đoàn 310 (tiền thân là Chi đội 10) được thành lập. Trải qua 9 năm kháng chiến vệ quốc, đơn vị đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cùng với quân dân trong tỉnh làm nên những chiến công vang dội, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Ngày 27-3-1948, Đại đội Lam Sơn, thuộc Tiểu đoàn Quang Trung, Trung đoàn 310 (tiền thân là Chi đội 10) được thành lập. Trải qua 9 năm kháng chiến vệ quốc, đơn vị đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cùng với quân dân trong tỉnh làm nên những chiến công vang dội, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Những đóng góp và thành tích của Đại đội Lam Sơn đã được lịch sử ghi nhận, phiên hiệu Đại đội Lam Sơn mãi mãi hiện hữu trên trang sử vàng truyền thống của lực lượng vũ trang Đồng Nai.

* Ra đời trong khói lửa chiến tranh

Ông Nguyễn Xuân Mai, cựu chiến binh Đại đội Lam Sơn, hiện là Phó ban liên lạc truyền thống Đại đội Lam Sơn, cho biết, sau chiến công vang dội trong trận đánh giao thông La Ngà trên quốc lộ 20 của Chi Đội 10 (ngày 1-3-1948), thế và lực của bộ đội ta ngày càng lớn mạnh. Cùng thời gian này, thực dân Pháp tăng cường đánh phá ác liệt vào các vùng căn cứ của ta để mở rộng vùng kiểm soát, bình định nông thôn với quy mô ngày càng lớn. Trước tình hình hết sức khẩn trương của cục diện chiến trường và đặc biệt là sự trưởng thành nhanh chóng của bộ đội trong chiến đấu, vấn đề đặt ra cho lực lượng kháng chiến lúc này là phải tổ chức, bố trí lại lực lượng chiến đấu để đáp ứng cho yêu cầu ngày càng cao của chiến trường.

Ngày 27-3-1948, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, Khu ủy Khu 7 đã tổ chức hội nghị thảo luận việc xây dựng các trung đoàn ở địa bàn miền Đông trên cơ sở các chi đội hiện có, đồng thời quyết định chọn Chi đội 10 phát triển thành Trung đoàn 310. Biên chế của Trung đoàn 310 lúc này có 3 tiểu đoàn: Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn và Quang Trung (tiền thân là Đại đội A, B, C của Chi đội 10). Mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội, trong đó Đại đội Lam Sơn thuộc Tiểu đoàn Quang Trung, do đồng chí Lương Văn Nho làm Tiểu đoàn trưởng.

Đại đội Lam Sơn được giao nhiệm vụ hoạt động ở căn cứ Chiến khu Bình Đa, tổ chức các hoạt động đánh địch giữ vững địa bàn, đánh giao thông địch, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân và học tập chính trị, huấn luyện quân sự, nhằm xây dựng đại đội thành đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cục diện chiến trường.

Phát hiện Đại đội Lam Sơn được điều động áp sát Biên Hòa và các vùng quanh nội ô, quân Pháp đã liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công, càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, triệt hạ vùng căn cứ kháng chiến nằm sát nách Biên Hòa, như: Bình Đa, Hố Cạn, Tân Phong...

Tuy nhiên, với trình độ chiến đấu được nâng cao, lại được trang bị vũ khí tốt, đặc biệt là có nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, thông thạo địa bàn, Đại đội Lam Sơn đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng du kích địa phương để liên tục đánh phá, bẻ gãy các cuộc càn quét quy mô của địch vào căn cứ, bảo vệ vững chắc vùng chiến khu và sự an toàn cho nhân dân.

* Những chiến công vang dội

Theo ông Nguyễn Xuân Mai, suốt thời gian đứng chân hoạt động trên chiến trường Bình Đa, Biên Hòa và về sau này hành quân cơ động tác chiến trên nhiều địa bàn của tỉnh, Đại đội Lam Sơn dưới sự đùm bọc, che chở của nhân dân đã vừa tác chiến độc lập, vừa phối hợp với đơn vị bạn tổ chức hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ, gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề. Nhiều trận đánh cho đến bây giờ khi nhắc lại, CBCS đơn vị và nhân dân đều dậy lên niềm tự hào.

Điển hình như trận chống càn ngày 10-10-1948. Phát hiện quân ta tập trung ở khu vực Chiến khu Bình Đa, thực dân Pháp đã huy động hàng ngàn quân với đầy đủ vũ khí, trang bị tổ chức trận càn với quy mô lớn vào Sở cao su Tân Hưng (nay là phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) nhằm tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực ta. Tuy nhiên, trước sức chiến đấu quyết liệt của Đại đội Lam Sơn và các đơn vị phối hợp, quân địch bị thiệt hại nặng, buộc phải tháo chạy sau gần nửa ngày chiến đấu.

Cuối tháng 10-1948, Đại đội Lam Sơn và các đơn vị thuộc Tiểu đoàn Quang Trung do đồng chí Lương Văn Nho trực tiếp chỉ huy đã tổ chức trận phục kích đánh đoàn xe kéo be 7 chiếc có sự tham gia hộ tống của bọn lính lê dương ở Chi khu Trảng Bom. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoàn toàn tê liệt, ta làm chủ tình hình, phá hủy 7 xe, thu nhiều vũ khí.

Cay cú với những thất bại liên tiếp trước lối đánh bất ngờ, táo bạo của Đại đội Lam Sơn trên chiến trường Biên Hòa, ngày 11-12-1948, quân Pháp đã huy động hơn 1 ngàn quân, 37 xe cơ giới tấn công vào Chiến khu Bình Đa. Trận này, địch chia lực lượng thành 2 gọng kìm, cánh thứ nhất từ Tiểu khu Biên Hòa (Nhà máy cưa BIF) đi theo đường số 1 đánh xuống và cánh thứ 2 theo đường 15, từ bót Bến Gỗ đánh lên.

Trước sự uy hiếp của giặc, Đại đội Lam Sơn cùng các đơn vị thuộc Tiểu đoàn Quang Trung phối hợp với du kích địa phương chia thành nhiều mũi nhỏ đánh địch. Suốt buổi sáng 11-12-1948, quân ta đã 3 lần tổ chức đánh tập kích vào các cụm quân địch, kết hợp bắn tỉa và chia địch ra để đánh, khiến cho địch bị thiệt hai nặng, dẫn đến hoang mang. Đến 14 giờ cùng ngày, trận càn của giặc Pháp bị bẽ gãy hoàn toàn. Tinh thần chiến đấu kiên cường của Đại đội Lam Sơn kết hợp với du kích địa phương cùng các đại đội trong Tiểu đoàn Quang Trung đã đập tan âm mưu tấn công, lấn chiếm căn cứ Bình Đa của giặc Pháp; bảo vệ Bình Đa thành căn cứ an toàn, tiếp tục tạo thế cho cán bộ Việt Minh vào hoạt động sâu trong lòng thị xã Biên Hòa.

Từ cuối năm 1949 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau nhiều lần thực hiện chủ trương của trên về bố trí lại lực lượng, bố trí lại chiến trường cho phù hợp với tình hình cách mạng, Đại đội Lam Sơn được bố trí thành Đại đội độc lập 926 (năm 1949), Đại đội địa phương Lam Sơn, huyện Vĩnh Cửu (1951-1954) với nhiệm vụ nặng nề, phức tạp hơn, địa bàn cơ động tác chiến rộng hơn. Nhưng với sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân và lối đánh sắc bén, độc đáo, hiệu quả cao, Đại đội Lam Sơn đã cùng với lực lượng vũ trang Biên Hòa đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, góp phần quan trọng trong việc đánh bại các thủ đoạn chiến thuật của thực dân Pháp, đưa Biên Hòa trở thành địa phương dẫn đầu về đánh giao thông, kho tàng, tháp canh địch.

Thành tích của Đại đội Lam Sơn trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã góp phần vào thắng lợi chung của quân dân miền Đông Nam bộ nói riêng và quân dân cả nước nói chung. Thành tích của đơn vị không chỉ dừng lại ở số lượng và kết quả các trận đánh, mà còn phải kể đến những hoạt động âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt của đơn vị trên các mặt trận: xây dựng cơ sở cách mạng, bám đất, bám dân, phục vụ kháng chiến... Có thể nói, đây là một đơn vị đặc biệt với những đặc điểm riêng nổi bật so với nhiều đơn vị bộ đội địa phương khác trong tỉnh. Đi qua cuộc chiến, nhiều CBCS của Đại đội Lam Sơn đã hy sinh anh dũng. Sự mất mát, hy sinh ấy đã góp phần làm rạng ngời truyền thống chiến đấu hào hùng của đơn vị, của lực lượng vũ trang tỉnh trong một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Đức Việt

 

Tin xem nhiều