Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông thương binh có “máu liều” (Bài 2)

08:02, 23/02/2013

Sau lần bị vợ là bà Trần Thị Chơn ngăn cản không cho chặt cây trồng, ông Đoàn Trung Ngọc (thương binh ¾, ngụ ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) nghĩ kế “điệu hổ ly sơn”, nhân dịp bà Chơn về huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) dự đám giỗ. Sau đó, ông kêu thợ cưa đến hạ sạch vườn điều, sầu riêng, xoài… đang giai đoạn thu hoạch rộ để trồng thanh long ruột đỏ.

Sau lần bị vợ là bà Trần Thị Chơn ngăn cản không cho chặt cây trồng, ông Đoàn Trung Ngọc (thương binh ¾, ngụ ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) nghĩ kế “điệu hổ ly sơn”, nhân dịp bà Chơn về huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) dự đám giỗ. Sau đó, ông kêu thợ cưa đến hạ sạch vườn điều, sầu riêng, xoài… đang giai đoạn thu hoạch rộ để trồng thanh long ruột đỏ.

* Lấy phải chồng liều

Năm 1976, sau khi cưới bà Chơn làm vợ, ông Ngọc bàn với bà bán hết tư trang về vùng đất Bình Sơn (huyện Long Thành) lập nghiệp. Mua được 1 hécta đất, vợ chồng ông Ngọc tập tành theo nông dân trong vùng cuốc đất trồng lúa, trồng bắp, trồng khoai và vào rừng lấy củi về đốt than đổi gạo. Dù vợ chồng quần quật lao động, nhưng đến cuối vụ, gia đình ông Ngọc chỉ thu được vài chục bao lúa, một ít bắp, khoai làm giống và ăn được vài tháng thì cạn.

Ông Đoàn Trung Ngọc bên vườn thanh long ruột đỏ cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Ông Đoàn Trung Ngọc bên vườn thanh long ruột đỏ cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

3 năm sau, Nhà nước có chủ trương trưng thu đất của gia đình ông Ngọc để xây dựng nông trường cao su. Nhân dịp đó, ông cùng vợ về ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh gầy dựng lại sự nghiệp bằng nghề trồng hàng hoa. Lúc ấy, để có tiền mua 2,5 sào đất trống của một hộ dân địa phương, ông Ngọc “xúi” bà Chơn về Tân Uyên vay mượn gia đình, còn ông tranh thủ tìm người thân mượn tiền để làm lại từ đầu. Bà Chơn thủng thẳng kể, dù bà bị ông Ngọc “lừa” hết lần này đến lần khác, nhưng bà vẫn tin chồng, vì ông “lừa” bà để tìm lối ra trong lúc làm ăn thất bại, chứ không cố tình đào tiền của gia đình bà để cờ bạc, rượu chè hay nuôi “mèo chuột” bên ngoài.[links(right)]

Mua được đất, ông Ngọc tức tốc chặt cây, cắt tranh dựng chòi làm nơi ở. Khi chòi được dựng xong, ông mới thỏ thẻ bàn với bà Chơn trồng dưa leo, vì nơi đây chưa có ai trồng thứ cây này, mà họ chỉ mãi mê trồng lúa, trồng màu. Thấy lời chồng bàn có lý, bà Chơn mau mắn gật đầu. Bà nghĩ, lấy chồng thì phải theo chồng, số bà sướng hay khổ vẫn chưa biết, thà bà gật đầu ủng hộ để ông có niềm tin mà chăm chỉ làm ăn.

“Ròng rã suốt 3 tháng trời, tui với ổng vào rừng chặt tre làm giàn, xuống suối gánh từng thùng nước để tưới. Khi dưa cho trái, sáng sớm vợ chồng gánh dưa, hoặc đóng hàng theo xe đò đi Định Quán, Gia Kiệm, Bàu Hàm để ngồi bán. Chiều quay về tưới, thu hoạch dưa để sáng mai đi bán tiếp” - bà Chơn nhớ lại.

Dưa người ta thu 15-20 ngày là tàn, còn dưa vợ chồng ông Ngọc thu tới 30 ngày mới chết dây. Nhờ vậy, vợ chồng ông trúng liên tiếp mấy vụ dưa leo. Ông Ngọc kể, cứ 2 ngày bán dưa, vợ chồng ông thu được một chỉ vàng. Nhờ đó, vợ chồng ông không còn phải lo chạy gạo từng bữa nữa, mà có tiền trả nợ nần khi vay mượn mua đất.

Thấy việc trồng dưa leo có hiệu quả, bà Chơn một lần nữa chiều chồng, về Tân Uyên to nhỏ với cha mẹ mượn tiền mua đôi bò và chiếc máy Kohler 4 cải tiến cho chồng đi cày đất thuê, tưới dưa thay cho đôi vai gánh nước vất vả. “Từ khi có đôi bò, tui ngày đi cày đất thuê, chiều về phụ vợ chăm sóc đám dưa leo. Thời gian thấm thoát trôi qua, vợ chồng tui cứ quần quật ngoài đồng, ngoài chợ nhiều hơn ngồi trong nhà. 6 năm sau, vợ chồng tui mua thêm được 4 hécta đất của các hộ lân cận” - ông Ngọc tâm sự.

* Lừa vợ để phá vườn

Những năm 1995, phong trào trồng cà phê, tiêu ở Hưng Thịnh trên đà phát triển mạnh, nhưng các phương tiện tưới nước của nông dân lúc ấy còn thô sơ. Vì vậy, nhìn chiếc máy Kohler 4 cải tiến của ông Ngọc tưới dưa leo, các nông dân trong vùng nảy sinh ý muốn được sở hữu. Được một nông dân trả giá cao, ông Ngọc liền bán ngay, sau đó về quê mua cái máy khác để tưới dưa. Đem máy về được vài ngày thì nông dân khác lại hỏi mua lại với giá cao hơn. Từ đó, ông Ngọc nảy sinh ý tưởng và trở thành người buôn máy tưới, kiêm sửa chữa máy. Ông mở tiệm cơ khí và bỏ nghề trồng dưa leo để chạy theo phong trào trồng tiêu, cà phê, sầu riêng.

Năm 2005, ông Ngọc lâm bệnh nặng, cộng với vết thương bị trong thời kháng chiến chống Mỹ hành hạ, ông phải nằm viện điều trị vài tháng liền. Khỏi bệnh, ông Ngọc về nhà thì kinh tế gia đình suy kiệt, các con đang bước vào tuổi ăn học nên cần đầu tư nhiều hơn.

Hết vốn và sức khỏe xuống dốc, nhưng ông Ngọc lại “nổi hứng” đào ao nuôi cá. Dù bị vợ cản, ông cũng cầm “sổ đỏ” của gia đình ra ngân hàng vay 100 triệu đồng để thuê xe về móc 4 sào đất ruộng làm ao. Để có tiền mua con giống, ông lại to nhỏ với bà Nhơn, nhờ về nhà cha mẹ vay mượn. Do là người nuôi cá diêu hồng đầu tiên tại vùng đất Hưng Bình, cá ông Ngọc nuôi lại chóng lớn, nên kinh tế gia đình ông lại mau chóng phục hồi. Với mô hình vườn - ao, ông Ngọc trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã, huyện.

Ông Đoàn Trung Ngọc cho hay, công việc làm nông của ông phát đạt vì ông dám liều và trồng cây hay nuôi con gì cũng đi trước nông dân khác. Ngay cả cây thanh long ruột đỏ, nếu ông không táo bạo phá bỏ các cây trồng khác trong thời kỳ cho thu nhập để trồng thì giờ đây, ông chỉ biết nhìn các nông dân khác thu tiền tỷ. “Tui liều vì có bà xã “dễ dụ” và tin tui làm ăn ngay thẳng” - ông Ngọc tâm sự.

Tưởng rằng, khi qua hoạn nạn, ông Ngọc tạm thỏa mãn với những gì đã có (4 con được học hành đàng hoàng, thu nhập từ 4,5 hécta đất bình quân 200 triệu đồng/năm), nhưng đến năm 2008, ông lại một lần nữa “nổi hứng” đột phá, khi đăng ký trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ, nhân dịp cán bộ nông nghiệp huyện về triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại địa phương.

Không có đất trống để trồng thanh long như các nông dân khác, ông Ngọc quyết định phá bỏ vườn tiêu, cà phê, điều, sầu riêng đang thời kỳ cho thu hoạch sung sức. Để thực hiện cho được dự án, nhất là muốn giữ chữ tín với cán bộ khuyến nông huyện, ông giả vờ xin ý kiến vợ cho phép ông chặt phá một phần cây trong vườn để trồng thanh long thí điểm. Được vợ đồng ý, ông âm thầm “bật đèn xanh” cho đám thợ cưa vào hạ sạch vườn cây nhà mình.

Phát hiện thợ cưa ào ạt phá vườn theo chỉ đạo của chồng, bà Nhơn tiếc của ra cản. Bà chỉ cho phép cánh thợ cưa cây xấu, cây to bà quyết không cho đốn hạ. Nể vợ, ông Ngọc cho dừng việc phá vườn và nghĩ kế “điệu hổ ly sơn”. Nhân dịp đám giỗ phía nhà vợ, ông cáo bệnh ở nhà và kêu bà về quê dự đám giỗ trước. Tin lời chồng, bà Nhơn thong thả về Tân Uyên dự đám giỗ, riêng ông Ngọc tức tốc kêu thợ tới... phá trắng 1,5 hécta vườn cà phê, sầu riêng, điều.

Nhờ gạt vợ “làm liều” như vậy, hôm nay ông Ngọc mới thu được tiền tỷ từ 2,5 hécta thanh long ruột đỏ sau hai đợt trồng. “Khi trồng thanh long ruột đỏ tui cũng lo lắm, nếu thất bại là tui chết với bả. Tuy vậy, khi nghe cán bộ khuyến nông động viên, lại được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ giống, 50% tiền trụ nên tui cũng nhẹ lòng một phần. Đến ngày thu bói 1,5 hécta thanh long ruột đỏ, tui lãi trên 300 triệu đồng. Vài tháng sau vào vụ thu chính thì tiền tỷ vào nhà. Bây giờ, bà xã đã hết sợ cái tính liều của tui rồi” - ông Ngọc cười khà khà nói.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều