Khi nhà có người bệnh tật, đồng bào Chơro thường nhờ thần linh, thầy cúng đến nhà xua đuổi tà ma hơn là tìm đến bác sĩ. Vượt lên những phong tục lạc hậu ấy, ông Thổ Phú (ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) còn tình nguyện để cán bộ y tế lấy máu của mình truyền cho người ngoài buôn làng.
Khi nhà có người bệnh tật, đồng bào Chơro thường nhờ thần linh, thầy cúng đến nhà xua đuổi tà ma hơn là tìm đến bác sĩ. Vượt lên những phong tục lạc hậu ấy, ông Thổ Phú (ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) còn tình nguyện để cán bộ y tế lấy máu của mình truyền cho người ngoài buôn làng.
Ông Thổ Phú tuy nghèo, phải thuê đất của người dân trong vùng để trồng nấm nhưng tấm lòng rất đáng trân trọng. |
Liều như ông Thổ Phú
Là người con của núi rừng, Thổ Phú rất hiểu tập tục của dân làng mình mỗi khi nhà có người bệnh phải mời thầy cúng và giết gà, heo, trâu, bò cùng vài ché rượu cần để tạ lỗi. Bên ruộng lúa xuân, Thổ Phú cho biết, nhờ hiến máu, ông là người Chơro đầu tiên ở ấp Lác Chiếu biết được dòng máu trong cơ thể mình thuộc nhóm B. Cũng từ việc hiến máu, 13 người thân trong gia đình ông Phú (gồm: con, con rể, vợ) biết họ thuộc nhóm máu O, A, B. Và họ cũng biết những giọt máu này có thể truyền vào cơ thể những người cùng nhóm, hay khác nhóm.
Ông Nguyễn Ít, Chủ tịch UBND xã Bảo Quang cho biết, ông Thổ Phú và đồng bào Chơro ấp Lác Chiếu tuy nghèo khó, nhưng rất tốt bụng, thật lòng. Họ cho máu không vì lý do kinh tế, mà vì đóng góp cho phong trào hiến máu nhân đạo của địa phương. Dòng máu của ông Thổ Phú và đồng bào Chơro đã thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ rất đáng biểu dương. |
“Lúc đầu mình cũng lo lắng, sao trong cùng dòng tộc mà nhóm máu khác nhau, máu con không giống máu cha mẹ” - ông Thổ Phú mỉm cười chia sẻ. Đồng thời, Thổ Phú thổ lộ, ông thêm “sướng cái bụng” khi biết cơ thể mình và người thân khỏe mạnh, không mắc bệnh hiểm nghèo. Để vận động mọi người hiến máu, ông Thổ Phú tuyên truyền rằng, việc hiến máu không bao giờ bị thần linh trách phạt. Ông còn thuyết phục mọi người trong làng biết việc hiến máu là hợp đạo lý, sẽ được thần linh và Nhà nước khuyến khích, ủng hộ, biểu dương.
Những năm 2000, phong trào hiến máu nhân đạo được xã hội biết đến và tình nguyện tham gia. Tuy vậy, ở ấp Lác Chiếc, chuyện ông Thổ Phú vì nghe lời cán bộ mà đi cho máu, quả là chuyện “động trời”, dám chống lại thần linh, tập tục của đồng bào Chơro. Khi chưa hiểu chuyện, đồng bào cho rằng, ông Thổ Phú hiến máu nghĩa là ông dám chống lại thần rừng, thần suối, muốn chết sớm và còn muốn gieo họa cho làng. Chính vì vậy, mọi người ngại đến gần tiếp chuyện, hoặc sản xuất gần ruộng của ông. Tuy vậy, ông Thổ Phú vẫn không sợ và kiên quyết cho rằng mình đúng.
Ông Thổ Phú nói: “Một lần, rồi hai lần, mình được cán bộ Oanh dẫn đi hiến máu nhân đạo. Hiến xong, mình thấy cái tay, cái chân vẫn khỏe, vẫn đuổi kịp chiếc máy xới, bước chân bạn bè khi vác bao lúa băng đồng. Vì vậy, mình rủ thêm con rể, con gái, vợ và bà con Chơro trong ấp cùng theo cán bộ Oanh đi hiến máu nhân đạo”.
[links(left)]Bà Trần Kim Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo ấp Lác Chiếu cho biết, gia đình ông Thổ Phú thuộc diện hộ nghèo. Để kiếm miếng ăn, gia đình ông phải thuê đất người khác để trồng nấm, lúa, bắp. Bà Oanh xúc động nói, có những hôm, cha con ông Thổ Phú hiến máu xong, trở về nhà, mọi người liền chạy nhanh ra đồng để làm việc, vì họ sợ mất ngày công, sai lời hứa. Chị Thị Nhật, hàng xóm của ông Thổ Phú, thì không “giấu giếm cái xấu” trong lòng. Chị nói: “Bà con Chơro mình lúc đầu nghĩ sai, cho rằng ông Thổ Phú cho máu là có tội với núi rừng, dám chống tập tục, sớm muộn gì cũng bị các vị thần, ma rừng bắt tội. Cũng có người cho rằng, ông Thổ Phú bị con HIV phá nên mới lén lút đi thử máu để khỏi chết”.
Luôn sẵn lòng hiến máu cứu người
Biết tin ông Thổ Phú sắp được lên báo, chị Thị Diệu đang thu hoạch bắp trước nhà ông Thổ Phú liền bày tỏ “cái bụng tốt” của mình. Chị cũng là người Chơro cho người Kinh máu khi được ông Thổ Phú vận động. Chị Diệu bộc bạch, đồng bào Chơro ở Lác Chiếu nghèo lắm, không có tiền để giúp người Kinh anh em ở thành phố đâu. Tuy vậy, đồng bào Chơro ở đây luôn sẵn sàng sẻ chia giọt máu của mình với anh em người Kinh và các dân tộc anh em khác ở nơi xa.
Bà Thị Sên (vợ của ông Thổ Phú) và con trai đã được ông Thổ Phú vận động hiến máu trên 20 lần. |
Sau khi được cán bộ Oanh vận động hiến máu nhân đạo, ông Thổ Phú đã có 10 lần hiến. 13 người thân trong gia đình ông cũng hiến máu nhân đạo từ 10-23 lần. Ngoài vận động người thân trong gia đình, ông Thổ Phú còn tỉ tê rủ trên 40 người Chơro trong ấp cùng chia sẻ giọt máu hồng trong cơ thể của mình để cứu người. Ông Thổ Phú bộc bạch, bản thân ông đã 10 lần ra Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp máu trực tiếp cho những ca bị tai nạn giao thông, sản phụ khi sinh con. Và, từ ngày đồng bào Chơro biết được máu của mình “giỏi” như vậy, ai cũng sẵn lòng cho, không còn e ngại khi được cán bộ vận động. Cũng theo ông Thổ Phú, những người được đồng bào Chơro cho máu thường hay ghé ấp Lác Chiếu thăm hỏi, cảm ơn. Riêng bản thân ông, được chính quyền khen thưởng, cho ra thủ đô Hà Nội thăm lăng Bác Hồ, báo cáo thành tích.
Chị Thị Hiền, con gái ông Thổ Phú bày tỏ, nhờ cho máu nên chị mới hiểu được điều bản thân chị tuy do cha mẹ sinh ra, nhưng khác nhóm máu của cha mẹ. “Máu mình do cha mẹ sinh ra. Còn cho người khác phải do quyết định của mình, thể hiện sự đùm bọc, chia sẻ với người Kinh trong cuộc sống” - chị Hiền nói. Còn chị K’Nhung thì nhoẻn miệng cười thật giòn rồi nói: “Cũng nhờ lòng gan dạ, dám chống lại tập tục của ông Thổ Phú mà mình mới biết hiến máu là đúng, là giúp đỡ người khác và không sợ thần linh quở phạt hay trách tội”.
Đoàn Phú