Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị chiến trường (Bài 1)

10:02, 03/02/2013

Đúng giờ giao thừa 30 Tết Mậu Thân 1968 (nhằm ngày 31-1-1968), quân và dân ta đã đồng loạt thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Cú đánh bất ngờ vào 4 thành phố lớn là: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ và 37 thị xã, thị trấn… trên toàn miền Nam đã gây cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn một đòn choáng váng, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, rút dần quân Mỹ về nước và ngồi vào bàn đàm phán Paris để ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đúng giờ giao thừa 30 Tết Mậu Thân 1968 (nhằm ngày 31-1-1968), quân và dân ta đã đồng loạt thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Cú đánh bất ngờ vào 4 thành phố lớn là: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ và 37 thị xã, thị trấn… trên toàn miền Nam đã gây cho đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn một đòn choáng váng, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, rút dần quân Mỹ về nước và ngồi vào bàn đàm phán Paris để ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Bộ đội cùng du kích địa phương trên đường vào chiến dịch Mậu Thân 1968.
Bộ đội cùng du kích địa phương trên đường vào chiến dịch Mậu Thân 1968.

Nhân kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Báo Đồng Nai xin giới thiệu về những đóng góp của lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai trong chiến dịch này.

Nhắc lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Phó chính ủy mặt trận thị xã Biên Hòa lúc ấy không khỏi bồi hồi. Ông cho biết, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa hết sức to lớn, nếu không có trận đánh này thì không thể làm cho đế quốc Mỹ chấp nhận thua trận và chuyển hướng chiến lược, chấp nhận ngồi vào đàm phán Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi Việt Nam.

Bố trí lại địa bàn tác chiến

Theo lời đồng chí Phan Văn Trang, đến cuối năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Đặc biệt, ta đã làm thất bại 2 cuộc phản công chiến lược của Mỹ vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. Trước thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, xác định chúng ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ, nên vào tháng 12-1968, hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: “Động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả hai miền đưa cuộc cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Để biến quyết tâm của Bộ Chính trị thành hiện thực, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy miền đã đề ra kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Nam, trong đó xác định trọng điểm của chiến trường B2 (Nam bộ, Sài Gòn - Gia Định và miền Đông Nam bộ) là chiến trường chính, đồng thời chỉ rõ các mục tiêu cần tấn công là đánh chiếm các thị xã, thành phố, làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, diệt một bộ phận quân viễn chinh Mỹ và chư hầu, đánh đổ ngụy quyền các cấp, làm chuyển biến cục diện chiến trường, tiến lên giành thắng lợi quyết định.

 Để đảm bảo cho chiến dịch giành được thắng lợi cao nhất, Trung ương Cục quyết định bố trí lại chiến trường, giải thể các quân khu, thành lập 5 phân khu (từ 1 đến 5), tạo thành 5 mũi tiến công vào đầu não Mỹ - ngụy ở Sài Gòn. Nội đô Sài Gòn - Gia Định thành lập phân khu 6, đồng thời giải thể khu miền Đông.

Lúc bấy giờ, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và tỉnh Biên Hòa cũng được bố trí lại. Các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cao su Bình Sơn của Biên Hòa được đưa vào đội hình Phân khu 4, do đồng chí Lương Văn Nho làm tư lệnh, Đặng Hữu Thuấn làm Tỉnh đội trưởng. Các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, thị xã Biên Hòa nhập vào Biên Hòa U1, do đồng chí Nguyễn Sơn Hà làm bí thư, Phan Văn Trang làm phó bí thư. Ban chỉ huy quân sự tỉnh Biên Hòa U1 do đồng chí Trần Công An, Tỉnh đội trưởng; Phan Văn Trang làm Chính trị viên.

Đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ

Đồng chí Phan Văn Trang nhớ lại, trước khi vào chiến dịch, Trung ương Cục xác định thị xã Biên Hòa là trọng điểm của đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nên Bộ Chỉ huy miền đã cử đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng miền, trực tiếp đến Biên Hòa triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch tiến công nổi dậy ở Biên Hòa. Từ đây, một cuộc hội nghị quân sự mở rộng được triệu tập tại căn cứ Bàu Sao (Trảng Bom), với sự tham dự của Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5 miền, Tỉnh ủy, Tỉnh đội U1, các Huyện ủy, Huyện đội Vĩnh Cửu, Trảng Bom để bàn bạc, thống nhất kế hoạch tiến công, phương án tác chiến, kế hoạch phối hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Đức Anh đã quán triệt ý nghĩa, mục đích của chiến dịch, đồng thời chỉ rõ các mục tiêu tiến công cụ thể ở Biên Hòa, gồm: sân bay quân sự Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, Tòa Hành chính, Ty Cảnh sát quốc gia ngụy, Chi khu Công Thanh, Chi khu Đức Tu, Chi khu Trảng Bom. Riêng ở các địa bàn xã, phường, lực lượng biệt động, du kích, tự vệ mật tiến công các đồn bót, trụ sở tề ngụy, diệt ác phá kềm, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.

Hội nghị đã bầu ra Bộ Chỉ huy mặt trận Biên Hòa lúc bấy giờ gồm các đồng chí: Trần Minh Tâm, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Miền, làm tư lệnh; đồng chí Trần Công An (Hai Cà), Tỉnh đội trưởng U1 làm Phó Tư lệnh; đồng chí Trần Văn An, Chính ủy Sư đoàn 5, làm Chính ủy; đồng chí Phan Văn Trang, Phó bí thư U1 làm Phó chính ủy. Riêng Bộ Chỉ huy tiền phương mặt trận gồm các đồng chí: Trần Minh Tâm, Trần Công An, Phan Văn Trang và Nguyễn Thanh Hồng (Tham mưu trưởng Sư đoàn 5).

Ngay sau hội nghị này, Tỉnh ủy và Tỉnh đội U1đã nhanh chóng triển khai kế hoạch tiến công đến cán bộ, bộ đội các địa phương, đơn vị trong tỉnh, động viên toàn bộ cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng bước vào chiến dịch với quyết tâm cao nhất, đảm bảo bí mật tuyệt đối, giữ kín các mục tiêu tiến công cho đến giờ hành động.

Ngày 29 và 30-1-1968 (28 và 29 Tết Mậu Thân 1968), Ban Chỉ huy chiến dịch tiến công và nổi dậy ở Biên Hòa đã kiểm tra lần cuối kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các đơn vị bên ngoài và bên trong thị xã. Bộ Chỉ huy miền đã tập trung cho mặt trận Biên Hòa 15 ngàn quân, gồm: Sư đoàn 5 miền cùng các lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng phối thuộc.

Theo đó, Sư đoàn 5 được phân công đánh vào các mục tiêu: Bộ Tư lệnh dã chiến số II Mỹ tại Long Bình, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, sân bay Biên Hòa. Tiểu đoàn 2 đặc công Biên Hòa đánh kho bom Long Bình. Lực lượng huyện Vĩnh Cửu và một Trung đội của Sư đoàn 5 đánh vào quận lỵ Công Thanh. Lực lượng huyện Trảng Bom và một bộ phận chủ lực Sư đoàn 5 đánh vào yếu khu Trảng Bom. Đội biệt động thị xã Biên Hòa đánh vào Ty Cảnh sát và Tòa Hành chánh Biên Hòa. Trung đoàn pháo tên lửa 724 DKB đặt trận địa pháo ở Hiếu Liêm (Bắc sông Đồng Nai) bắn vào sân bay Biên Hòa khi chiến dịch mở màn...

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều