Trong tiết trời se lạnh của những ngày chuyển đông, tại khu nhà “dưỡng lão” ở tổ 7, KP1, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa), các cụ bà: Dùm (71 tuổi), Chúc (83 tuổi), Cư (81 tuổi) và Hoa (60 tuổi) đang đợi quà năm mới.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày chuyển đông, tại khu nhà “dưỡng lão” ở tổ 7, KP1, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa), các cụ bà: Dùm (71 tuổi), Chúc (83 tuổi), Cư (81 tuổi) và Hoa (60 tuổi) đang đợi quà năm mới.
* Nơi nương tựa của những cảnh đời
Khi nghe tiếng xe máy dừng trước nhà, bà Hoa không cần nhìn cũng đoán ra đó là xe của cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường Bình Đa đến tặng gạo, phát tiền trợ cấp cho các cụ ở khu nhà “dưỡng lão”. “Những người cơ nhỡ như chúng tôi may mắn được địa phương giúp đỡ nơi ở, cấp gạo, tiền và còn lo thêm bữa cơm trưa nữa” - bà Hoa bày tỏ. Còn cụ Dùm thì nặng nhọc thì thào: “Cả đời tui vất vả nuôi con, nuôi thân. Đến khi con lớn vẫn không được nhờ, vẫn thân già thui thủi nơi nhà trọ. Đến khi không còn sức lao động thì được chính quyền thương tình gọi về nhà mở lo chỗ ăn, ở”. Nói xong, cụ Dùm đứng dậy cùng các bạn già ra sân nhận gạo, tiền.
Dãy nhà "dưỡng lão" tại tổ 15, KP2 của phường Bình Đa, TP.Biên Hòa. |
Do không biết chữ, các cụ bà phải điểm chỉ để chứng thực thay chữ ký. Thấy chúng tôi thắc mắc, bà Hoa đại diện trả lời, do theo cha mẹ phiêu bạt khắp nơi để mưu sinh nên các bà không được học chữ. Đến khi dạt về đất Biên Hòa làm nghề buôn gánh bán bưng, ve chai thì tuổi đã cao, lại còn mắc phải các chứng bệnh xương khớp, tim mạch. May thay, các bà được chính quyền địa phương thấu hiểu hoàn cảnh đơn chiếc nên đưa về các khu nhà mở để tiện bề chăm sóc, cưu mang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bình Đa cho biết, nơi các cụ ở trước kia là khu đất vô chủ. Năm 1995, sau khi thông báo tìm chủ vẫn không xác định được chủ đất, chính quyền địa phương đề xuất với TP.Biên Hòa được trưng dụng khu đất (diện tích 120m2) để xây nhà mở cho những người già neo đơn đang sinh sống tại các khu nhà trọ trên địa bàn phường tá túc. Sau khi được thành phố chấp thuận, được các mạnh thường quân tài trợ kinh phí, phường Bình Đa đã tiến hành xây dựng khu nhà mở và giao cho Hội Chữ thập đỏ phường quản lý. “Ngoài khu nhà ở đây, chúng tôi còn có một khu nhà mở khác tại tổ 15, KP2. Khu nhà này hiện đang có 2 người già, một người tàn tật và cặp vợ chồng trẻ nghèo Ninh - Huệ tá túc” - ông Anh cho hay.
Cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường Bình Đa đến thăm hỏi, cấp gạo, tiền cho các cụ tại khu nhà dưỡng lão trên địa bàn phường, chúng tôi càng quý trọng hơn tấm chân tình của các cán bộ phường, Hội Chữ thập đỏ khi họ luôn thể hiện nụ cười trước những lời nói lẩm cẩm của các cụ già, khi họ đòi bán nhà, hoặc phàn nàn chuyện vệ sinh chung không ai lo. “Chúng tôi duy trì được hoạt động tại các nhà dưỡng lão này hơn chục năm qua là cả một sự nỗ lực, cố gắng của mọi người” - ông Nguyễn Hồng Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bình Đa chia sẻ. |
Bà Lương Thị Lan, Trưởng ban Bảo trợ nhân đạo phường Bình Đa (nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND phường Bình Đa, hiện đã nghỉ hưu) cho biết, nhu cầu về nhà ở của các đối tượng người già neo đơn trên địa bàn phường nhiều hơn số phòng mà địa phương xây dựng. Chính vì vậy, địa phương ưu tiên những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào ở trước. Khi những người này qua đời, hoặc được chuyển về trung tâm dưỡng lão, thì địa phương giải quyết cho người mới vào ở. “Những người ở trong khu nhà mở sẽ được chúng tôi bao cấp về điện, nước sinh hoạt. Ngoài ra, họ còn được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội theo quy định của Nhà nước, được địa phương cấp thêm gạo ăn hàng tháng. Tiệm cơm nhân đạo Thiện An cũng cấp 2 buổi ăn sáng và trưa cho các cụ” - bà Lan nói.
* Ấm áp những cảnh đời
Sau khi trao gạo, cấp tiền cho các cụ, ông Anh dẫn chúng tôi sang khu nhà mở, được xây dựng vào năm 2005 khá khang trang trên quỹ đất công, diện tích trên 150m2 của phường. Tiếp chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Ninh - chị Huệ tâm sự, nếu không được địa phương giúp đỡ nơi ở, công việc chạy xe ôm với thu nhập khoảng 100 ngàn đồng/ngày của anh Ninh không thể chu toàn được các chi phí, như: tiền nhà, điện nước khi thuê nhà trọ; tiền chạy thận 300 ngàn đồng/15 ngày cho chị Huệ; chi phí ăn, học tập cho các con và gia đình.
Trao gạo, tiền cho các đối tượng tại nhà mở |
Còn bà Vũ Thị Huyền (50 tuổi, bị liệt 2 chân, ở phòng lân cận với phòng vợ chồng anh Ninh) chia sẻ, bà cùng cha mẹ vào Nam mưu sinh từ mấy chục năm trước. Năm bà 20 tuổi, cha mẹ qua đời. Từ đó, hàng ngày bà ngồi xe lăn bán vé số mưu sinh. Trước hoàn cảnh khó khăn của bà, năm 2005, khi khu nhà mở (gồm 4 phòng, mỗi phòng rộng 20m2) tại tổ 15, KP2 được xây dựng, bà được địa phương cấp một phòng cùng với gia đình anh Ninh, cụ Nga, cụ Mạnh (đã mất) làm nơi ở. Bà Huyền xúc động bộc bạch, từ ngày được cấp nhà, bà không còn lo sợ túng thiếu, mà còn dư giả tiền để phòng khi ốm đau, mua sắm ti-vi xem, mua nồi cơm điện xài. “Ở đây chẳng khác gì nhà riêng của mình. Thỉnh thoảng lại được nhận quà, cán bộ Hội cũng thường xuyên đến thăm hỏi sức khỏe và động viên chúng tôi” - bà Huyền thổ lộ.
Tiếp chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Hồng Anh cho biết thêm, ông Nguyễn Thanh Lịch (65 tuổi) vừa được chuyển đến ở sau khi cụ Mạnh qua đời. Cách làm này sẽ giúp nhiều người được hưởng chế độ về nhà ở hơn là xây nhà tình thương và cấp vĩnh viễn cho một ai đó. Còn bà Lương Thị Lan bày tỏ: "Chúng tôi chỉ có điều kiện chăm sóc các cụ khi họ còn sức khỏe, bản thân tự chăm sóc được. Khi các cụ già yếu, bệnh tật thì phải chuyển về nhà dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Đó cũng là quan điểm của địa phương khi xây dụng các khu nhà mở này".
Phụ trách công tác thương binh - xã hội phường Bình Đa, chị Nguyễn Thị Hương Giang cho hay, 8 cụ già neo đơn và gia đình anh Ninh đều được phường đưa vào diện được hưởng chính sách trợ cấp xã hội, hoặc diện hộ nghèo để có kế hoạch hỗ trợ. “Cán bộ lãnh đạo phường, khu phố thông qua Hội Chữ thập đỏ phường nhận cấp gạo cho họ hàng tháng. Chính vì vậy, dù không còn khả năng lao động, các cụ già neo đơn ở khu nhà dưỡng lão vẫn đảm bảo mức sống tối thiểu, được hưởng các chính sách chăm sóc về y tế, do y tế phường phụ trách. Ngoài chính sách của địa phương và tổ chức Hội, các cụ còn được cộng đồng tại nơi ở bao bọc, sẻ chia miếng ăn ngon, chăm sóc khi ốm đau” - chị Giang nói.
Đoàn Phú