Báo Đồng Nai điện tử
En

Về vùng Bảy Núi xem… đua bò

08:11, 05/11/2012

Đã không ít lần tham quan những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo với khuôn viên chùa thật rộng ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng…, nhưng khi nghe Ban tổ chức lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng lần thứ 21 Cúp truyền hình An Giang năm 2012 cho biết, cuộc đua bò được tổ chức ở sân chùa Tà Miệt và ước thu hút trên 20 ngàn khán giả, thì chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Đã không ít lần tham quan những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo với khuôn viên chùa thật rộng ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng…, nhưng khi nghe Ban tổ chức lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng lần thứ 21 Cúp truyền hình An Giang năm 2012 cho biết, cuộc đua bò được tổ chức ở sân chùa Tà Miệt và ước thu hút trên 20 ngàn khán giả, thì chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi, sân chùa Tà Miệt rộng thế nào mà có sức chứa khủng khiếp đến như vậy?

Đi cùng đoàn phóng viên các báo, đài của TP.Hồ Chí Minh đến xem hội đua bò, chúng tôi được lực lượng cảnh sát trật tự và cảnh sát cơ động mở đường vào trường đua. Vượt qua nhiều lớp người chen lấn đông nghịt để vào được một góc khán đài, chúng tôi choáng ngợp trước một khung cảnh náo nhiệt của trường đua. Sân chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) rộng cỡ 2 lần sân bóng đá khu liên hợp thể thao Đồng Nai đang đông kín người và đu đặc trên những hàng cây cổ thụ xung quanh sân chùa.

* Phấn khích như… đua bò vùng Bảy Núi

Trước đó, ông Đỗ Minh Trí, Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội đua bò Bảy Núi, cho biết: “Nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự được xem là trọng tâm. Trong đó, hạn chế việc leo trèo cây để xem đua bò, giữ khoảng cách an toàn với đường đua”. Đại tá Nguyễn Minh Quang, Trưởng công an huyện Tri Tôn, cũng cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch triển khai công tác bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân và du khách gần xa về xem đua bò”. Thế nhưng phải nói là việc giữ trật tự ở hội đua hết sức vất vả. Mỗi lần có đôi bò bứt phá lao về đến đích là tiếng hò hét vang lên thật cuồng nhiệt, với những âm thanh hết sức lạ tai của khán giả người Khmer, người Việt, người Hoa, người Chăm… hòa lẫn nhau và mọi người ai cũng xô đẩy nhau để nhìn cho rõ, đẩy đám phóng viên đang tác nghiệp vuột khỏi vòng tay chặn của các chiến sĩ cảnh sát cơ động, văng ra sát đường đua.

Các nài bò đưa bò ra khỏi đường đua.
Các nài bò đưa bò ra khỏi đường đua.

Mấy lần đưa máy ảnh lên nhưng không chụp được cảnh đôi bò đang lao nhanh về đích mà còn bị xô ra rất nguy hiểm, sợ nấn ná thêm khó tránh khỏi nguy cơ mất mạng trước những đôi bò đang say máu, cùng số khán giả cũng “sôi sùng sục”, chúng tôi xách máy lui ra phía sau, đứng nhìn mấy anh cảnh sát bảo vệ ướt đẫm mồ hôi và bê bết đất bùn vẫn đang cố sức ngăn chặn dòng người lấn ra sát đường đua.

Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò được tuyển chọn qua nhiều vòng loại từ cơ sở. Trong đó, huyện Tịnh Biên có 26 đôi bò chiến, huyện Tri Tôn 24 đôi, còn lại là của các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và hai huyện Hòn Đất, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang). Đặc biệt, tham dự hội đua bò năm nay còn có 2 đôi bò đến từ Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia).

Cuộc đua được tiến hành bằng cách bốc thăm chia cặp đấu loại trực tiếp theo thể thức 1 vòng hô và 1 vòng thả. Qua đó, đội thắng được đi tiếp vào vòng trong. Đôi bò vô địch là đôi bò chiến thắng qua rất nhiều vòng, loại bỏ từng đối thủ trên đường đua…, nên bò đua chẳng những khỏe, nhanh và bền, mà còn phải được nài bò có kinh nghiệm điều khiển để bảo đảm không bị phạm quy theo điều lệ giải.

Ông Chau Sani, một nài bò kỳ cựu nhất ở vùng Bảy Núi, cho biết: “Các đôi bò tham gia cuộc đua phải kéo theo một giàn bừa với răng bừa bằng gỗ cưa ngắn. Nài phải đứng thật vững trên giàn bừa vung gậy điều khiển bò như đang cày bừa trên ruộng. Nếu đôi bò bị loại có nghĩa nài bị loại, không được quyền điều khiển các đôi bò khác để dự đua nữa!”. Ông Chau Sani còn cho biết: “Hấp dẫn nhất của cuộc đua bò chính là ở vòng hô. Tuy các đôi bò chạy chậm, nhưng đó là lúc thể hiện tài năng của người điều khiển đôi bò. Nài cứng tay có bí quyết khiến cho đôi bò của mình làm cho bò đối thủ hoảng loạn chạy tạt ra ngoài vòng đua để đoạt vé vào vòng trong. Cứ vậy mà loại dần đối thủ… Trong quá trình huấn luyện, nài bò giỏi còn phải biết cách làm cho bò hiểu ý, lúc nào chạy nhanh, lúc nào chạy chậm. Đặc biệt là dạy bò biết đua nước rút, biết đạp bừa của đối thủ, biết “chặt cua” khi chạy tốc độ cao mà vẫn bám chặt đường đua, không để cho đối thủ hất làm lọt ra ngoài vòng đua...”.

* Môn thể thao độc đáo

Nói về nguồn gốc của tục đua bò Bảy Núi, hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn, cho rằng: “Hầu hết đồng bào Khmer Nam bộ sinh sống ở vùng Thất Sơn đều làm ruộng và theo đạo Phật. Do đó, từ bao đời đã hình thành tập tục đến mùa cấy, nhà nào cũng đưa bò tập trung lên cày bừa đất cho chùa để sư sãi cấy. Nhà chùa ngoài việc đãi cơm, xôi, rượu cho các chủ bò, sau khi cày đất xong còn tổ chức liên hoan vui vẻ. Để thêm phần hưng phấn, họ còn chọn các đôi bò khỏe mạnh, dai sức của từng phum, sóc cho đua tài với nhau và mời sư cả đứng ra làm trọng tài, khen thưởng. Hình thức động viên này đã kích thích cho việc chăm sóc bò tốt hơn và việc đưa bò đến chùa làm công quả đông hơn. Dần dần, tục đua bò hình thành và trở thành môn thể thao truyền thống rất được ưa chuộng của đồng bào Khmer Nam bộ sống trong vùng Thất Sơn”.

Đông đảo người dân đến xem lễ hội đua bò.
Đông đảo người dân đến xem lễ hội đua bò.

Từ năm 2009, tỉnh An Giang đã nâng tục đua bò thành ngày hội đua bò, tổ chức ngay trong ngày đầu của lễ hội Sene Dolta và giao cho 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn luân phiên tổ chức. Tỉnh An Giang cũng đang từng bước nâng tầm để đưa hội đua bò Bảy Núi trở thành lễ hội quốc gia.

Thực ra, ngày hội đua bò Bảy Núi chỉ là một hoạt động trong số khá nhiều hoạt động khác, như: cầu siêu, cầu phước, trình diễn nghệ thuật truyền thống Dù Kê, múa rom vông, rô băm… trong lễ hội Sene Dolta (thường được gọi là Tết Dolta, diễn ra hàng năm trong 3 ngày, từ ngày 29-8 đến 1-9 âm lịch) của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ (năm nay nhằm vào các ngày 13, 14 và 15-10). Theo ông Chau Kim Sêng, Phó ban Dân tộc tỉnh An Giang, ngày nay lễ Dolta không đơn thuần là một hình thức tín ngưỡng, mà thực sự đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ...

Bùi Thuận

 

 

Tin xem nhiều