Ngọn cao nhất của núi Chứa Chan cao 837m, rộng khoảng 583 hécta (phần thuộc ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), có 4 con suối quanh năm trào dâng một nguồn nước trong mát. Nhờ vậy, các vị sư tu hành trên núi cao cũng như người dân sinh sống dọc đường lên núi không chỉ có nguồn nước sạch sinh hoạt dư dả, mà còn dùng nó tạo ra nguồn điện thắp sáng.
Ngọn cao nhất của núi Chứa Chan cao 837m, rộng khoảng 583 hécta (phần thuộc ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), có 4 con suối quanh năm trào dâng một nguồn nước trong mát. Nhờ vậy, các vị sư tu hành trên núi cao cũng như người dân sinh sống dọc đường lên núi không chỉ có nguồn nước sạch sinh hoạt dư dả, mà còn dùng nó tạo ra nguồn điện thắp sáng.
* Vào hang tìm mạch nước
Sư cô Diệu Thiện, trụ trì Tịnh thất Bửu Pháp, cho hay: “Năm 2002, trong quá trình tu luyện cách tịnh thất 1km, sư Đạt (đệ tử của sư cô) đã vào hang tìm ra nguồn nước sạch và dẫn nước từ hang về tịnh thất sinh hoạt, tưới tiêu và phục vụ cho trên 20 hộ dân lân cận. Nước được sư Đạt dẫn từ hang ra rất trong, mát và sạch hơn nước do người dân lấy từ các dòng chảy tự nhiên khác. Để kéo được nước về, sư Đạt đã đặt trọn một cuộn dây phi 40, dài 50m trong hang núi. Sau đó, nối thêm 19 cuộn như vậy để tải nước về bể chứa của tịnh thất. Từ bể chứa này, các hộ dân gom tiền lại mua ống tải nước về nhà dùng”.
Thủy điện mi ni của anh Hai Sinh. |
Để vào hang tìm được mạch nước trong mát, sư Đạt đã cùng với vài phật tử khác lần dò từng bước chân, lách mình qua những ngách hang chật hẹp soi đèn pin tìm mạch. Khi đã tìm được mạch nước ưng ý, sư Đạt đã dùng đá, xi măng quây thành một hố chứa và cố định vị trí ống dẫn để tải nước về. Anh Hai Tân, người được sư Đạt rủ đi đặt ống hôm ấy, cho biết: “Do hang nhỏ, chật hẹp, tối và ẩm thấp nên sư Đạt cầm đầu ống đi trước, những người phía sau cứ vậy bám theo đường ống lách người theo. Người đi sau cách người đi trước 7-8m để hỗ trợ nhau và tránh lạc lối khi ra. Sau 3 giờ hì hục trong hang núi, tụi tui và sư Đạt mới tạo được đường ống dẫn nước từ trong hang núi ra ngoài”.
Khi dòng nước trong mát từ đường ống chảy ra xối xả, mọi người lại hì hục đấu nối ống dẫn nước về sinh hoạt. Anh Nguyễn Lê cho hay, sau sự kiện sư Đạt vào hang tìm nguồn nước sạch nhất, các hộ khác cũng bắt chước vào hang tìm mạch dẫn nước về bán cho dân với giá 50 ngàn đồng/hộ/tháng. “Tuy vậy, nước của họ bán vẫn không ngon bằng nước do sư Đạt kéo từ mạch chính. Mưa xuống là nước có màu đục, vài ngày sau mới trong trở lại” - anh Nguyễn Lê cho biết.
Từ bể chứa của Tịnh thất Bửu Pháp, dòng nước tiếp tục được chuyển theo 3 đường ống lớn khác dẫn xuống các hộ dân. Từ đây, nước đổ về một chiếc thùng và mọi người chung tiền mua ống nhựa nhỏ tải về nhà sinh hoạt. Sư Diệu Thiện bày tỏ, tổng chi phí làm đường ống lúc đó trên 1 cây vàng. “Theo những người địa phương, xung quanh núi có tới 4 mạch nước phun trào tạo thành các con suối với tên gọi: Gia Ui, Gia Miên, Gia Liêu và Gia Lào. Những con suối này nước chảy quanh năm. Nhờ vậy mà người dân trong vùng không cần đào giếng vẫn có nước sạch để sinh hoạt, phục vụ du khách” - sư Diệu Thiện cho biết thêm.
* Thủy điện mini trên núi
Tháng 11, trời đã dứt mưa và chuyển sang nắng nóng, chúng tôi cùng với Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Thành Ẩn leo núi ngắm cảnh.
Thật lạ, giữa cái nắng chói chang ấy, hàng quán nào cũng sáng điện, quạt máy mở sẵn phục vụ miễn phí cho du khách. Chúng tôi và Trưởng ấp Ẩn tạm dừng chân nơi các phiến đá hóng mát, rửa mặt bên những đường ống dẫn nước mát lạnh liên tục chảy. Anh Bảy Phong (một người dân) cho biết, nguồn điện ở đây do họ tự sản xuất, máy phát điện chạy thì bắt buộc phải sử dụng thiết bị điện để cho nó tiêu hao. Trong nhà anh Bảy Phong, hàng loạt bóng đèn sáng choang giữa ban ngày, quạt máy luôn quay tròn, tivi và đầu máy thì mở phim phục vụ du khách lên núi.
Sư Diệu Thiện bên bể nước chuyển từ núi về và từ đây nước được dẫn về các hộ dân sinh hoạt. |
Không chỉ gia đình anh Bảy Phong, dọc hai bên đường lên - xuống núi, nhà nào cũng vậy, ban ngày luôn luôn sáng đèn, mở máy hát. Ông Ẩn cho hay, ở đâu cúp điện, cúp nước, chứ ở đây không bao giờ thiếu những thứ đó. Từ nguồn nước trời ban, người dân đã làm ra điện. Trên núi có khoảng 30 “máy” thủy điện như vậy. Các “máy” thủy điện được thiết kế bằng một ống dẫn nước từ trên cao đổ xuống với áp lực mạnh làm quay mô-tơ phát điện. Công suất của máy phát điện mạnh hay yếu tùy thuộc vào nguồn nước và khả năng chế tạo của người dân. Nơi đỉnh núi cao, người dân làm thủy điện sử dụng và bán điện cho các hộ ở dưới chân núi. “Hơn 11 năm trước, khi vùng nông thôn của huyện Xuân Lộc còn chưa có lưới điện thì người dân trên núi đã có điện sinh hoạt nhờ mô hình thủy điện mini. Người đầu tiên ở đây làm mô hình thủy điện là ông Chín Tâm” - ông Ẩn nói.
Ông Phạm Nghĩa (một người dân) cho biết, người dân sinh sống ở khu vực núi Chứa Chan không bao giờ thiếu nước sạch để sinh hoạt. Với nguồn nước ngầm trên núi, người dân đã tận dụng lực nước chảy và độ dốc của núi để sản xuất ra điện năng. Riêng các hộ dân ở dưới chân núi thì tận dụng nguồn nước này trồng lúa, trồng hoa tết, nuôi thả cá. |
Cũng theo ông Ẩn, hơn 11 năm về trước, trong điều kiện khó khăn về nguồn nước và điện, ông Chín Tâm đã len lỏi vào các hang đá tìm nguồn nước ngầm. Tìm được nguồn nước ngầm, ông Tâm sắm hàng trăm mét đường ống nhựa dẫn nước về nhà mình. Lúc bấy giờ, ông được một du khách phương xa ghé thăm và gợi ý cách làm thủy điện mini. Ngẫm nghĩ có lý, ông Chín Tâm liền đón xe đò về TP.Hồ Chí Minh mua máy và tự thiết kế tạo được nguồn điện sinh hoạt. Cư dân trên núi thấy tiện ích nên đã tìm đến ông nhờ bày cách làm thủy điện từ mạch nước ngầm trên núi.
Thấy chúng tôi tò mò về những “máy” thủy điện mini, ông Ẩn gọi anh Hai Sinh (một người dân ở đây) ra tiếp chuyện. Chúng tôi được anh Hai Sinh cho biết thêm, mỗi chiếc máy tạo ra điện có giá từ 10-15 triệu đồng. Khi chưa có điện lưới kéo từ xã ngược lên núi, người làm ra điện bán cho dân với giá chỉ 1 ngàn đồng/kWh. Đến khi ai cũng sản xuất được điện thì họ thắp sáng suốt ngày đêm để cho tiêu hao điện. “Nếu tải xuống núi bán thì chúng tôi cũng không phung phí làm gì. Máy ngưng chạy thì chóng hư, còn chạy suốt cũng hao mòn, hỏng hóc mà” - anh Hai Sinh giải thích vì sao ban ngày vẫn thắp điện.
Đoàn Phú