Cuối con đường dẫn vào Hợp tác xã thương mại dịch vụ Long Biên (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), có nhiều căn nhà mái lá lụp xụp, diện tích mỗi căn không hơn 10m2, nằm lộn xộn, không thành hàng lối. Đó là “xóm ngụ cư” của nhiều lao động tự do đến từ các tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Long An…
Cuối con đường dẫn vào Hợp tác xã thương mại dịch vụ Long Biên (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), có nhiều căn nhà mái lá lụp xụp, diện tích mỗi căn không hơn 10m2, nằm lộn xộn, không thành hàng lối. Đó là “xóm ngụ cư” của nhiều lao động tự do đến từ các tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Long An…
Khi con nước ròng, không chỉ người lớn, nhiều trẻ em cũng tham gia bắt hến, ốc… mưu sinh. Có những em chỉ mới học lớp 5-6, nhưng bơi lặn rất giỏi.
* Người đông, của hiếm
Khi tìm đến vùng đất này, hầu như người nào trong “xóm ngụ cư” cũng có ước nguyện duy nhất là lập nghiệp và cố gắng bám trụ lại thành phố. Gọi là xóm, nhưng nó luôn gợi cho người khác một cảm giác buồn, trống trải. Phần lớn người dân trong xóm đều tìm việc trong các khu công nghiệp, số còn lại chọn cho mình cuộc sống thong dong, vạ vật ở các mé sông, bãi cạn để kiếm cơm nuôi sống gia đình. Mỗi ngày 2 buổi, khi con nước ròng, họ sẽ bắt đầu công việc lặn mò với những con hến, ốc, cá hoặc bất cứ vật gì lẫn tạp trong bùn cát, sau đó phân loại và đem bán. Chứng kiến công việc ấy, chúng tôi thấy họ thật vất vả khi phải lội nước nhiều tiếng đồng hồ.
Khi nước ròng, nơi cầu tàu được nhiều người tìm đến bắt ốc, hến. |
Ở bến tàu Long Biên, nhiều người quá quen với hình ảnh ông già mang đôi dép đã mòn, hai ống quần buộc chặt, tay mang một cái xô và rổ, rá lọ mọ bắt hến. Ông tên Nguyễn Văn Ba (56 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau), một cư dân có mặt ở “xóm ngụ cư” này khá lâu. Trong cái nắng lên quá đầu người, ông vẫn nhẫn nại tát nước vào bờ đất rồi cúi xuống nhặt nhạnh từng con hến một. Thường, mỗi khi sáng trời (không trăng) ông ở nhà nghỉ vài hôm, vì sợ hến “quen mùi” trốn biệt, phần vì thân già không thể quần quật mãi với con nước. “Bắt hến ở đây không giống như những nơi khác. Nó nằm sâu trong đất, dùng nước vẩy mạnh nó sẽ bung ra ngay à. Mỗi ngày chịu khó, tôi kiếm được gần chục ký” - ông Ba tâm sự.
Dọc bờ sông, mỗi khi nước rút lộ ra một số vũng nước sâu, nhiều người sắm vó, vợt lưới để đi xục vớt cá, tôm… Túc trực ở đây suốt buổi sáng, lớp áo quần trên người đã ráo hết nước nhưng trên người anh Pha (36 tuổi) vẫn xồng xộc mùi tanh nguyên của bùn và nước bẩn. Phần da thịt anh vừa nhăn nheo vì dầm nước quá lâu, vừa bầm thẫm vì nắng cháy. Mỗi ngày, anh bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng. Đến trưa đứng bóng thì anh đem mớ tôm cá lớn bán cho bạn hàng. Những con nhỏ lọt sàng, anh bán cho người dân làm phóng sinh.
Tận dụng những vũng nước cuối cùng còn sót lại trước khi nước triều lên, anh Pha cúi thấp người rồi vợt cá thật nhanh. Ngày hôm nay, có vẻ kiếm không nhiều tôm cá, nên thỉnh thoảng anh thở vắn dài. Hất hàm hướng về phía chúng tôi, anh Pha chỉ cách làm sao để vợt được nhiều cá ngon: “Cá bống sông lên theo con nước. Mùa này, chúng tìm nơi nước yên để đẻ trứng ở các hang hốc, rễ cây. Lấy tay mò rồi dùng vợt đón ở ngoài xục nhanh là được. Bây giờ, nguồn nước bẩn nên làm ăn khó lắm. Cả ngày kiếm được một ký rưỡi là may, thời buổi người đông, của hiếm, “gạo châu củi quế" mà.
Gần cầu tàu, có nhiều người cặm cụi mò mẫm, lặn hụp với từng con ốc, hến. Họ gọi nhau í ới rồi cùng chọn bãi, người khỏe thì chọn bãi có các vũng nước sâu, người yếu thì chọn bãi cạn. Nếu chọn bãi sâu, người ta phải vất vả cào, nhưng thu hoạch cũng nhiều hơn. Nhưng dù khỏe và ngâm nước lâu như anh Huỳnh Văn Chín (38 tuổi, quê ở tỉnh Trà Vinh), sau 3 giờ đồng hồ, cũng chỉ bắt được khoảng gần 5kg. Với thu nhập này, so với công sức bỏ ra chẳng thấm vào đâu.
* Những đứa trẻ xóm “ngụ cư”
“Bám” ở các mé sông, cầu tàu mưu sinh còn có rất nhiều trẻ em. Dù được đến trường đều đặn mỗi ngày, nhưng sau buổi học, chúng lại rủ nhau ra các bến đò mò hến, bắt ốc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chân trần lấm lem đất cát và người ướt sũng, cậu bé Phan Văn Cao (12 tuổi) vẫn cần mẫn lặn mò những con hến nằm sâu dưới nước. Đang làm công việc mà lẽ ra chỉ những người khỏe mạnh mới làm, nhưng với em đây là cơ hội kiếm tiền, phụ giúp gia đình để theo đuổi ước mơ con chữ. Biết lặn từ năm 8 tuổi, thành thạo, nhuần nhuyễn trong từng động tác, 3 năm theo gia đình lên đây, những bãi cạn, mép nước là nơi kiếm cơm của Cao.
“Hến đang vào mùa, con nào con nấy mập và chắc lắm. Ăn cơm xong, đầu buổi chiều tụi em phải tranh thủ bắt kẻo nước lên. Nhóm của em có 3 đứa, đều bằng tuổi nhau cả. Tuy phải vất vả vào đời sớm hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng em vẫn không thấy buồn, mà còn có phần vui hơn khi kiếm được tiền giúp mẹ. Hai mẹ con em thuê nhà trọ cùng với nhiều người vừa từ quê lên. Ban ngày, mẹ làm công nhân may cho một nhà máy gần đó đến tối mịt mới về. Mọi sinh hoạt, học hành, em đều phải tự lo” - Cao cho biết.
Em Phan Văn Cao đang cố gắng mò những con hến nằm sâu dưới bùn, cát. |
Trời đã ngả về chiều, Cao cùng với anh em Hùng, Quân quần thảo suốt buổi mà chỉ kiếm được mỗi người vài ký ốc. Em Nguyễn Văn Hùng (13 tuổi, học sinh lớp 7 Trường tiểu học Long Bình Tân) và gia đình từ tỉnh Cà Mau lên đây đã gần 10 năm. Gia đình Hùng lâm vào cuộc sống khốn đốn từ sau cơn bão lịch sử Linda (năm 1997), toàn bộ tài sản và cả căn nhà phút chốc cuốn trôi ra biển. Trải qua bao gian khó, những ngày bươn chải hết TP.Hồ Chí Minh đến Bình Dương, cuối cùng cha mẹ em cũng “bám trụ” được ở đây. Rồi những đứa con ra đời, may mắn khi các em còn cơ hội cắp sách đến trường.
Mặt trời bắt đầu lặn, theo chân bọn trẻ về “xóm ngụ cư”, chúng tôi gặp chị Trần Thị Nga (34 tuổi) vừa tan ca về. Thấy mẹ, thằng Quân (8 tuổi) nhanh nhảu khoe chiến lợi phẩm. Nghiêng cái thùng nhựa rồi lắc đều, chị Nga cho biết: “Tranh thủ ngày cuối tuần hay những buổi chiều không đến trường, hai anh em nó cùng bạn bè trong xóm rủ nhau ra đây vừa chơi, vừa mò ốc, hến. Thấy vậy chứ hai đứa giỏi lắm, mỗi ngày kiếm được 2 - 3kg. Có khi may mắn, chúng mò được gần 5kg, bán được 40 ngàn đồng”. “Không ai trông nom, để chúng ở nhà với nhau, anh chị không sợ xảy ra chuyện gì à?” - chúng tôi hỏi. Đáp lại, chị Nga buông một tiếng thở dài: “Lo lắm, nhưng vợ chồng đều đi làm ca, không chịu khó làm lụng thì sao có thể bám trụ ở thành phố này”.
Ở “xóm ngụ cư” với gần 30 gia đình này, ngoài Cao và anh em Hùng, Quân,… còn rất nhiều trẻ em thất học theo cha mẹ bám trụ ở thành phố. Nhiều em phải lam lũ từ rất sớm, phải lao động quá sức, bị chôn vùi những năm tháng tuổi thơ trong sự nhọc nhằn, thiếu giáo dục. Người lớn dù hiểu chuyện nhưng cũng không biết làm gì hơn, vì họ còn mãi theo cuộc mưu sinh hàng ngày.
Thanh Hải