Báo Đồng Nai điện tử
En

Xa rừng, hướng tới tương lai

09:10, 22/10/2012

Những năm tháng xa làng đi học nội trú, K’Ron (lớp 11A2 Trường dân tộc nội trú tỉnh, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) nhớ rừng da diết. K’Ron tâm sự, tại khu định canh - định cư ấp 4 (xã Tài Lài, huyện Tân Phú), người mẹ già mù lòa của K’Ron và núi rừng Cát Tiên đang rất cần những người con như K’Ron thành tài. Chính vì vậy, K’Ron phải cố gắng học.

Những năm tháng xa làng đi học nội trú, K’Ron (lớp 11A2 Trường dân tộc nội trú tỉnh, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) nhớ rừng da diết. K’Ron tâm sự, tại khu định canh - định cư ấp 4 (xã Tài Lài, huyện Tân Phú), người mẹ già mù lòa của K’Ron và núi rừng Cát Tiên đang rất cần những người con như K’Ron thành tài. Chính vì vậy, K’Ron phải cố gắng học.

* Nghị lực vượt khó

K’Ron không biết cha là ai, vì điều đó đã được chị K’Sia (mẹ K’Ron) nén chặt trong lòng. K’Ron cứ vậy lớn lên trong sự cưu mang của mẹ và dòng họ. 6 tuổi, K’Ron được mẹ gùi đến lớp, trưa đón về rồi ra nương tỉa hạt. Kết thúc vụ lúa năm ấy, K’Ron đã tự mình đến trường và lúc này đôi mắt của chị K’Sia đã không còn nhìn thấy đại ngàn Cát Tiên sừng sững trước mặt.

Bên thầy cô giáo của mình.                                                                               Ảnh: Đ. Phú
Bên thầy cô giáo của mình. Ảnh: Đ. Phú

Vài mùa rẫy kế tiếp, K’Ron không còn là đứa trẻ chỉ quen quấn chân mẹ, mà gật đầu với già làng, cán bộ xã để cùng chúng bạn đi học nội trú. Sau 7 năm sống trong môi trường tập thể, K’Ron có thêm nhiều bạn mới, được các thầy cô trong trường yêu thương không kém mẹ K’Sia. “K’Ron là học sinh giỏi của lớp 11A2. Không chỉ học giỏi, ngoan, K’Ron còn có nghị lực vượt khó đáng khen ngợi”- thầy Trần Quang Đạo, quản sinh Trường dân tộc nội trú tỉnh tâm sự.

Được sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà xiêu vẹo bên bìa rừng ở ấp 2, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú), 15 tuổi, Ban Long Phu (nay là sinh viên đại học ngân hàng) đã biết dìu Ban Long Phú (lớp 11A1, em trai Phu) lên Trường dân tộc nội trú tỉnh trọ học. Vượt qua những thua thiệt về vật chất và số phận (cha bệnh nằm liệt giường, mẹ làm thuê mướn), anh em Phu đã mạnh mẽ như bụi tre gai chẳng ngại mưa bão trước nhà. Phu bày tỏ, chỉ có con đường học tập thì anh em Phu mới có cơ hội báo hiếu cha mẹ và tự hào trước dân làng về tinh thần vượt khó của bản thân.

Trong khi đó, tại làng định canh - định cư của đồng bào Chơro (ấp 94, xã Túc Trưng, huyện Định Quán), dù không còn cha mẹ, Điểu Thị Thảo Nguyên (học sinh lớp 11A1) vẫn vững tin bước vào trường nội trú học. Bao năm trọ học, Thảo Nguyên luôn biết chắt chiu từng đồng tiền trợ cấp của Nhà nước để tự lo cho bản thân. Thảo Nguyên chững chạc bày tỏ, tuy không còn cha mẹ để về thăm trong những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng Thảo Nguyên vẫn nhớ làng, nhớ những người thân dưỡng dục khi cha mẹ qua đời. Chính vì vậy, mỗi khi hè về, Thảo Nguyên cũng khăn gói rời trường, về làng thăm người thân và tìm việc làm thêm chuẩn bị cho năm học mới. “Nếu không được đến trường, em cũng không biết mình sẽ sống ra sao. Xa làng, được trú thân nơi ngôi trường ấm áp này, em cảm thấy cha mẹ nơi chín suối vẫn yên lòng nên em quyết tâm học tập” - Thảo Nguyên tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Phi Phúc, Hiệu trưởng Trường dân tộc nội trú tỉnh, cho hay: “Trên 60% học sinh trong trường đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, có hoàn khó khăn. Tuy chính sách của Nhà nước và địa phương chưa thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống cá nhân cho từng hoàn cảnh, nhưng vẫn đủ để các em hun đúc ý chí vươn lên, vươn xa khi rời mái trường này, để trở thành những người con ngoan của gia đình, niềm tự hào của buôn làng khi các em thành đạt quay về”.

* Hướng tới tương lai

Cô giáo Bùi Thị Vi Vân, giáo viên Toán, Bí thư Đoàn trường dân tộc nội trú tỉnh tâm sự: “Mình xem các em như những người em, người con của buôn làng mình. Chính vì vậy, các em luôn tâm sự những vui buồn, khó khăn nơi quê nhà để mình biết và tìm hướng giúp đỡ, động viên”.

Đó là những cảm xúc nhớ nhà, nhớ cảnh làng, những suy tư trong học tập, sinh hoạt, kinh tế gia đình gặp khó khăn của các trò gửi cho cô Vân. Cô giáo Vân xúc động nói: “Các em như những búp măng của rừng, rất cần sự đùm bọc của thầy cô giáo khi học nội trú tại trường. Có những em, ngày nghỉ cuối tuần rất muốn về thăm nhà, nhưng không có tiền đi xe nên lóng ngóng nhìn bạn ra về. Mình bắt gặp tình cảnh đó mà lòng xốn xang. Nhưng khi gợi ý giúp đỡ thì các em ngại ngần từ chối, vì không muốn làm phiền cô giáo”.

Học sinh dân tộc thiểu số trong khu nội trú của trường.
Học sinh dân tộc thiểu số trong khu nội trú của trường.

Còn thầy Trần Quang Đạo thì cho hay, cái nghèo mà các em mang đến trường, biểu hiện trong hồ sơ, giấy tờ… khác xa với cái nghèo khó khi thầy cô về buôn làng thăm hỏi, động viên các em quay trở lại lớp. “Có những em sống trong những ngôi nhà tranh lụp xụp nơi bìa rừng, trong nhà không có một tài sản giá trị, nhà đông anh em, cha mẹ bệnh tật, không có đất sản xuất và đất ở…, nhìn mà rơi nước mắt. Chính vì vậy, mọi trường hợp bỏ học, học lực yếu kém của học sinh đều được thầy cô giáo về tận làng tìm hiểu, tìm hướng giúp đỡ. Có những em suốt những năm nội trú tại trường không được gia đình hỗ trợ thêm vẫn biết cách tiết kiệm số tiền phụ cấp sinh hoạt Nhà nước cấp để có tiền về thăm nhà” - thầy Đạo bộc bạch.

Năm học 2012-2013, Trường dân tộc nội trú tỉnh có 368 học sinh thuộc 17 dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo học. Năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh của trường đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%; trên 60% học sinh tốt nghiệp thi đậu cao đẳng, đại học...”.

Theo cô Sầm Thị Lê Thanh, Hiệu phó Trường dân tộc nội trú tỉnh, mỗi học sinh nội trú được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng 1 tháng lương cơ bản (1.050.000 đồng). Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ thêm các chế độ khác từ tỉnh, huyện, xã hội qua chương trình học bổng, mồ côi, gia đình neo đơn… “Trên 60% học sinh trong trường thuộc diện nghèo, khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ. Tuy vậy, đa phần các em đều chăm ngoan và có nghị lực vượt khó. Chúng tôi xem các em như những đứa con của mình. Tình thương, trách nhiệm của từng giáo viên, cán bộ, nhân viên trong trường gửi đến các em sẽ là ngọn lửa ấm, phương thuốc hiệu nghiệm nhất nhằm ngăn dòng bỏ học, nạn bạo lực học đường và tệ nạn xã hội” - cô Thanh thổ lộ.

Nhẩn nha cùng thầy quản sinh Trần Quang Đạo dạo quan cảnh trường, thăm nơi ăn chốn ở của các học sinh trong trường, nơi nương tựa của bao con em dân tộc thiếu số vùng quê nghèo về trọ học, chúng tôi bất chợt nghĩ đến ánh mắt đầy nghị lực của Thảo Nguyên, K’Ron đang nhìn về hướng đại ngàn Cát Tiên với mơ ước được như cô Vân, thầy Thổ Sô…, ước mơ được học đại học để về xây dựng buôn làng Chơro, Châu Mạ của mình thêm giàu đẹp, văn minh.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều