Báo Đồng Nai điện tử
En

Trăn trở với người trồng tiêu

09:10, 15/10/2012

Năm 2012, khi cây tiêu trong vườn vừa mới ra hoa, giá hạt tiêu đã lên đến 170 ngàn đồng/kg. Đến khi tiêu tạo hạt, kết sọ thì giá liên tục hạ, còn 120 ngàn đồng/kg. Cầm tờ báo trên tay, nông dân Vòng Thín Pẩu (ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) trấn an tinh thần vợ con rằng, ông quyết định vẫn tiếp tục trữ 2 tấn tiêu vụ mùa năm trước và 4 ngàn nọc tiêu ngoài vườn chờ giá lên.

Năm 2012, khi cây tiêu trong vườn vừa mới ra hoa, giá hạt tiêu đã lên đến 170 ngàn đồng/kg. Đến khi tiêu tạo hạt, kết sọ thì giá liên tục hạ, còn 120 ngàn đồng/kg. Cầm tờ báo trên tay, nông dân Vòng Thín Pẩu (ấp Tân Việt, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) trấn an tinh thần vợ con rằng, ông quyết định vẫn tiếp tục trữ 2 tấn tiêu vụ mùa năm trước và 4 ngàn nọc tiêu ngoài vườn chờ giá lên.

“Phát điên” vì cây tiêu

Vụ tiêu các năm 2008 và 2009, nông dân trồng tiêu xã Bàu Hàm phải chạy đôn chạy đáo để cầu cứu các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật về địa phương tìm phương cách chữa bệnh thối rễ dẫn đến việc tiêu chết yểu hàng loạt. Trước tình trạng tiêu bị dịch bệnh, mỗi lần ra thăm vườn, ruột gan nông dân Bàu Hàm luôn quặn thắt. “Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào cây tiêu, chỉ khoảng 3-4 tháng nữa là nông dân chúng tôi bước vào thu hoạch. Vậy mà, bỗng dưng chúng rụng trái hàng loạt, dây héo quắt, hỏi sao chúng tôi không phát điên vì tiêu”- nông dân Năm Mạnh (ấp Cây Điều) nói. Còn nông dân Vàm Xá Phín (ấp Tân Việt) giãi bày tâm tư, trồng tiêu nếu tinh thần không vững dễ bị thần kinh, bởi tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, hoặc khi cây tiêu mới có hoa thì giá hạt cao ngất ngưởng, đến thu hoạch thì giá tụt lùi.

Cây tiêu là niềm vui, nhưng cũng là sự lo lắng đối với người trồng.
Cây tiêu là niềm vui, nhưng cũng là sự lo lắng đối với người trồng.

Bàu Hàm là xã thuần nông, với trên 2 ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây tiêu (500 hécta) và cà phê (gần 700 hécta) được địa phương xác định là cây trồng chủ lực. Tuy vậy, nông dân Bàu Hàm bao đời nay vẫn sản xuất theo cơ cấu truyền thống: đa cây trên cùng một diện tích đất sản xuất. “Khi cây tiêu bị dịch bệnh, mất mùa, rớt giá…, nhà nông chỉ khốn đốn tại một thời điểm nhất định, không tác động lớn đến thu nhập chung. Nhưng khi nó được mùa, được giá thì người nông dân có thể xây nhà, tậu xe xịn, tích lũy sau thu hoạch từ tiêu. Đó là lý do Bàu Hàm vẫn giữ được diện tích cây tiêu so với các nơi khác” - ông Chu Văn Cang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm bộc bạch.

Tháng 10, mưa nhiều, cây tiêu được nông dân Bàu Hàm chăm chút cẩn thận. Do cây tiêu được trồng trên nọc sống (vong, bình linh, điều…), khi được nông dân tẩy ngọn, chúng như những cọc chống ngầm chĩa lên trời khi nước rút, trông rất lạ mắt. Nông dân Vòng A Bính (ấp Tân Hoa) nói: “Những người giàu điên vì trữ tiêu, nghèo khó như tụi này thì bị phát điên vì giá tiêu, kẻ bán phân bón và vật tư nông nghiệp không chất lượng, dẫn đến việc cây tiêu èo uột…”.

Nông dân Vòng Thín Pẩu cho hay, do còn 2 tấn tiêu của vụ năm trước để lại chờ giá, cộng với 4 ngàn nọc tiêu trong vườn gần đến ngày thu hoạch mà giá hạt tiêu vẫn chưa chịu tăng, nên ông không lo sao được. “Nếu cuối vụ không thiếu nợ thì tụi tôi trữ tiêu lại để dành. Nhà có kẹt tiền thì bán vài bao để chi tiêu, số còn lại cất giữ chờ giá. Giá cao, thấp là do thị trường, nông dân tụi tôi chỉ trữ lụi, kiến thức đâu mà dự báo cho chính xác” - ông Pẩu vừa cười như mếu, vừa nói.

Chia sẻ từ chính quyền

Những năm qua, nông dân trồng tiêu xã Bàu Hàm trụ vững và vươn lên khá, giàu từ tiêu có sự góp sức rất lớn từ chính quyền xã Bàu Hàm. Ông Vũ Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Bàu Hàm khẳng định, trong định hướng phát triển nông nghiệp, địa phương vẫn kiên định hướng đi: “Tiêu và cà phê luôn là cây trồng chủ lực bên cạnh các cây trồng khác, như: điều, cây ăn trái, chuối… Đối với nông dân trồng tiêu ở đây, cái họ cần nhất là khoa học kỹ thuật và giá cả ổn định. Chính vì vậy, ngoài việc tìm nguồn vốn hỗ trợ nông dân, địa phương luôn tạo cơ hội để nông dân gắn kết với các đơn vị khuyến nông, nhà khoa học qua các lớp, chương trình tập huấn, hướng dẫn về chăm sóc tiêu” - ông Cường nói.

Còn ông Trần Văn Lý, cán bộ tôn giáo - dân tộc xã Bàu Hàm như hiểu thấu tâm tư của người trồng tiêu. Ông Lý chia sẻ, ngoài kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, người nông dân ở đây còn được cây tiêu rèn cho tính kiên nhẫn, sự chịu đựng và tập thói quen đọc báo, xem đài, đồng hành với chính quyền trong phát triển kinh tế, chăm lo giáo dục cho con em mình. “Vị cay nồng từ hạt tiêu và quyết tâm lao động đã từng bước giúp cho người nông dân Bàu Hàm quên đi men rượu mì, rượu bắp, rượu gạo. Hạt tiêu nằm trên cao luôn thách đố sự tận tụy, ý chí vượt khó của nông dân và chính điều đó càng làm cho hạt tiêu nơi đây thêm hương vị đặc trưng, khi nó bám rễ trên đá, vươn thân lên trời” - ông Lý triết lý với chúng tôi.

Giá cả thất thường, nhưng nông dân vẫn vững tin và dồn sức chăm sóc tiêu.
Giá cả thất thường, nhưng nông dân vẫn vững tin và dồn sức chăm sóc tiêu.

Đưa chúng tôi đi thăm vài vườn tiêu trong xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chu Văn Cang đã bày tỏ, người dân trồng tiêu sợ nhất là dịch bệnh, kế đó là giá cả bất lợi, sự vô lương tâm của những người cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón kém chất lượng. Ông nói: “Chăm tiêu như chăm con mọn, trồng tiêu như trồng hy vọng làm giàu. Chỉ cần một điều kiện bất lợi xảy ra, người nông dân phải xuất phát lại từ đầu trên mảnh đất của mình. Tuy vậy, cây tiêu ở Bàu Hàm vẫn là niềm tin vững chắc của nông dân và chính quyền trong định hướng phát triển nông nghiệp…”.

Tháng 10, mưa dầm, nông dân trồng tiêu ở xã Bàu Hàm không lười nhác ở yên trong những ngôi nhà kiên cố với chăn ấm, tivi và vợ con. Những ngày mưa, họ tập trung sức lực và tiền của vào việc chăm sóc tiêu (thoát nước, phun thuốc phòng bệnh, bón phân…). Ông Đặng Bá Hồng (một hộ trồng tiêu có tiếng ở ấp Cây Điều) chia sẻ, cây tiêu sợ nước như thằng nghiện ngại tắm. Chính vì vậy, dù trời mưa dầm kéo dài, vườn tiêu cũng phải thông thoáng, không được đọng nước. “Cứu được tiêu lúc này là cứu cho cả năm chăm sóc tiêu và cả sản nghiệp bỏ ra” - ông Hồng nói.

Nhìn những hạt tiêu nằm cao vút trên các ngọn cây bình linh, điều, vong… như cười ngạo nghễ, thách đố nông dân Bàu Hàm, chúng tôi cảm thấy ái ngại trước những lời than thở rất thực từ người trồng: khi tiêu được mùa thì mất giá, được giá mất mùa, hoặc cuối mùa giá cao, đến mùa thu hoạch giá thấp. Tuy vậy, những người trồng tiêu luôn tin tưởng cây tiêu sẽ không “bội bạc” họ, khi họ bám chặt với nó. Và điều đó được chứng minh khi toàn xã Bàu Hàm hiện không còn hộ nghèo, số hộ trồng tiêu khá, giàu chiếm trên 40% hộ sản xuất nông nghiệp.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều