Báo Đồng Nai điện tử
En

Phun thuốc trừ sâu thuê

11:10, 12/10/2012

Đến với nghề phun thuốc trừ sâu thuê, ai cũng ngại, lo sợ nhưng đổi lại tiền công kiếm được lúc nào cũng cao, công việc ổn định và kéo dài quanh năm. Họ vào nghề bất chấp độc hại, nhưng ít ai cẩn thận trang bị cho mình những trang phục bảo hộ lao động an toàn, lại kém hiểu biết về mức độ độc hại của các loại thuốc trừ sâu.

 

Đến với nghề phun thuốc trừ sâu thuê, ai cũng ngại, lo sợ nhưng đổi lại tiền công kiếm được lúc nào cũng cao, công việc ổn định và kéo dài quanh năm. Họ vào nghề bất chấp độc hại, nhưng ít ai cẩn thận trang bị cho mình những trang phục bảo hộ lao động an toàn, lại kém hiểu biết về mức độ độc hại của các loại thuốc trừ sâu.

Những nhà vườn trồng cà phê, chôm chôm, rau quả lớn bây giờ đã thuê người phun thuốc trừ sâu để tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại.

* Thu nhập cao….

Ngày hửng nắng, những người làm nghề phun thuốc trừ sâu lại bận rộn khi được nhiều chủ vườn thuê mướn. Gần 5 giờ sáng, anh Năm Út (37 tuổi, ngụ ở huyện Xuân Lộc) đã được chủ vườn gọi đi phun thuốc. Suốt mấy năm nay, anh Út là “mối” phun thuốc trừ sâu thuê cho hàng chục hộ dân ở ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Hễ có người quen đến gọi, anh tất tả đi ngay. Thời tiết nắng, mưa thất thường là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh có cơ hội phát triển, nên những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái sắp bước vào mùa dưỡng sức…, tất cả đều cần đến vài liều thuốc kích thích, thuốc phòng trừ bệnh. Tranh thủ ngày nắng, trời tạnh ráo, anh Út phải nhanh tay để kịp đến những nhà khác. Chỉ với đôi tay trần, anh bóc hết gói thuốc này đến gói thuốc kia rồi múc nước đổ theo liều lượng định sẵn và cầm thanh tre khuấy cho thuốc hòa tan trong bình.

Công việc phun thuốc trừ sâu phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại.
Công việc phun thuốc trừ sâu phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại.

Công việc “lạ đời” này ít người theo, vậy nên những người như anh Út không phải lo “thất nghiệp”. Xoa đôi bàn tay gân guốc sạm đen của mình vào chiếc khăn lau, anh Út buông lời: “Công cán rõ cả, cứ mỗi bình chủ trả 10 ngàn đồng, mỗi ngày mình có thể phun từ 15-20 bình. Mà phun nhiều hay ít còn tùy vào diện tích và loại cây nữa. Cà phê, vườn trái cây phải dùng máy và bồn lớn, còn rau màu, lúa thì xài bình nhỏ và mang sau lưng. Tiếp xúc với thứ hóa chất độc hại này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên tiền công bao giờ cũng cao hơn bình thường”.

Ở cánh đồng lúa xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), ai cũng biết đến Tuấn “đen” (40 tuổi), người làm nghề phun thuốc trừ sâu gần 10 năm nay. Kể cho chúng tôi nghe lý do gắn bó lâu với nghề này mà chưa có ý định từ bỏ, anh Tuấn phân trần: “Chịu khó ngửi mùi thuốc độc hại một chút thì làm độ nửa tháng sẽ có tiền triệu. Bây giờ, đi làm công nhân chưa chắc được nhiều như thế. Mọi người bây giờ cẩn thận lắm, chẳng thà họ bỏ tiền ra thuê, chứ ngại trực tiếp phun xịt thuốc trừ sâu”.

Theo chân người đàn ông này, chúng tôi biết trước đây chẳng ai coi phun thuốc trừ sâu là một nghề. Hồi trước, mỗi nhà chỉ có vài sào lúa, cuộc sống gắn chặt với đồng ruộng; không ai nhờ vả, thuê mướn mà tự mình làm để đỡ được đồng nào hay đồng đó. Nhưng từ lúc nhà máy, xí nghiệp mọc lên, họ bỏ đất, bán ruộng đi làm công nhân. Ruộng đất được một vài người giàu có thu mua lại rồi thuê người làm, từ khâu cày, bừa, gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch.

Trong phút nghỉ giải lao ngắn ngủi cùng Tuấn “đen”, anh Tăng Văn Lâm (33 tuổi, ngụ ở ấp 1, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) tâm sự: “Bây giờ, ai cũng sợ độc hại, bệnh tật nên đi thuê người phun thuốc trừ sâu. Mình không làm thì chẳng ai làm nữa. Nghề tự do nên chẳng phải lo nghĩ nhiều, mệt thì nghỉ, khỏe làm tiếp”. Dụng cụ hành nghề rất đơn giản, chỉ cần một chiếc bình phun loại 15 lít, một cái xô, ca nhựa, bộ quần áo bảo hộ, đôi ủng cao su… là người phun thuốc trừ sâu thuê có thể sử dụng quanh năm.

* Nhưng độc hại vô cùng

Khi những vườn cà phê xanh rì, trĩu hạt ở các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, TX.Long Khánh… bước vào vụ thu hoạch thì những người làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê bắt đầu tìm nơi làm mới. Thời gian này, họ tạm nghỉ để chờ cà phê thu hoạch. Nhưng dường như ai cũng sợ ngày nhàn rỗi nên ở nhà độ vài hôm họ lại tìm đến những vườn rau, trái lớn ở trong xã hỏi việc. Ai cũng biết nghề này độc hại, nhưng làm một lần được nhiều tiền, rồi làm lần hai, dần dà trở thành người phun thuốc trừ sâu thuê chuyên nghiệp lúc nào không hay.

Không trang phục bảo hộ, nhiều người phun thuốc trừ sâu thờ ơ với chính sức khỏe của mình.
Không trang phục bảo hộ, nhiều người phun thuốc trừ sâu thờ ơ với chính sức khỏe của mình.

Độc hại là thế, nhưng một khi đã đến với nghề này thì hiếm ai bỏ được, vì “tiền lương” bao giờ cũng cao, công việc ổn định. Đưa đôi bàn tay chai sần ra, anh Lê Văn Vĩnh (ngụ ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) bảo, từ ngày đi phun thuốc sâu thuê đến giờ, các ngón tay anh như cứng lại, thường xuyên bị đau nhức và khó cử động. Những ngày vác bình thuốc trừ sâu đi phun đã khiến sức khỏe của anh ngày càng suy giảm, anh thường xuyên ốm vặt, đau đầu, rồi mắc các bệnh ngoài da. “Nhà đông con, vợ đi làm công ty cả ngày nên tôi vừa tranh thủ xịt thuốc, vừa đưa đón con đi học, chẳng biết nhờ cậy vào đâu. Xã này, ngoài trồng cà phê thì rau màu cũng là cây trồng chính, nên có nhiều người thuê phun thuốc trừ sâu lắm” - anh Vinh tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thỉnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Đa số các thuốc diệt cỏ (thuốc trừ sâu) đều rất độc hại. Nếu tiếp xúc lâu dài với thuốc diệt cỏ có thể dẫn đến các rối loạn tim mạch, phổi, thần kinh và mắc các bệnh về máu, các bệnh về da, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế tình trạng phơi nhiễm thuốc, người phun thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn pha, phun thuốc và trang bị cẩn thận quần áo bảo hộ lao động. Sau khi tiếp xúc với thuốc nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nếu có các triệu chứng, như: đau đầu, chóng mặt, nôn ói..., người phun thuốc cần đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

Chị Phan Thị Hoài (36 tuổi, ở xã Long Đức, huyện Long Thành) là người phụ nữ hiếm hoi làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê. Không giấu được nỗi cực nhọc hằn trên khuôn mặt, chị chua chát kể chuyện, một mình lo cho 4 đứa con nên chị phải làm thêm nghề phun thuốc trừ sâu thuê. Chị cố gắng dữ lắm, nhưng chỉ có thể lo cho 2 đứa con nhỏ được đi học. Gặp chúng tôi tại vườn dưa của một người trong xã, thân hình gầy nhom của chị đang hì hục cõng trên mình bình thuốc sâu nặng trịch. Làm nhiều nên ảnh hưởng từ thuốc cũng không phải ít, nhất là những bệnh về da có cơ hội phát triển. Chị đã đi chữa các nơi nhưng đến nay vẫn chưa khỏi, các vết mẩn ngứa vẫn còn nhiều. “Vì là nghề nguy hiểm, không ai làm mới có cơ hội để tôi làm mà nuôi con. Chẳng ai làm nghề này mà có được gia cảnh khấm khá. Qua cái tuổi sinh đẻ rồi nên tôi chẳng ngại, chỉ sợ ảnh hưởng về lâu dài thôi…” - chị Hoài tâm sự.

Sau mỗi vụ mùa, tiền công thu về cao nên nỗi lo sợ lại tan biến, chẳng ai cần biết phải trang bị cẩn thận những vật dụng bảo hộ mới tránh khỏi phơi nhiễm thuốc. Khi hỏi đến vấn đề an toàn cho sức khỏe, tính mạng bản thân, ai cũng ngại trả lời, ậm ừ: “Phun xong về tắm bằng xà bông là sạch ngay”. Chính suy nghĩ đơn giản ấy mà tai họa sẽ ập xuống với họ bất cứ lúc nào. Độc hại nhưng những người phun thuốc thuê vẫn nhắm mắt phó mặc, bầu bạn cùng chúng để mưu sinh. “Nhiều người chê, còn như tôi đây buộc phải lao vào để mưu sinh, dù biết nghề này độc hại vô cùng” - anh Vĩnh cho biết.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều