Cách đây khoảng 5 năm, khi trào lưu dán keo (trang trí) cho xe máy thịnh hành ở nhiều địa phương thì nó đã trở thành một nghề kiếm khá bộn tiền với nhiều người.
Cách đây khoảng 5 năm, khi trào lưu dán keo (trang trí) cho xe máy thịnh hành ở nhiều địa phương thì nó đã trở thành một nghề kiếm khá bộn tiền với nhiều người.
“Cứ mười chiếc xe máy chạy ngoài đường thì có đến 7-8 chiếc dán keo”, minh chứng cho lời của Dũng, một thợ dán keo xe trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa), là dãy ghế ở tiệm của anh luôn có khách ngồi chờ để dán keo xe. Để có được một lượng khách như vậy, những tiệm dán keo xe ở TP.Biên Hòa không chỉ dán rẻ, đẹp và bền, mà phải làm sao đến cả người chủ của chiếc xe cũng không nhận ra xe mình đã được dán keo.
* Nhất nghệ tinh…
10 giờ sáng, tại tiệm dán decal, keo xe Dũng đã có 3 chiếc xe được những người thợ hì hục dán keo. Khách chạy xe tới, đích thân Dũng ra xem xe rồi báo giá. “Xe anh phải dán nhiều chỗ, tốn thời gian hơn mấy xe khác, em dùng keo loại tốt nhất giá 250 ngàn đồng. Nếu keo thường thì 200 ngàn đồng, nhưng không tốt mấy” - Dũng trao đổi với khách. Quay sang chúng tôi, Dũng nói: “Phải thỏa thuận trước, chứ nhiều khi làm xong nói giá tiền người ta nói đắt lại tranh cãi, không hay”.
Cẩn thận, tỉ mỉ là yêu cầu bắt buộc với người thợ dán keo xe. |
So với các tiệm dán keo xe nằm dọc đường 30-4, có vẻ như tiệm Dũng nhiều khách hơn. Điều ngạc nhiên là giá dán mỗi chiếc xe ở đây lại đắt hơn 10-20 ngàn đồng so với các tiệm khác. Tò mò, chúng tôi hỏi thì anh cười, nói: “Vậy ai chỉ anh tới tiệm này?”. “Một người bạn” - chúng tôi trả lời. Dũng tiếp lời: “Bọn em làm ăn uy tín nên người ta mới giới thiệu cho nhau tới. Đa phần là khách quen chỉ nhau tới đây. Nghề nào cũng cần có chữ tín hết, anh ạ”.
Không mấy tin lời anh chàng chủ tiệm, chúng tôi ngồi quan sát xem có gì đặc biệt mà anh ta lại “nổ” như vậy. Chiếc xe Air Blade được một chị chạy tới, một người thợ trong tiệm bước ra trao đổi những chi tiết cần dán với chị. Chốt giá 300 ngàn đồng, người thợ quay vào trong lấy dụng cụ nhanh nhẹn tháo ốc của tay vịn phía sau xe, sau đó lần lượt đèn xe, gương chiếu hậu, ba-ga xe được xếp chung vào một chỗ.
Phần thân xe được anh này “xử lý trước”. Dùng chiếc khăn nhỏ tỉ mẩn lau hết bụi bặm bám trên thân xe, chỉ một lát sau anh làm cho phần này bóng loáng lên trông như lúc mới mua. Sau đó, bàn tay thô nhám của anh đo đi, đo lại hai lượt để ước chừng phần keo cần lấy. Quấn một mảnh vải vào đầu ngón tay cái, anh lau thêm một lần nữa phần nhựa xe định dán, dù chúng tôi thấy đã sạch lắm rồi.
Xem ra, đến cái việc dán cũng không hề đơn giản. Từng chút một, từng centimet một, vừa kéo - vừa vuốt - vừa đè, chúng tôi cứ tưởng anh thợ này phải dồn hết “công lực” vào ngón cái của mình. Thấy khách nhìn chăm chú, anh thợ trẻ măng này phì cười: “Đè vậy còn chưa ăn thua”. Đoạn, anh lấy một tấm bìa nhựa được bọc vải vuốt thêm một đường phẳng lì lên phần keo vừa dán xong.
Thực ra, cái công đoạn chúng tôi vừa xem là phần đơn giản nhất của nghề. Trình độ và kinh nghiệm của thợ ở chỗ những đường cong, lượn, khe hẹp, phải làm sao dán keo không bị nhăn, hở. Đến lúc này, chiếc bật lửa là trợ thủ đắc lực, vừa hơ - vừa kéo - vừa đè, cứ thế từng chi tiết khó được phủ dần keo. Có những chi tiết nhỏ nhưng phức tạp thì thời gian dán keo cũng không thua gì lúc dán phần thân xe. Bẻ đôi chiếc dao lam, nhẹ nhàng rạch một đường để lấy đi phần keo dán thừa, anh thợ đã hoàn tất một phần công việc.
“Làm cái này ai mà vội vàng thì hỏng. Khách hàng tụi em có thể qua mặt được, chứ thời tiết thì không được. Chỗ nào dán không kỹ, để có bọt thì chỉ một buổi dựng ngoài trời, những chỗ lỗi đó hiện rõ ngay” - Dũng nói. Quan sát một người thợ làm chung với anh, chúng tôi thấy anh này “phát minh” ra chiếc đồng hồ đeo tay làm nơi để đính dao lam vào lúc không dùng đến. Anh nhoẻn miệng giải thích: “Có mấy bận ngậm trong miệng, không chú ý nên lia lưỡi trúng. Giờ có cái đồng hồ này thì làm vừa sạch, vừa nhanh”.
Nửa tiếng tích cực làm, chiếc xe mới chỉ dán được một bên của phần thân. Thấy khách có vẻ sốt ruột, Dũng nói: “Anh chịu khó đợi, mỗi chiếc dán mất 2 tiếng. Em dán nhanh cũng được, nhưng như vậy phải làm ẩu. Lỡ mai mốt anh đi mưa, nắng keo nó bong ra nhìn chẳng giống ai”.
Chúng tôi tò mò về việc nhiều tiệm dán decal, keo xe đề bảng dán chỉ 60-80 ngàn đồng/chiếc, Dũng xua tay và cười, nói: “Họ dán cho anh toàn keo dỏm, keo Trung Quốc, bữa trước bữa sau thì anh phải gỡ ra dán lại. Vừa mất tiền, lại tốn công, chỉ thêm bực mình thôi. Tụi em dán kỹ mà cũng có lúc khách quay lại “bảo hành” ngay hôm sau”.
* ... Nhất thân vinh
Dạo khắp một vòng TP.Biên Hòa, không khó để tìm ra một tiệm dán decal, keo xe. Mỗi tiệm đều có cách để lôi kéo khách đến với mình. Riêng tiệm chúng tôi vừa đến thì chế độ khuyến mãi là bảo hành 6 tháng. Còn những tiệm khác thì dùng cách hạ giá, dán miễn phí hoặc giảm giá một số họa tiết trang trí, các phụ tùng, đồ chơi cho xe.
“Khách thì không hay chừng, thường cuối tuần là đông, có ngày lên đến 20 chiếc, dán mỏi cả tay. Có ngày chỉ 5-6 chiếc, đủ ngày công cho anh em” - anh Trần Quang Thành, 35 tuổi, chủ tiệm dán decal, keo xe Nhật Thành (trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong) cho hay. Với giá dán 150 ngàn đồng cho một chiếc xe máy thường, 230 ngàn đồng cho một chiếc xe tay ga, còn những thứ nhỏ hơn, như: laptop, điện thoại hay lớn hơn như xe hơi thì trung bình mỗi ngày, tiệm anh Thành thu vào không dưới 2 triệu đồng. Trừ chi phí tiền mặt bằng, tiền keo, cơm nước… chia đều cho 6 người thì bình quân ngày công mỗi người khoảng 200 ngàn đồng.
Để thành thục với nghề, nhiều người thợ phải tốn 3-4 tháng học. |
Huy, một người trong nhóm thợ của anh Thành, cho biết: “Ngày nào dán nhiều xe là tối về ngón tay cái ê ẩm, bóp dầu nóng cả đêm mà sáng ra ăn phở cầm đũa còn khó”. Nhưng, như cách nói của bao người thợ chúng tôi gặp: “Thấy việc thì lao vô làm, quên hết mọi thứ. Nghề này không vất vả nhiều mà cũng đủ sống, nên bấy nhiêu đó không là gì cả”.
Tôi gặp một cậu bé người nhỏ thó, đầu tóc nhuộm một vạt xanh kéo từ trước ra sau. Cậu này tên T., ở huyện Trảng Bom, được cha mẹ gửi đến chỗ anh Thành học nghề. Nhìn cách cậu thoăn thoắt bật lửa, vuốt keo, không ai ngờ mới 4 tháng trước, cậu còn ở Trường giáo dưỡng số 4 vì có hành vi quậy phá, đua xe. Giờ làm nghề này cũng có liên quan chút ít tới “thú vui” ngày xưa. Điều tốt là nó đã giúp cậu tự nuôi sống bản thân và sống có ích, ít ra là với gia đình mình. “Hồi đó, nghe lời bạn bè nên em theo tụi nó quậy. Giờ ra đây học việc, có mấy anh chỉ dẫn nhiều nên cũng biết nhiều nhiều. Sau này em sẽ về quê mở tiệm” - T. nói về dự định sau này của mình.
“Nghề này không phụ người. Làm ăn đàng hoàng, uy tín thì khách sẽ tìm đến mình, dù bây giờ người ta mở tiệm ra đầy. Chừng nào người ta hết đi xe thì mới hết việc” - anh Thành nói đùa. Dù có những ngày phải làm luôn trưa hay quá tối để kịp giao xe cho khách nhưng với những người thợ, ông chủ của các tiệm dán decal, keo xe mà chúng tôi gặp, ở họ đều toát lên niềm vui được kiếm tiền bằng những giọt mồ hôi của mình.
Minh Trung