Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngậm ngùi nghề đan lưới cá

10:10, 21/10/2012

Qua thời gian, nguyên liệu, mẫu mã, các công đoạn… đan lưới đánh cá cũng đã khác xưa. Tuy vậy, nghề làm lưới vẫn được một số người duy trì, cho dù không còn quy mô và phát triển mạnh như những năm trước. Đó là một công việc rất công phu, tỉ mỉ với từng sợi đan và rất mất thời gian, chỉ những người có tính cần cù, kiên nhẫn nhất mới làm được.

Qua thời gian, nguyên liệu, mẫu mã, các công đoạn… đan lưới đánh cá cũng đã khác xưa. Tuy vậy, nghề làm lưới vẫn được một số người duy trì, cho dù không còn quy mô và phát triển mạnh như những năm trước. Đó là một công việc rất công phu, tỉ mỉ với từng sợi đan và rất mất thời gian, chỉ những người có tính cần cù, kiên nhẫn nhất mới làm được.

* Tỉ mỉ từng sợi đan

Với những người sống gần các vùng đầm, ao, hồ, tấm lưới, chài, vó… là cần câu cơm của họ. Còn những người đan lưới coi đó như cái nghiệp ăn sâu vào tiềm thức, cái nghề mà ông cha đã để lại cho con cháu. Đi đâu, họ cũng mang theo nghề truyền thống như muốn lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã gầy dựng từ xa xưa.

Ông Khứ vẫn miệt mài bên mỗi tấm lưới dù tuổi đã cao.
Ông Khứ vẫn miệt mài bên mỗi tấm lưới dù tuổi đã cao.

Ông Nguyễn Văn Nông (58 tuổi, ngụ ở xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) vốn là người làng Thụy Lôi (nay là phường Phú Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nơi có truyền thống làm lưới đánh cá lâu đời. Ông kể, muốn có tấm lưới tốt, người đan không những khéo léo, mà còn phải nhẫn nại. Khi đan lưới tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì khó gỡ ra được. Trong quá trình gắn phao và chì, cần phải có kỹ thuật khéo tay và đặc biệt là khoảng cách phải đều nhau, để khi thả lưới đánh bắt cá, gặp dòng nước chảy lưới vẫn không có kẽ hở khiến cá lọt ra ngoài. Vào mùa nước lớn thì gắn thêm ống ganh bằng phao, hoặc bằng xốp để tăng độ nổi của nước. “Bây giờ, tôi đan được chài, lưới 3 màng, vó, thơi đựng cá… Mỗi loại đều có kích cỡ to, nhỏ khác nhau tùy yêu cầu của người sử dụng, nên thời gian làm từ 7-10 ngày xong” - ông Nông tâm sự.

Còn ông Khúc Văn Túy (66 tuổi, ngụ ở xã Phú Đông) cho rằng: “Ngày nay, với sự phát triển của cuộc sống và khoa học - kỹ thuật, sợi cước ny-lông đủ loại kích cỡ, phao, chì đã được sản xuất sẵn. Người ta chỉ việc đi TP.Hồ Chí Minh mua lưới về gia công lại, cắt xén cho phù hợp là được. Cũng vì thế mà việc đan được tấm lưới dễ dàng hơn trước rất nhiều, chỉ cần chịu khó, kiên trì nữa mà thôi”. Ông Túy còn kể cho chúng tôi nghe thời các ông chưa có máy móc và lưới nhân tạo, người thợ phải kỳ công mới tạo ra được một tấm lưới. Để đan được thành tấm lưới phải nuôi tằm, lấy kén, kéo tơ và đánh thành chỉ rồi mới đan nên tấm lưới để phục vụ khai thác.

Sau khi đan xong là đến công đoạn rắn (kéo) lưới, người ta treo lưới đã đan và đổ nước sôi 900C từ trên xuống, sau đó rắn (kéo) 2 đầu cho thẳng, căng. Khoảng 10 phút sau, lưới được rải xen kẽ một đầu phao, một đầu chì. Tiếp theo là nhặt lần lượt theo đầu phao, đầu chì để thu gom cả tấm lưới… Ông Túy nói nhiều lắm, nhưng chúng tôi chẳng thể nào ghi nhớ hết được, chỉ biết đại loại rằng, đan lưới bắt cá là một công việc rất công phu, đầy sự tỉ mỉ với từng sợi đan và rất mất thời gian. Công việc chỉ dành cho những người có tính cần cù, kiên nhẫn nhất mới làm được.

* Nỗi buồn tay đan

Những người làm gia công lưới thành những tấm lưới đánh cá bây giờ không mấy ai mặn mà với nghề này nữa. Bởi, người đánh cá trên các sông suối, ao hồ không muốn dùng lưới (vì hiệu quả đánh bắt không cao), thay vào đó là dùng xung điện, máy rà... “Một tấm lưới chài từ 300-500 ngàn đồng, các loại khác rẻ hơn nên người mua phải cân nhắc, tính toán. Mỗi tháng, tôi có thể làm được 5-6 tấm như thế, nhưng bây giờ không ai mua nữa. Thi thoảng, có người đặt, tôi và bà nhà mới làm để đỡ nhớ nghề thôi” - ông Vũ Khứ (74 tuổi, ngụ ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) cho biết.

Kể với chúng tôi câu chuyện cuộc đời gắn với những chiếc lưới chài, vó bắt cá mấy chục năm qua, người đàn ông tóc đã phai màu theo sương gió chỉ biết bùi ngùi khi nhiều người quay lưng với tấm lưới đánh cá. “Hồi đó làm gì có xung điện, đan được tấm nào có người hỏi mua đến đó. Chúng là vật dụng mỗi ngày mà vợ chồng tôi đổi lấy gạo, tôm, cá với người trong xóm để nuôi con khôn lớn thành người” - vợ ông Khứ buông lời. Bây giờ, sau bao nhiêu năm vật lộn với những nỗi lo toan của đời người, sáu người con ông Khứ cũng đã có gia đình riêng. Điều đáng buồn là không ai trong số ấy có ý định theo nghề cha ông.

Anh Xuyến (bên phải) là một trong những người còn muốn sử dụng những tấm lưới chài làm thủ công.
Anh Xuyến (bên phải) là một trong những người còn muốn sử dụng những tấm lưới chài làm thủ công.

Kế bên nhà ông Khứ, gia đình ông Ba Sâm (60 tuổi, người gốc Quảng Ngãi) cũng có truyền thống làm nghề này. Hai người bạn già ngày nào cũng cặm cụi, tỉ mỉ trau chuốt và đan từng mắt lưới, dù biết làm ra nó khó mà tiêu thụ ngay được. Suốt buổi, ông Ba Sâm khá dè dặt khi nói về một nghề sắp thuộc vào quá khứ. Ông bảo: “Làm ra có ai mua đâu. Có lẽ, hết đời mình cũng sẽ chấm dứt luôn cái nghề dân dã độc đáo này trong sự ngẩn ngơ tiếc nuối”. Bây giờ, để kiếm thêm thu nhập và sống có ích ở tuổi già, ông Sâm còn nhận đan những chiếc lồng nuôi chim, gà cảnh. Tiền công thu được chẳng nhiều nhặn gì, nhưng bù lại không phải “ngứa ngáy” tay chân mà những người như ông vốn đã quen với đan, dệt lưới.

Chiều về, người thợ già này đang tính xếp gọn đồ nghề thì từ ngoài cửa, một người nông dân chân chất bước vào hỏi mua chài cá. Anh Xuyến (ngụ ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa) là người làm kinh tế hộ gia đình, có nhiều hồ cá nên không thể dùng xung điện được. “Nhiều người bảo chỉ cần chích điện một vài điểm có bán kính vài mét là có thể vớt cá dễ dàng, tội gì phải đánh lưới cho mệt. Nhưng mình nghĩ làm thế những con cá thoát nạn cũng không phát triển được, bao nhiêu vi sinh vật trong hồ bị tiêu diệt hết. Bỏ ra số tiền mua lưới bằng giá một bộ máy rà nhưng mình vẫn chấp nhận” - anh Xuyến tâm sự.

Bán được một tấm lưới, ông Ba Sâm có thể bớt đi một nỗi lo. Hiện tại, trong nhà ông còn vài chục tấm các loại lưới, giỏ đánh cá chưa bán được cho ai. Dù biết thế, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn làm, không chỉ vì tiền, mà còn vì tấm lòng của người thợ với công việc của mình, với cái nghề độc đáo ấy. Nghe ông nói, chúng tôi cũng thấy ngậm ngùi cho những cánh tay đan đang dần mỏi mệt. Biết làm sao, khi không ai muốn làm nghề này nữa.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều