Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh dưới đáy biển, lòng sông

10:10, 24/10/2012

Nhìn dòng sông Đồng Nai lặng lẽ, tàu thuyền qua lại ngược xuôi, ít ai biết dưới đáy sông ở độ sâu 40m nước ấy, có những người thợ lặn mắt đeo kính, miệng ngậm ống thở bình ôxy, tay cầm mỏ hàn cắt sắt vỏ tàu. Cuộc sống của họ gắn liền với lòng sông, đáy biển, những thân tàu hỏng hóc và đi làm bất cứ nơi đâu khi chủ yêu cầu.

 

Nhìn dòng sông Đồng Nai lặng lẽ, tàu thuyền qua lại ngược xuôi, ít ai biết dưới đáy sông ở độ sâu 40m nước ấy, có những người thợ lặn mắt đeo kính, miệng ngậm ống thở bình ôxy, tay cầm mỏ hàn cắt sắt vỏ tàu. Cuộc sống của họ gắn liền với lòng sông, đáy biển, những thân tàu hỏng hóc và đi làm bất cứ nơi đâu khi chủ yêu cầu.

Đó là những người thợ cắt sắt ở Doanh nghiệp tư nhân Biển Đông (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), người dân quen gọi họ là những người lặn dưới đáy biển, lòng sông.

* Thợ lặn cắt sắt, nước mắt chan cơm

Sau những giờ lặn xuống đáy sông Đồng Nai cắt vỏ sắt thân tàu, anh Trần Đình Xem (năm nay 38 tuổi, quê ở huyện đảo Lý Sơn) cùng đồng nghiệp rảo bước trên cầu cảng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Đó là thời gian “thư giãn” nhất của họ, sau nhiều giờ làm cật lực dưới đáy sông. Anh Xem bảo: “Nghề thợ lặn được coi là nghề đặc biệt, bởi liên tục làm việc dưới đáy sông, đáy biển sâu từ 20-60m. Công việc này cực nhọc lắm, kiếm được miếng cơm, manh áo phải đổ nhiều công sức, thậm chí trả giá bằng cả mạng sống của mình”.

Những thợ lặn cắt sắt chuẩn bị lặn xuống đáy sông Đồng Nai cắt vỏ sắt thân tàu chìm.
Những thợ lặn cắt sắt chuẩn bị lặn xuống đáy sông Đồng Nai cắt vỏ sắt thân tàu chìm.

 Anh Xem kể, 20 năm trước, khi còn trai trẻ, anh đã theo thợ lặn bắt hải sâm ở biển xa học nghề. Nhà nghèo, đông em, làm gì để kiếm tiền giúp cha mẹ nuôi em ăn học? Dẫu biết nghề thợ lặn nguy hiểm và cực nhọc, nhưng vì tương lai của các em và để giúp đỡ cha mẹ bớt phần nghèo khó, Xem đành bỏ học nửa chừng. Nói là đi biển bắt hải sâm, nhưng phải mất nửa năm học cách lấy hơi và rèn luyện sức khỏe, anh mới lặn được độ sâu 20m nước. 7 năm làm ngư phủ thuê cho hàng chục chủ ghe đi bắt hải sâm trên nhiều vùng biển Việt Nam, anh được các ông chủ thích nhất vì khỏe và chịu khó. Nếu các ngư phủ khác chỉ lặn sâu tối đa 40m nước, thì anh có thể lặn sâu 60m và làm việc liên tục trong 2 giờ. Chính những tháng ngày làm ngư phủ ấy, anh đã rút ra nhiều kinh nghiệm, như: cách lấy hơi, giảm áp, kinh nghiệm lặn ở lòng sông, đáy biển khác nhau. “Tôi lặn sâu tối đa 60m, với thời gian chừng 30 phút, còn lặn sâu 20m thì thời gian 2 giờ. Tôi đã có hàng ngàn lần lặn dưới đáy biển. Cái nghề này cực nhọc lắm anh à, có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào, hoặc bị tai nạn lao động suốt đời tàn phế. 10 năm làm thợ cắt sắt, không biết bao nhiều lần lặn dưới đáy biển, lòng sông và cũng cắt không biết bao con tàu hỏng hóc nữa, nhưng những vụ tai nạn lao động đau thương hoặc chứng kiến đồng nghiệp của mình bị tàn phế thì không thể nào quên được” - anh Xem chia sẻ.

“Nghề thợ lặn cắt sắt được coi là nghề đặc biệt, vậy tiêu chuẩn thế nào, thưa anh?” - chúng tôi hỏi. Anh Xem cười khà khà nói: “Có tiêu chuẩn nào đâu, chủ yếu là có sức khỏe và kinh nghiệm. Song, để lặn được ở độ sâu từ 20m trở lên, trước hết phải có sức khỏe, không mắc bệnh tim mạch, bệnh máu đông và các bệnh hô hấp”. “Làm việc ở dưới đáy sông, biển, khó khăn nhất là gì?” Với câu hỏi này, anh Xem không trả lời chúng tôi ngay, mà quay người lại nhìn về chiếc cẩu đang cẩu một phần mũi tàu, rồi giọng anh chùng xuống buồn buồn: “Khó khăn nhất khi cắt vỏ tàu dưới đáy sông là gặp phải nước đục phù sa. Mặc dù đã có kính lặn, nhưng phù sa luôn làm mù kính. Làm dưới đáy sông dễ bị ngộp thở vì sức ép của nước nặng hơn nước biển mặn. Trong gần 2 giờ, mỗi người cắt một đường dài chừng 8m, tức là hết một bình ôxy nặng 70kg. Tôi đã từng chứng kiến đồng nghiệp của mình bị thiệt mạng ngay dưới đáy sông. Lần ấy, khi cắt xong vỏ tàu, 4 anh em chúng tôi chui vào ngóc ngách luồn buộc cáp để cẩu lên. Cẩu bất ngờ gãy, toàn bộ khối sắt nặng 60 tấn đè bẹp một người xuống bùn đen. Hơn một ngày sau mới đưa xác anh ấy lên bờ. Nhìn thương tâm lắm. Dù được chủ bồi thường, nhưng không gì bù đắp được nỗi đau” - anh Xem nói.

* Nghề gắn với bệnh tê liệt

Cùng làm với anh Xem có anh Phan Đức Như, quê ở quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng. Ngoài nhận biết năm sinh trong giấy chứng minh nhân dân, không ai có thể nói anh Như ở tuổi 30. Hằn trên khuôn mặt già nua, chai sạm, mái tóc cứng như rễ tre của anh Như là đôi mắt căng lồi. Nghe anh Như bảo: “Làm ở đáy sông nước đục, phải căng mắt để nhìn mới có thể cắt sắt được”, tôi hiểu vì sao mắt anh lại căng lồi như thế.

Cũng như anh Xem, trước khi làm nghề thợ lặn cắt sắt, anh Như đã có gần 10 năm làm ngư phủ theo ông chủ dong tàu ra vùng biển Đá Lát, Trường Sa mò ốc và hải sâm. Nói về căn bệnh thường gặp khi làm việc ở đáy biển, anh Như cho biết: “Chủ yếu là bị bệnh tê liệt chân tay, có người chấp nhận tàn phế cả đời. Nguyên nhân tê liệt là do lặn sâu dưới đáy biển, sức ép của nước làm tắc nghẽn mạch máu. Dưới đáy biển, nước rất lạnh. Có nhiều người bị bí tiểu, hoặc vỡ bàng quang, nếu không cấp cứu kịp thời thì không cứu được tính mạng. Bởi vậy, trước khi lặn xuống đáy biển, phải vận động thật kỹ cho người nóng lên, thông mạch, không được ăn quá no, trong quá trình làm việc phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ. Nghề này cực nhọc, nhưng bù lại tiền lương cũng không đến nỗi”.

Anh Trần Đình Xem, phía sau là cần cẩu đang cẩu mũi tàu.
Anh Trần Đình Xem, phía sau là cần cẩu đang cẩu mũi tàu.

Theo anh Trần Đình Xem, khó khăn nhất khi cắt vỏ tàu dưới đáy sông là gặp dầu, nhớt ồ ạt chảy ra từ khoang chứa. Anh kể, có lần anh đang cắt đáy tàu bất ngờ nhớt từ khoang chứa phụt ra đen đặc, anh không nhìn thấy gì, mắt mờ đi, chân tay tê cóng, không thở được. Anh phải cố hết sức ngoi lên mặt nước và được mọi người cứu chữa kịp thời. “Để có thù lao từ 10-20 triệu đồng/tháng, chúng tôi phải lặn xuống đáy sông, đáy biển sâu 40-60m nước để cắt vỏ sắt những thân tàu hỏng hóc trong điều kiện môi trường độc hại, nguy hiểm. Tính mạng của chúng tôi luôn bị rình rập bởi sức ép của nước, căn bệnh mà nhiều thợ lặn đem theo suốt cả cuộc đời là bại liệt chân tay. Nhiều khi, sau gần 2 giờ làm việc dưới đáy biển, lòng sông, khi ngoi lên mặt nước mới biết mình còn sống” - anh Xem chia sẻ.

Khó có thể hình dung được những khó khăn, gian khổ và hiểm nguy của những người thợ lặn cắt sắt dưới đáy biển, lòng sông. Công việc mà các anh đang làm, ngoài cuộc sống mưu sinh, còn giúp cho dòng sông thêm sạch, đỡ phần ô nhiễm. “Mặc gian khổ, có việc là chúng tôi đi, có hợp đồng là đến, bất kể sông sâu hay biển xa, kể cả trục vớt những con tàu và hài cốt của các chiến sĩ đoàn tàu không số ngoài đại dương, chúng tôi luôn sẵn sàng” - anh Xem nói giọng quả quyết.

Mai Thắng

 

 

 

 

Tin xem nhiều