Báo Đồng Nai điện tử
En

Gieo chữ ở Trường Sa

10:10, 10/10/2012

Ở Trường Sa, nếu cô giáo Bùi Thị Nhung là người trực tiếp dạy cho các em nhỏ từng con chữ, những kiến thức cơ bản, thì cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân ở các đảo là những người dạy các em về tình yêu biển, đảo của Tổ quốc và ý chí kiên cường.

Ở Trường Sa, nếu cô giáo Bùi Thị Nhung là người trực tiếp dạy cho các em nhỏ từng con chữ, những kiến thức cơ bản, thì cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân ở các đảo là những người dạy các em về tình yêu biển, đảo của Tổ quốc và ý chí kiên cường.

Mỗi “giáo viên” có một cách dạy riêng, nhưng đều là dạy chữ, dạy người và truyền lửa tình yêu Tổ quốc. Họ được CBCS ở đảo gọi là “mẹ Âu Cơ" của đàn em nhỏ.

* Mẹ hiền “5 trong 1”

Cô giáo Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa Lớn được biết đến như một tấm gương sáng vì sự nghiệp trồng người ở Trường Sa. Tốt nghiệp khoa tiểu học Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang, sau hơn 3 năm dạy học ở tỉnh Khánh Hòa, năm 2008, cô giáo Nhung xung phong ra Trường Sa dạy học. “Ra đảo Trường Sa dạy học, một nghĩa cử vô cùng thiêng liêng luôn thúc giục trong tim tôi. Bạn bè nói tôi điên, họ không muốn tôi đến nơi gian khổ. Tôi nghĩ, các chiến sĩ Trường Sa kiên cường nơi gian khó, thì tôi cũng có thể là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận dạy chữ cho học sinh. Nghĩ vậy, tôi đã xung phong ra Trường Sa mà không hề do dự. Bây giờ, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định trên đảo. Vợ dạy học, chồng có công việc ổn định phục vụ bộ đội, chúng tôi càng gắn bó với mảnh đất nơi đây” - cô giáo Nhung tâm sự.

Cô giáo Bùi Thị Nhung.
Cô giáo Bùi Thị Nhung.

Những ai được dự lớp học của cô giáo Nhung đều ngỡ ngàng trước lớp học đặc biệt này. Cô Nhung vừa là “hiệu trưởng”, vừa là giáo viên chủ nhiệm của… 5 lớp học. Vừa hướng dẫn nhóm lớp 1 tập viết, giao bài xong, cô lại quay sang giảng Toán cho nhóm học sinh lớp 2; rồi hướng dẫn các em lớp 3, lớp 5 làm bài tập.

Để đảm bảo chất lượng dạy học, hàng ngày cô soạn giáo án đầy đủ theo quy định của Bộ GD - ĐT. Ngoài giờ học chính, cô còn dành nhiều thời gian dạy các em môn Tiếng Anh ở mức độ đơn giản để: “Các em đỡ bị lạc hậu so với các bạn trong đất liền”. Cô còn dạy tin học qua máy vi tính và hướng dẫn các em các môn học ngoại khóa, như: múa, hát ngoài trời. Qua các chương trình trên internet, cô Nhung đã dạy các em học hát và cập nhật nhiều chương trình hữu ích cho bọn trẻ. Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nhung ước mong có thêm chiếc máy vi tính mới để các em được kết nối thông tin gần gũi với đất liền hơn.

Ở Trường Sa, cô giáo Bùi Thị Nhung được coi như bảo mẫu đặc biệt của học sinh. Bởi, cô Nhung vừa là cô giáo, vừa thay cha mẹ các em lo từ bữa ăn, giấc ngủ trưa. Các em học sinh đều gọi cô giáo Nhung là mẹ. Ngoài dạy kiến thức cho các em nhỏ, cô giáo Nhung còn dạy các em tình yêu biển, đảo, yêu Tổ quốc. “Sự dũng cảm và chịu đựng gian khổ của các chú bộ đội Trường Sa ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của các em học sinh nơi đây. Ngoài kiến thức chuyên môn, các em được học tinh thần dũng cảm, sự gan dạ, kiên cường. Có thể nói, mỗi học sinh Trường Sa là một chiến sĩ nhí. Các em học ngay từ sự gương mẫu của các chú bộ đội. Ở đây không có sự cạnh tranh, phân biệt, chỉ có sự thi đua học tốt, dạy tốt, sống tốt, cô trò thương yêu nhau như mẹ con trong một gia đình” - cô giáo Nhung cho biết.

* “Tình yêu biển đảo đã níu chân tôi”

Đối với các em học sinh xã đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ Trương Sứ Long không chỉ là người dạy cho các em kiến thức, mà còn như một người bạn, một người anh cả trong gia đình.

Từ miền quê Sơn Lâm (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), năm 2008, đoàn viên trẻ Trương Sứ Long đã tình nguyện xung phong ra công tác ở quần đảo Trường Sa với mong muốn được đóng góp công sức tuổi trẻ với đảo. Trương Sứ Long được phân công phụ trách công tác Mặt trận của xã đảo Song Tử Tây. Khi thấy các em nhỏ ở đây chưa có giáo viên dạy học, anh đề nghị được kiêm luôn công tác dạy học cho các em. Gần 4 năm sống ở đảo cũng là ngần ấy thời gian anh có thêm nghề “gõ đầu trẻ”. Thầy giáo Long chia sẻ: “Điều trăn trở nhất của tôi là làm sao để các em học được chữ. Bên cạnh đó, các em phải hiểu về Trường Sa và chiến sĩ ở đây nhiều nhất. Dạy ở đây khó vì quá ít học sinh, nhưng cũng có cái dễ vì các em rất tập trung, không vướng bận hoặc bị chi phối bởi môi trường xung quanh. Tôi muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Chính các em học sinh và tình yêu biển, đảo, tình quân - dân đã níu bước chân tôi ở lại”.

Chính vì yêu quý các em học sinh, chính vì muốn đem con chữ cho bọn trẻ mà thầy giáo trẻ này đã quên đi bao ước mơ, hoài bão ở đất liền. Song, điều đem lại hạnh phúc nhất cho anh là được đứng trên bục giảng nơi đây.

Thầy giáo Long chia sẻ: “Tôi chọn nghề dạy học cho trẻ ở Trường Sa vì tôi yêu Trường Sa. Càng gắn bó với đảo, càng thấy Tổ quốc mình thiêng liêng và ý nghĩa. Lớp học ở Trường Sa chính là nơi ươm mầm các chiến sĩ kiên cường. Rồi đây, các em sẽ trở thành anh bộ đội bảo vệ biển, đảo. Nhìn các em học sinh khát chữ, tôi lại không muốn trở lại đất liền”.

* “Bảo mẫu” đặc biệt

Phó chủ tịch UBND xã đảo Cao Văn Giáp luôn được các em nhỏ trên xã đảo Sinh Tồn yêu quý không chỉ bởi anh hàng ngày dạy dỗ các em, mà chính từ tình cảm yêu thương, chăm sóc tận tình của anh đối với bọn trẻ.

Học sinh ở đảo Trường Sa Lớn.
Học sinh ở đảo Trường Sa Lớn.

Đã hơn 3 năm trôi qua, anh Giáp làm “bảo mẫu” của đám trẻ. “Tôi không thể nào quên được những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo. Tuy đã xác định tư tưởng sẽ công tác ở đây lâu dài, nhưng những đêm đầu tiên tôi đã khóc vì quá nhớ đất liền. Những ngày sau đó, tôi cứ thẫn thờ ngóng về phía chân trời tìm hình bóng một con tàu nào đó. Bây giờ đã quen rồi, có tụi nhỏ, đảo như thêm niềm vui. Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng chào hỏi của các em làm cho đảo như ở đất liền” - anh Giáp tâm sự. 

  Hiện trên đảo Sinh Tồn có 7 trẻ đang độ tuổi đến trường, có 5 lớp học. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ chăm lo, ổn định đời sống, sinh hoạt, lao động của bà con nhân dân trên đảo trong vai trò Phó chủ tịch UBND xã, thời gian còn lại anh cùng các cán bộ dạy học cho các cháu nhỏ. Anh Giáp tâm sự chân thành: “Ở đây, chúng tôi cứ nói với nhau, mình là “bảo mẫu” đặc biệt. Dạy học các em cơ bản là tình thương, trách nhiệm và hoàn toàn tự nguyện. Nhìn thấy các em vui, học hành chăm ngoan là niềm vui ngập tràn..."

Mai Thắng

 

Tin xem nhiều