Báo Đồng Nai điện tử
En

Gánh ước mơ trên tấm lưng khòm

10:10, 19/10/2012

Một tai nạn lúc mới 1 tuổi đã khiến bà Nguyễn Thị Quế (65 tuổi, ngụ tại KP2, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) phải vĩnh viễn mang thân hình tật nguyền. Thế nhưng, nghị lực sống đã giúp bà khắc phục số phận để trở thành nữ doanh nhân thành đạt, một tấm lòng vàng trong xã hội ngày hôm nay.

Một tai nạn lúc mới 1 tuổi đã khiến bà Nguyễn Thị Quế (65 tuổi, ngụ tại KP2, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) phải vĩnh viễn mang thân hình tật nguyền. Thế nhưng, nghị lực sống đã giúp bà khắc phục số phận để trở thành nữ doanh nhân thành đạt, một tấm lòng vàng trong xã hội ngày hôm nay.

* Người phụ nữ say mê lao động

Không chồng con, lưng khòm, sức khỏe lại yếu, nhưng ít ai biết bà Quế đã tự mình gánh vác chuyện nhà trên đôi vai nhỏ bé của mình. Ước mơ làm giàu của người phụ nữ ấy bắt đầu từ một cửa hàng ăn uống nhỏ tại thị trấn Trảng Bom. Hơn 30 năm hoạt động, cái quán bé xíu mỗi bữa chỉ bán mấy tô bún mang tên Hương Giang đến nay đã trở thành quán ăn quen thuộc với những người dân địa phương và cả những đoàn khách đi qua tuyến quốc lộ 1. Ngoài ra, bà còn mở thêm dịch vụ nấu tiệc liên hoan, cưới, hỏi, sinh nhật… phục vụ theo yêu cầu của khách. Với phương châm phục vụ: “ngon, rẻ, tận tình và rau ăn thoải mái”, cửa hàng dịch vụ ăn uống của bà Quế đã thu hút được nhiều khách và mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Quế tại trang trại rừng - ao - chuồng của mình.
Bà Nguyễn Thị Quế tại trang trại rừng - ao - chuồng của mình.

Đón chúng tôi trên con hẻm nhỏ đi vào trang trại, người phụ nữ mang trên lưng khối u lớn không khỏi khiến chúng tôi ngạc nhiên. Bà Quế chậm rãi kể rằng, từ năm 1996, bà bắt đầu mua đất tại ấp 2, xã Sông Trầu để chuyển hướng kinh doanh nông trại. Lúc đó, bà đã trồng nhiều loại cây ăn trái trên vùng đất mới và đạt được những thành quả lớn trong 4-5 năm cần cù lao động.

Giọng bà đang hào hứng kể chuyện làm ăn bỗng dưng dừng lại, nụ cười trên môi tắt lịm, cặp mắt nhắm nghiền để ngăn không cho dòng nước mắt chực rơi xuống. Sau phút trấn tĩnh, bà kể tiếp, khoảng năm 2000, khi nguồn đất bị thoái hóa, hàng loạt cây ăn trái bỗng nhiên bị thối gốc, cây không phát triển được, chẳng còn đạt kết quả như niềm hy vọng khi bà bỏ công chăm sóc. Thế là, tất cả vốn liếng, công sức bỏ vào việc sản xuất cây ăn trái đã “đổ sông, đổ biển”. Bà bảo: “Cứ thế là chặt bỏ hết, xót xa lắm cháu ạ”. Đó cũng là cú vấp ngã nặng nề nhất trong đời bà.

Tuy vậy, bà không cho mình gục ngã, mà vẫn tiếp tục mạnh mẽ và sáng suốt hơn. Từ sau thất bại, mô hình sản xuất “vườn - ao - chuồng” đã được bà Quế chuyển sang mô hình “rừng - ao - chuồng”. Vườn cây ăn trái thất bại ấy được chặt bỏ và thay thế dần bằng các loại cây trồng lâu năm, như: dầu, sao, giáng hương, me tây, bằng lăng.

Sự chuyển hướng sản xuất - kinh doanh đúng đắn ấy cùng với quyết tâm lao động vượt khó đã mang lại thành công cho bà Quế. Với mô hình khép kín hơn 3 ngàn con heo thịt, 4 ao nuôi cá, hơn 5 hécta rừng, thu nhập trang trại của bà hàng năm đạt 400-500 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho người thân trong gia đình và hơn 40 lao động làm thuê với thu nhập cao. Dù thế, sự thành công hôm nay là cả một quá trình miệt mài lao động theo chữ tâm và chữ tầm mà người phụ nữ ấy đã định hướng trong suốt đường đời.

* Đảm việc nhà, giỏi việc xã hội

Người đàn bà nhỏ bé đó không có gia đình riêng của mình, nhưng bà đã dành hết tâm sức cho việc nuôi dưỡng bốn đứa cháu gọi bà bằng dì. Không đứt ruột sinh ra nhưng tất cả họ đều lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của bà, để đến hôm nay, họ đã lớn và biết cống hiến cho xã hội. Người thì làm ngân hàng, người làm bác sĩ, lại có người theo nghiệp kinh doanh của bà. Bà Quế nói: “Mình sức khỏe yếu, không có điều kiện trực tiếp cống hiến sức lực cho xã hội, nên cố gắng nuôi dưỡng các cháu thành tài, để chúng thay mình thực hiện nguyện ước góp sức xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn”. Đó cũng là nguồn động lực giúp bà vượt lên số phận của mình.

Nhìn lại quá khứ, bà Quế tâm sự: “Từng trải qua thời gian khó và phải phấn đấu lao động cật lực, bản thân tôi rất thông cảm với những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Tôi nhận thấy mình phải giúp họ vượt khó vươn lên”. Vì thế, từ lúc mới vào xã Sông Trầu lập nghiệp, bà đã cung cấp khoảng 50 con heo nái cho hàng chục hộ nghèo nơi đây làm vốn sản xuất. Bà còn ủng hộ địa phương tiền xây 3 căn nhà tình thương cho người nghèo tại xã sông Trầu và thị trấn Trảng Bom. Đó là chưa kể đến những đóng góp từ vài ba triệu đến cả chục triệu đồng cho các đợt vận động cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, cho Hội Người cao tuổi, quỹ khuyến học… vẫn diễn ra thường niên tại khu phố bà ở, thị trấn và huyện. Bà cũng đã trở thành mạnh thường quân thường niên cho hầu hết các chương trình hoạt động của khu phố, thị trấn, huyện, tỉnh. Những đóng góp đó đều xuất phát theo ý sống của bản thân bà chứ không màng chút danh lợi nào cả.

Bà Nguyễn Thị Quế được mời giao lưu nhân dịp kỷ niệm ngày 8-3.
Bà Nguyễn Thị Quế được mời giao lưu nhân dịp kỷ niệm ngày 8-3.

Với những đóng góp tích cực của mình, bà Quế đã được tặng nhiều bằng khen, tôn vinh tấm lòng nhân ái, làm kinh tế giỏi, như: “Gương người tốt - việc tốt”, “Xuất sắc trong 10 năm thực hiện đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa 2000-2010”, “Phụ nữ tiêu biểu toàn quốc năm 2006-2011”, “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi tỉnh Đồng Nai năm 2003-2008”, “Có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2003-2007” và nhiều giấy khen của các cấp, ngành trao tặng cho bà về các thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, nông dân sản xuất giỏi…

Hiện nay, ở cái tuổi xế chiều, điều kiện kinh tế đã ổn định, các cháu đã trưởng thành nên bà yên tâm mà tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Bà Trần Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Trảng Bom, cho biết: “Cô Quế là gương điển hình làm kinh tế giỏi, lại đóng góp rất nhiều cho khu phố, thị trấn. Dù bản thân không góp sức được do điều kiện sức khỏe, nhưng chưa khi nào cô từ chối góp của khi các ban, ngành vận động”.

Ngồi lắng nghe tâm sự của người phụ nữ ấy, nhiều lần chúng tôi phải bật cười bởi câu chuyện làm từ thiện của bà. Có lần, Hội Người cao tuổi vận động tiền để mua tấm phúng treo trước cửa nhà hội viên qua đời. Sau khi đi nhiều nhưng chẳng vận động được, các cụ trong Hội được bà Quế ủng hộ, mua cho Hội tấm phúng để viếng tang. Kể từ đó, dưới lề tấm phúng điếu đám tang các hội viên người cao tuổi ở thị trấn Trảng Bom lúc nào cũng có dòng chữ: “Bà Nguyễn Thị Quế phúng điếu”. “Từ đó, cái tên của bà lại đi khắp các đám tang của hội viên người cao tuổi thị trấn…” - bà Quế nói vui.

Tiếp xúc với người phụ nữ nhỏ nhắn, có nụ cười phúc hậu ấy mới biết, xã hội này có mấy ai “lớn” được như bà, lớn ở cái việc gánh chuyện nhà, chuyện người trên tấm thân tật nguyền. Ấy thế mà nhìn con người ấy, niềm đam mê lao động chưa bao giờ ngơi nghỉ, chưa bao giờ hết thôi thúc bà cống hiến cho đời.

Tố Tâm

 

 

 

 

Tin xem nhiều