Đồng Nai vốn không có những làng nghề truyền thống làm đồ chơi mùa trung thu. Nhưng theo thời gian, cùng với nhu cầu mua sắm, vui chơi của giới trẻ, nghề này bắt đầu du nhập. Những chiếc đầu lân đủ kích cỡ, chiếc mặt nạ hay trang phục ông địa đủ màu sắc… ngày đêm được các thợ nghề cần mẫn làm ra.
Đồng Nai vốn không có những làng nghề truyền thống làm đồ chơi mùa trung thu. Nhưng theo thời gian, cùng với nhu cầu mua sắm, vui chơi của giới trẻ, nghề này bắt đầu du nhập. Những chiếc đầu lân đủ kích cỡ, chiếc mặt nạ hay trang phục ông địa đủ màu sắc… ngày đêm được các thợ nghề cần mẫn làm ra. Để có được một món đồ hoàn hảo, bắt mắt, nhiều người thợ phải đến khu vực Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh) theo một khóa học mới có thể thành nghề.
Với những người yêu cái nghề làm vui cho trẻ nhỏ, ngày rằm tháng 8 bao giờ cũng rộn ràng, bận bịu. Nghề này cũ mà mới, chỉ làm hàng bán trong mấy ngày ngắn ngủi nhưng đã tạo thêm không khí ấm áp của ngày Tết Trung thu.
* Nghề cũ mà mới
Trung thu lại về, một vài nơi trong tỉnh bắt đầu nhen nhóm với nghề làm đồ chơi trung thu với mục đích đem lại niềm vui cho trẻ em. Làm đồ chơi trung thu thời nay đã khác, với những người thợ tay ngang còn khác hơn. Tất cả sản phẩm làm ra đều bằng tre, giấy xi măng, giấy croquis, hồ dán…, nhưng một vài công đoạn được rút ngắn nên chúng chỉ dùng được một mùa. Nhiều thợ nghề tâm sự, giới trẻ luôn chuộng hàng mới, không cần “ăn chắc mặc bền”, mà mỗi năm phải có thêm mẫu mã mới để không bị “lạc hậu”.
Nghề làm đồ chơi trung thu đòi hỏi người làm phải cẩn thận, tỉ mỉ trong mọi công đoạn. |
Căn nhà nhỏ bên chợ Biên Hòa của chị Trần Thị Lan (41 tuổi) ngổn ngang những bộ đồ dành cho người múa lân - sư - rồng. Cái đã hoàn chỉnh, cái vẫn còn dở dang. Mấy sợi lông làm viền mềm mại, những hạt kim tuyến ánh lên đủ màu sắc…, tất cả đều rất nổi bật. Bắt đầu từ việc học nghề của một người may đồ nổi tiếng ở Chợ Lớn, sau vài tháng miệt mài, cuối cùng chị Lan cũng may được một bộ trang phục múa lân đầu tiên. Đến cuối năm 2009, khi đã vững tay nghề, chị mới bắt đầu bán những sản phẩm do mình làm ra. Ngày đầu, ít người quan tâm đến hàng chị làm, vì xưa nay họ quen nhập hàng ở TP. Hồ Chí Minh, còn những người tay ngang như chị khó có cơ hội.
“Nghề này chỉ có việc theo mùa, trước Tết Nguyên đán và cuối tháng 7 Âm lịch, nên mình chỉ làm số lượng vài chục bộ một đợt thôi. Hàng làm ra chủ yếu bán cho mấy đội thi múa lân quanh khu vực Biên Hòa và các huyện lân cận. Tôi từng làm công nhân may nên chuyện may vá như thế này không có gì khó” - chị Lan tâm sự. Theo chị, tùy thị hiếu mỗi năm mà người may tạo kiểu và phối màu mỗi bộ trang phục khác nhau. Thêm vào đó, trang phục của người múa rồng khác, lân khác, sư khác và ông địa cũng khác, nên màu sắc phải phối làm sao cho phù hợp.
Giống như chị Lan, đến nay vợ chồng anh Phạm Anh Quyết (38 tuổi) đã xuất bán cả trăm chiếc đầu lân, trống con, mặt nạ ông địa. Khoảng sân chật hẹp trước nhà được vợ chồng anh tận dụng để phơi, trưng bày sản phẩm. Lối đi nhỏ xíu trong nhà cũng trở thành “kho” chất đầy đầu lân, mặt nạ ông địa... Nghề làm trống là công việc chính của gia đình anh Quyết, riêng dịp trung thu đến, chị Nguyễn Thị Hường (vợ anh Quyết) còn làm thêm đầu lân bán. Căn nhà nhỏ nằm sát ngay quốc lộ 1A (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) của anh chị mấy ngày này khá đông vui, vì người lớn, trẻ nhỏ tấp nập đến đây sắm đồ chơi trung thu.
Chị Hường bảo: “Mấy năm nay, trẻ em bắt đầu chán những đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền, mau hỏng và nhiều bậc phụ huynh vì lo cho sức khỏe của con mà đã bắt đầu quay lại mua những đồ chơi truyền thống”. Trước mắt, anh chị cứ túc tắc làm, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa học hỏi kinh nghiệm. Nghề này vừa cũ mà vừa mới, vì nó đã có từ lâu nhưng bây giờ mới bắt đầu mở rộng cho những người không chuyên. Nhưng có một điều khiến chị rất vui, đó là món đồ chơi truyền thống dần quay lại trong thú vui của nhiều người. Những năm trước, vào mùa trung thu, khách hàng từ nhiều nơi trong thị xã thường tìm đến từ rất sớm để đặt làm các đầu lân đủ kích cỡ. Cả 4 người trong gia đình chị phải tranh thủ làm ngày làm đêm để kịp giao hàng cho khách.
* Công phu chiếc đầu lân
Chúng tôi tìm đến căn nhà của bà Lê Thị Lý (47 tuổi, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) để tìm hiểu kỹ hơn về công đoạn làm ra một chiếc đầu lân. Bà quê ở thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nơi có truyền thống làm đầu lân. Vào Nam gần 20 năm nay, bà mang theo nghề truyền thống của cha ông, vừa muốn giữ nghề, vừa kiếm thêm thu nhập. Dù làm ra một chiếc đầu lân bây giờ có khác hơn ngày trước, nhưng những công đoạn, như: làm khung, dán hồ, tô màu… vẫn như cũ.
Vào đến trước cửa nhà bà Lý, chúng tôi thấy những đầu lân, mặt nạ ông địa được treo lên ngổn ngang. Cái đã được sơn phết hoàn chỉnh, cái còn trắng xóa chưa được tô vẽ, phơi lăn lóc khắp nền nhà. Đang phết keo dính chặt đường viền hai bên mí mắt đầu lân, bà Lý kể lại tường tận từng công đoạn cho chúng tôi nghe: đầu lân được chống đỡ bằng khung tre, hồ dán được quấy từ bột năng có thêm phèn chua để tăng độ cứng, dẻo, khi lớp hồ khô, gỡ khung đầu lân ra và quét lớp sơn lót tráng lên bìa rồi đem phơi nắng. Làm đầu lân xong, bắt đầu khâu trang trí, sơn phết và qua nhiều công đoạn nữa mới hoàn thành.
Với những người thợ, vật liệu để chế tạo đầu lân về cơ bản rất đơn giản, gồm: tre, giấy, hồ, vải, sơn, kim tuyến… Dụng cụ làm chỉ cần dây thép, dây dù, 1 sợi dây thun để có sự đàn hồi dùng để điều khiển mắt. “Đầu nhỏ mình làm khoảng 2 ngày, chiếc lớn gần cả tuần mới xong. Mặt nạ ông địa dễ hơn nhiều, mỗi ngày tôi làm được 5-6 cái. Muốn có được hàng cung cấp đủ trong dịp trung thu, tôi phải chuẩn bị cách đây gần một tháng. Trung thu này, gia đình tôi cũng làm và bán nhiều hơn so với năm ngoái, giá bán mỗi chiếc đầu lân nhỏ khoảng vài trăm ngàn, đầu lớn đến cả triệu đồng. Vậy mà, có khi còn không đủ bán...” - Bà Lý cho hay.
Khi chúng tôi hỏi cái khó nhất để tạo ra một sản phẩm ưng ý thì chị Hường, bà Lý không ngại cho biết, cần phải tạo cho được cái thần sắc của chiếc đầu lân. Mỗi đầu lân đều làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Theo chị Hường, quan trọng nhất là khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết của đầu lân. Thần thái của con lân nằm ở đôi mắt. Một đầu lân mạnh mẽ, hung dữ, hiền lành…, đều thể hiện qua ánh mắt. Nhìn vào chiếc đầu lân, ít người biết, phải rất công phu mới làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh như thế. Người làm cũng như người chơi phải chuyên nghiệp mới thấy sự đặc biệt này.
Mùa trung thu về là dịp để các tiệm làm đồ chơi rộn ràng với mớ công việc cắt, dán, may vá… Ngoài bánh nướng, bánh dẻo, những món đồ chơi, như: trống con, đầu lân, mặt nạ ông địa… là món quà không thể thiếu trong ngày rằm tháng tám.
Thanh Hải