Sau những tháng mưa liên tục, những ngọn đồi, khu rẫy ở các xã Phú Túc, Túc Trưng (huyện Định Quán)… như được hồi sinh. Từng khóm tre giống lục trúc, mạnh tông… bắt đầu tỏa nhánh xanh tươi. Mặt đất ẩm ướt, tơi xốp là điều kiện lý tưởng cho từng ngọn măng mập mạp, ú tròn “lách” đất đâm chồi. Tháng mưa cũng là dịp mà người dân quanh đây bước vào mùa thu hoạch măng mới.
Sau những tháng mưa liên tục, những ngọn đồi, khu rẫy ở các xã Phú Túc, Túc Trưng (huyện Định Quán)… như được hồi sinh. Từng khóm tre giống lục trúc, mạnh tông… bắt đầu tỏa nhánh xanh tươi. Mặt đất ẩm ướt, tơi xốp là điều kiện lý tưởng cho từng ngọn măng mập mạp, ú tròn “lách” đất đâm chồi. Tháng mưa cũng là dịp mà người dân quanh đây bước vào mùa thu hoạch măng mới.
Mùa măng ở huyện Định Quán thường bắt đầu vào tháng 6 và kéo dài cho hết tháng 10 dương lịch. Mưa về, cùng với cái nắng chói chang và những cơn mưa rào thấm đất, măng bắt đầu đội đất nhú lên. Người dân quanh đây lại chộn rộn với một mùa đào hái măng.
* Nghề trồng tre lấy măng
Những cây tre mọc lên từ những hốc đá sâu lại cho những mầm măng đầy đặn, mập mạp lạ thường. Với lợi thế nguồn đất rộng lớn, vùng đồi rừng hoang hóa, từ lâu bà con nông dân ở đây đã hình thành nghề trồng tre lấy măng.
Vất vả với công việc đào măng. |
Tre lấy măng là loại cây dễ trồng, phát triển mạnh, hợp với nhiều loại đất và trồng một lần có thể cho thu hoạch đến 40-50 năm. Nếu chăm sóc tốt, mức thu nhập bình quân mỗi hécta tre sau 4 năm tuổi có thể đạt 60-80 triệu đồng. “Ly hôn” với cây măng rừng để “kết hôn” với các giống tre nhà đã mang lại hiệu quả cao cho chúng tôi” - ông Trần Văn Huấn (xã Túc Trưng) dí dỏm kể lại chuyện đến với cây măng trồng. Mùa khô, trong khi măng tự nhiên không có, thì hơn 2 hécta tre giống mạnh tông của ông vẫn đều đặn có măng thu hoạch và bán rất được giá. Hiện nay, vào mùa mưa chính, giá măng xuống thấp, nhưng bù lại, ông Huấn thu hoạch đạt năng suất cao nhờ số lượng măng nhiều.
Nằm cạnh tỉnh lộ 763, nên vườn tre của ông Lê Công Sự (56 tuổi) được nhiều người biết và tìm đến tham quan tìm hiểu, trong đó đã có không ít người đặt vấn đề mua tre giống của ông để phát triển cây trồng này. Ông Sự chia sẻ: “Diện tích đất bạc màu, lởm chởm đá ở quê mình khá lớn. Nhiều người đã cố cải tạo để trồng bắp, điều nhưng không mang lại hiệu quả cao. Thấy đất bỏ hoang quá phí, vợ chồng tôi động viên nhau biến vùng đồi hoang hóa thành nơi trồng tre lấy măng”. Thời điểm ấy, cách đây hơn 10 năm, việc làm của ông Sự được nhiều người hưởng ứng, rồi từ đây lan rộng ra thành phong trào. Từng đồi cây cằn cỗi thay thế bằng những vườn tre xanh rậm rạp. Để cây tre có thể đâm mầm vươn lên ở miền quê này, ông Sự chăm chỉ tìm tòi tài liệu, sách báo... Hiện tại, ông đã tận dụng hết 1,5 hécta diện tích trồng tre và 5 hécta đất gần đó dành để trồng rừng.
Vào mỗi mùa vụ, vợ chồng ông Sự bỏ tiền thuê nhân công thu hoạch, còn việc chăm sóc tre hàng ngày cũng khá đơn giản. Không cần phải quá cầu kỳ như các loại cây trồng khác, trồng tre lấy măng dễ dàng, cây măng hiện rất được thị trường ưa chuộng, nhất là ở vùng đồng bằng. Chính vì thế, măng tre dù được trồng sâu trong đồi, rẫy heo hút vẫn được nhiều thương lái bên ngoài tìm vào tận nơi để đặt hàng, thu mua. “Mỗi ngày, chỉ mình tôi thu mua được khoảng vài tạ măng tươi, có lúc nhiều hơn. Sau đó, mình đứng ở mé quốc lộ 20 chờ các nhà vườn chở đến. Mỗi kg mua tại đây từ 4-5 ngàn đồng, nhập lại cho thương lái 6,5 ngàn đồng. Công việc cực nhọc, nhưng cũng có việc làm khi hết mùa rẫy. Ở đây có nhiều người làm nghề thu mua măng rồi bán cho các xe ô tô đưa vào TP. Hồ Chí Minh, hoặc theo xe khách về Bắc” - một đầu mối chuyên mua măng, trong lúc đợi xe bốc hàng cho chúng tôi biết.
* Nhớ thời đào măng rừng
Sáng sớm, chúng tôi theo chân một tốp người đi đào măng để cùng trò chuyện và nghe họ kể lại một thời đi đào măng rừng mưu sinh đã gắn chặt với tuổi thơ, cuộc sống thường nhật của họ. Trong số họ, không ai có thể quên những năm tháng vất vả, lấm lem với từng mầm măng. “Thời đó, kiếm được những mầm măng mập mạp khó lắm, vì đó là tre rừng. Cứ hết lượt người này đào vài ngày, sau lại có người đào tiếp nên rất hiếm khi có mụt măng to nào mọc được khỏi mặt đất. Để đào được những mụt măng to và ngon, người đào măng phải xới tung cả một vạt rừng, thậm chí đào cả rễ cây lên. Không phải như bây giờ, để dành đất rẫy trồng tre lấy măng, tiện quá” - ông Hồng Văn Rảng (người dân tộc Chơ Ro, ngụ ở xã Phú Túc) kể lại. Cũng như ông Rảng, nhiều người dân ở đây đều coi thứ măng rừng hoang dại ấy từng góp phần quan trọng vào đời sống vốn gặp nhiều khó khăn của họ.
Măng được thu mua chờ xuất bán vào TP. Hồ Chí Minh, ra tận miền Bắc. |
Đào măng rừng là chấp nhận sống chung với muỗi, sên, vắt, rắn rết… Những bụi cây rậm rạp khi mưa xuống là nơi trú ẩn của những loài sinh vật này, nên những người đi đào măng bị sốt rét, rắn cắn,... không hiếm. “Nhưng thật may, cả năm chỉ có vài tháng măng mọc. Muốn tránh những tai nạn kiểu ấy cần phải ăn mặc kín, đi đứng cẩn thận. Hái được mụt măng cũng khó nhọc lắm” - chị Năm Sen (41 tuổi) thổ lộ. Nói xong, chị đưa tay chỉ những vết sẹo, vết trầy xước chằng chịt trên tay, chân của mình. Đó là kết quả của không biết bao nhiêu lần trèo núi, băng rừng đào hái măng. Cũng dễ hiểu thôi, vì với hơn 20 năm gắn bó với công việc đào hái măng, chị đã trải qua bao gian nan. Thời ấy, măng chủ yếu để ăn, mỗi ngày siêng năng, may mắn cũng kiếm được vài chục kg. Bây giờ, hễ nhà nào có rẫy, họ đều trồng tre lấy măng, thu hái dễ dàng.
Theo những người đào măng, công việc của họ tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất vất vả. Ông Hồ Phong (ngụ ở ấp Đồng Xoài, xã Túc Trưng), người đã sống qua mấy chục mùa rẫy, cho biết: “Tôi biết đào măng từ hồi còn bé xíu. Hồi đó, măng rừng nhiều vô kể và có đủ loại: măng nứa, tầm vông…, nên việc thu hái mấy loại măng này cũng đơn giản. Còn tre rừng mà chúng tôi thường gọi là tre cày thì lớn hơn, có cái bằng bắp chân, phải dùng dao nhọn đâm sâu vào đất trên chục phân mới lấy được”.
Sau cơn mưa, rừng núi đẹp đến lạ lùng, chúng tôi theo ông Phong leo lên đám đất cao nhất, đưa mắt trông trọn núi rừng. Nơi ấy, một thời khốn khó đào măng rừng để mưu sinh hiện ra trước mắt ông. Thời đó, mong ước của ông và gia đình là làm sao một ngày phải đào cho được vài chục kg măng tươi. Sau đó, cả gia đình ông cùng lột vỏ, luộc chín, xẻ ra đem phơi để dành ăn dần.
Bao đời nay, người dân ở vùng đất này sinh ra và lớn lên đã gắn liền với rừng tre, mầm măng. Cứ đến đầu mùa mưa, họ lại vào rừng sâu đào măng mưu sinh. Phát triển tốt trên những diện tích đất hoang hóa, bạc màu nên búp măng giống như sức sống mãnh liệt của con người nơi đây.
Thanh Hải