Nhìn lại sau hơn 10 năm, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) thông qua con đường phim truyền hình đã thâm nhập sâu rộng, mạnh mẽ vào đời sống văn hóa Việt Nam, tác động không ít đến nhận thức, hành vi, lối sống, ứng xử, quan điểm thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ Việt Nam theo hướng “Hàn Quốc hóa”.
Cần giáo dục, định hướng cho giới trẻ
Nhìn lại sau hơn 10 năm, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) thông qua con đường phim truyền hình đã thâm nhập sâu rộng, mạnh mẽ vào đời sống văn hóa Việt Nam, tác động không ít đến nhận thức, hành vi, lối sống, ứng xử, quan điểm thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ Việt Nam theo hướng “Hàn Quốc hóa”.[links(left)]
Nhưng rõ ràng, không thể khước từ Hallyu cũng như ngăn cấm những người trẻ tiếp cận, sử dụng sản phẩm gắn với Hallyu. Câu hỏi đặt ra với những người làm công tác quản lý văn hóa là khi tiếp nhận Hallyu, cần phải làm gì, chuẩn bị gì, ứng phó thế nào trước tác động hiển nhiên ấy?
* HALLYU: tốt và xấu
Như các hiện tượng xã hội khác, Hallyu có những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, có thể nhận thấy Hallyu đã mang lại luồng sinh khí mới trong phương thức giao lưu văn hóa. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội “đẩy” các nhà sản xuất phim truyền hình Việt Nam trở nên năng động, tích cực hơn trước sự “lấn át” của phim Hàn trên sân nhà. Phim truyền hình Việt đã ra đời ngày càng nhiều, công nghệ làm phim cũng đổi mới nhanh. Dù còn nhiều ý kiến khen chê khác nhau, nhưng tỷ lệ phát sóng phim Việt hiện nay đã lên đến 60%, bước đầu đáp ứng được tâm lý, tình cảm khán giả Việt Nam. “Có thể nói, nếu không có làn sóng phim Hàn, phim Việt chưa có bước chuyển mạnh về lượng và chất như thế. Như vậy, mặt tích cực của Hallyu là phim Hàn được coi như một phép thử cho phim truyền hình Việt Nam phát triển” - ông Trương Văn Minh (Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh) nhận định.
Một cảnh trong phim Ngôi nhà hạnh phúc, một bộ phim Việt được làm theo phong cách Hàn. |
Hiệu quả của Hallyu không phải là ngẫu nhiên, mà là thành quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cấp quản lý vĩ mô để nền kinh tế Hàn Quốc gặt hái được thành công ở các nước bằng con đường văn hóa. Đây cũng là ý tưởng của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak: “Một đất nước tiến bộ và phát triển không chỉ có thu nhập cao, mà là một đất nước có nền văn hóa phát triển ở cấp độ cao, cân bằng với sự phát triển của nền kinh tế”. Từ Hallyu, Hàn Quốc không chỉ giới thiệu được văn hóa xứ sở, mà còn góp phần làm tăng trưởng kinh tế, chấn hưng du lịch, mở rộng đối ngoại, phát triển các ngành: thời trang, giải trí, thẩm mỹ, âm nhạc… Đây là bài học lớn mà Việt Nam cần học hỏi.
Tuy nhiên, những ai nhận thấy mặt tiêu cực thì lo ngại sức mạnh của Hallyu tiềm ẩn một sự xâm nhập văn hóa, dè chừng với sự lan truyền lối sống hào nhoáng, tôn sùng chủ nghĩa vật chất và tình cảm cá nhân, tâm lý sùng ngoại… Nếu cứ để giới trẻ tiếp nhận Hallyu một cách tự phát và vô định như hiện nay, nguy cơ về những thế hệ “người Việt mang cốt cách Hàn” hoàn toàn có thể xảy ra, những hệ giá trị văn hóa Việt sẽ dần bị thay thế bằng văn hóa Hàn một cách “êm ái”. Kết quả khảo sát tại Đồng Nai của TS.Huỳnh Văn Tới cũng cho thấy, với nhóm đối tượng dưới 30 tuổi, sự “sùng tín” phim Hàn, bắt chước diễn viên Hàn Quốc, yêu thích các sản phẩm của Hàn Quốc…, đều chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm đối tượng trên 30 tuổi. Điều này chứng tỏ Hallyu tác động vào giới trẻ mạnh mẽ hơn. GS.Kim Myeong Hye cũng nhìn nhận, ở một số nước châu Á đã có những động thái của làn sóng ghét, phản đối Hallyu. Hiện tượng này xảy ra là do thay vì nỗ lực tìm hiểu và giao lưu văn hóa lẫn nhau giữa các nước, Hàn Quốc chỉ nhắm đến mục đích thương mại một chiều, bộc lộ bản chất chủ nghĩa dân tộc văn hóa.
* Cần có sự định hướng cho giới trẻ
Theo TS. Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hallyu cũng như các làn sóng văn hóa Hồng Kông, Trung Quốc hay các nước phương Tây đều là xu thế tất yếu của sự hội nhập về văn hóa quốc tế, nhất là trong một “thế giới phẳng” như hiện nay. Đặc điểm của văn hóa Việt Nam là cởi mở, tiếp nhận nhanh những yếu tố mới, vì vậy vấn đề đặt ra không phải là ngăn chặn Hallyu, mà là cần có sự nghiên cứu để giáo dục, định hướng cho giới trẻ tiếp nhận, ứng biến với hiện tượng làn sóng văn hóa một cách chủ động, tự giác, đủ bản lĩnh và vốn liếng văn hóa nội sinh để kết tinh văn hóa Hàn Quốc làm giàu cho giá trị văn hóa Việt Nam. “Nếu giới trẻ có những hiểu biết cơ bản và nền tảng về văn hóa dân tộc, thì các làn sóng văn hóa khác sẽ chỉ là sự tác động, đan xen văn hóa nhất định, không đủ sức thay thế các giá trị văn hóa Việt Nam. Và người tiếp nhận cũng đủ trình độ để chọn lựa những gì phù hợp, bổ sung thêm cho văn hóa Việt. Vì thế, cần phải tăng cường giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ, củng cố lòng yêu nước, tự hào, ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” - TS. Huỳnh Văn Tới nói.
Sẽ có “làn sóng văn hóa Việt”? Những năm qua, sự hợp tác, giao lưu văn hóa trong lĩnh vực phim ảnh giữa hai nước đã bắt đầu có những tín hiệu vui. Bộ phim Việt - Hàn hợp tác đầu tư sản xuất đầu tiên là Mùi ngò gai, trong đó kịch bản, đạo diễn, kỹ thuật dựng phim do phía Hàn Quốc đảm nhận, diễn viên hầu hết là người Việt Nam, như: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Việt Anh, NSƯT Kim Xuân, Ngọc Trinh, Minh Hoàng, Bảo Châu, Kim Hiền, Hòa Hiệp…, đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tiếp đó, một số phim Hàn Quốc nổi tiếng đã được các hãng phim Việt Nam “cover” lại với các diễn viên Việt Nam, như: Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ, Dù gió có thổi cũng gây được sự chú ý. Một số bộ phim khác cũng ra đời theo công nghệ sít-com của Hàn Quốc như Lẵng hoa tình yêu. Ở lĩnh vực kịch nói, vở hài kịch Gã nói dối đa tình với kịch bản vui nhộn theo phong cách Hàn, nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn cũng “làm mưa làm gió” một thời gian dài tại sân khấu 5B Võ Văn Tần. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học Hàn Quốc bày tỏ, đã đến lúc Việt Nam cần phải giới thiệu về văn hóa dân tộc mình với các nước láng giềng (trong đó có Hàn Quốc) thông qua phim ảnh. Tuy nhiên, để hình thành được làn sóng văn hóa Việt Nam thì cần rất nhiều yếu tố, trong đó vai trò của cấp vĩ mô rất quan trọng để có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và hiệu quả. |
GS.Hong Sik Yu thì cho rằng, không chỉ người Việt hiểu biết văn hóa Hàn thông qua phim ảnh, mà người Hàn cũng cần có sự hiểu biết ngược lại. Hình ảnh 40 cuộc đình công của gần 50 ngàn công nhân làm việc ở các công ty Hàn Quốc tại Đồng Nai trong năm 2011 là hình ảnh xấu cần phải được cải thiện. Vì vậy, cần phải tăng cường sự giao lưu, đẩy mạnh hợp tác văn hóa giữa hai nước để có sự thấu hiểu và hoàn thiện văn hóa hơn nữa.
Tương tự, TS.Ha Youn Geum (Viện Phát triển Contest Hàn Quốc) cho biết, ký ức về chiến tranh giữa Việt Nam và Hàn Quốc là những ký ức không vui, do đó nhiều người Hàn Quốc không nghĩ Hallyu có thể gây nhiều ảnh hưởng đến người Việt Nam. Nhưng thực tế đã khác hẳn. Theo ông, không phải tính độc đáo của Hallyu, mà chính do sự tự tin có thể tiếp nhận yếu tố văn hóa nước ngoài của Việt Nam đã khiến Hallyu có thể phát triển. Vì thế, ông mong sự giao lưu văn hóa giữa hai nước sẽ góp phần đẩy lùi quá khứ và làm nền tảng giúp Việt Nam - Hàn Quốc thông hiểu, xích lại gần nhau hơn.
Thanh Thúy