Báo Đồng Nai điện tử
En

Bắt hung thủ trong những vụ án “mờ” (Bài 5)

09:08, 24/08/2012

Kế hoạch gây án công phu và tỉ mỉ, luôn có nhiều cách đối phó với cơ quan điều tra, thậm chí lái hướng điều tra sang hướng người khác là thủ phạm, nhưng cuối cùng hung thủ cài bom cassette gây thương vong cho 4 đứa trẻ vô tội cũng bị bắt giữ.

Kẻ thủ ác lộ diện

Kế hoạch gây án công phu và tỉ mỉ, luôn có nhiều cách đối phó với cơ quan điều tra, thậm chí lái hướng điều tra sang hướng người khác là thủ phạm, nhưng cuối cùng hung thủ cài bom cassette gây thương vong cho 4 đứa trẻ vô tội cũng bị bắt giữ.

* Lật lại hồ sơ điều tra

Thời gian thấm thoát trôi qua gần 2 năm nhưng chân tướng hung thủ cài bom cassette vẫn chưa lộ diện. Năm 2007, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh xảy ra hai vụ nổ, nên Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục lật lại điều tra vụ nổ ở Đồng Nai, với sự hỗ trợ lực lượng điều tra viên của Bộ Công an.

Ông Hải lúc bị bắt giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Ông Hải lúc bị bắt giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Qua gần một tháng điều tra, truy xét với sự hỗ trợ của Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban chuyên án, đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm đánh án. Tại cuộc họp, sau khi nghe các điều tra viên đề ra nhiều giả thuyết về hung thủ cài bom, Đại tá Nguyễn Phi Hùng hỏi Thượng tá Bùi Thanh Sơn nhận định ai là hung thủ. Lúc này, Thượng tá Sơn mạnh dạn nêu ra nhận định thủ phạm gây án là Đỗ Minh Hải. Bởi, chỉ có ông Hải là người có mối mâu thuẫn âm ỉ, sâu sắc nhất với gia đình ông Đạt. Đại tá Nguyễn Phi Hùng hỏi Thượng tá Sơn dựa vào đâu để đưa ra nhận định ông Hải là thủ phạm, Thượng tá Sơn trả lời ngay rằng, dựa vào tâm lý tội phạm. Bởi trưa 8-6-2005 (ngày xảy ra vụ nổ), ông Hải không về nhà, cố ý lái hướng điều tra sang người khác là thủ phạm. Nghe Thượng tá Sơn trình bày, Đại tá Nguyễn Phi Hùng chỉ đạo ông làm kế hoạch cụ thể về giả thuyết này và 30 ngày sau phải báo cáo cho Trưởng ban chuyên án.

Thật ra, trong gần 2 năm sau ngày xảy ra vụ nổ, không lúc nào Thượng tá Sơn thôi quan tâm đến vụ án. Cùng với Thượng tá Trần Mạnh và đồng chí Thư, ông đã nhiều lần đến nhà ông Hải làm việc, thậm chí mời đến cơ quan công an lấy lời khai.

Quá trình đeo bám, tổ đánh án phát hiện, ngoài người vợ chính và 3 đứa con sống ở xã Long Giao, ông Hải còn có người vợ bé (và hai con) sống ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Sau khi xuất ngũ, ông Hải chuyển toàn bộ chế độ nghỉ hưu và lương của mình cho vợ bé, hàng tháng đi TP.Hồ Chí Minh sinh hoạt chi bộ, nhưng vẫn sống với vợ lớn và 3 người con ở Long Giao. Ở địa phương, ông Hải tích cực tham gia công tác an ninh ấp, sống hòa đồng với mọi người xung quanh.

* Cú đánh quyết định

Chọn bước đột phá từ người vợ bé ông Hải ở TP.Hồ Chí Minh, qua nhiều ngày điều tra truy xét và sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tổ đánh án nắm được chi tiết đắt giá, vào cuối năm 2003, ông Hải đã mua một chiếc máy cassette xài rồi ở khu bán đồ điện tử gần nhà vợ bé. Tiếp tục khai thác tình tiết này, tổ đánh án đồng thời đeo bám ông Hải liên tục trong nhiều ngày. Từng chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, kinh nghiệm trinh sát dày dạn nên ông Hải nhận ra mình đang bị theo dõi, từ đó có nhiều biện pháp đối phó với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dù cẩn thận đến mức nào, kẻ gian cuối cùng cũng bộc lộ những sơ hở.[links(right)]

Trên cơ sở những bằng chứng thu thập được, ngày 4-9-2007, gần hai năm sau ngày vụ nổ xảy ra, Ban chuyên án quyết định bắt giữ ông Hải. Khám xét nhà ông Hải, công an thu được những bằng chứng quan trọng liên quan đến việc ông Hải mua máy cassette ở TP.Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, những ngày đầu bị bắt, ông Hải không hề tỏ ra nao núng, thậm chí còn dọa kiện các điều tra viên bắt oan mình, đồng thời không chịu ăn cơm. Lường trước phản ứng của ông Hải, các điều tra viên bình tĩnh đấu tranh tâm lý mà không hề đưa ra các chứng cứ trực tiếp đấu tranh với ông Hải. Đến ngày làm việc thứ ba, ông Hải đề nghị điều tra viên chấp thuận 3 việc thì ông ta mới khai nhận. Đó là: “Phải cho tôi xem lời khai nhân chứng bán máy cassette; kết quả khám xét và phải đưa tôi về thăm vợ lớn ở Cẩm Mỹ”.

Đặt tờ giấy trắng trước mặt ông Hải, Thượng tá Sơn nói thẳng: “Điều kiện anh đưa ra chúng tôi không thể đáp ứng được. Chúng ta nên nói chuyện như những người đàn ông. Có lẽ, khi nói ra sự thật anh sẽ cảm thấy thanh thản lương tâm, vì người anh muốn giết là ông Đạt, chứ không phải hai đứa trẻ vô tội”. Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, ông Hải bất ngờ đề nghị điều tra viên cho uống nước và ăn cơm. Sau khi ăn hai tô mì, uống hết chai nước khoáng to, ông Hải ngỏ lời cảm ơn các điều tra viên đã mở lòng với mình và bắt đầu viết lời khai.

* Kịch bản giết người tinh vi

Câu đầu tiên ông Hải ghi vào tờ giấy mà các điều tra viên đưa là: “Tôi chính là thủ phạm gây ra vụ nổ ở nhà Đạt. Tôi rất hối hận vì đã giết hai đứa nhỏ, mà không phải là Đạt”.

Theo khai nhận của ông Hải, vì mâu thuẫn trong việc tranh chấp lối đi mà ông này đã rắp tâm giết hại hàng xóm, cũng từng là đồng đội của mình. Ông Hải đã chuẩn bị một kế hoạch cài bom rất hoàn hảo từ năm 2003, đến năm 2005 mới thực hiện. Từ năm 2003, ông Hải đã chuẩn bị mọi vật dụng (gồm: chiếc máy cassette, chiếc áo màu tím, cây đèn pin cũ và 2 cục pin, hộp quẹt, chiếc kìm, tuốc-nơ-vít, 5kg hạt điều lép, 4 thỏi thuốc nổ TNT, 4 kíp điện, 1 kíp nổ, 1 quả lựu đạn…) với nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau, nhằm khiến cơ quan điều tra khó tìm ra nguồn gốc. Những vật dụng này, ông Hải cho vào bao xác rắn và cất vào một tủ riêng, không cho vợ con vào buồng riêng khi ông chưa cho phép. Để tránh sự nghi ngờ của mọi người và cơ quan công an, ông Hải còn chủ động giảng hòa với ông Đạt và cố ý để cho mọi người biết chuyện này.

Với hành vi cài bom cassette làm 4 đứa con của ông Lê Trọng Đạt chết và bị thương, ngày 24-3-2009, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Minh Hải mức án tổng hợp tử hình cho 2 tội “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Ngày 22-6-2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã tuyên y án tử hình đối với ông Hải. Tháng 6-2011, Hội đồng thi hành án hình sự của tỉnh đã thi hành án tử hình đối với ông Hải.

Ngày 7-6-2005, biết ông Đạt chuẩn bị dọn đồ sang nhà mới (sát rẫy nhà ông Hải), ông Hải quyết định cài bom trong cassette rồi mang bao xác rắn chứa nhiều đồ đạc đến để ở nhà cũ của ông Đạt.

Đêm đó, lúc vợ con ở phòng khách xem tivi, ông Hải bí mật vào trong buồng lôi mớ vật dụng chuẩn bị gần 2 năm để cài bom vào máy cassette. Sau khi cho 2 thỏi TNT vào 2 bên loa máy và gắn kíp nổ, để cho “chắc ăn”, ông Hải còn cho thêm một quả lựu đạn có gắn kíp nổ, rồi tất cả đấu vào dây nguồn. Tiếp đó, ông Hải lau chùi máy cassette cẩn thận, lấy chiếc áo cũ quấn lại, rồi bỏ tất cả vào tủ. Số thuốc nổ, kíp nổ còn lại ông Hải mang ra Suối Râm phi tang. Mọi việc chỉ diễn ra trong 20 phút, vợ con ông Hải không hề hay biết.

Đêm đó, khoảng 3 giờ 30 ngày 8-6-2005, ông Hải bí mật mang bao xác rắn chứa máy cassette và số vật dụng chuẩn bị sẵn đến nhà ông Đạt để lại, rồi về nhà mà vợ con chẳng hay. Kế hoạch đi về được ông Hải thực hiện chỉ trong 10 phút.

Sáng đó, khi ông Đạt mang bao xác rắn đựng cassette về nhà thì vụ nổ bom đau lòng xảy ra…

Phạm Mai

 

 

 

 

Tin xem nhiều