Với những người làm nghề chài lưới ở bến đò ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) và đầu bờ đập thủy điện Trị An (vùng giáp ranh giữa hai xã Trị An - Hiếu Liêm), chiếc xuồng và cuộc đời họ được ví như chiếc lá, bồng bềnh giữa dòng nước mưu sinh.
Với những người làm nghề chài lưới ở bến đò ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) và đầu bờ đập thủy điện Trị An (vùng giáp ranh giữa hai xã Trị An - Hiếu Liêm), chiếc xuồng và cuộc đời họ được ví như chiếc lá, bồng bềnh giữa dòng nước mưu sinh.
* “Sướng”… vì không chịu thuế
Sau một đêm thức trắng thả lưới, ngư dân Lâm Xuyên uể oải nói với chúng tôi, nhờ Nhà máy thủy điện Trị An ngăn con đập, khúc sông Đồng Nai nơi anh hàng ngày thả lưới được mở rộng, với nhiều vùng xoáy, bãi đá ngầm tạo nơi cho cá, tôm cư ngụ. Tháng nước cạn, anh bám vào bãi đá để thả câu, bủa lưới, mò tôm. Mùa mưa nước đục, thủy điện xả nước thì anh xuôi xuồng về hướng hạ nguồn quăng chài. “Hơn 20 ngư dân bám khúc sông này mưu sinh mấy chục năm qua. Nhưng, hết đời cha đến đời con, chúng tôi vẫn chưa tìm được sự sung túc”- ngư dân Lâm Xuyên chỉ vào mớ cá ít ỏi vừa đánh được nói.
Ngư dân Tư Lát vừa thả lưới, vừa trông con cho vợ lên bờ bán mớ cá. |
Đang bám bờ rà cá bằng điện, nên khi nhìn thấy chúng tôi từ xa, ngư dân Chí Hải vội vã xua tay từ chối tiếp chuyện. Đến khi cặp xuồng vào bờ cân cá, chúng tôi mới được anh phân trần vài câu: “Do khúc sông có nhiều bãi đá ngầm, nước xoáy bất thường, phà đò qua lại nhiều, nên tui phải chọn phương thức hành nghề lén lút chính quyền như vậy”- ngư dân Chí Hải nói để như mong chúng tôi thông cảm với cách hành nghề của mình.
Lạch bạch đạp mái chèo cho xuồng vào bến, ngư dân Tài Mạnh xách bịch cá tạp nặng chừng 3kg vừa đánh được lên bờ. Sau khi trao cá cho chị Tám Thu và được trả 120 ngàn đồng, Tài Mạnh tiu nghỉu nói: “Ngày nào trúng thì tui kiếm được 300 ngàn đồng. Hôm nào thất thì chỉ đủ kho khô, hoặc nấu nồi canh cho tụi nhỏ. Tụi tui hành nghề ở đây sướng nhất là không phải nộp thuế thủy sản cho ai".
Rồi ngư dân Tài Mạnh chỉ tay về chiếc xuồng của dì Ba Phen đang bồng bềnh giữa dòng nước xoáy cho biết thêm, cả nhà dì Ba Phen có 3 người làm nghề chài lưới ở khúc sông này. Tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng dì Ba Phen vẫn chưa chịu lên bờ nghỉ ngơi. “Bả già yếu nhưng là "tay sát cá" của khúc sông này đó. Tuy vậy, cả nhà bả cũng không khá lên được với cái nghề này”- ngư dân Tài Mạnh nói cộc lốc.
Chậm rãi cột mũi xuồng vào đuôi chiếc xe máy đang đậu trên bờ, Hai Khoản nhìn chúng tôi dò xét, có vẻ không thân thiện. Thấy lạ, chúng tôi hỏi thì được ngư dân Tài Mạnh giải thích, khúc sông này trước kia người hành nghề chủ yếu là dân địa phương. Nay có thêm vài ngư dân nơi khác vào hành nghề nên họ tranh cạnh nhau trong chuyện làm ăn và luôn tìm mọi cách để bắt tôm, cá đang chui trốn dưới các bãi đá, vùng nước xoáy. Phần lớn những ngư dân xứ lạ hành nghề bằng phương thức rà điện, lặn dưới đáy mò nên họ sợ bị địa phương trục xuất, ngăn chặn đường mưu sinh. “Chim trời cá nước mà, ai muốn làm gì thì làm. Miễn mình làm ăn chân chính, đừng ảnh hưởng đến người khác thì sợ gì bị bắt bớ, phạt vạ”- ngư dân Tư Lát đứng kế bên liền xen lời Tài Mạnh.
* Nỗi niềm ngư dân
Điều mà các ngư dân: Tư Lát, Tài Mạnh tâm sự với chúng tôi chỉ đúng một phần. Qua ánh mắt của các ngư dân ở đây, chúng tôi vỡ lẽ, họ ngại đối diện với sự hiểu nhầm từ các chủ khai thác cá lậu trên khúc sông khi tiếp chuyện với khách lạ. Nhất là việc những người này mưu sinh bằng các phương thức đánh bắt bị cấm trên khúc sông này. “Thật tình, dân địa phương tụi tui sống đời lãng tử sông nước quen rồi. Vào mùa cá thì phè phỡn làm chơi, ăn thiệt. Tháng cá, tôm kiệt thì nhảy lên bờ làm thuê mướn cũng sống lây lất qua ngày. Tụi tui quen tự do tự tại, cần gì phải tàn sát môi trường, sợ sệt chính quyền như dân ăn xổi ở thì”- ngư dân Tư Lát bày tỏ với giọng điệu bóng gió.
Đợi dì Ba Phen cho xuồng vào bờ, chúng tôi lại gần bắt chuyện. Dì Ba Phen móm mém nhai trầu. Dì vốn là dân Việt kiều Campuchia trôi dạt về đây. Dì và các con được sinh ra và lớn lên trên những chiếc ghe bầu (loại ghe lớn đi sông) nên sông nước đã ngấm vào máu thịt. “Sống trên sông nước phải biết tôn trọng thủy thần, cần mẫn mưu sinh thì sông nước không phụ mình. Riêng những kẻ tận diệt tôm, cá nếu không bị chính quyền xử phạt, cũng bị sông nước ngược đãi mà thôi” - dì Ba Phen từ tốn nói.
Ngáp một hơi dài để quên cơn buồn ngủ, ngư dân Văn Phúc chống nạnh trả treo với mấy bà hàng cá tại bến sông: “Mấy mẹ ép tụi này vừa vừa thôi. Tụi này còn phải nuôi vợ con, đầu tư lại tay lưới, xăng dầu nữa đó. Tụi này thức cả đêm, mấy bà ôm chồng ngủ khì, vậy mà bán giá gấp đôi là cớ làm sao?”. Trả treo một hồi nhưng nói không lại mấy chị hàng cá, ngư dân Văn Phúc giả lả hạ giọng: “Mấy mẹ cho con thêm ít đồng để con mua gói thuốc vì hôm nay hẻo quá”.
Sau một đêm thức trắng, ngư dân Lâm Xuyên chỉ thu được vài ký cá tạp. |
Lầm lũi thả lưới nuôi hai con đi học, vợ bệnh nằm nhà, ngư dân Bình Triển than thở với chúng tôi rằng, độ 10 năm về trước, khúc sông này cá, tôm vô số. Tuy có nhiều người hành nghề, nhưng ngày nào anh Triển cũng kiếm gần 200 ngàn đồng. Giờ đây, do nhiều ngư dân dùng phương thức đánh bắt tận diệt nên cá, tôm trốn chui trốn nhủi đâu mất. Chính vì vậy, hiện anh đang gắng gượng bám trụ chờ thời điểm thủy điện xả nước. Lúc ấy, cá, tôm mới nhiều và thu nhập tăng lên gấp đôi so với thời điểm này.
Co ro trên chiếc ghế tại quán cóc của ông Chín Phước, các ngư dân làng cá ấp 1 và vùng giáp ranh xã Trị An - Hiếu Liêm tranh thủ uống ly cà phê sớm để chống lại cơn thèm ngủ và nỗi buồn thất bát cá tôm. Với thái độ không thiện chí, ngư dân Di Nghiên khoát tay từ chối tiếp chuyện chúng tôi: “Người ta không đồng ý chụp ảnh thì đừng chụp nha. Các ông chỉ giỏi nói hay, chừng nào xuống nước mới thấu hiểu hết sự vất vả của ngư dân tụi tôi”. Trước thái độ của Nghiên, ngư dân Tài Mạnh an ủi chúng tôi rằng, do cực khổ và quen thói sông nước nên họ hay cáu gắt. Phần vì cá, tôm thất bát, phần do cạnh tranh nhau miếng ăn nên họ luôn dè chừng với người lạ...
Đoàn Phú