Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán chổi dạo

11:08, 28/08/2012

Đôi vai lệch, thân hình gầy gò, khuôn mặt sạm đen… là hình ảnh dễ thấy ở những người bán chổi dạo. Gánh trên vai cả bó chổi nặng trịch, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, thứ công việc chưa bao giờ được coi là nhẹ nhàng, họ phải đi, phải đến và phải lam lũ trên những nẻo đường đầy nắng gió. Để có thêm thu nhập, nhiều người đã bán chổi kèm theo những tờ vé số...

Đôi vai lệch, thân hình gầy gò, khuôn mặt sạm đen… là hình ảnh dễ thấy ở những người bán chổi dạo. Gánh trên vai cả bó chổi nặng trịch, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, thứ công việc chưa bao giờ được coi là nhẹ nhàng, họ phải đi, phải đến và phải lam lũ trên những nẻo đường đầy nắng gió. Để có thêm thu nhập, nhiều người đã bán chổi kèm theo những tờ vé số...

Khác với trước đây, những người làm nghề bán chổi cho biết họ không còn trông chờ vào công việc này nữa. Bởi, cây chổi dần trở thành mặt hàng lỗi thời, ít người sử dụng.

* Rong ruổi khắp nơi

Thức dậy từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về đến nhà trọ, chị Hà (37 tuổi), người đã gắn bó với nghề bán chổi hơn chục năm nay, tâm sự: “Xuất thân từ nông dân, cực khổ quen rồi nên tôi cuốc bộ bán chổi cũng thành quen. Nghề này vất vả nắng mưa, bươn chải trên đường phố, nhưng một ngày nghỉ ốm hay có việc ở quê lại thấy “ngứa ngáy” chân tay. Mỗi ngày, nếu chịu khó đi sâu vào các ngóc ngách hẻm sâu, bán được mươi mười lăm cây chổi cũng kiếm được vài chục ngàn đồng…”. Bám trụ ở mọi con hẻm thuộc các phường Long Bình, Tân Biên…, luồn lách nhiều nên chị Hà biết rõ nơi nào dân cư đông, xóm trọ nhiều. Với chị, bán được nhất vẫn là những ngày cuối tuần.

Công việc bán chổi không chỉ có phụ nữ, mà cả đàn ông cũng tham gia.
Công việc bán chổi không chỉ có phụ nữ, mà cả đàn ông cũng tham gia.

Không chỉ ở TP.Biên Hòa, mà ở các vùng quê, xưa nay đều có những người chuyên đi bán chổi dạo, với tiếng rao vang lên như một điệp khúc: “Chổi đây, chổi lông, chổi nhựa đây…”, chẳng thể lẫn tạp vào bất cứ một lời rao nào. Những bó chổi bán rong giúp họ thoát khỏi sự nhàn rỗi, làm ăn cũng tạm, đi trên phố nếu có khách thì chỉ cần dừng lại vài ba phút, không mất nhiều thời giờ của cả người mua lẫn người bán.

Những cọng lông gà, cọng ny-lông được xâu thành từng xâu dài độ 30-40cm đầy màu sắc đã gắn với mỗi bước đi, con đường của người làm nghề bán chổi. Ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp họ lăn lộn mưu sinh. Trò chuyện với chúng tôi sau một ngày rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố để bán xong cây chổi cuối cùng, chị Nguyễn Thị Lanh (42 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp) tâm sự: “Ở nhà không nghề ngỗng gì, muốn làm nông nghiệp lại thiếu đất, thiếu vốn. Bởi vậy, nhiều người như tôi phải bỏ xứ lên đây làm nghề bán chổi. Những ngày đầu đi bán, chân tay mỏi như sắp rụng, không buồn ăn uống, chỉ muốn nằm một chỗ”. Từng bó chổi đủ loại, đủ chất liệu theo chị suốt cả một quãng đường, trở thành người bạn thân thiết không thể thiếu trong cuộc sống.

Trong số những người bán chổi dạo trên tuyến quốc lộ 1K, đoạn qua xã Hóa An, giáp ranh với TX. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), có lẽ người có đông khách nhất phải nói đến ông Thành. Năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng nhìn bề ngoài ông Thành vẫn còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Quê ông ở tận Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, nổi tiếng với nghề bó chổi cọng dừa từ những năm 1990. Cọng dừa là những thứ dường như bỏ đi, nhưng khi qua bàn tay khéo léo của người dân quê ông, chúng đã trở thành vật dụng hữu dụng trong mỗi gia đình. Giá bán cho mỗi cây chổi tốt thường từ 30-40 ngàn đồng; chổi thường 25 ngàn đồng/cây và chổi nhỏ để quét bếp giá 5 ngàn đồng/cây.

Ông Thành chia sẻ: “Tôi làm nghề này hơn 15 năm rồi. Hiện tại, vợ chồng con cái đã lên đây hết, mướn một căn nhà nhỏ, rồi nhập hàng từ dưới quê lên bán lại cho các quán nhỏ. Hàng ngày, ngoài việc bỏ mối, tôi vẫn đi bán dạo như thuở còn chập chững mới lên đây”. So với người bán chổi khác, ông Thành có thu nhập cao và ổn định, vì đã bắt trúng vận may. Mấy năm trước, người dân quanh đây vẫn quen với hình ảnh ông già vác cả mấy chục cây chổi trên vai đi bán dạo khắp nơi. Nhưng nhờ trời thương, buôn bán thuận lợi, ông đã sắm được xe Cub71 làm phương tiện đi lại, rồi mở “đại lý” cung cấp đủ loại chổi.

* Nghề lỗi thời

Nhắc đến nghề bán chổi dạo, ai cũng biết công việc này giờ đây đã lỗi thời. Khi nhà nhà đều kín cổng cao tường, những thiết bị công nghệ hiện đại dần thay thế sức vóc hạn hẹp của con người. Những người làm nghề bán chổi cho biết, họ không còn trông chờ vào những ngày tết nữa.

Ra khỏi cổng xóm trọ, trên xe buộc cả mấy chục cây chổi to nhỏ, những người bán chổi đều mong muốn lúc quay về gánh hàng sẽ nhẹ bớt. Chập choạng tối, họ lầm lũi trở về, nhiều hôm ế ẩm gặp trời mưa, cả đống chổi vẫn còn nguyên. Tâm sự về nghề, chị Nguyễn Thị Quyên (quê ở tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Ngày xưa, nghề bán chổi dọc đường tuy có vất vả, nhưng còn kiếm ăn được, đủ để chi trả tiền thuê nhà, tiền ăn hàng tháng, rồi dành dụm để gửi về quê nuôi con. Nhưng cái thời “huy hoàng” đó giờ xa rồi. Bây giờ, các cửa hàng, siêu thị trưng bày nhiều món làm sạch bụi, dụng cụ hốt rác tiện lợi, bán chổi chủ yếu cho người nghèo mà thôi. Thỉnh thoảng, mới có khách sang gọi đến hỏi mua chổi…”.

Mỗi ngày, người bán phải cuốc bộ nhiều cây số với gánh chổi trên vai.
Mỗi ngày, người bán phải cuốc bộ nhiều cây số với gánh chổi trên vai.

Lao động vất vả nên đối với những người làm nghề bán chổi dạo, một đồng kiếm được vô cùng quý giá. Họ chấp nhận ăn uống khổ cực. Đôi khi, bữa trưa của họ chỉ là một mẩu bánh mì vụn, hay suất cơm bụi ăn vội vàng. Tối về, họ lại sống trong những căn phòng trọ tạm bợ, nóng hầm hập vào mùa khô và ẩm thấp, đọng nước vào mùa mưa. Thế nhưng, để mưu sinh thì những điều đó với họ không là vấn đề, điều sợ nhất với họ là khi bó chổi vẫn còn nguyên, không bán được cây nào.

Tranh thủ buổi trưa vắng khách, ngồi nghỉ không đi đâu, một người phụ nữ bán chổi với khuôn mặt bịt kín, đội chiếc nón lá rách bươm cho biết: “Mỗi ngày, lang thang bán hàng, tôi cũng kiếm được ít tiền. Nhưng ngày nào cũng ế ẩm thì chỉ có đói thôi. Chưa kể phơi mặt ngoài đường từ sáng sớm cho đến tối mới trở về nhà, khi đôi chân đã mỏi nhừ”.

Để xoay xở, đối phó với nghề lỗi thời này, nhiều người đã chuyển qua làm công việc khác, như: nhặt ve chai, phụ việc ở lò gạch hay khăn gói về quê. Số còn lại vẫn neo nghề, vì từ trước đến giờ họ đã quen. Nhưng giờ đây, trên tay họ lại có thêm xấp vé số.

Chị Bùi Thị Gái (quê ở tỉnh Quảng Nam) phân trần: “Mỗi ngày, ròng rã qua các nẻo đường bán chổi và vé số, tôi cũng kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng. Nếu ăn uống tiết kiệm thì số dư còn khá”. Thu nhập từ nghề bán chổi dạo dường như không đủ lo cho cuộc sống của mỗi gia đình nên chị phải chạy vạy, bươn chải. Vì miếng cơm manh áo, vì sự học hành của các con, chị lại cố gắng sải bước thêm nhiều cây số nữa, dù trời nắng chói chang, hay mưa dông chớp giật.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều