Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấm áp tình thầy trò

10:08, 31/08/2012

Dưới tán phượng hồng, cô Tôn Nữ Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (ấp 2, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) cho biết, cơ sở vật chất của trường còn nghèo nàn, nhưng chất lượng giảng dạy và học tập của đội ngũ giáo viên, học sinh nơi đây luôn được Phòng Giáo dục  - đào tạo (GD-ĐT) huyện Thống Nhất đánh giá cao.

Dưới tán phượng hồng, cô Tôn Nữ Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (ấp 2, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) cho biết, cơ sở vật chất của trường còn nghèo nàn, nhưng chất lượng giảng dạy và học tập của đội ngũ giáo viên, học sinh nơi đây luôn được Phòng Giáo dục  - đào tạo (GD-ĐT) huyện Thống Nhất đánh giá cao.

* Đoàn kết tập thể

Từ Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, năm học 2009-2010, cô Yến được Phòng GD-ĐT điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng. Ở ngôi trường mới, điều đầu tiên mà hiệu trưởng Yến thực thi là xây dựng một tập thể giáo viên đoàn kết, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và giảm dần tỷ lệ học sinh bỏ học. Cô Yến cho biết, năm học 2011-2012, toàn trường có 34 giáo viên và 694 học sinh. Trong đó, có 20 giáo viên giỏi cấp trường, 11 giáo viên giỏi cấp huyện, 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Số học sinh bỏ học ở trường là 13 em (tỷ lệ 1,87%), giảm hơn một nửa so với năm học trước đó. Riêng tỷ lệ vận động học sinh bỏ học quay lại lớp đạt trên 50%. “Ban giám hiệu nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc vận động học sinh bỏ học quay lại lớp bằng nhiều hình thức, như: chuyển sang học hệ phổ cập, giúp đỡ vật chất, cử giáo viên dạy phụ đạo riêng…” - cô Yến nói.

Tập thể giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng.
Tập thể giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng.

Nhờ sự động viên và hỗ trợ kịp thời của Ban giám hiệu, em Nguyễn Thu Thảo (lớp 9/1) mới có điều kiện quay trở lại lớp. Thảo cho biết, mặc dù rất ham học, nhưng do mẹ của Thảo bị tai biến nằm liệt một chỗ, thiếu người chăm sóc nên em phải nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ. “Mẹ em được nhà trường hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng để thuê người chăm sóc. Nhờ vậy, em mới có điều kiện quay lại lớp và tốt nghiệp THCS. Hiện em đang chuẩn bị học nghề theo chương trình hỗ trợ của địa phương”- Thảo tâm sự.

Không riêng gì Thảo, các trường hợp bỏ học của học sinh trong trường luôn được Ban giám hiệu chỉ đạo, phân công giáo viên chủ nhiệm, phụ trách Đoàn, Đội, chi đội lớp đến tận nhà tìm hiểu lý do, hoàn cảnh các em bỏ học. Từ đó, Ban giám hiệu phối hợp cùng với Ban đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương có kế hoạch hỗ trợ học sinh. Thầy Nguyễn Như Dũng, phụ trách Đoàn, Đội của trường, nói: “Có em, chúng tôi phải đến nhà vận động 5-6 lần mới thành công. Thường các em bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế dễ vận động quay lại lớp hơn trường hợp bỏ học vì học lực yếu, ham chơi, chán học”.

Với đặc thù xã nông thôn, đa phần học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng đều thuộc diện lao động nông nghiệp nghèo, khó khăn. Thầy Hiệu phó Nguyễn Thế Hộ cho hay, trong tổng số 694 học sinh toàn trường thì đối tượng thuộc diện chính sách là 439 em. Chính vì vậy, trường chỉ tập trung vận động nguồn lực từ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc đóng góp kinh phí hỗ trợ học bổng, khuyến học, phong trào rèn luyện thể chất, học sinh bỏ học quay lại lớp. “Với trường chúng tôi, những năm qua không để xảy ra trường hợp lạm thu từ hoạt động xã hội hóa giáo dục. Mọi nguồn thu đều hướng vào nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, nên được Ban đại diện cha mẹ học sinh ủng hộ, tập thể giáo viên giám sát” - thầy Hộ khẳng định.

* Ấm tình thầy trò

Để tiếp sức cho học sinh diện nghèo, tàn tật Táng Thị Lệ Hằng (lớp 8/1), thầy Nguyễn Như Dũng đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, chi đội lớp 8/1 có kế hoạch giúp đỡ em, như: miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, phương tiện đi học. “Tuy tàn tật, gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nhưng Hằng là học sinh giỏi 7 năm liền. Trường hợp của Hằng luôn được chúng tôi quan tâm để động viên em giữ vững thành tích học tập, đồng thời nêu gương sáng để các học sinh khác noi theo và thể hiện tình cảm tương trợ bạn, giúp bạn vượt khó”- thầy Dũng bộc bạch.

Còn cô Hiệu phó Nguyễn Thị Dung thì bày tỏ, ngoài giáo dục học sinh ý thức vượt khó, giúp đỡ bạn, nhà trường còn quan tâm xây dựng các phong trào rèn luyện thể chất, vui để học, văn hóa, văn nghệ…, nhằm tạo thêm sân chơi, phát triển năng khiếu cá nhân. “Từ các phong trào: học sinh góp đá nâng cao sân trường, tiết kiệm điện, đôi bạn học tập…, đã tạo động lực tốt để học sinh rèn luyện ý thức trách nhiệm trong học tập và các phong trào chung của Phòng Giáo dục huyện và xã hội phát động” - cô Dung cho biết thêm.

Tôn Nữ Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết, tuy là trường ở  vùng sâu, xa nhưng Lý Tự Trọng luôn đạt thành tích lao động tiên tiến, đơn vị mạnh trong các phong trào giáo dục thẩm mỹ, truyền thống, đạo đức lối sống. “Không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, đó là truyền thống mà tập thể nhà trường quyết tâm gìn giữ và rất quan tâm trong các chương trình ngoại khóa”- cô Yến tâm sự.

Dưới tán phượng hồng mát rượi, cô Yến nhớ lại những kỷ niệm ngày đầu về đây dạy học, chuyển về làm quản lý khối cấp 1 (khi Trường THCS Lý Tự Trọng chia tách thành Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân và THCS Lý Tự Trọng). Thời điểm đó, cô Yến vừa làm quản lý trường mới, vẫn phải tiếp tục giảng dạy tại trường cũ theo sự phân công của Phòng GD-ĐT, do thiếu giáo viên. Cô Yến cho biết, thời kỳ đó, cơ sở vật chất cả hai nơi đều khá chật chội, tồi tàn, đội ngũ giáo viên thì thiếu. Bù lại, nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của thầy trò nên mình mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ hai nơi mà cấp trên giao. Sau khi được chuyển về Trường THCS Lý Tự Trọng làm hiệu trưởng, điều cô Yến quan tâm xây dựng là từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đến nay, cơ sở trường đã tương đối, trên 50% giáo viên đạt trình độ đại học, số còn lại đã đạt trình độ cao đẳng và hiện đang tiếp tục tự học, hoặc cử đi học đại học. “Vừa qua, trường được Sở GD-ĐT đưa vào diện khu vực 135 nên đời sống giáo viên được nâng thêm một bước, học sinh được hưởng thêm chính sách ưu đãi. Đó là điều mà chúng tôi mong đợi bấy lâu nay”- cô Yến chia sẻ.

Với 70% lực lượng giáo viên trẻ, Ban giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng quyết tâm xây dựng sự đồng đều trong chuyên môn bằng cách phân công rõ trách nhiệm giáo viên có kinh nghiệm giúp đỡ giáo viên mới về trường, mạnh dạn cho giáo viên trẻ đăng ký tham gia các đợt hội giảng và dự tiết giảng từ giáo viên giàu kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. “Chúng tôi luôn khuyến khích giáo viên trẻ tinh thần tự học, tích lũy kinh nghiệm thực tế; đồng thời đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh yếu, phổ cập giáo dục. Tuy mục tiêu đến năm 2015 Trường THCS Lý Tự Trọng đạt chuẩn quốc gia chưa đạt được về tiêu chí cơ sở vật chất, nhưng về chuyên môn thì chúng tôi đã đạt được trong năm học vừa qua. Đặc biệt, chúng tôi tự hào có được một đội ngũ giáo viên đoàn kết, sẵn lòng gắn bó với học sinh nông thôn nghèo” - cô Dung cho biết thêm.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều