Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lòng của những bác sĩ sản khoa

09:07, 03/07/2012

“Đây là công việc khá nhạy cảm. Nhiều lúc thấy bệnh nhân giằng xé tư tưởng để bỏ đi khúc ruột của mình, tôi cũng đau lòng. Mình làm nghề này cốt để giúp người, nhưng đôi lúc không tránh khỏi xót xa, khi thấy bệnh nhân trẻ đến đây bỏ thai, mà không lường hết những hậu quả nghiêm trọng về sau” - bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai tâm sự.

“Đây là công việc khá nhạy cảm. Nhiều lúc thấy bệnh nhân giằng xé tư tưởng để bỏ đi khúc ruột của mình, tôi cũng đau lòng. Mình làm nghề này cốt để giúp người, nhưng đôi lúc không tránh khỏi xót xa, khi thấy bệnh nhân trẻ đến đây bỏ thai, mà không lường hết những hậu quả nghiêm trọng về sau” - bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai tâm sự.

Gần 20 năm công tác ở lĩnh vực sản khoa, bác sĩ Hạnh chứng kiến rất nhiều trường hợp đến đây để “điều hòa kinh nguyệt”. Có người đã lập gia đình, có con, nhưng “vỡ kế hoạch” nên phải đến bỏ thai. Cũng có những cặp vợ chồng khát khao có được mụn con, nhưng cứ đến tháng thứ 2-3 thì thai bị chết lưu nên phải bỏ. Tuy nhiên, phần đông vẫn là những bệnh nhân trẻ, có em chỉ chừng 14-15 tuổi, chưa hiểu gì về khái niệm “phá thai”, nhưng sớm vướng vào “chuyện người lớn”…

* Những “vị khách” quen thuộc…

“Chúng tôi gặp không ít trường hợp trẻ vị thành niên được gia đình đưa đi bỏ thai. Khi đến đây, nghe những lời tư vấn về tâm lý giới tính, sức khỏe sinh sản, các em chỉ lặng im rồi gật đầu, trong khi phụ huynh đi theo thì vô cùng lo lắng. Còn nhỏ tuổi nên làm sao các em có thể lường được những hậu quả đau lòng từ việc nạo phá thai…” - bác sĩ Hạnh nhẹ giọng. Bà bảo rằng, có lẽ do tâm lý nên lần đầu đến bệnh viện bỏ thai, ai nấy đều lo sợ. Nhưng rồi, người nào đã đến lần thứ 2, thứ 3 thì cảm giác ấy mất dần và chỉ còn lại sự dửng dưng đến lạnh lùng. “Dù chưa được sinh ra, nhưng đó cũng là sinh mạng một con người. Vì vậy, trước lúc tiến hành bỏ thai theo yêu cầu của bệnh nhân, chúng tôi phải khám và tư vấn thật kỹ. Có người đến đây phá thai cả 7 lần. Khi chúng tôi hỏi lý do thì họ chỉ cười, rồi yêu cầu bác sĩ tiến hành thủ thuật thật nhanh” - bác sĩ Hạnh nói. Dù bệnh nhân vô tâm thật hay nỗi đau đó được giữ lại trong lòng, thì với cách thể hiện thờ ơ với sức khỏe và tương lai của chính mình như thế, những bác sĩ sản khoa đôi lúc không tránh được sự xót xa.

Trước lúc tiến hành thủ thuật, bác sĩ luôn tư vấn cặn kẽ để bệnh nhân hiểu rõ những rủi ro và tác hại từ việc nạo phá thai.
Trước lúc tiến hành thủ thuật, bác sĩ luôn tư vấn cặn kẽ để bệnh nhân hiểu rõ những rủi ro và tác hại từ việc nạo phá thai.

Bác sĩ Trần Thị Anh Thơ (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) tâm sự rằng, lúc mới về nhận công tác tại khoa sản, cũng như các đồng nghiệp khác, chị cũng thấy lo, vì hiểu rằng mình sẽ phải trực tiếp làm công việc nạo phá thai. Theo thời gian, cùng những kinh nghiệm thực tế, chị nhận ra: “Nghề nào cũng để giúp đời, cốt là ở cái tâm của mỗi người khi bắt tay vào công việc”. Chị kể, theo quy trình, sau khi hút thai, bác sĩ sẽ soi mô để xem mình đã hút sạch hay chưa. Dưới lớp kính hiển vi, từng chi tiết của thai nhi hiện rõ mồn một, khiến không ít lần chị phải rùng mình vì khiếp sợ. Chính nó đã khiến chị bất an và có cảm giác chùn chân mỗi khi bước vào cánh cửa của phòng kế hoạch hóa gia đình. Và rồi, những đêm trực, khi phải tất bật nhận những ca cấp cứu bệnh nhân bị băng huyết do nạo phá thai từ những phòng khám không đảm bảo an toàn, chị mới nhận ra rằng: “Phải vượt qua nỗi sợ hãi mới có thể làm tốt công việc và cứu được bệnh nhân của mình”.

Nhìn về hướng những bệnh nhân trẻ đang ngồi chờ đến lượt phá thai, bác sĩ Thơ nói: “Trong số này, có nhiều người là “khách quen”. Họ đến đây hoài, đến nỗi mỗi lần họ bước vào cửa là chúng tôi hiểu việc gì đã xảy ra. Nghĩ mà buồn, mình đã tư vấn nhiều lần và hướng dẫn cách tránh thai rất kỹ, nhưng họ chẳng bận tâm”.

* Mong nhiều ngày… thất nghiệp

Trung bình mỗi ngày, khoa sản của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai giải quyết trên chục ca liên quan đến nạo phá thai. Những tháng cao điểm (thường là sau lễ, tết), con số này có thể gấp đôi, gấp ba. Để lý giải điều này, bác sĩ Thơ cho hay, nhiều người do tâm lý chủ quan và vô tâm với chính tương lai và sức khỏe của mình nên làm liều, để rồi dẫn đến những hậu quả đau lòng”.

Đó là trường hợp của những cô gái tuổi đời còn “vắt mũi chưa sạch”, nhưng đã sớm “trót dại”. Đến khi họ phát hiện có thai thì số tuần tuổi đã lớn, chỉ có thể dùng biện pháp thủ thuật mới hút thai ra được. Tuổi đời non nớt, kiến thức phòng the lại mù mờ, nên các bác sĩ có hướng dẫn và tư vấn cách mấy thì chỉ vài tháng sau các em lại “ngựa quen đường cũ”. Để rồi, khi họ đã trưởng thành và lập gia đình, nỗi khát khao có một đứa con lại trào dâng. Nhưng những biến chứng trong các lần nạo phá thai trước đó khiến họ, dù đậu thai thì đến tháng thứ 3-4 vẫn bị chết lưu. Bác sĩ Hạnh tâm sự: “Tiếp nhận những ca như thế, chúng tôi xót xa lắm. Nhìn những gương mặt thất thần vì mất đi thiên chức làm mẹ mà mình không thể giúp gì hơn, chúng tôi cảm thấy có lỗi vô cùng”.

Những bác sĩ sản khoa đều mong có nhiều ngày… được thất nghiệp. Bởi có như thế, họ mới giảm được những áp lực và bớt đi nỗi ám ảnh khi phải tự tay kết thúc những mầm sống đang nảy nở. Bác sĩ Thơ tâm sự: “Ngày nào đôi tay cũng tiếp xúc với bệnh phẩm và máu của bệnh nhân nên tôi cũng ngại lắm. Đôi lúc, ra đường gặp người lạ chào xã giao rồi nghe người ta hỏi mình làm gì mà tôi thấy chạnh lòng". 

Câu chuyện giữa chúng tôi còn dang dở thì bác sĩ Thơ đành cáo lỗi để làm tiếp công việc, bởi vẫn còn rất nhiều bệnh nhân đang ngồi đợi đến lượt thủ thuật. Cánh cửa phía trong vội khép sau khi một nữ bệnh nhân chừng 20 tuổi bước vào. Bên trong phòng là tiếng dụng cụ y khoa va vào nhau, tiếng rên khe khẽ xen lẫn sự sợ hãi của bệnh nhân và tiếng nói nhỏ nhẹ trấn an bệnh nhân của bác sĩ. Nhìn qua lịch hẹn, chúng tôi thấy những con số và cái tên cứ nối nhau dài đăng đẳng. Cạnh đó, một nữ điều dưỡng đang bận rộn tư vấn cho bệnh nhân trước lúc họ đi đến quyết định bỏ thai...

Tùng Minh

 

 

Tin xem nhiều