Bên ruộng bắp của nông dân Đoàn Văn Năm (ấp Tây Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc), ông Lê Minh Tú, Thường trực Đảng ủy xã Lang Minh nói: “Nghị quyết đưa cây bắp lai thay cho cây lúa vụ đông - xuân năm 2000 của Đảng bộ xã là sự đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ cây bắp”.
Bên ruộng bắp của nông dân Đoàn Văn Năm (ấp Tây Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc), ông Lê Minh Tú, Thường trực Đảng ủy xã Lang Minh nói: “Nghị quyết đưa cây bắp lai thay cho cây lúa vụ đông - xuân năm 2000 của Đảng bộ xã là sự đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ cây bắp”.
* EL-Nino thách thức
Những năm 1998-1999, hiện tượng El-nino liên tục làm cho diện tích lúa vụ đông - xuân tại cánh đồng Tây Minh mất mùa. Trước tình hình đó, Đảng bộ xã Lang Minh đã ban hành nghị quyết chuyên đề: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất cây bắp lai vụ đông - xuân” và quán triệt đến từng đảng viên thực hiện. Ông Lê Minh Tú, Thường trực Đảng ủy xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Lang Minh thời kỳ đó cho biết, cơ sở để Đảng bộ xã ra nghị quyết chuyên đề “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất cây bắp lai vụ đông - xuân” là dựa trên kết quả khảo nghiệm 3 sào đất bắp vụ đông - xuân của ông Năm Tô tại cánh đồng Tây Minh; bài học kinh nghiệm từ vụ bắp thất bại của xã Xuân Hiệp năm 1992 và sự táo bạo, đột phá của chính quyền trong việc tìm lối thoát cho nông dân trước trình trạng El-nino gây hạn hán".
Sau thắng lợi của vụ bắp đông - xuân năm 2000, cây bắp trở thành niềm tự hào của chính quyền và nông dân xã Lang Minh. |
Để nghị quyết được thực thi khi ban hành, Đảng bộ xã Lang Minh đã chỉ đạo đại diện UBND xã liên hệ với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng bắp lai, thành lập các tổ tín chấp vay vốn ngân hàng, lập tổ thủy nông để điều phối nguồn nước hồ Suối Vọng, phát động toàn dân khai thông kênh mương nội đồng… Các tổ chức đoàn thể xã, ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức họp dân bàn về vấn đề chuyển đổi cây lúa vụ đông - xuân sang trồng cây bắp lai. Riêng các đảng viên trong xã phải làm đầu tàu bỏ lúa trồng bắp vụ đông - xuân. “Cùng với hàng chục nông dân khác, tôi và đảng viên Lâm Văn Quang, mỗi người đăng ký sản xuất 3 sào bắp tại cánh đồng Tây Minh. Còn các đảng viên không có đất trồng lúa vụ đông - xuân tại cánh đồng Tây Minh thì có trách nhiệm cùng các đoàn thể, ban ấp ra đồng đôn đốc nông dân thực thi nghị quyết” - ông Lê Minh Tú kể lại.
Theo tinh thần nghị quyết, vụ đông - xuân năm 2000, trong 300 hécta diện tích lúa (ruộng cao và thấp) tại cánh đồng Tây Minh, nông dân phải chuyển đổi từ cây lúa sang trồng bắp lai tại các chân ruộng thấp 100 hécta. Nông dân nào không chấp hành thì chính quyền không cho xuống giống lúa vụ đông - xuân, không cung cấp nước tưới, cho người khác mượn đất để sản xuất. Chính quyền xã Lang Minh còn thông báo cụ thể đến từng hộ dân rằng, hộ dân nào cố tình sản xuất lúa vụ đông - xuân tại cánh đồng này, nếu ruộng bắp kế bên bị trộm nước gây chết bắp thì phải chịu trách nhiệm về thiệt hại.
“Năm đó, có khoảng 2/100 hécta đất bỏ hoang, vì nông dân còn e ngại nên không xuống giống bắp. Chúng tôi chỉ làm được những gì mà luật cho phép và không dám can thiệp quá sâu vào quyền sử dụng đất của nông dân khi áp dụng một chủ trương mới”- ông Trần Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Lang Minh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã thời kỳ đó) cho hay.
* Nghị quyết đi vào đời sống
Đầu tháng 12-2000, ông Lê Minh Tú xung phong xuống giống cây bắp lai đầu tiên. 5 ngày sau, khi hạt bắp tại ruộng ông Tú bắt đầu nhú những mầm non khỏi mặt đất thì ông Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, lại xuống hạt. Khi ruộng bắp ông Quang nhú mầm, trong vòng 10 ngày tiếp theo, gần 98 hécta ruộng còn lại của nông dân khác cũng đồng loạt xuống giống. Ông Tú kể lại, đất khô khốc nên cày tơi sẽ tốn một lượng nước rất lớn, khi xả nước vào thì hạt bắp bị đất nén chặt, dẫn đến không nảy mầm; việc cày tơi đất cũng khiến nước dễ bốc hơi, làm đất mau mất độ ẩm. Chính vì vậy, ông và các nông dân Lang Minh làm đất theo kinh nghiệm của riêng mình, dựa theo đặc thù đất nơi đây (khi gặp nước tự nhiên đất sẽ giãn nở, tơi xốp). Đến ngày gieo hạt, mọi người dùng cuốc (hoặc cây) chọc đất, tỉa hạt. Tỉa hạt xong, dùng vòi tưới nước, chứ không xả nước vào ruộng.
Nông dân luôn túc trực ngoài đồng khi trồng bắp vụ đông - xuân. |
Khi 98 hécta bắp được gieo xuống đồng, nông dân Lý Phát Sinh (tổ trưởng) và các thành viên trong tổ thủy nông tất bật việc tuần tra để ngăn chặn việc “trộm nước” đầu nguồn, điều phối nước cho từng thửa ruộng. Lúc này, các tổ trưởng vay vốn, chủ nhiệm câu lạc bộ bắp lai cũng liên lạc như con thoi với các cán bộ ngân hàng, khuyến nông để hỗ trợ nông dân.
Bên những bằng khen về thành tích trồng bắp lai, ông Lý Phát Sinh cười hả hê hồi tưởng: “Để dẹp nạn trộm nước, tổ thủy nông chúng tôi phải nhờ lực lượng công an xã hỗ trợ và cùng phối hợp tuần tra cả ngày lẫn đêm. Bởi, nguồn nước thủy lợi thời kỳ đó là sự sống còn của cây bắp và thành công của nghị quyết”.
Nhìn cây bắp ngày một lớn nhanh, xanh tốt, nhú bắp, trổ cờ…, các lãnh đạo xã Lang Minh, sau khi thăm đồng đã thể hiện sự phấn khởi. Ông Trần Đình Khởi, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, khi cây bắp được một tháng tuổi, nhìn bằng mắt và từ đánh giá của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, ông và 4 thành viên khác trong Đảng bộ xã rất tự tin về sự thành công của nghị quyết. “Lúc ấy, chúng tôi tạm gác lại các cây trồng khác, tập trung phần lớn thời gian, công sức vào chăm sóc cây bắp lai. Ngay cả lãnh đạo huyện cũng liên tục về Lang Minh thăm các cánh đồng bắp và theo sát cán bộ xã trong việc chỉ đạo nông dân trồng bắp đông - xuân” - ông Khởi nói.
Năm 2000, Đảng bộ xã Lang Minh đột phá bằng nghị quyết chuyển đổi trồng lúa vụ đông - xuân sang bắp lai, qua đó từng bước xóa dần hộ đói, giảm hộ nghèo và vươn lên làm giàu từ mô hình 2 lúa - 1 bắp (ruộng thấp), hoặc 2 bắp - 1 lúa (ruộng cao). Đến nay, xã Lang Minh nổi tiếng về năng suất bắp vụ đông - xuân, đạt trung bình trên 10 tấn/hécta và xuất hiện nhiều câu lạc bộ bắp lai năng suất cao của huyện (13 câu lạc bộ). |
100 ngày nhanh chóng trôi qua, cánh đồng Tây Minh như trẩy hội khi cây bắp bước vào kỳ thu hoạch, năng suất trung bình đạt 9 tạ/sào. Riêng các ruộng bắp của các nông dân: Sinh, Năm, Đạt, Tú… đạt đến 1 tấn/sào. Bí thư xã Trần Văn Oanh vui sướng nói trước bà con rằng, cây bắp lai giờ đã giải quyết được nỗi lo của chính quyền khi nhìn đất đai bị bỏ hoang vụ đông - xuân, sự nhói lòng khi nghe nông dân liên tục phản ánh lúa đông - xuân liên tục thất bát. Đặc biệt, sự hợp lực của chính quyền và nông dân “chống El-nino” thành công đã tạo ra sự đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông - xuân để các nơi khác học tập. Riêng Chủ tịch UBND xã Lê Minh Tú thì trút được trách nhiệm “đứng mũi, chịu sào” khi lên diễn đàn báo cáo với cấp trên, trò chuyện cùng nông dân: “Cây bắp lai luôn để lại trong tôi kỷ niệm đẹp về thời gian làm chủ tịch UBND xã”...
Đoàn Phú